Người tiêu biểu ở bản A Máy

An Phong |

Đến bây giờ vùng đất A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), với rừng núi hoang vu như thuở ông Hồ Văn Hảo (80 tuổi) khoác ba lô trở về cách đây mấy chục năm, đã trở thành nương rẫy sắn, chuối, phủ một màu xanh no ấm. Ông Hảo nói với tôi rằng, người dân bản A Máy hiện tại dẫu chưa giàu có nhưng không còn sợ đói, sợ nghèo như ngày xưa.

 

“Ngày xưa” trong thẳm sâu ký ức của ông Hồ Văn Hảo là tháng ngày ông cùng dân bản A Máy dựng lại bản làng từ hoang tàn đổ nát trong chiến tranh. Sau 15 năm (từ năm 1960 – 1975) nhập ngũ và tham gia sản xuất, chiến đấu với vai trò là bộ đội địa phương của huyện Hướng Hóa, năm 1975, ông Hảo mang ba lô trở về bản A Máy. Nhìn trước, nhìn sau bản A Máy chỉ lác đác vài nóc nhà sàn của đồng bào dân tộc Pa Kô ly tán trở về dựng lại dọc theo triền đồi, khe suối.

Ông Hồ Văn Hảo đang chăm sóc diện tích trồng sắn của gia đình - Ảnh: AN PHONG​
Ông Hồ Văn Hảo đang chăm sóc diện tích trồng sắn của gia đình - Ảnh: AN PHONG​

Sau khi dựng lại căn nhà sàn trên mảnh đất hương hỏa ông cha để lại, ông Hảo cùng dân bản bắt đầu lên đồi phát cỏ, cây làm nương rẫy để lo cho cái ăn mùa giáp hạt. “Cuộc sống của gia đình tôi cũng như người dân bản A Máy thực sự đổi thay bắt đầu từ khoảng năm 2004.

Năm ấy, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng và sau đó tiến hành thu mua sắn nguyên liệu của người dân huyện Hướng Hóa, Đakrông. Nhận thấy cơ hội để vươn lên thoát nghèo, tôi bắt đầu tập trung khai hoang, phục hóa diện tích đất trống, đồi núi trọc để trồng sắn”. Hằng ngày, người dân bản A Máy thấy ông Hảo cứ quần quật, miệt mài phát cỏ dại, xới đất trồng sắn KM 94. Vụ sắn đầu tiên, gia đình ông Hảo thu được khoảng 30 tấn sắn, bán được 20 triệu đồng. Số tiền thu được, ông Hảo đầu tư mua máy cày phục vụ sản xuất.

Sau hơn 1 năm thâm canh cây sắn, gia đình ông Hảo thoát được nghèo, có “của ăn, của để”. Từ đó đến nay, ông Hảo tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng sắn và chăn nuôi thêm trâu, bò để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay, ông Hảo đã có 5 ha sắn, 2 ha lúa rẫy và đàn trâu, bò 12 con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Hảo có thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Trong năm 2012, với số tiền hơn 600 triệu đồng tích cóp được, ông Hảo xây ngôi nhà 2 tầng khang trang và mua sắm thêm nhiều nông cụ, máy móc cơ giới khác.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Hảo còn tích cực hướng dẫn dân bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí để giúp dân bản phát triển sản xuất. Đơn cử như khoảng năm 2004 – 2005, khi người dân bản A Máy bắt đầu làm quen với cây sắn KM 94, nhiều người dân dù được cán bộ của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn, nhưng rồi khi bắt tay vào trồng sắn họ vẫn không quen kỹ thuật trồng. Ông Hảo phải tận tình hướng dẫn, giảng giải cho nhiều người dân cách trồng sắn KM 94 để cây sắn phát triển tốt. Đến nay, người dân đã thành thạo kỹ thuật trồng sắn. Nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả nhờ trồng sắn và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao khác.

“Cuộc sống của đa số người dân bản A Máy hiện tại đã khá lên, nhưng vẫn còn một số hộ nghèo khó. Năm 2019, tôi bán trâu, bò và sắn được khoảng 200 triệu đồng. Từ số tiền ấy, tôi cho người dân vay mượn để sản xuất, kinh doanh mà không lấy lãi. Rồi cứ vào giữa vụ trồng sắn, thấy gia đình nào trong bản không có tiền mua thuốc trừ cỏ, tôi lại bỏ tiền túi mua từ 5 – 10 thùng thuốc trừ cỏ (mỗi thùng có giá 1,8 triệu đồng) để hỗ trợ cho các gia đình diệt cỏ, tăng năng suất, sản lượng cây sắn”, ông Hảo chia sẻ.

Ngoài làm kinh tế giỏi, trong suốt 18 năm làm Trưởng Ban Công tác mặt trận bản A Máy, ông Hảo đã không ngại khó, ngại khổ lặn lội đến từng nhà trong bản để vận động người dân xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, phải thực hiện phương châm “mình làm được thì nói đồng bào mới nghe theo, làm theo” và thực tế trong những năm qua, tôi đã thực hiện hiệu quả phương châm ấy khi đảm nhận cương vị Trưởng Ban Công tác mặt trận bản A Máy. Ngày nào còn sức khỏe và dân bản A Máy cần là tôi vẫn còn giúp người dân”, ông Hồ Văn Hảo nói như vậy khi dẫn tôi đi thăm rẫy sắn đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống ấm no.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển - đẳng cấp và phong cách

Quang Đại |

Là người con Nghệ An, được Trung ương phân công trọng trách Bí thư Tỉnh ủy, trong hơn 2 năm, ông Trương Đình Tuyển đã để lại dấu ấn về tài năng, phong cách và nhiều giai thoại được nhiều người truyền tụng.

10 cá nhân được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ lần X

NHÓM PV |

Tại Đại hội thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) lần thứ X (2020-2025) diễn ra sáng 28.9, tại Hà Nội; 10 cá nhân tiêu biểu đã được tôn vinh, khen thưởng.

Dọn bùn, thông đường cho dân đi sau khi nước rút

Phan Vĩnh- Yên Mã Sơn |

Do ảnh hưởng bão số 5, một số cầu tràn ở địa bàn vùng Lìa huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) nước dâng cao làm chia cắt các xã.

Từ cậu bé giao báo đến tổng giám đốc của tập đoàn toàn cầu

PV |

Tác giả Bill McDermott không chỉ được ngưỡng mộ bởi tài năng kinh doanh hay khả năng lãnh đạo, mà còn là tấm gương vượt khó, vươn tới đỉnh cao dù có xuất phát điểm thấp.