Chiêm cảm từ Thành Cổ Quảng Trị

Lê Đức Dục |

Khi thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) có con đường nối từ ngã ba Hải Thượng về Trí Bưu, men theo bờ tường phía đông của Thành Cổ rồi băng qua sông Thạch Hãn bằng cây cầu Thành Cổ duyên dáng và nhập vào quốc lộ 1 ngay trước Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong thì mỗi lần có công chuyện đi Huế hay Hải Lăng, tôi thường chạy xe theo tuyến đường mới này thay vì chạy theo quốc lộ 1 như trước. Không phải vì tuyến đường này vắng xe cộ hay chạy nhanh hơn mà vì một lẽ giản đơn, đi qua cung đường này, dễ cho tôi một liên tưởng về tương lai của thị xã. Những đô thị mới đã mọc lên ở hai bên tuyến đường này phía gần Trí Bưu, một không gian đô thị mới, thoáng đãng và bay bổng. Và không xa là cánh đồng lúa mênh mông nối mùa đổi sắc, xanh con gái khi vừa gieo sạ rồi ửng vàng khi đơm bông và vàng rực lên khi mùa lúa chín.

Đôi bờ thời gian

Ngắm bức tranh đồng nội hiền hòa ấy, chợt đột khởi một di tích bên tay trái của mình nếu từ phía Nam đi ra, đó là di tích lịch sử Nghĩa Trũng đàn - nơi hài cốt quân Tây Sơn được quy tập về. Và cạnh đó là ngôi trường THPT mang tên Nguyễn Huệ vừa mới xây dựng còn thơm mùi sơn mới. Một ngôi trường mang tên vị Vua tài ba, đánh tan quân Thanh bên cạnh một di tích lịch sử, nơi có hài cốt những người lính áo vải cờ đào đó chẳng phải là một sự tiếp nối của quá khứ và hiện tại đầy ý nghĩa hay sao?

Tấm hình chụp một kiến trúc của Thành Cổ Quảng Trị hơn 70 năm trước (Tư liệu của họa sĩ Lê Bá Đảng -Lê Đức Dục chụp lại)
Tấm hình chụp một kiến trúc của Thành Cổ Quảng Trị hơn 70 năm trước (Tư liệu của họa sĩ Lê Bá Đảng -Lê Đức Dục chụp lại)

Và tôi nghĩ thị xã Quảng Trị sẽ vững vàng đi lên từ những tiếp nối xưa nay đầy ý nghĩa như thế. Thời gian nơi đây sẽ trĩu nặng quá khứ nhưng cũng hào sảng với tương lai như cung đường mới mà chúng tôi vẫn thích thú mỗi lần ngang qua. Nói chuyện quá khứ, tôi lại nhớ một lần về thăm ngôi nhà của họa sĩ Lê Bá Đảng ở làng Bích La Đông, tôi đã thấy một bức ảnh của ông chụp với mẹ và chị gái ở một công trình kiến trúc rất cổ kính. Sau này gặp lại họa sĩ khi ông từ Pháp về Việt Nam, tôi có hỏi về bức ảnh và ông cho biết cái cổng ấy ở thị xã Quảng Trị, ngày ấy gọi là “chợ tỉnh”, được chụp vào năm ông chừng 13-14 tuổi. Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921, như vậy bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1934-1935.

Hình ảnh cái cổng cổ kính ấy có lẽ là bức ảnh xưa nhất về một kiến trúc nguyên vẹn của Thành Cổ Quảng Trị mà tôi được nhìn thấy. Cũng thật lạ kỳ, từ tấm hình đen trắng cách đây gần một thế kỷ, những họa tiết, hoa văn sau nước ảnh đen trắng đã ố mờ màu thời gian vậy mà đủ sức gợi lại cả một quá vãng văn hiến và thanh bình của miền đất lỵ sở này. Thị xã với một ngày xưa đã từng đẹp như một bài cổ thi viết trên dải gấm màu ngọc bích là làn nước xanh lạ kỳ của dòng sông Thạch Hãn.

Sự lựa chọn kỳ lạ...

Kể từ năm 1558, khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào đóng dinh ở vùng Ái Tử để mưu cơ nghiệp lâu dài xứ Đàng Trong, trải mấy đời Chúa Nguyễn, cả khi dời dinh vào Phú Xuân thì thủ phủ thành xưa vẫn lưu dấu ở làng Tiền Kiên, xã Triệu Thành,Triệu Phong. Năm Gia Long thứ 8-1809, vua mới cho dời thành về làng Thạch Hãn, khởi thủy cho một hành trình đến nay vừa tròn 210 năm có lẻ của Thành Cổ Quảng Trị (1809-2020). Hơn hai trăm năm tuổi với một đô thị chưa thể gọi là già, nhưng những gì diễn ra ở Thành Cổ Quảng Trị này trong ngần ấy năm lại mang vác những biến cố lịch sử kỳ lạ mang tầm vóc thời đại và nhân loại.

Từ một thành lũy đắp bằng đất, năm 1827, vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng gạch, với kiến trúc quân sự kiểu Vauban, có bốn góc thành xây nhô ra ngoài làm pháo đài để kiểm soát 4 cửa thành. Những viên gạch xây thành từ đầu thế kỷ 19 ấy đến năm 72 của thế kỷ 20 đã thành chứng tích cho một cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam diễn ra trên một vùng đất chỉ vài cây số vuông diện tích này.

Nghĩa Trũng đàn. Ảnh: L.Đ.D
Nghĩa Trũng đàn. Ảnh: L.Đ.D

Nhắc tới Thành Cổ, hầu hết mọi người chỉ nhớ đến mùa hè năm 1972, nhớ đến hàng vạn người lính trẻ ngã xuống mà ít người biết rằng từ 100 năm trước, cũng ở làng Thạch Hãn nơi Thành Cổ Quảng Trị này, có một nghĩa trang được lập ra và sau này trở thành nghĩa trang liệt sĩ của những người lính Tây Sơn áo vải cờ đào. (Hài cốt nghĩa binh Tây Sơn ấy được một người Quảng Trị quy tập từ Hà Nội về đây, như giờ đây ở đất Quảng Trị có những nghĩa trang dành cho các liệt sĩ được quy tập về từ những cánh rừng Trường Sơn vậy). Nghĩa trang ấy chính là Nghĩa Trũng đàn ở làng Thạch Hãn mà chúng tôi đã nhắc ở đầu bài viết.

Từ những nấm mộ nghĩa binh Tây Sơn cả trăm năm trôi qua không ai khói hương chăm sóc nên thành mả hoang ở ngoại thành Hà Nội mà một người con của Quảng Trị làm Tuần Vũ ngày ấy là ngài Hoàng Hữu Xứng khi đi hành hạt quanh thành đã phát hiện ra. Ngẫm rằng những mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương tập cốt chôn thành gò. Với kẻ thù còn không nỡ lòng để thân xác chôn sấp dập ngửa, huống nữa đây là những nghĩa binh áo vải cờ đào đã bỏ mình vì nước? Ông quan họ Hoàng đã thuê người cất bốc, thu nhặt hài cốt hơn 600 bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở Nghĩa Trũng, đấy là năm 1872. Như thế, Nghĩa Trũng làng Thạch Hãn đã trở thành một “nghĩa trang liệt sĩ” của thời xa xưa như hôm nay trên mảnh đất này có liệt sĩ của cả cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nằm lại.

Lịch sử có những ngẫu nhiên của nó. Đúng 100 năm sau, năm 1972, ngay trên mảnh đất này đã diễn ra một cuộc chiến khốc liệt vào bậc nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Cả những nghĩa binh Tây Sơn và những người lính trẻ mùa hè năm 1972 đều chọn đất Thành Cổ này nằm lại, như một lựa chọn định mệnh của lịch sử.

Hồi sinh từ quên lãng

Sử sách đã nói nhiều đến 81 ngày đêm mùa hè năm 1972, chỉ có điều ít ai biết về sự lãng quên với thị xã này suốt gần 20 năm sau đó. “Ngay sau ngày chiến thắng, tất cả những nhà báo, những ống kính camera đều đổ xô về những thành phố mới giải phóng dọc theo chiến dịch Hồ Chí Minh và rồi những công cuộc lớn lao nóng bỏng khác của cả nước, đến khi người ta quay trở lại thì nó đã trở thành một thị trấn nhỏ nhoi bị vùi trong cỏ dại..”. Một người con Quảng Trị đã cảm khái như thế khi ông quay lại Thành Cổ vào một ngày của 20 năm trước. Cũng ít ai biết đã có những năm cái tên thị xã Quảng Trị này cũng bị mất, thay thế bằng cái tên là xã Hải Trí thuộc huyện Triệu Hải, xe chở khách sơn dòng chữ Hải Trí-Huế, Hải Trí- Đông Hà... Thị xã mất tên còn Thành Cổ bị người ta cất mất dấu “^” để gọi tên ngậm ngùi là Thành... Cỏ.

Cho đến tháng 9/1989, sau bao nhiêu lần đề đạt kiến nghị, thị xã Quảng Trị được tái lập lại. Đó là cuộc phục sinh từ cỏ dại và gạch vỡ. Và cũng từ đó, thị xã này bỗng gánh vác sứ mệnh trở thành một miền tưởng vọng những hy sinh.

Những ngôi nhà, trường học, bệnh viện... được dựng lên trên hoang tàn gạch vỡ. Và không đâu trên đất nước này, người dân lúc mở móng làm nhà lại chuẩn bị thêm vài cổ tiểu sành, nhang đèn, bởi chắc chắn thế nào khi nhát cuốc mở móng nhà bật lên, dưới đất kia hẳn cũng gặp hài cốt người lính Thành Cổ.

Trường THPT Nguyễn Huệ cạnh Nghĩa Trũng đàn. Ảnh: L.Đ.D
Trường THPT Nguyễn Huệ cạnh Nghĩa Trũng đàn. Ảnh: L.Đ.D

Không có miền đất nào có giá máu xương bằng mảnh đất Thành Cổ này. Và cũng vì thế, không ở đâu có mật độ công trình tưởng niệm nhiều như nơi đây. Trên Quốc lộ 1 phía Bắc vào, ngay đầu cầu Thạch Hãn là tượng đài tưởng niệm những người lính Trung đội Mai Quốc Ca đã quyết tử bám trụ. Trung tâm Thành Cổ là Đài tưởng niệm với một khối kiến trúc đầy tính biểu tượng, ở đó không có hận thù, chỉ có khát vọng hòa bình được viết lên trời xanh bằng một tháp bút hình ngọn lửa. Cạnh đó là bia chứng tích chiến sĩ sinh viên-một nét hào hoa rất riêng trong ngút ngàn khốc liệt bi tráng của chiến trường này ngày ấy. Từ Thành Cổ ra phía cổng Tây là tháp chuông với đại hồng chung gióng lên tiếng chuông nguyện cầu siêu thoát cho những linh hồn đã nằm lại đất Thành Cổ. Tiếp theo là Quảng trường Giải Phóng, một không gian thênh thang cho mọi người suy ngẫm trước khi bước xuống bến thả hoa-một công trình kiến trúc rất đẹp, từ đây những bông hoa sẽ được thả trôi theo dòng Thạch Hãn để tưởng niệm những người lính “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Và bên kia, bờ Bắc dòng Thạch Hãn, một cụm tượng đài và khu tưởng niệm, nhà hành lễ cũng đã trở thành một địa chỉ hành hương. Tất cả chỉ để nói với ngày hôm qua rằng, không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên và mảnh đất Thành Cổ này, sau hơn 200 năm lịch sử đã chọn nơi đây như một miền tưởng vọng của Nhân dân, của nhân loại.

Lịch sử thế giới vẫn kể về những thành phố chịu đựng hy sinh cho nhân loại, gọi là “thành phố tuẫn đạo” (ville martyre). Như thành phố Bologna của Ý, Coventry của nước Anh, Thành Cổ Quảng Trị cũng là một miền đất như thế và từ máu xương hàng vạn người hòa tan nơi đây, có một thông điệp câm lặng đã được một nhà văn “dịch” ra rằng: “Những người lính hy sinh nơi đây không phải để được phong anh hùng và hoa tươi dâng trước mộ, họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”. (Bút ký Đêm chong đèn nhớ lại của Hoàng Phủ Ngọc Tường). Vì những cái giá được trả bằng máu ấy, không có lý gì Quảng Trị không là một thành phố của hòa bình và hội tụ, nơi nhắc nhở và thức tỉnh nhân loại!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Nguồn sáng” của người khiếm thị

Tây Long |

Suốt 25 năm thành lập, các thế hệ cán bộ Hội Người mù tỉnh đã tiếp nối nhau kiếm tìm, nhân lên những điển hình người khiếm thị. Việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy đã tạo động lực cho nhiều hội viên vươn lên, bước ra từ bóng tối.

"Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị"

Xuân Dũng |

Trong những cuốn sách quý hiếm bây giờ có một ấn phẩm vào loại kỳ thư mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, cao cả, đó là tác phẩm "Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị".

Võ Văn Hoa phiêu bồng với cỏ phiêu bồng

Phạm Xuân Dũng |

“Cỏ phiêu bồng”* là tập thơ thứ tư của nhà thơ Võ Văn Hoa. Kể từ thuở hoa niên tập tành cầm bút đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ gắn bó với thi ca. Mặc dù nghệ thuật không cứ phải câu thúc chuyện thâm niên dài ngắn, song để đi hết con đường đã chọn cũng phải là người tình chung thủy với Nàng Thơ. Vì phải là người vượt qua được những eo sèo cơm áo, những gập gềnh nhân sinh và cả những nổi chìm thế sự mới có thể thăng hoa, chưa kể phải vượt qua chính bản thân mình; một cửa ải xưa nay luôn thử thách các anh hùng và thi nhân. Thân tâm không nhẹ thì luận chi được chuyện phiêu bồng.

Hương xưa làng cổ Hội Kỳ

Cẩm Nhung |

Sông Ô Lâu khi chảy về vùng đồng bằng trở thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Sông nước ấy đã bồi đắp phù sa mang lại sự trù phú cho những làng mạc hai bên bờ. Sự bồi đắp ấy không chỉ là những vườn cây trái ngọt ngào, những bến sông huyền hoặc khói sương... mà còn là những tinh hoa văn hóa. Làng Hội Kỳ của Quảng Trị cũng là một “di sản” nằm bên bờ sông Ô Lâu. Trải mấy trăm năm, làng cổ Hội Kỳ vẫn luôn bâng khuâng thương cội nhớ nguồn...