BÀI DỰ THI TÌM HIỂU VỀ "VĂN HÓA ẨM THỰC TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY (EWEC)":

Món ốc bươu đen sông Ô Lâu

Phi Tân |

Cách đây mấy hôm tôi về quê ghé thăm nhà người bạn. Bạn nói, tau tưởng mi về quê ở lại thì hai thằng lên làng Vân Trình (Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) làm mấy chai... Chỉ cần nhắc đến hai chữ Vân Trình là tôi nghĩ ngay đến cái quán nhậu của anh Phú đen bên cạnh ngã ba sông Ô Lâu gần cầu Vân Trình luôn  có sẵn món ốc bươu đen chính hiệu...

Làng Vân Trình, một làng quê ven sông Ô Lâu được xem là cái rốn lũ, khi sông chảy qua vùng này tạo thành một đường cong ôm ấp ruộng đồng, vườn tược rồi sau đó chảy thẳng ra  một mạch ra phá Tam Giang. Cũng vì thế làng này còn có tên là làng Rào (tiếng địa phương gọi sông là rào). Làng Rào và những làng quê ven sông như Siêu Quần, Phò Trạch, Vĩnh An… thấp lé đé. Nước sông luôn mấp mé mặt đường và mưa to thì tràn qua đường. Vì thế nên ở đây, người ta đã xây dựng một con đê cao hơn mặt đường cả mét để chống ngập cho lúa.

Đầu nguồn sông Ô Lâu nơi có nhiều ốc bươu đen
Đầu nguồn sông Ô Lâu nơi có nhiều ốc bươu đen

Còn người dân ở đây thì đã biết sống chung với lụt từ xa xưa mà rõ nét nhất là cả rú cây xanh tốt từ mưng, cừa, tra... được trồng ở đầu các làng mà theo giải thích của dân bản địa là để lụt to thì của cải, đồ đạc được chắn lại ở đây chứ không thể trôi ra sông mà đi mất… Với địa thế bên sông như thế nên làng quê này luôn có những đặc sản là các loại cá sông. Mùa mưa về đây thường phải di chuyển bằng những chiếc đò nhỏ và chúng tôi vẫn gọi vui về vùng đất này là “tiểu miền Tây Nam bộ”. Và hình như chỉ có ở cái quán của anh Phú là còn có món đặc sản ốc bươu đen.

Có lần tôi hỏi anh Phú, vì răng quán anh có được món ốc ni hay rứa? Anh Phú nói cũng đơn giản thôi, mền (mình) đặt cho mấy ngư dân sông Ô Lâu, họ đi làm nghề từ 3 giờ sáng, chờ đến khi trời tờ mờ sáng là ốc nổi lên ở đầu nguồn con nước  và vớt về.

À thì ra cái giống ốc bươu đen này đã không còn trụ được ở những cánh đồng lúa hạ nguồn từ khi xuất hiện ốc bươu vàng thế là chúng ngược con nước tìm nơi sinh sống mới nơi con sông Ô Lâu bắt đầu đổ về các làng mạc.

Món ốc bươu quán anh Phú đen ngã ba sông Ô Lâu chế biến cũng đơn giản thôi. Ốc luộc chín, lấy cái tăm tre nhọn khơi ra từng con một kẹp rau sống chấm nước lèo... Tất nhiên rau sống phải đúng điệu là các loại rau mùi từ tía tô, húng quế đến rau thơm có thêm ít tần ô, xà lách... Nước lèo là một loại nước cay, thấm là bí quyết riêng của vợ chồng anh Phú đen.

Không phải như con hến, con hàu có thể nấu canh, xào hay luộc để ăn trong bữa cơm hằng ngày, cái món ốc bươu đen chỉ để ăn chơi lai rai và dăm ngày nửa tháng người ta mới ăn một lần. Tất nhiên ăn ốc bươu mà không có cút rượu gạo làng thì coi như ca mà thiếu tiếng đờn.

Hồi trước ốc bươu đen ở quê tôi nhiều lắm lắm. Bước xuống bờ ruộng là gặp ngay mấy con ốc bươu đang vươn cái đầu ra khỏi vỏ để bò tìm thức ăn. Nhưng người làng tôi thường khi mô cũng đi vớt ốc bươu đen ở mấy ô ruộng cồn bên kia sông Ô Lâu,  bởi ốc ở đó con mô con nấy to lại sống ở nguồn nước sạch.

Ốc bưu đen
Ốc bưu đen

Thường khi có ốc thì người trong xóm phải tụ tập. Người đi hái lá chanh, người làm món ước lèo để chấm, người đi hái rau sống... Thường để ăn ốc cho an toàn phải dầm ốc với nước vo gạo qua đêm và khi luộc ốc phải có thêm lá chanh hoặc lá bưởi.

Mùi ốc luộc quyện hương của lá chanh lá bưởi, màu nâu vàng sóng sánh của chén nước lèo và "lễ hội" của các loài rau vườn từ tía tô đến xà lách, húng quế. Nhưng hồi đó, trẻ con cũng ít được ăn ốc chỉ vì ốc có tính mát dễ bị đau bụng. Người lớn thì cứ ăn vô tư đi vì đã có mấy vị nóng của ớt, của rượu bù vô.

Bởi rứa món ốc bươu đen không phải là món ăn hàng ngày mà chỉ là món ăn chơi của người làng tôi một thuở.

TAGS

Đảo Bồng Lai – hồ Tịnh Tâm chính thức đón khách

Võ Nhân |

Sau nhiều tháng trùng tu, chỉnh trang tạo cảnh quan sạch đẹp, ngày 2/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã bắt đầu đón khách đến vui chơi, thưởng ngoạn ở đảo Bồng Lai – hồ Tịnh Tâm.

Bình minh chợ cá

Diệu Hương |

Làng biển ấy dường như chẳng bao giờ ngủ. Quanh năm, suốt tháng, bất kể ngày mưa rét, những phận người nơi đây vẫn neo đời mình nơi chợ cá ven biển. Những thức ngủ, đói no của họ phụ thuộc cả vào những chộn rộn ở nơi chốn này.

Là người Việt nhất định phải biết nguồn gốc tên gọi 63 tỉnh thành Việt Nam

Nguyen Thien |

Nguồn gốc 63 tỉnh thành Việt Nam

Bài 1: Phở chị Quý, chưa ăn, chưa biết... Viêng Chăn!

Cam Lộ |

Tôi cam đoan với nhiều người, nếu có dịp qua Viêng Chăn, thủ đô nước Lào, buổi sáng, ra đứng nơi Patuxay nằm cuối đại lộ Lan Xang hay đại lộ Thanon Luang về phía đông bắc- biểu tượng chiến thắng của người Lào, vẫy một chiếc tuk tuk, bảo đến Pho zap, bạn sẽ được chở đến một quán phở hết sức ngon mà chủ quán là người Quảng Trị chính gốc ở địa chỉ khu phố Xảylôm, quận Chantabuly.