Hương xưa làng cổ Hội Kỳ

Cẩm Nhung |

Sông Ô Lâu khi chảy về vùng đồng bằng trở thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Sông nước ấy đã bồi đắp phù sa mang lại sự trù phú cho những làng mạc hai bên bờ. Sự bồi đắp ấy không chỉ là những vườn cây trái ngọt ngào, những bến sông huyền hoặc khói sương... mà còn là những tinh hoa văn hóa. Làng Hội Kỳ của Quảng Trị cũng là một “di sản” nằm bên bờ sông Ô Lâu. Trải mấy trăm năm, làng cổ Hội Kỳ vẫn luôn bâng khuâng thương cội nhớ nguồn...

Những năm học ở Huế, tôi đi gần như khắp các ngôi làng di sản nổi tiếng của cố đô. Làng đẹp nhất hồi đó tôi đến, có lẽ là làng Phước Tích ở huyện Phong Điền nằm bên con sông Ô Lâu.

Lối vào một ngôi nhà cổ ở Hội Kỳ
Lối vào một ngôi nhà cổ ở Hội Kỳ

Ngôi làng này còn bảo lưu khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế, với quần thể nhà vườn có tuổi đời hàng trăm năm đã được công nhận di tích cấp quốc gia. Ghé thăm nhà cổ của một mệ già chín mươi tuổi, chuyện lan man nhà vườn cây trái, biết tôi là người Quảng Trị, mệ hỏi tôi đã đến làng Hội Kỳ thuộc huyện Hải lăng bên kia sông chưa. Tôi thưa là chưa, mệ nói rằng nên đi về làng ấy, Hội Kỳ cũng mang dáng dấp đặc trưng của thôn quê gần gũi với đất kinh kỳ, chỉ tội cái là bên ấy thiếu người đến thăm quan. Ngày ấy, tôi đứng ở bên này Phước Tích, và ngắm nhìn về Hội Kỳ từ quãng sông Ô Lâu bằng lặng, mênh mông. Chỉ lờ mờ nhìn thấy chút hình dáng của những bến nước đậu vài con thuyền thô mộc, những mái nhà thấp thoáng sau những bụi tre cao vút mọc tua tủa mé sông. Cảm nhận ngôi làng ấy gần trong tầm mắt nhưng không thể đến đó được.

Hè này, do một cơ duyên, tôi ghé được ngôi làng Hội Kỳ. Biết tôi háo hức với chuyến đi trải nghiệm sắp sửa, một anh bạn phóng viên vừa ở đây về đã ngán ngẩm cho biết: Làng Hội Kỳ bây giờ đã nhiều đổi thay. Là vì nhiều lý do, trong đó có việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, nên về kinh tế có sự phát triển, bộ mặt làng quê ngày càng khang trang, văn minh, nhưng về văn hóa có vẻ như đang chạm đến sự nhạy cảm của làng. Là cái hồn vía của làng, cái mang đến niềm tự hào cho cư dân của ngôi làng ấy đang nhạt nhòa dần, rụng rơi dần, em ạ. Nghe anh nói thế, tôi cũng buồn, nhưng biết đó là điều không thể khác. Hiện đại hóa là quy luật tất yếu của sự phát triển dù ở bất cứ nơi nào và chúng ta phải có thói quen chấp nhận. Sự phát triển kinh tế dù muốn hay không cũng sẽ ít nhiều tác động và làm biến đổi những giá trị cũ - thứ vốn tồn tại và in dấu lâu đời trong chính mạch nguồn làng. Ngay đến làng Phước Tích nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia mỗi năm đón hàng ngàn lượt khách du lịch, mỗi kỳ festival Huế là nhộn nhịp các lễ hội giúp quảng bá hình ảnh, lại được dày công giữ gìn và tôn tạo cũng đang “sống mòn” trên di sản huống chi Hội Kỳ bấy nay chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước trong bảo tồn các di tích. Phần mình, đến Hội Kỳ lần này, dẫu biết hương xưa làng cổ đã nhạt phai ít nhiều, tôi vẫn mong tìm lại những trầm tích văn hóa sâu dày đã làm nên hồn cốt cho ngôi làng, minh chứng rằng Hội Kỳ từ thuở xưa đã là vùng đất văn vật...

Điểm đầu tiên là tôi ghé ngôi đình - công trình quan trọng đầu tiên trong thiết chế văn hóa làng. Nghe nói đình Hội Kỳ ngày xưa được dựng theo lối kiến trúc nhà rường ba gian hai chái bề thế đẹp có tiếng ở vùng Hải Lăng, về sau trong giai đoạn tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình bị đánh sập, tiếc nhất là kiến trúc nhà rường cổ độc đáo không giữ được. Ngôi đình hiện tại được dựng lại vững chãi uy nghiêm trên nền móng cũ, mái lợp ngói móc, có tiền đường, hậu chẩm. Phía trước có xây cửa tam quan, trụ biểu, la thành. Đình quay mặt về hướng đông bắc, dòng sông trôi qua trước mặt. Khuôn viên đình rộng rãi thoáng đãng mà cây cối cũng nhiều, trước sân có cây đa và cây xà cừ cổ thụ tỏa bóng xanh mát tạo nên một không gian trầm lắng, thanh tịnh. Người xưa đã rất khôn khéo chọn một cát địa tốt về phong thủy, nằm cạnh sông, cách xa nhà ở để thờ Thành hoàng và các ngài khai khẩn khai canh.

Tục truyền, khai khẩn làng Hội Kỳ là ngài thủy tổ của các tộc Nguyễn Văn, Dương Quang, Ngô Văn, Dương Văn, Trần quê ở làng Hạ Cờ xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh. Các ngài đã đến vùng đất cực nam Hải Lăng mở đất lập làng vào nửa sau thế kỷ thứ 16, gần với quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn. Điểm cư trú và sản xuất ban đầu ở tại Bụi Bậy xã Hải Hòa. Đó là một vùng đất thấp trũng, hằng năm bị lũ lụt hoành hành nên dân làng quyết định ngược dòng sông Ô Lâu tìm miền đất mới an cư. Khi xem xét đến ngã ba nơi nhánh chính Ô Lâu hợp lưu với dòng Thác Ma, thấy lòng sông ở đây nở rộng, dòng chảy không mạnh mẽ mà hiền hòa và lắng đọng phù sa bồi tụ nên các cồn đất cao, bằng phẳng; đoán biết được chỗ đất tươi tốt có thể sinh cơ lập nghiệp được lâu dài nên chiêu tập nhân dân khai khẩn đất hoang lập làng mới Hội Kỳ bây giờ.

Đã lâu đời, làng Hội Kỳ có một ngôi miếu thờ Bà Thủy, vị nữ thần bảo hộ cho cư dân ở vùng có địa bàn sông nước. Dân làng Hội Kỳ lập miếu với lòng tín ngưỡng là nhờ bà chở che bảo bọc, có một cuộc sống ấm no hạnh phúc, an cư lạc nghiệp. Miếu được dựng trên một gò đất cao sát bờ sông, là nơi mà dân sông nước qua lại có thể dễ dàng đến lễ bái. Tiếng đồn miếu Bà Thủy linh hiển, dân sở tại thường đến cầu đảo. Người dân kể rằng, mỗi khi có hội đua thuyền, đua trải, đội đua ở các làng xã trong lưu vực sông Ô Lâu thường cho thuyền ghé vào miếu thắp nhang khấn nguyện, lập tức hôm đó đi đua sẽ giành được giải cao.

Hội Kỳ còn được biết đến với một nhân vật nữ là bà Dương Thị Ngọt, phi tần của vua Thành Thái, vị hoàng đế thứ mười của nhà Nguyễn. Theo một số tài liệu xưa chép rằng, bà Dương Thị Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, một vị quan trải qua nhiều đời vua triều Nguyễn. Trên con đường hoạn lộ, dù làm gì ở đâu ông Xứng cũng mang con gái theo cùng. Càng lớn lên, Dương Thị Ngọt càng xinh đẹp đoan trang và nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của nhà vua. Khi trở thành phi tần thứ chín, Dương Thị Ngọt được vua Thành Thái hết mực thương yêu và sủng ái. Chính vì thế bà bị những bà phi khác trong cung ghen ghét bày mưu kế khiến bà Ngọt phạm phải tội khi quân. Cái chết oan khốc của phi tần Dương Thị Ngọt gắn liền với những giai thoại bí ẩn. Có tích rằng, Thành Thái là một vị vua có tư tưởng tiến bộ nên để tóc ngắn. Một lần, sau khi cắt tóc, nhà vua dạo một lượt đến từng người vợ hỏi xem tóc mới có đẹp không. Bà phi nào cũng hết lời ca tụng, riêng bà Dương Thị Ngọt đã không khen lại còn buột miệng nhận xét: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Vua nổi giận liền đưa bà Ngọt ra xử chém. Dù ra lệnh xử tử bà Ngọt nhưng cũng chính vua Thành Thái đã tổ chức hậu sự cho bà hết sức chu đáo, đúng theo nghi lễ triều đình, xứng đáng với địa vị của một hoàng phi. Theo lời kể của ông Dương Quang Mẹt, người cháu họ của bà Ngọt ở đời thứ 3, thì quan tài bà Ngọt được đưa từ kinh thành Huế về quê nhà bằng thuyền rồng theo đường sông Ô Lâu. Khi thuyền rồng cập bến thôn Hội Kỳ, các phu phen gánh bộ quan tài đi trên chiếu hoa rải cho đến nơi mai táng. Nhà vua cấp chi phí mai táng, xây dựng lăng tẩm, còn cho bốn người từ phu trông coi lăng mộ và cấp ruộng đất, miễn các loại sưu thuế cho những người này.

Lăng mộ bà Dương Thị Ngọt
Lăng mộ bà Dương Thị Ngọt

Trải qua bao biến động thời cuộc kể từ khi bà Ngọt an nghỉ nơi quê nhà Hội Kỳ, người đời sau vẫn ngậm ngùi thương xót cho số phận của người con gái có sắc đẹp được ví như thể sinh ra từ nguồn nước Ô Lâu mát lành. Lâu nay, nhiều người vẫn quen gọi dòng sông Ô Lâu bốn mùa nước trong văn vắt là dòng sông của những chuyện tình riêng đau, nên con nước dẫu đã nghìn năm vẫn cứ mãi phân vân xuôi chảy một cách lặng buồn như nước mắt của người con gái. Câu chuyện tình buồn thương giữa thứ phi Dương Thị Ngọt và vua Thành Thái cũng là một trong những tình sử Ô Lâu được người dân ở các làng xã trên lưu vực dòng sông này truyền kể từ đời này sang đời khác. Nên bây giờ về Hội Kỳ mà không ghé thăm lăng mộ bà quả là thiếu sót. Theo chỉ dẫn của ông Dương Quang Mẹt, tôi tìm thấy nơi an nghỉ của bà phi Dương Thị Ngọt giữa khu nghĩa địa hoang vắng phía sau làng. Lấy tay chùi lớp bụi phủ mờ bia đá mới thấy được dòng chữ khắc trên bia: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy Thục Thuận Dương Thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại”, dịch là: Lăng của bà họ Dương, bà phi của nhà vua được xếp vào bậc cửu giai tài nhân. Có tên thụy là Thục Thuận. Lăng được dựng vào ngày lành tháng 8 năm Thành Thái thứ 13 (tức năm 1901). Từ thời điểm xây dựng lăng mà tôi đọc thấy, đến nay cũng hơn trăm năm vật đổi sao dời, lăng đã hoang phế, nhiều đoạn tường thành đã sụp đổ, xập xệ, những mảng gạch vỡ trơ lòng ra ngoài. Rêu xanh lan tràn, cỏ dại um tùm lấn tới từ cổng cho đến tận bình phong. Trên đổ nát tôi còn nhận ra hình dạng của lăng xưa, có vòng thành hình chữ nhật bao bọc, mộ xây hình chữ nhật, sau lưng mộ có bình phong trang trí long mã khảm sành sứ và trổ một cửa phía trước là dạng cổng vòm. Hẳn là lăng mộ bề thế của một thời nơi làng quê nhỏ bé này, tiếc thay chỉ còn là phế tích đứng dầm mình trong nắng mưa khắc nghiệt. Tôi thành kính thắp nén hương trước ngôi mộ bà rồi ngậm ngùi ra đi.

Nét đẹp cổ kính tô điểm cho Hội Kỳ là những ngôi nhà rường có lịch sử hàng trăm năm, được xem là một di sản kiến trúc quý báu còn sót lại ở vùng đất Quảng Trị. Nhà rường Hội Kỳ không chỉ là một ngôi nhà gỗ đơn thuần mà gắn liền với vườn, chúng đều được xây cất giữa những khu vườn xanh biếc trồng đầy các thứ cây hoa dân dã, có một số loài cây quý được chủ nhà sưu tầm mang về trồng. Tự dưng tôi nghĩ lan man, có khi nào những ngôi nhà cổ kết hợp với vườn ở Hội Kỳ từng là một chốn bình yên thơ mộng như những nhà vườn kiểu Huế nổi tiếng ở vùng Kim Long, Nguyệt Biều, Phước Tích,... chẳng qua bây giờ chúng đã biến đổi hình dạng qua những lần tu sửa. Dựa theo trí nhớ của các cụ cao niên, trên vài chục năm trước, làng có hơn trăm ngôi nhà rường, nay còn chưa tới hai chục ngôi và đa phần được cải tạo. Điểm nhấn là dãy nhà rường cổ nối nhau dọc theo bờ sông Ô Lâu thơ mộng. Tôi lần mò tìm hiểu thì phát hiện ra điều thú vị, chủ nhân các ngôi nhà này đều họ Dương. Có lẽ họ Dương là một dòng họ chữ nghĩa hàng đầu vùng này, người làm quan thời trước không ít.

Tôi được giới thiệu tìm đến thăm quan trong một ngôi nhà rường tiêu biểu của Hội Kỳ hiện nay. Gia chủ là ông Dương Văn Mạnh, người trong làng gọi ông là “nhà Hội Kỳ học”. Ngôi nhà rường của ông Mạnh thiết lập trên một thềm đất cao nằm sát bờ sông, từ cổng vào là lối đi giữa hai hàng cau xanh mướt, tiếp đến là bình phong, rẽ lối vào có sân, bồn hoa, cây cảnh rồi đến ngôi nhà rường cổ uy nghi nằm giữa khu vườn trồng vài cây có quả rộng rãi, thoáng mát. Ông Mạnh ngồi pha ấm trà mời khách. Khách trong vùng hay ngoại tỉnh, quen hay lạ, đến Hội Kỳ đều muốn tìm thăm ngôi nhà cổ của ông. Nói chuyện với chúng tôi, ông Mạnh cho biết ngôi nhà do cụ cố Dương Văn Vĩ làm quan Chánh tổng An Thơ xây năm 1889 dưới triều vua Thành Thái. Cụ đã huy động những thợ mộc lành nghề nhất trong vùng lao động miệt mài trong ba năm mới xây cất được cơ ngơi như thế này. Đời cố để lại đời ông Mạnh là đời thứ tư cũng đã qua vài lần tu bổ nhưng vẫn giữ được nguyên bản kết cấu nhà rường truyền thống của thế kỷ 19. Thiết nghĩ cũng nói qua mấy dòng về kiến trúc ngôi nhà rường của gia đình ông Mạnh. Ngôi nhà được chống đỡ bằng 48 cột gỗ mít nài, hai mái lợp so le chín lớp ngói liệt với bốn vạn rưỡi viên. Nhà có bề ngang 12,3 mét, rộng 9,5 mét, dãy cửa bảng khoa mười tám lá, tường bao quanh nhà được xây bằng gạch vồ trát vôi. Tại các gian vẫn còn giữ được rầm thượng. Các chi tiết chạm trổ tập trung ở đầu kèo, tai trến, đòn tay trước với những hoa văn đầu rồng, cỏ cây hoa lá, hồi văn… Hệ thống liên ba chạy dọc theo không gian của ngôi nhà được trang trí bằng những ô học hình vuông, hình chữ nhật và được soi chỉ đa dạng các hình chạm khắc thường mượn trong bát tửu tam giáo (Phật, Nho, Lão), và các đề tài tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)... Ghé sát từng mặt gỗ, những chạm trổ hoa văn cách điệu đã đạt đến độ tinh xảo, cho thấy nghệ nhân xưa đã cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng nhát khắc nhỏ nhất. Tổ chức không gian sinh hoạt của ngôi nhà được thiết kế dạng hình chữ Đinh ba gian hai chái. Mặt trước cả ba gian mở cửa ra vào kiểu thượng song, hạ bản. Gian giữa là gian thờ với nguyên tắc bài trí “tiền Phật hậu linh”, hai gian hai bên là nơi tiếp khách, còn hai chái là nơi ở được phân ra tây phòng dành cho nam giới và đông phòng dành cho nữ giới, theo quan niệm thời xưa. Nội thất trang trí có bức hoành phi, hai đôi liễn đối chữ Hán nét vàng chói lọi ca ngợi tổ tiên nêu cao nếp gia phong truyền đời, và nhiều bàn ghế, sập gụ, đồ gốm cổ xưa...

Quan sát một hồi, mang niềm ngưỡng mộ riêng về trí tuệ và tâm hồn của các đời chủ nhân, tôi quay qua nói với gia chủ rằng thật không ngờ trải hơn trăm năm dầm mình trong cái thời tiết khắc nghiệt cùng bao đận thiên tai, giặc giã xứ này, ngôi nhà vẫn vững chãi, ấm cúng quả là trân quý biết bao; hẳn người xưa dựng nhà đã ước mong sẽ là chút di sản truyền đời cho con cháu. Ông Mạnh nhìn lên bức hoành phi khắc ba chữ “Tích Khánh Đường” (tạm dịch Nơi hội tụ niềm vui) được treo trên rầm thượng gian thờ, tự hào nói rằng: “Cái nhà tổ tiên mình để lại là văn hóa, là tinh hoa cả, muốn giữ hồn cốt của làng, phải giữ được ngôi nhà trước đã”. Và để gìn giữ gia tài tổ tiên để lại, gia đình ông Mạnh đã chấp nhận nhịp sống chậm, gắng gỏi cách li với những hối hả đến từ làn sống đô thị hóa đang lăm le ngoài cổng. Một mối nguy cơ lớn nữa đang đe dọa sự bình yên của ngôi nhà đến từ sức ép thời gian và sự phong hóa. Ông Mạnh tâm sự có nhiều mảng tường trát vôi trải qua một thế kỷ ngâm nắng ngâm sương đã ẩm mốc bong tróc phải sơn lại. Giờ ba gian nhà rường chỉ dành làm chỗ thờ tự và tiếp khách khứa vào tham quan, còn vợ chồng con cái ở dưới căn nhà hai tầng ngay cạnh. Nhiều đêm nằm ngủ, ông Mạnh vẫn nơm nớp sợ “di tích” mình đang sống mai một dần theo năm tháng. Tôi đọc ra niềm lo âu, trăn trở trong mỗi tiếng thở dài kín đáo của chủ nhà. Nỗi lo âu dường như cũng tỏ mờ ngay cả trong những làn hương từ ly trà trong gian nhà cổ.

Ở Hội Kỳ, tôi cũng có vào thăm ngôi nhà rường của mệ Dương Thị Hường. Khác với ngõ nhà của ông Mạnh đã dựng trụ cổng bê tông, ngõ nhà mệ là hàng chè tàu cắt xén cẩn thận, trong sân mấy gốc mai vàng cổ thụ xuân đến vẫn nở hoa. Khu vườn cũng trồng nhiều loài cây, tiếc là bữa chúng tôi về gặp ngày nắng chói chang, cây cối trông vườn héo hon do thiếu người chăm sóc. Mệ Hường nay đã trăm tuổi sống một mình trong ngôi nhà vuông một gian hai chái, căn giữa treo bức hoành phi “Đức Lưu Quang” (lưu truyền đức sáng). Nhà này được dựng năm Tân Mùi 1931, đến nay gần như còn giữ khá nguyên vẹn từ kiến trúc và các đồ vật dụng thời xưa, là ngôi nhà rất quý ở Hội Kỳ hiện nay. Tôi gặp mệ Hường ngồi trên bộ trường kỷ giữa gian nhà tối om lạnh lẽo. Chúng tôi đi quanh ngó nghiêng chụp ảnh, quay lại vẫn thấy mệ ngồi nguyên đấy. Đôi mắt mờ đục, thẳm sâu. Đôi bàn tay nhăn nheo chụm lại, các ngón tay đan vào nhau tì gối. Hỏi mệ con cháu đâu sao để bà sống một mình, mệ bảo hai người con trai đang sống bên Mỹ, hai đứa con gái đã lấy chồng ở làng này, các con cũng mong muốn đón bà về phụng dưỡng, nhưng mệ không chịu xa rời ngôi nhà này, dù chỉ là một ngày. Nhìn mệ, gương mặt già nua sống trong một ngôi nhà toàn màu gỗ nâu, tôi có cảm giác cuộc sống ở đây đã trường cửu. Mặc sự đời trôi qua ngoài ngõ chè tàu kia, trong gian nhà cổ này, ngày lại ngày mệ già nhẫn nại cất giữ nếp nhà trong dáng hình lặng lẽ, cho người đến thăm ngôi nhà này như đến viếng thăm một bảo tàng của kiến trúc cổ, lối sống cổ. Khi bước chân ra đến cổng để rời ngôi nhà, ngoái lại, tôi vẫn thấy mệ ngồi trên ghế trường kỷ nhìn ra, đôi mắt mông lung, đau đáu, không hiểu sao hình ảnh ấy làm tôi xúc động, lòng cũng nhiều dư âm hơn.

Làng Hội Kỳ với hệ thống các di sản văn hóa tín ngưỡng còn được lưu giữ đã tạo nên chuỗi những giá trị văn hóa đặc sắc bên dòng sông Ô Lâu. Làm sao để bảo tồn những di sản đó? Câu hỏi cứ ám ảnh trong tâm trí tôi trên đường tìm hiểu ngôi làng này. Còn rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành và những ai quan tâm đến Hội Kỳ băn khoăn về số phận ngôi làng, tựu trung chỉ mong có một giải pháp hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản. Nghe nói, mấy năm trước, Trung tâm Bảo tồn di tích danh thắng Quảng Trị có cử đoàn đến đo đạc, nghiên cứu chi tiết các ngôi nhà rường cổ Hội Kỳ, sau họ hứa lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia. Nhưng bao năm đợi tháng chờ, đến nay ý tưởng đó vẫn chỉ nằm trên giấy chưa được ai xem xét. Và người Hội Kỳ đã không còn mặn mà với danh hiệu di tích nữa. Không bị ràng buộc bởi danh hiệu để ngồi chờ các dự án hỗ trợ trùng tu, người dân đã tự ý sửa chữa nhiều hạng mục công trình trong các ngôi nhà cổ.

Tôi đi lang thang quanh làng rất lâu, đến một vài nhà rường nữa để tham quan, nhưng thật khó tìm ra một ngôi nhà rường nguyên vẹn. Bây giờ, số nhà cổ còn lại ở Hội Kỳ trên vẫn mái thấp lợp ngói liệt, vẫn cột kèo gỗ mà chỗ này chỗ kia đã được sửa chữa, tân trang. Một vài ngôi nhà rường ba gian hai chái bị xập xệ, chủ nhà buộc lòng phải hạ giải thành một gian hai chái hoặc ba gian bít đốc. Một số thì thay đổi công năng, chiều theo nhu cầu của gia chủ muốn hưởng thụ một cuộc sống nhiều tiện nghi hơn là chen chúc mấy thế hệ trong một ngôi nhà chật chội với thiết kế kiến trúc từ thế kỷ trước. Khắp làng, nhà rường gỗ cổ truyền được những hàng chè tàu bao bọc đang bị xen kẹt bởi quá nhiều nhà bê tông “kín cổng, cao tường”. Giới đại gia cũng lùng sục đến tận làng tìm mua nhà rường và sẵn sàng trả giá hậu hĩ để đưa được nó về dựng lại trong vườn nhà họ. Nghe người làng kể về những cột gỗ mít nài bóng láng bị tháo gỡ, chất lên thùng xe tải đưa về thành phố mà thấy đau xót. Ở đây, dường như chỉ còn người già là vẫn nặng lòng với những giá trị xưa cũ, và vẫn đang cần mẫn bảo tồn từng chút một; nhưng liệu có bõ bèn với sự hủy hoại khắc nghiệt của thời gian không?

Chiều muộn, chúng tôi tìm ra bờ sông trước mặt dãy nhà cổ. Chợt giật mình, mấy cái bến nước đã bê tông hóa. Con đường cái men theo bờ sông xưa nhỏ hẹp rễ tre xù xì cuốn quanh, cây đa cây thị tỏa bóng... cũng đã bị đốn gốc để mở đường cho rộng, trải bê tông cho xe ô tô chạy. Vì lí do nông thôn mới, những khối bê tông cứng ngắc xóa bỏ dần những khoảng xanh của sinh thái nơi này rồi. May mà những cây tre vẫn còn nhiều dọc bờ sông, để chúng tôi đến ngồi đây tận hưởng ngọn gió từ sông thổi lên mát rượi, ngắm ánh chiều tà phủ trên những mái nhà cổ thâm nâu. Phút tôi tạm biệt Hội Kỳ, lòng băn khoăn tự hỏi, không biết mấy năm sau, những cây tre này có còn nữa không?

TAGS

Nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu: Một con người, hai tên đường

Phạm Xuân Dũng |

Đây là sự lạ, trường hợp đặc biệt hi hữu của một nhà cách mạng Việt Nam. Nhân bài viết này, chúng tôi cũng muốn chuyển tải một số thông tin với nhiều người vẫn còn mới mẻ. Đó là những câu chuyện liên quan đến chiến sĩ cộng sản Hồ Xuân Lưu (Trần Quốc Thảo) quê Quảng Trị.

Độc đáo lễ Đám Chay của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều

Nguyễn Trang |

Người đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều cư trú nơi miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ bao đời nay. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo với nhiều chính sách đổi mới, bà con người Bru- Vân Kiều không ngừng nỗ lực hướng đến đời sống ngày càng ấm no, tiến bộ. Tuy cuộc sống có nhiều thay đổi song thuần phong mỹ tục luôn được người dân giữ gìn, phát huy qua từng thế hệ. Trong đó, không thể không nhắc đến lễ Đám Chay- nét văn hóa truyền thống độc đáo có lịch sử hình thành lâu đời, được lưu giữ trọn vẹn cho đến ngày nay, mang đậm bản sắc riêng của người đồng bào dân tộc Bru- Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Nhà văn Xuân Đức - Người đi xa khuất, bóng hình còn đây…

Đào Tâm Thanh |

Đối với miền đất Quảng Trị, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến hôm nay, nhà văn Xuân Đức là một nhân vật rất đặc biệt. Với tư cách là một người lính, ông thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”, bám trụ kiên cường trên quê hương mình để đánh giặc, giữ đất, giữ làng. Từ cuộc sống, chiến đấu sôi động và thấm đẫm chất anh hùng ca, ông trở thành nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch lừng danh của đất nước. Và chất tài hoa này càng mặn mà hơn, thăng hoa hơn trong suốt những năm ông đảm trách cương vị người đứng đầu ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Trị. Ngay cả khi về hưu, chọn một góc nhỏ nơi miền chân sóng quê nhà để thư thái sớm hôm trồng rau hoa, nhớ lại, suy nghĩ và sáng tạo, chất tài hoa vẫn vận vào ông để tiếp tục sinh thành những tác phẩm ngày càng đi vào độ chín hơn, đẳng cấp hơn…

Nuôi ruồi lính đen

Phan Việt Toàn |

Anh Ngô Thành Sơn công tác tại Sở NNN-PTNT Quảng Trị thử nghiệm nuôi ruồi lính đen, bước đầu thu được kết quả khả quan.