Cô giáo Lê Thị Lan Anh- tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh

Lê Thị Kim Ngân |

Bác Hồ - Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tư tưởng, đạo đức của người là một tấm gương sáng, mỗi khi soi vào đó, tâm hồn ta càng trong sáng hơn, hành vi của ta càng tốt đẹp hơn. 

 
Cô giáo Lê Thị Lan Anh

Bác Hồ đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt.” Bác nhắc nhở “ Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Cho nên thầy giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con” Qua thực hiện cuộc vận động " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã có nhiều tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, những hành động và việc làm của họ rất đáng được trân trọng và nêu gương. Một trong những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị) là cô giáo Lê Thị Lan Anh.

Học tập phong cách quần chúng, dân chủ của Bác trong cuộc sống cũng như trong công việc, cô Lê Thị Lan Anh luôn tận tụy, hết lòng, không ngại khó khăn gian khổ, sống tiết kiệm, giản dị, không xa hoa, lãng phí. Đối với công việc, ở cương vị là một giáo viên môn Toán, cô luôn gương mẫu, làm việc một cách chu đáo, cẩn thận. Cách làm việc của cô nhẹ nhàng nhưng hiệu quả công việc cao, được các giáo viên trong tổ tin tưởng, yêu quý. Trong công tác giảng dạy cô có trình độ chuyên môn vững vàng, ý thức trách nhiệm cao. Những giờ giảng của cô đã thực sự cuốn hút và tạo ra được không khí sôi nổi, hứng thú học tập cho học sinh.

Tôi đã nghe rất nhiều học sinh kể về cô, các em quý cô không phải chỉ vì cô dạy hay mà hơn hết là tấm lòng, sự tậm tâm của cô dành cho học sinh, trong đó có người chị mà tôi quen. Chị tâm sự rằng: “năm lớp 10 chị rất ghét môn toán, gần như mất căn bản nên chị rất nản và buông xuôi nhưng khi được học với cô Lê Thị Lan Anh, cách dạy của cô dễ hiểu, cô ít khi trách mắng mà luôn khuyến khích, động viên và giúp đỡ chị”. Ở cô với tấm lòng yêu nghề, tất cả vì học sinh thân yêu, cô luôn gần gũi, thương yêu, quan tâm giúp đỡ và chỉ bảo cho học sinh từng bước trên con đường học tập. Cô luôn lắng nghe và đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng của học sinh, thẳng thắn chỉ ra những điều sai trái và hướng dẫn các em khắc phục những nhược điểm của mình.

Bản thân cô cũng gặp không ít khó khăn, những lúc ấy cô lại nhớ lời Bác đã dạy "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền", từ đó cô đã nghiêm túc tự kiểm điểm lại trình độ, năng lực, kể cả phẩm chất đạo đức đến mối quan hệ với đồng nghiệp của mình có gì hạn chế để khắc phục. Cô tự ý thức rằng phải luôn luôn học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt công tác giảng dạy.

Bằng tấm lòng, tình cảm chân thành của mình cô đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng học sinh bao thế hệ. Cô được các bạn học sinh yêu mến, tin tưởng, là người có uy tín và ảnh hưởng tích cực đến học sinh. Đó là niềm hạnh phúc to lớn của người giáo viên. Để đạt được điều đó không phải là dễ, nó đòi hỏi hội tụ ở người giáo viên nhiều phẩm chất. Đúng như lời của Xukhomlinxki "Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người." Cô đã làm được điều đó.

Có lẽ chính vì đều xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, vượt qua bao thử thách trên con đường lập thân lập nghiệp, vì thế mà vợ chồng cô Lê Thị Lan Anh rất thấu hiểu, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn khác để đi đến quyết tâm thực hiện các chương trình từ thiện về với vùng khó. Những ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng cô Lê Thị Lan Anh đều dành trọn cho công việc từ thiện. Những phần quà được gói gém cẩn thận mang theo cả tấm chân tình của vợ chồng cô về với các bản làng xa xôi. Điều quý giá nhất không nằm ở những món quà vật chất, mà hơn hết là ở niềm tin yêu, đọng lại trên những ánh mắt nụ cười của bà con dân bản, trở thành động lực cho vợ chồng cô Lê Thị Lan Anh trên mỗi chuyến đi.

 

Mặc dù điều kiện tham gia tình nguyện chưa được nhiều bởi quỹ thời gian hạn hẹp, thế nhưng vợ chồng cô giáo Lan Anh vẫn tích cực với công việc này và coi đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chính mình. Cô Lê Thị Lan Anh tâm sự: “Vợ chồng tôi đều xuất thân khó khăn, đặc biệt là chồng tôi trước đây vì gia cảnh quá khó khăn, nhờ chương trình trợ giúp của VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam mà có điều kiện đi học. Nay cuộc sống được ổn định, hai vợ chồng tôi muốn quay trở lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đoàn tình nguyện của chúng tôi đã đến hầu khắp các bản làng trên địa bàn huyện, và mong muốn nếu có điều kiện sẽ đi nhiều địa chỉ hơn nữa”

Những khó khăn vất vả vẫn còn đó, nhưng những dự định về những chuyến đi thì vẫn tiếp tục hình thành trong suy nghĩ, và những địa chỉ cần đến thì vẫn cứ trải dài ra mãi. Trước những khó khăn đó, cô Lê Thị Lan Anh trở thành nguồn động lực lớn nhất với người chồng của mình là thầy Lý Chí Thành. Dù có gặp khó khăn như thế nào thì cô vẫn luôn hiểu, ủng hộ và động viên thầy trong mọi hoàn cảnh.

Với vợ chồng cô giáo Lê Thị Lan Anh, được nhìn thấy niềm vui của của những hoàn cảnh khó khăn khi đón nhận sự giúp đỡ của mình thì đó chính là niềm hạnh phúc của bản thân. Trong cuộc sống, cô Lê Thị Lan Anh luôn giữ gìn lối sống mẫu mực, giản dị, có mối quan hệ thân thiện, hòa nhã với mọi người xung quanh. Trong gia đình, cô còn là một người phụ nữ đảm đang, chu toàn mọi công việc, hai con của cô đều chăm ngoan, học giỏi, gia đình hạnh phúc được mọi người yêu quí và kính trọng.

Sức lan tỏa của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những gương đời thường luôn là nguồn động viên, khích lệ cho mọi người có suy nghĩ đúng, có tình cảm đẹp, trong sáng, vì cộng đồng đáng được trân trọng, đã làm sáng thêm tư tưởng, đạo đức Bác Hồ kính yêu. Có câu nói rằng “Một gánh sách hay không bằng một người thầy giỏi”. Bằng sự nỗ lực của bản thân, sự tâm huyết sáng tạo làm theo lời Bác, có thể nói, với lòng tận tâm trong sự nghiệp trồng người cô giáo Lê Thị Lan Anh đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà. Cô không chỉ là một người thầy mà còn là một người hội tụ được đầy đủ phẩm chất đạo đức mẫu mực của nhà giáo. Cô Lê Thị Lan Anh thật xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu trong ngành và là tấm gương sáng để các giáo viên và học sinh học tập và noi theo.

(Bài viết dự thi Cuộc thi giới thiệu về các cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do học sinh Lê Thị Kim Ngân - lớp 11A2, Trường THPT Hướng Hoá thực hiện)

TAGS

Tặng giấy khen cho hai học sinh dũng cảm cứu bạn

Q.H |

Sáng nay 18/5/2020, Giám đốc sở Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương đã đến thăm, động viên và trao tặng giấy khen cho hai em: Lê Hữu Bảo, học sinh lớp 8 và Nguyễn Anh Quốc, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học&THCS Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vì đã dũng cảm cứu bạn.

Trao bằng khen cho tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong phòng chống COVID-19

Đ.V |

Sáng 18/5/2020, trong không khí thi đua sôi nổi của cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, Chi bộ cơ quan Hội LHPN tỉnh tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và báo công dâng Bác tại Đền thờ Bác Hồ ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong(Quảng Trị).

“Cánh én hồng” nhiệt huyết

Quang Hiệp |

Đã ngoài 40 tuổi nhưng nhiều năm nay, chiếc khăn quàng đỏ vẫn thắm mãi trên vai thầy Trần Minh Tuấn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Mới đây, thầy vinh dự nhận giải thưởng “Cánh én hồng”.

Người Anh hùng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ

Văn Cần |

Năm nay, đã ngoài 80 tuổi nhưng mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc được gặp Bác Hồ, Anh hùng Lao động Đinh Như Gia (sinh năm 1936, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn không khỏi xúc động, bồi hồi về giây phút đó. Năm lần trực tiếp gặp Bác, được cùng ăn cơm, trò chuyện và lắng nghe những lời dạy bảo từ Bác đã khắc sâu vào tâm trí của ông.