Âm hưởng núi rừng trong các bài hát về Đakrông

Võ Thế Hùng |

Đakrông - nơi của đại ngàn rừng xanh núi thẳm, nơi của những dòng suối mát, những dòng thác huyền bí chứa đựng những giai thoại đẹp về tình yêu và bản làng. Đakrông - nơi sinh sống của nhiều tộc người Pa Cô, Bru - Vân Kiều, Kinh… với nhiều giá trị bản sắc văn hóa độc đáo, trong đó có nét đặc trưng về âm nhạc vô cùng phong phú và đa dạng. Nhiều nhạc sĩ đã tiếp cận, khai thác những giá trị ấy để viết về vùng đất Đakrông huyền thoại, sâu nặng nghĩa tình chung thủy.

Bài hát đầu tiên viết về Đakrông là một sáng tác của nhạc sĩ Tố Hải ra đời vào năm 1975. Theo trang Wikipedia: “Đắk-krông mùa xuân về” ban đầu được sáng tác trong những ngày tháng Tố Hải cùng đồng đội hành quân dọc dãy Trường Sơn trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Trong một lần hành quân qua tỉnh Quảng Trị, ông dừng lại bên một dòng suối mà người dân vùng cao gọi là suối Đắk-krông.

Những năm từ Mậu Thân 1968 trở đi, chiến tranh càng xảy ra ác liệt, ông ấp ủ viết một bài hát thật hay về Trường Sơn, vậy là ông bắt tay vào viết ca khúc “Đắk-krông mùa xuân về” với ý nguyện tặng riêng cho Tây Nguyên. Cũng trong năm 1968, ông viết xong lời 1 của bài hát nhưng phải bỏ dở và bài hát chưa được công bố. Đến năm 1970, Tố Hải được cử ra Bắc học Trường Âm nhạc Việt Nam, cùng lớp với các nhạc sĩ Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn... Giữa tháng 3 năm 1975, khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra, vào một buổi sáng, bất chợt cảm xúc của Tố Hải dâng trào mãnh liệt. Lúc ấy vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam và vẫn là thành viên của Đoàn văn công Quân giải phóng khu 5, trong một căn lán ở Nhổn (Hoài Đức, Hà Nội), Tố Hải đã hoàn thành lời 2 của bài hát “Đắk-krông mùa xuân về” ngay trong buổi sáng đó và buổi chiều ông đã mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát lập tức được dàn dựng, Kiều Hưng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này.

Cầu treo Đakrông

Nhạc sĩ Tố Hải cho biết: “Đắk-krông đúng là một địa danh của Quảng Trị, nhưng nó chỉ mang tính ước lệ thôi. Ca khúc này tôi dành tặng riêng đồng bào Tây Nguyên, bởi tôi thấy ở Tây Nguyên tất cả con sông con suối đều liên quan đến “Đắk” - nước và “Krông” - sông (nước lớn)… Bài hát này không nhằm vào một địa danh cụ thể nào cả. Dòng sông trong bài hát là hình tượng con sông lớn, sông cách mạng, đang ào ạt tuôn chảy. Đó là dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận...”.

Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt - Lào hợp với sông Rào Quán, chảy dọc theo Đường 9, xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn. Vì vậy sông Đakrông còn được gọi là thượng lưu sông Thạch Hãn. Cuộc sống mới đang trào dâng như sông KLang - Thạch Hãn - Ba Lòng - Đakrông, dẫu cái tên ở mỗi khúc sông có cách gọi khác nhau nhưng dòng sông này vẫn chở nặng phù sa, chở nặng nghĩa Đảng tình Dân chung hòa với biển lớn.

Sông Đakrông có truyền thuyết về nguồn gốc đượm chất sử thi và nhân văn. Du khách tới đây vừa chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, vừa được lắng nghe câu chuyện về cô gái Niêng A Nha và chàng trai Klang. Nhà thơ Hồ Chư, một người con của dân tộc Bru - Vân Kiều đã viết nên cảm xúc của mình trong bài thơ Huyền thoại dòng sông. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Trần Tích phổ nhạc và được công chúng rất yêu thích. Huyền thoại dòng sông với âm hưởng trữ tình, dạt dào như suối đàn ta lư và sức sống mãnh liệt của câu chuyện tình yêu được truyền đi qua giai điệu đã lôi cuốn người nghe nhiều thế hệ. Đó là dòng sông tình sử! Đó là dòng chảy của tình yêu... dòng chảy về tương lai tươi sáng của một dân tộc anh hùng.

Như đầu nguồn của mỗi dòng sông, mở đầu bài hát, những âm điệu thiết tha, nhẹ nhàng, hoà quyện với lời ca giàu biểu cảm khiến người ta như thấy hiển hiện một vùng rừng núi miền tây Quảng Trị khoáng đạt và bay bổng: Huyền thoại về một dòng sông từ xa xưa còn đây / kể lại chuyện một tình yêu còn mãi / đã qua bao mùa trăng/ đã qua bao mùa rẫy / mà chuyện tình còn mãi trong tôi... Âm vực sâu rộng của giai điệu gợi lên một không gian mênh mang, kỳ vĩ, như những dòng suối nhỏ gom góp sức mình đổ về thành một dòng sông. Bài hát gợi lên những cảnh sắc rất đặc trưng của núi rừng Đakrông, một miền đất cách mạng, một miền sử thi phong phú và đa dạng. Những giai điệu phiêu linh đó cũng khiến ta nghĩ đến những tiếng cồng, tiếng chiêng thiêng liêng vang vang trong đại ngàn thâm u, huyền bí, ẩn chứa trong mình một sức mạnh vô biên. Ơ, cánh chim đại bàng, bay qua đại ngàn hóa kiếp / ơ, cánh chim đại bàng thương ai bay về trên dòng sông huyền thoại... Rồi dòng nước ấy mỗi lúc một mạnh lên như sự chung sức, chung lòng của tình yêu biến thành dòng thác lũ, cuốn phăng đi những cản trở trên đường đi của nó để mang tình yêu đến cho hai người yêu nhau. Lúc này, tiếng hát như tiếng nước reo rộn rã, tươi vui như tiếng đàn P’lưa:

Hỡi suối, hỡi núi, hỡi nắng, hỡi gió

Hỡi suối, hỡi núi, hỡi nắng, hỡi gió

Về Krông Klang, về Krông Klang

Bài hát được viết ở nhịp 4/4 thể loại ballade trữ tình kể chuyện. Giai điệu phóng khoáng, trong sáng, khoẻ khoắn, buồn thương mà vẫn thấm đẫm chiều sâu một tình yêu huyền thoại. Âm vực rộng, những quãng xa của giai điệu khiến ca khúc Huyền thoại dòng sông của nhạc sĩ Trần Tích trong lời thơ của Hồ Chư được giới ca sĩ chuyên nghiệp yêu thích và coi như một sự thử thách và trưởng thành cho giọng hát của mình.

Dòng Đakrông vốn dĩ bình thường như bao dòng sông êm đềm, hiền hòa khác của Quảng Trị, vậy mà bằng niềm xúc cảm của người nghệ sĩ, bằng khả năng liên tưởng của người làm thơ, làm nhạc, nó hiện ra như một chứng tích lịch sử của vùng đất Đakrông. Bài hát mang hơi thở của âm nhạc núi rừng Tây Nguyên nhưng lại có riêng cho mình một âm sắc khác lạ, độc đáo của dân ca Bru - Vân Kiều, Pa Cô.

Người con gái Pa Cô, Vân Kiều
Người con gái Pa Cô, Vân Kiều

Dòng sông Đakrông gắn với câu chuyện tình của nàng Niêng A Nha quyền quý và chàng Klang đói nghèo là tứ gợi niềm cảm hứng cho nhà thơ và nhạc sĩ. Tuy nhiên, sâu xa hơn, nó chính là cảm nhận của các tác giả về vóc dáng, tâm hồn… những nét đáng yêu của con người và vùng đất Đakrông đại ngàn.

Cũng từ sự lạ và đẹp đó, chất liệu âm nhạc của núi rừng Đakrông tiếp tục được các nhạc sĩ chuyên nghiệp khai thác để làm nên những tác phẩm âm nhạc sống mãi cùng thời gian, từ những ca khúc Ngày hội mang họ Hồ, Tình người tình đất Đakrông (Văn Lượng), Khúc ca ngôi trường của núi (Lê Đình Trí), Đakrông trên những nẻo đường (Thanh Ngọc)… đã mở ra một “chương” riêng cho âm nhạc Đakrông song hành suốt chiều dài phát triển cùng quê hương, đất nước.

Krông Klang là thị trấn huyện lỵ Đakrông. Thị trấn nhỏ nằm nép mình bên dòng Krông Klang, một tên gọi khác của sông Đakrông khi chảy qua địa phương này. Và thị trấn nhỏ xinh này đã đi vào âm nhạc của một người nhạc sĩ thương binh với những nốt nhạc lung linh như bảy sắc cầu vồng.

Có những giai điệu huyền mơ như hoàng hôn tím, vọng tưởng xa vời, khao khát bình minh. Có lời ca réo rắt tiếng chim khuyên, ầm ào lời sóng, lời sông và thiết tha tiếng đời êm ái… Với tôi, bài hát Âm vang bên Krông Klang của nhạc sĩ thương binh Thanh Ngọc được cấu thành từ những nốt nhạc mang hình ánh sáng, xuyên qua khoảng tối đời mình để đến với đời, với người. Thanh Ngọc có một kỹ năng tư duy âm nhạc tốt, đôi khi có nhiều đề tài được anh phát hiện thật bất ngờ. Chỉ với cái vốn sống hồi đôi mắt còn ghi nhận được hình hài, ánh sáng, sau này chỉ có nghe, nghe và nghe, nhưng trong các bài hát của Thanh Ngọc ta thấy rõ hình dáng cuộc đời với nồng nàn hơi thở của nó.

Dòng sông Đakrông
Dòng sông Đakrông

Âm nhạc của Thanh Ngọc mộc mạc nhưng đằm thắm, mượt mà đến đôn hậu như chính con người anh. Ca khúc của anh phảng phất nét dân ca nhuần nhụy quê nhà. Anh biết gây ra rồi chắt chiu từng hạt vàng lấp lánh trong vốn dân ca truyền thống để làm ra những ca khúc nhỏ xinh cho riêng mình. Âm vang bên Krông Klang với âm hưởng trữ tình, mênh mang, lắng đọng lòng người. Tiếng nhạc thánh thót với những khúc thức nghe càng lâu càng thấm một vẻ đẹp hoang sơ sơn cước, một lời rủ rê miên man. Dự cảm của người nhạc sĩ về phố núi Krông Klang thật đẹp. Nghe bài hát này, người ta sẽ thấy phố núi Krông Klang chưa thành tên gọi, nhưng như một cô bé lọ lem với ba hạt dẻ ước mơ, phút chốc đã trở thành công chúa xinh đẹp lộng lẫy trong chuyện cổ tích: Chiều Đakrông mây trời mênh mông / làn tóc em hay dòng Krông Klang nhẹ trôi / ánh điện hồng nhuộm làn môi em / êm êm điệu khèn gọi bản làng núi rừng / chiều Đakrông ngỡ như mơ.

Ngày mới lập huyện Đakrông, tôi đã không thể hình dung rồi đây những người trở về sẽ gầy dựng cơ đồ như thế nào trên mảnh đất chỉ có cỏ cây lau lách phất phơ trên những triền đồi. Những căn nhà sàn nhỏ bé nép mình bên quốc lộ 9. Vậy mà hôm nay, trở lại Đakrông tôi thực sự ngỡ ngàng với những gì đang hiển hiện. Những công trình đang mọc lên, mỗi ngày lại thấy vóc dáng vạm vỡ của phố núi vỡ vạc cho Đakrông những chân trời hoài vọng. Một đại lộ đã nối quốc lộ 9 kẽ một vệt phố tít tắp theo về núi phía nam, và nhà cửa, công sở đã xinh xắn hiện ra mang đậm dấu ấn miền sơn cước. Thị trấn Krông Klang hôm nay duyên dáng như cánh chim đại bàng đang sải rộng cánh bay tới chân trời mơ ước.

Một ca khúc hay là phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ giàu tính hình tượng văn học và giai điệu âm nhạc hay. Ca từ, theo Dương Viết Á là lời được hát lên theo một giai điệu nhất định. Tuy nhiên, ca từ ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu về mặt hình tượng văn học (do quy luật thơ ca chi phối), nó còn phải chịu sự tác động của quy luật âm nhạc, đó cũng là khoảng trống cần có để những từ không có nghĩa hay ít nghĩa (hư từ) của địa phương xuất hiện. Sự xuất hiện của hư từ ngoài việc làm nổi rõ bản sắc văn hóa vùng miền, thì nó còn làm cho giai điệu âm nhạc thêm uyển chuyển, giàu cảm xúc hơn. Các bài hát viết về vùng đất Đakrông, các nhạc sĩ thường dùng hư từ ê, hê, ơ.

Việc phỏng lại âm điệu một bài dân ca của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô cũng là một trong những phương thức mà các nhạc sĩ thường dùng để sáng tác ca khúc về miền đất này. Nói cách khác, sản phẩm cuối cùng của nhạc sĩ là ca khúc sẽ phảng phất âm điệu của một bài dân ca nào đó có liên quan cụ thể đến nội dung chủ đề mà các ca khúc phản ánh. Chẳng hạn trong bài hát Vui hội sim, một sáng tác của Văn Sỹ. Hơi thở mãnh liệt từ âm hưởng Bru - Vân Kiều, Pa Cô đã hòa tan trong giai điệu qua một nét dân ca mà người nhạc sĩ đã sử dụng vào bài hát một cách đắc địa. Giai điệu như một thán từ, láy đi láy lại suốt tác phẩm khiến người nghe ấn tượng, nhớ mãi: ô, hay là hay là hay là. Nhìn suốt tác phẩm âm nhạc của Văn Sỹ (một giáo viên dạy toán tại Trường PTTH Đakrông trong nhiều năm), ta thấy rõ anh đã biết vận dụng tinh tế âm nhạc dân tộc với đời sống âm nhạc hiện đại thế nào. Đó là sự chắt lọc những tinh túy trong dân ca vào tác phẩm để tạo thành những giai điệu nồng nhiệt nhất, đẹp và cháy bỏng nhất trong tác phẩm âm nhạc của mình.

Thắng cảnh Đakrông
Thắng cảnh Đakrông

Có nhạc sĩ không sử dụng một thang âm điệu thức trong dân ca của tộc người cụ thể nào, mà sử dụng âm hưởng chung chung, nhưng người nghe vẫn biết ca khúc đó mang chất liệu dân ca Bru - Vân Kiều, Pa Cô. Trường hợp này có các bài như: Đakrông xuân xanh (Hoàng Anh), Tình em Đakrông (Phan Thạch Hùng), Đakrông sáng mãi tình Người (Phan Thảng), Đakrông mùa xuân đã về (Xuân Vũ), Ngày hội Đakrông (Thanh Liêm), Bản làng vào xuân (Trần Kiềm), Sao hôm sao mai (Hoàng Hữu Lộc)...

Nhân đây, không thể không nhắc đến đóng góp của các nhạc sĩ quê ở các vùng miền khác đã chọn Đakrông, chọn âm nhạc dân gian Bru - Vân Kiều, Pa Cô cho sự nghiệp của mình, không chỉ trong tác phẩm âm nhạc mà còn cả trong những công trình nghiên cứu. Cụ thể, có những tác giả nổi bật với những ca khúc mãi xanh cùng năm tháng như Huy Thục với Tiếng đàn Ta lư, Cô gái Pa Cô; Phương Nam với Rừng xanh vang tiếng Ta lư, Thuận Yến với Người mang họ Hồ. Và còn rất nhiều các nhạc sĩ khác ngày càng điêu luyện và nghiêm túc hơn trong việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian của vùng đất mình đang sống, làm nên không chỉ ca khúc, mà còn cả những bản hòa tấu nhạc khí mang đậm âm hưởng hào hùng của Oát xà nớt, Cà lơi - Cha chấp, Xiêng, A Un, Caraun, Terate’k, Ra Zok, Caracadoi, T’rel… những giai điệu trữ tình tuyệt đẹp trong dân ca Bru - Vân Kiều, Pa Cô, hay những âm thanh hùng vĩ của sông suối, núi rừng đại ngàn Đakrông.

Ca khúc mang chất liệu núi rừng Đakrông đã tạo nên sự phong phú cho kho tàng văn hóa nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng của vùng đất miền tây Quảng Trị. Nó tạo đà cho âm nhạc của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô phát triển và quảng bá rộng rãi đến công chúng yêu nhạc cả nước.

Tất cả những ca khúc viết về miền đất Đakrông giàu bản sắc văn hóa ấy luôn có một sức sống bền lâu trong lòng công chúng và là niềm tự hào của mỗi chúng ta. Riêng với chúng tôi, những nhạc sĩ đang sống và làm việc trên mảnh đất này, chúng tôi cũng vẫn thường xuyên thâm nhập thực tế, nuôi dưỡng cảm xúc để có thêm nhiều hơn những sáng tác mới và hay viết về cuộc sống hôm nay của Đakrông.

Dòng Đakrông trong xanh mãi mãi là dòng chảy của thời gian, của lịch sử ghi nhận biết bao chiến tích anh hùng trong đấu tranh và cần cù trong xây dựng cuộc sống mới. Dòng sông bay bổng lời ca như một hẹn ước với tương lai, với lịch sử, Đakrông sẽ nỗ lực hết mình, vươn lên cùng cả tỉnh và bạn bè cả nước trên con đường ấm no, hạnh phúc.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Lễ cúng mùa lên rẫy của người Pa Cô

Lê Văn Hà |

Trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng, người Pa Cô quan niệm có một thế giới hư vô gồm thần linh và ma quỷ cùng tồn tại với  thế giới thực tại, để che chở, mang điều tốt lành, hoặc sẽ trừng phạt, gieo mọi hiểm họa đến cho bản làng. Vì thế, việc sùng bái, cúng tế, thờ phụng các thần linh trong thiên nhiên xung quanh họ là những lễ nghi luôn gắn bó mật thiết trong đời sống của người Pa Cô.

Ba Lòng, miền thơm thảo ngọt lành

Cẩm Nhung |

Tôi vẫn nghĩ rằng Ba Lòng là một ân tứ của thiên nhiên đền bồi cho xứ sở đồi núi vừa hiểm trở lại khó nghèo Đakrông - vùng đất phía tây nam Quảng Trị. Đã nhiều lần Kim Oanh, cô bạn thân của tôi mời mọc: “Mày hãy đến thăm quê tao. Quê hương tao là một thung lũng xanh mỡ màu, thơ mộng và bình yên lắm”. Ba Lòng miền non xanh nước biếc, và không chỉ có thế, Ba Lòng sớm vươn dậy là đất anh hùng, chuyện ấy mọi người nói đã nhiều, đâu phải bạn tôi tự nhiên tự hào về quê hương của nó.

Già làng Côn Hương: “Tôi chọn 100”

Lê Minh Hà |

Không ngạc nhiên lắm với việc người đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) hiến đất để làm các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng và đời sống dân sinh vì công việc này đối với xã Tà Rụt nó đã mang tính phổ biến. Nhưng chúng tôi ngạc nhiên bởi câu nói của già làng Côn Hương, khi ông hiến hàng nghìn mét đất để xây dựng nhà cộng đồng thôn bản và làm đường dân sinh không một chút đắn đo suy nghĩ: “Hiến đất làm công trình cho cộng đồng là chọn số trăm, thay vì chọn cho riêng mình…”

Nhớ mãi hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nơi vùng “rốn lũ” Hải Lăng năm ấy

Đào Tâm Thanh |

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu, (sinh năm 1931), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội. Bài viết nhỏ này ghi lại những thời khắc hơn 20 năm về trước trong chuyến công tác của Tổng Bí thư tại Hải Lăng như nén tâm hương tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, người đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Những mùa trăng bến hẹn

Minh Anh |

Mỗi khi xe từ quốc lộ 1A đi ngang qua địa danh thị xã Quảng Trị, tôi thường dừng lại để ngắm nhìn sông Thạch Hãn hiền hòa, chầm chậm xuôi dòng về phía những bãi bờ, xóm làng xanh thẫm, nao nao đến vô cùng. Vì lẽ đó mà 14 năm trước, mê đắm  “nhan sắc” này, tôi đã ở lại mảnh đất miền Trung tràn nắng gió. Năm ấy, cũng là mùa hè, trời thì xanh cao vời vợi, từng đám mây trắng bồng bềnh trôi theo cơn gió, và ảo diệu thay trên trời như thế nào dưới làn nước trong xanh cũng từng đám mây trắng bập bềnh theo dòng nước.