Lễ cúng mùa lên rẫy của người Pa Cô

Lê Văn Hà |

Trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng, người Pa Cô quan niệm có một thế giới hư vô gồm thần linh và ma quỷ cùng tồn tại với  thế giới thực tại, để che chở, mang điều tốt lành, hoặc sẽ trừng phạt, gieo mọi hiểm họa đến cho bản làng. Vì thế, việc sùng bái, cúng tế, thờ phụng các thần linh trong thiên nhiên xung quanh họ là những lễ nghi luôn gắn bó mật thiết trong đời sống của người Pa Cô.

Như đa số các dân tộc ít người sinh sống ở Trường Sơn, người Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị là cư dân làm nông nghiệp rẫy nương ở trình độ thấp, được hay mất mùa thường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, vì vậy, họ phải dựa vào thần linh: Trời, đất, sông nước qua các nghi thức cúng tế để cầu mong cho đất đai, mùa màng tươi tốt. Cũng như vai trò của cây lúa, các lễ thức nông nghiệp được người Pa Cô coi trọng hàng đầu, từ việc xin đất gieo một khoảnh lúa tượng trưng để báo cáo với Yang (thần linh), đến lúc lúa chín, trước khi tuốt lúa, thu hoạch... đều được tổ chức cúng Yang một cách thận trọng, thành kính, với đầy đủ nghi thức, thủ tục. Một trong những lễ nghi hết sức quan trọng của người Pa Cô là Lễ cúng mùa lên rẫy mà chúng tôi đã có dịp chứng kiến, tìm hiểu tại thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, huyện Đakrông.

Lễ vật cúng thần linh trong Lễ cầu mùa của đồng bào Pa Cô.
Lễ vật cúng thần linh trong Lễ cầu mùa của đồng bào Pa Cô.

Với lễ cầu mùa lớn không định kỳ, từ 3-5 năm mới tổ chức một lần, và thường nhân có những sự kiện quan trọng. Tuy vậy, hàng năm, tùy điều kiện từng gia đình có thể tự tổ chức lễ cúng nhỏ để cầu cho gia đình họ vụ mùa tới bội thu hoặc tạ ơn, cầu an.

“Trong những lễ thức nông nghiệp thì lễ hội AzaKoonh là lễ hội lớn nhất được tổ chức với quy mô toàn làng (Vel) và thường phải gắn liền với tục đâm trâu, được gọi là lễ Cầu mùa lớn. Lễ hội AzaKoonh không hẳn chỉ là lễ cầu mong được mùa mà còn chứa đựng nhiều nội dung khác như cầu xin thần linh cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, dịch bệnh; hoặc cũng để giải tỏa những bất hòa giữa 2 làng, hai họ tộc với nhau... nói chung, như một lễ cầu an. Do đó, trong lễ không chỉ để cúng Thần nông nghiệp mà bao gồm cả một tập đoàn Yang: Yang núi rừng, sông suối, Yang Trời Đất... Vì tính chất là một lễ hội nên lễ AzaKoonh là nơi tập trung khá đầy đủ các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa, hội họa... với đặc tính nguyên hợp của chúng, nên, cũng là nơi bộc lộ tương đối đậm đặc truyền thống, bản sắc của tộc người. Còn đây là một lễ cúng mùa nhỏ (Không được gọi là A za Koonh) của một gia đình nên không được tổ chức với quy mô lớn của toàn làng, nhưng đều thể hiện niềm kính trọng thần linh, cầu mong  mưa thuận, gio hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…” Cụ già chủ lễ cúng hôm đó cho chúng tôi biết như vậy.

Theo truyền thống thì cứ vào khoảng 19h30 tối, trong không khí mát mẻ, bầu trời có trăng sao, bà con Pa Cô từ già trẻ, gái trai khắp các bản làng nườm nượp đổ về nơi trung tâm bắt đầu một đêm mở hội cầu mùa. Còn lễ cầu mùa này là của một gia đình nên quy mô không bằng các lễ lớn của toàn làng đã từng diễn ra trước đây. Tuy nhiên, các nghi thức cơ bản quan trọng cũng được chủ lễ và những người tham gia thực hiện chu đáo như giết gà, nấu cơm, luộc trứng thịt, bày mâm lễ vật... Trong không khí đầy thiêng liêng của trời đất giao hòa, giữa những mâm lễ vật đúng phong tục với làn hương phảng phất, cụ già chủ lễ với vẻ mặt nghiêm trang long trọng tuyên bố lý do: “Hôm nay, gia đình(dòng họ) tổ chức lễ cúng để cầu nguyện cho đất trời, ông bà, tổ tiên phù hộ lên nương làm rẫy, mong lúa mới thơm đầy làng, mong cây ngô, cây sắn nhiều hạt, nhiều củ”. Sau khi tuyên bố xong, cụ già chủ lễ thay mặt gia đình (dòng họ) kính cẩn mời các Yang xuống dự lễ, ăn uống và nhận lời cầu nguyện của chủ lễ cùng mọi người. Tiếng cầu nguyện của người chủ lễ cùng những người dự lễ lúc trầm, lúc bổng quyện hòa vào tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng suối róc rách chảy, vào không gian vời vợi của núi rừng. Họ không chỉ cầu mong cho mùa màng tươi tốt, bội thu, mà còn cầu mong cho cuộc sống của mọi người luôn được bình yên, tránh được ốm đau, dịch bệnh, thiên tai, mọi người luôn thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Trong lúc cầu nguyện, chủ lễ liên tục làm thủ tục “xin keo” bằng mảnh tre chẻ đôi. Lúc “xin keo”, chủ lễ áp hai mặt vào nhau, khấn lầm rầm và buông rơi xuống đất, nếu hai thanh ngửa là thuận ý thần linh. Sau mỗi lần được ứng nghiệm, chủ lễ và mọi người bày tỏ sự vui mừng và cùng nhau ăn thịt, uống rượu. Và cứ thế, cuộc vui này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ngày hôm sau.

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Pa cô nói riêng phụ thuộc nhiều vào nương rẫy, chính vì thế, việc chọn đất có ý nghĩa quyết định đối với cả cộng đồng. Người Pa Cô thường tiến hành chọn đất sau khi ăn tết Acha, Agia-Tết cơm mới khi trên rừng con chim Pricok kêu báo hiệu sang năm mới. Cơ sở để đồng bào quan sát chọn đất làm rẫy là mảnh đất ở lưng chừng núi, hơi thoải và có màu đen, có nhiều tổ giun ùn đống và không có đá to, tìm được đám đất như vậy, đồng bào rất ưng bụng. Ngoài ra, đồng bào còn chọn nơi có nhiều cây cối, đặc biệt là các loại cây như tranh, giang, mây… để khi phát, đốt cho nhiều tro làm nguồn dinh dưỡng cho cây trồng. Cùng với quá trình chọn đất, đồng bào còn phân loại chỗ đất nào phù hợp với loại cây gì, chẳng hạn mảnh đất lẫn nhiều đá thì dùng để trồng ngô, đất sét, đất thịt dùng trồng lúa, đất bồi ven sông, suối trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, vừng, khoai...

Từ xa xưa, đồng bào chưa biết khái niệm năm, tháng, mùa, chỉ nhờ quan sát hiện tượng của tự nhiên và dùng kinh nghiệm tích lũy của bản làng để ứng phó với đất trời, họ hoàn toàn bị động. Qua năm tháng, những kinh nghiệm, những “kiến thức bản địa” được thu thập, tiếp biến liên tục nhiều thế hệ và ngày càng hoàn thiện hơn, những kinh nghiệm đó trở thành “tri thức” của cộng đồng cùng cư trú trên một địa vực. Chẳng hạn như khi đồng bào nghe tiếng chim Tutot hót, trời đổ những trận mưa dông thì đấy chính là dấu hiệu báo mừng năm mới, mùa vụ mới. Theo tiếng Pa Cô, đó là Xay Moi (tháng 1). Lúc này, đồng bào bắt đầu lên rẫy làm cỏ, đốt nương, trỉa bắp, trồng khoai, sắn, thuốc lá, chuối. Mùa trăng qua đi với những cơn mưa thấm đất, khi nghe tiếng con ve kêu, đồng bào báo cho nhau biết Xay Bar (tháng 2) đã tới, mọi người đi tìm rẫy mới, mọi người đi bẻ đót, trồng chuối, bầu, bí. Giữa núi rừng bao la, trời trong xanh, gió nhẹ, cây cối xanh tốt và tiếng vẹt kêu thì chính là Xay Pe(tháng 3), lúc đó bản làng phát cốt, đốt rẫy, trỉa bắp.

Chủ lễ đang thực hiện các nghi thức cúng mùa lên rẫy
Chủ lễ đang thực hiện các nghi thức cúng mùa lên rẫy

Cùng nhau lên rẫy, xuống nương, thấm thoát cũng đến mùa hoa gạo nở, chim Pricok hót báo hiệu đã qua Xay Poal, Xay Xoong(tháng 4, tháng 5). Hai tháng này đồng bào lên rẫy mới trỉa lúa mùa, thu hoạch bắp, sắn, khoai ở rẫy cũ.

Ở miền tây Quảng Trị và rất nhiều nơi trên đất nước, tri thức bản địa là nguồn tri thức quan trọng, có đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào đang sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Tri thức bản địa của đồng bào Pa Cô gắn với những cộng đồng người cùng sống trong một địa vực cư trú, nó là mạch nguồn cảm hứng trong câu ca trên nương rẫy. Những tri thức đó được chuyển tải, truyền từ đời này sang đời khác qua những câu hát, những bản trường ca, những tập tục… Và nó tồn tại như chính hơi thở của những người cất lên lời ca đó.

Lễ cúng mùa lên rẫy của người Pa Cô ở thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, huyện Đakrông chính là một hình thức sinh hoạt cộng đồng mang nhiều ý nghĩa, chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống, phản ánh mối quan hệ biện chứng trong đời sống của cộng đồng vốn gắn với sản xuất nông nghiệp. Từ ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu gắn với sự no ấm, lễ cúng mùa lên rẫy đã trở thành lễ cầu an, là yếu tố làm nên sự yên vui cũng như làm xua đi những nguy biến trong cuộc sống của bản làng. Do vậy, lễ cúng mùa lên rẫy đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ước vọng của người Pa Cô.                                                                                                                                        

TAGS

Gặp người Quảng Trị ở Cà Mau

Trần Đăng Mậu |

Không hẹn mà nên, trong chuyến công tác ở tỉnh Cà Mau, anh Trần Hiếu Hùng (nguyên quán Khu phố Thượng Viên, thị trấn Cam Lộ tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Cà Mau nói với đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị rằng: Ngày mai trên đường về Đất Mũi, đoàn nên ghé Điểm dừng chân Tư Tỵ, chủ cơ sở là bà mẹ người Gio Linh - Quảng Trị để điểm tâm bát bánh canh cua, rất đậm đà hương vị quê hương.

Đakrông - xứ của đại bàng

Xuân Đức |

Đakrông (Quảng Trị), miệt đất nối liền mạch những vùng đồi bán sơn địa của Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong lên với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Trị. Trước ngày 17 tháng 2 năm 1996, địa danh Đakrông chỉ là tên một xã miền núi không hề có chút ấn tượng gì khác lạ để người khác chú ý. 

“Nguồn sáng” của người khiếm thị

Tây Long |

Suốt 25 năm thành lập, các thế hệ cán bộ Hội Người mù tỉnh đã tiếp nối nhau kiếm tìm, nhân lên những điển hình người khiếm thị. Việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy đã tạo động lực cho nhiều hội viên vươn lên, bước ra từ bóng tối.

Mở lối đến thành công

Trương Quang Hiệp |

Rời ghế nhà trường ở tuổi còn bồng bột, nhiều người cho rằng, anh Phan Quốc Thịnh (sinh năm 1985), hiện trú tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã khóa trái cánh cửa tương lai. Ít ai ngờ, với niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng, anh Thịnh đã tự mở lối đến thành công, sản xuất ra những chiếc máy có giá trị hàng trăm triệu đồng, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.