Nhà giáo Ưu tú xứ Cùa

Trúc Phương |

Trong ấn tượng của các đồng nghiệp, học sinh và người dân vùng đất Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), cô giáo mầm non Lê Thị Thu không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn là người luôn quan tâm, tận tụy với trẻ thơ, đặc biệt là những đứa trẻ không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhờ những thành tích xuất sắc trong hơn 25 năm công tác của mình, năm 2017, cô Thu đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và trở thành giáo viên mầm non đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt được danh hiệu cao quý này.

Cô giáo Lê Thị Thu (sinh năm 1972) hiện sống tại thôn Trung An, xã Cam Chính. Ngay từ bé, cô đã có niềm yêu thích đặc biệt đối với nghề giáo, nhất là giáo viên mầm non, một nghề cao quý nhưng cũng rất vất vả. Vì yêu quý sự ngây thơ, trong sáng của những đứa trẻ, cô Thu đã chọn theo học ngành mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, cô quyết định về quê, tham gia giảng dạy tại Trường Mầm non Bình Minh, xã Cam Chính và gắn bó với ngôi trường này suốt 29 năm qua. “Khi chọn gắn bó với những đứa trẻ, một số người cũng khuyên tôi suy nghĩ lại, bởi giáo viên mầm non khi ấy so với các cấp học khác khó khăn gấp nhiều lần. Nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của mình”, cô Thu tâm sự.

Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Thu luôn nỗ lực vì sự phát triển của trẻ mầm non vùng Cùa - Ảnh: T.P​
Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Thu luôn nỗ lực vì sự phát triển của trẻ mầm non vùng Cùa - Ảnh: T.P​

Những ngày mới ra trường, bước chân vào nghề là những ngày vô cùng khó khăn với cô Thu. Khi ấy, mầm non là một cấp học chưa được chú trọng đối với người dân vùng nông thôn nghèo của huyện Cam Lộ và Trường Mầm non Bình Minh nơi cô giảng dạy chỉ là một ngôi trường làng với vài ba lớp học, điều kiện vật chất vẫn còn thiếu thốn nhiều mặt. Những đồng lương ít ỏi không đủ nuôi các con ăn học cũng đôi lần khiến cô Thu nản chí. Thế nhưng, tình yêu với những đứa trẻ không cho phép cô làm điều ấy. Ban đầu, để trẻ được đến trường, cô cùng một số giáo viên khác phải đến tận nhà vận động phụ huynh. Xác định lứa tuổi mầm non là lứa tuổi đang hình thành và phát triển về mọi mặt, cô Thu luôn trăn trở phải làm gì, nên làm gì để trẻ được phát triển một cách toàn diện nhất về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ,...

Trong những năm qua, cô luôn nỗ lực để khắc phục khó khăn trong giảng dạy, tích cực tự học, tự sáng tạo trong từng buổi học của mình. Không những thế, cô luôn đi đầu trong phong trào đổi mới phương pháp, để khẳng định rằng dạy học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy những gì trẻ cần. Với sự miệt mài nghiên cứu, học hỏi thêm đồng nghiệp và sự cố gắng của bản thân thể hiện qua các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều năm liền, từ năm 1998 cho đến nay cô luôn đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Kết quả đó trở thành động lực, thôi thúc cô Thu tiếp tục nỗ lực, ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và góp phần nâng cao chất lượng trường học.

Trong suốt 29 năm theo đuổi sự nghiệp giáo dục của mình, cô Thu đã từng tham gia giảng dạy cho nhiều trẻ em đặc biệt, đó là các trẻ khuyết tật do di chứng của chất độc da cam/dioxin. Năm 1998, từ một dự án giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, cô được phân công chăm sóc, dạy dỗ cho 2 trẻ khuyết tật học hòa nhập. Việc dạy trẻ khuyết tật vô cùng khó khăn, bởi có em bị khuyết tật vận động, có em khuyết tật bộ phận, lại có em không có khả năng nhận biết hoạt động xung quanh,… Để hiểu và dạy được trẻ, không chỉ cần có kỹ năng nghiệp vụ mà còn phải có lương tâm, sự tận tụy của một người giáo viên, yêu thương trẻ như con của mình. Khi ấy, tuy phương tiện hỗ trợ thiếu thốn, lớp học còn tạm bợ nhưng với vốn kinh nghiệm được tập huấn cộng thêm tình thương, cô Thu đã thành công trong việc giúp cho 2 trẻ khuyết tật phát triển và hòa nhập với xã hội rất tốt.

Chị P., mẹ của một trẻ khuyết tật được cô Thu chăm sóc tâm sự: “Cũng nhờ có cô Thu mà con tôi từ khuyết tật vận động đã có thể tập tễnh đi lại được. Giờ cháu nó lớn rồi, đã có thể làm việc và nuôi sống bản thân. Gia đình tôi rất hạnh phúc”. Để rèn luyện thêm kỹ năng của mình, cô Thu còn tình nguyện dạy thêm cho 2 trẻ khuyết tật nặng, không thể học hòa nhập được. Đều đặn sau giờ tan trường, cô đến giúp các em tập đi và học nhận biết đồ vật xung quanh. Những việc chưa biết cô đều chịu khó tham khảo ở sách báo, tài liệu liên quan đến trẻ khuyết tật, nhờ đó đã thành công giúp 2 trẻ khuyết tật nặng biết đi lại, chơi các đồ chơi. Nghe từ miệng các em nói được hai tiếng “thương cô”, lòng cô Thu cảm động khôn xiết. Từ những thành công ấn tượng đó, năm nào lớp cô Thu cũng nhận trẻ khuyết tật học hòa nhập. Cô Thu chia sẻ: “Tôi tự nhận thấy việc làm của mình không lớn so với sự tiến bộ của trẻ nhưng vẫn cảm thấy rất vui vì đã góp phần giúp trẻ sớm hoà nhập với cộng đồng”. Nhờ những nỗ lực trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật, năm 2005, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia đối với trẻ khuyết tật.

Bên cạnh là một giáo viên dạy giỏi, cô giáo Lê Thị Thu còn được đồng nghiệp và cấp trên tin tưởng bầu giữ chức chủ tịch công đoàn cấp cơ sở. Xác định được trách nhiệm của mình, cô luôn vận động đoàn viên thực hiện tốt các phong trào thi đua và các cuộc vận động; luôn biết lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của chị em đồng nghiệp, tạo được sân chơi lành mạnh cho chị em nhân các ngày lễ lớn và ngày hội trong năm. Nhờ làm tốt nhiệm vụ của mình, cô Thu đã vinh dự được tặng nhiều giấy khen, bằng khen và Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn năm 2013.

Có thể nói, trong suốt 29 năm gắn bó với trẻ mầm non, cô giáo Lê Thị Thu luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nghiêm túc, tận tụy trong công việc nhưng luôn hòa đồng, hiền lành trong cuộc sống, đó là điều khiến không chỉ đồng nghiệp tin tưởng, mà cả học sinh, phụ huynh cả vùng đất đỏ xứ Cùa đều yêu mến cô. Nhờ những thành tích đạt được trong giảng dạy của mình, năm 2017, cô Lê Thị Thu vinh dự trở thành giáo viên mầm non đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, đây là niềm tự hào của không chỉ người dân xã Cam Chính, huyện Cam Lộ mà cả ngành giáo dục Quảng Trị nói chung.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cô giáo “toàn năng”

Tây Long |

Từ tấm bé, cô Ngô Phương Thảo đã hiểu nghề giáo khó mang đến sự giàu có, dư dả. Thế nhưng, cô vẫn dành trọn tình yêu, đam mê, nhiệt huyết cho công việc “trồng người”. Vừa qua, cô Thảo vinh dự được biểu dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI.

Nhiệt huyết cô giáo trẻ

Mỹ Nhị |

Không nhiều người ngạc nhiên khi danh sách các đại biểu vinh dự lựa chọn tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, năm 2020 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức có tên cô Ngô Phương Thảo (sinh năm 1988), giáo viên Trường THPT Cửa Tùng. Nhiều năm qua, cô Phương Thảo là tấm gương sáng cho mọi người, đặc biệt là các em học sinh noi theo.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lĩnh - đam mê và hạnh phúc với nghề dạy học

Minh Đức |

Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) luôn năng động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, làm nguồn cảm hứng để truyền dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh. 

Cô giáo Lê Thị Lan Anh- tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh

Lê Thị Kim Ngân |

Bác Hồ - Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tư tưởng, đạo đức của người là một tấm gương sáng, mỗi khi soi vào đó, tâm hồn ta càng trong sáng hơn, hành vi của ta càng tốt đẹp hơn.