Nuôi ruồi lính đen

Phan Việt Toàn |

Anh Ngô Thành Sơn công tác tại Sở NNN-PTNT Quảng Trị thử nghiệm nuôi ruồi lính đen, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với nuôi ruồi lính đen, anh Sơn cho biết, là một thạc sỹ trẻ ngoài thời gian làm ở cơ quan anh mong muốn phát triển chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập.
Trong chăn nuôi, vấn đề xử lý mùi hôi chất thải và có thên nguồn thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi là vấn đề anh trăn trở.

Anh Sơn giới thiệu sản phẩm ruồi lính đen.
Anh Sơn giới thiệu sản phẩm ruồi lính đen.

Sau khi tìm hiểu qua sách báo, anh thấy ruồi lính đen là một sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm.

Nuôi ruồi lính đen không cần nhiều diện tích đất nhưng mang lại hiệu quả trong xử lý chất thải nông nghiệp để tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Anh Sơn đã quyết định đặt mua tại tỉnh Đồng Nai với 2kg ấu trùng bố mẹ và 50 gram trứng làm giống.

Theo chân anh Sơn, chúng tôi vào thăm khu nuôi, nhân giống và tái đàn ruồi lính đen của gia đình anh. Cơ sở vật chất để phát triển loài sinh vật này không quá cầu kỳ, gồm: Bể nuôi ấu trùng; Các khay nhựa, thùng xốp đựng kén; Lồng nuôi ruồi bố mẹ rộng chừng 12m3 để phục vụ tái đàn.

Lồng nuôi được thiết kế bằng vải mùng luôn khép kín, bên trong có hàng ngàn những chú ruồi lính đen chen chúc nhau, anh cũng bố trí một cây xanh nhỏ và các giá thể bằng gỗ làm nơi để đàn ruồi giao phối sinh sản và đẻ trứng.

Theo anh Sơn, việc đầu tư nuôi ruồi lính đen không đòi hỏi về cơ sở vật chất, chủ yếu là đảm bảo thức ăn đầy đủ, nước uống và chế phẩm vi sinh để xử lý mùi hôi.

Mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả trong xử lý rác thải, tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi và làm phân bón hữu cơ. 

Ruồi lính đen mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Sơn.
Ruồi lính đen mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Sơn.

Hiện nay, diện tích nuôi ruồi lính đen của gia đình đã sản xuất một khối lượng ấu trùng, trứng ruồi cung cấp cho thị trường làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và phục vụ nhân cấy, tái đàn, mang lại thu nhập.

“Chỉ mới bắt đầu nuôi 6 tháng, hiện nay tôi thu hoạch 100 -120 gram trứng ruồi/tháng và cung cấp cho thị trường một lượng lớn ấu trùng, trứng. Với giá bán 10 gram trứng 150 ngàn, 1kg ấu trùng 50 ngàn đã mang lại thêm nguồn thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng”, anh Sơn cho hay.

Ruồi lính đen (Hermetia illucens) là côn trùng sẵn có trong tự nhiên, không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên là động vật có lợi cho nông nghiệp.

Theo anh Sơn, ruồi lính đen là loài côn trùng khá mới mẻ đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên chúng dễ nuôi, phát triển nhanh và đặc biệt ấu trùng đem lại giá trị kinh tế cao: vừa làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản vừa được sử dụng để xử lý chất thải hữu cơ từ các hoạt động nông nghiệp hoặc hoạt động sản xuất.  

Anh Sơn cho biết thức ăn của ruồi lính đen rất đa dạng, chủ yếu là các loại rau, củ, quả hư hỏng, thức ăn thừa, các loại phế phẩm trong nông nghiệp, như: xác đậu nành, cám gạo, các loại trái cây hư…

Vòng đời ruồi lính đen kéo dài khoảng 40 ngày và chia thành 5 giai đoạn: Trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và ruồi trưởng thành. Con trưởng thành sống khoảng 5-8 ngày, không ăn chỉ uống để tồn tại khi thành ruồi, sống dưới bóng cây.

Giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt cho việc xử lý rác thải, bởi chúng có thể phân hủy hàng tấn nông sản phế phẩm để phát triển.

Ấu trùng (sâu canxi), thường được sử dụng để xử lý các nguồn phụ phế phẩm hữu cơ tại nhà hoặc trại chăn nuôi, sinh khối thu được có thể sử dụng làm nguồn thức ăn giàu đạm và canxi cho vật nuôi.

Ngoài ra nguồn phụ phẩm sau khi xử lý bởi ấu trùng ruồi lính đen có thể dùng trực tiếp cho đất trồng giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng.

“Ấu trùng ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng có thành phần dinh dưỡng cao, gồm: 43 - 51% protein, 15-18% chất béo, 2,8% - 6,2% canxi, 1-1,2% phốt pho, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, như lợn, gà, vịt, chim...

Đồng thời, là thức ăn sống tốt nhất để nuôi các loại thủy sản, như tôm, cua, cá, lươn, ếch, chim yến... Ngoài ra, ấu trùng ruồi có thể cô đặc, sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”, anh Sơn chia sẻ.

Là người đam mê nghiên cứu tìm tòi phát triển chăn nuôi với nền nông nghiệp sạch, hữu cơ anh Sơn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ kỹ thuật nuôi cho những người có nhu cầu nuôi ruồi lính đen. Với kỹ thuật nuôi đơn giản, tiết kiệm chi phí, hơn nữa ruồi lính đen là loài côn trùng có rất nhiều lợi ích đối với môi trường, đảm bảo an toàn với vật nuôi và sức khỏe con người.

Anh Sơn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ruồi lính đen cho bà con.
Anh Sơn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ruồi lính đen cho bà con.

Anh Sơn mong muốn người dân có thêm sự lựa chọn cho việc phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

“Bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu về ruồi lính đen chỉ cần gặp tôi hoặc liên lạc qua số điện thoại 0888.546.686 tôi luôn sẵn sàng chia sẻ cách nuôi và chăm sóc”, anh Sơn nói.

(Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam)

TAGS

Gà dự án đưa về nhà cán bộ, người dân bức xúc vì không hay biết

Hưng Thơ |

Khi biết tin có dự án hỗ trợ gà và thức ăn nuôi gà nhưng cán bộ không phổ biến mà tự ý lựa chọn đối tượng hỗ trợ, người dân ở xã Gio Phong (nay là xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bày tỏ bức xúc.

Bến Quan: Sản lượng mủ cao su đạt trên 6,8 ngàn tấn

Nguyên Đồng |

Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, nhất là giá cả thị trường và thiên tai nhưng thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn duy trì được diện tích cây cao su tiểu điền và đang ngày càng được mở rộng. 5 năm qua, cây cao su đã mang lại sản lượng mủ cho địa phương đạt trên 6,8 ngàn tấn.

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020

Minh Hiển |

Theo kế hoạch, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia năm 2020 hàng năm với mục tiêu nhằm phát hiện, tôn vinh được các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước; góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại nông thôn, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Triển vọng từ chương trình“mỗi xã mỗi sản phẩm” ở Hướng Hóa

Khánh Hưng - Kim Huệ |

Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Hướng Hóa đã phấn đấu xây dựng mỗi xã từ 1 đến 2 sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã trên địa bàn, giúp nâng tầm giá trị của hàng hóa nông sản tại địa phương.Qua đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã có thương hiệu, giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng lên, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.