Thủy muốn tự tay làm gì đó để tạo nên sản phẩm đậm chất Việt giữa muôn vàn sản phẩm trang trí trung thu ngoại nhập.
Là kiến trúc sư 9X nhưng lại có sở thích sưu tầm đồ cổ mang đậm nét văn hóa Việt, trung thu năm nay, Nguyễn Thị Kim Thủy (quận 3, TPHCM) quyết liều một phen khi bắt đầu dự án khởi nghiệp với lồng đèn xưa.
Thủy chỉ có vài tháng để hiện thực hóa ý tưởng trước lời khuyên của người thân, bạn bè rằng “Cực lắm! Đừng dại nhúng tay vào”. Nhưng lỡ yêu thích các món đồ trang trí xưa, nhất là lồng đèn truyền thống, Thủy muốn tự tay làm gì đó để tạo nên sản phẩm đậm chất Việt giữa muôn vàn sản phẩm trang trí trung thu ngoại nhập. Và sản phẩm đó nhất định phải tạo dấu ấn riêng thể hiện góc nhìn của người trẻ trên gốc sản phẩm làng nghề.
Cô chủ fanpage Lồng đèn xưa cho biết, chọn “Lý ngư hóa long – Cá chép hóa rồng” làm chủ đề cho lồng đèn trung thu năm nay là vì muốn gửi đi thông điệp tích cực rằng dù có khó khăn như thế nào rồi đến một ngày nào đó Việt Nam cũng sẽ hóa rồng, vươn lên mạnh mẽ. Cũng như những sản phẩm truyền thống, dù có lúc bị lãng quên trước hằng hà món đồ hiện đại, vẫn còn nhiều bàn tay chung sức giữ gìn.
Từ 3 gam màu chủ đạo của lồng đèn cá chép hóa rồng là đỏ, vàng, xanh lá cây, Thủy phối thêm 5 màu mới để tạo ra 6 mẫu lồng đèn cá chép mang đậm phong cách riêng, phù hợp với nhiều không gian trưng bày. Thủy đặt tên cho những “chú cá” đặc biệt trong bộ sưu tập của mình là Lam Ngư, Hỏa Ngư, Bạch Ngư, Kim Ngư, Cổ Ngư và Lục Ngư.
Tỉ mỉ từng công đoạn để sản phẩm đạt chất lượng và thẩm mỹ cao nhất.Những khung đèn bằng nứa và thép, Thủy đặt các nghệ nhân tại TPHCM tạo hình sau đó cô cùng chồng chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết còn lại rồi tự tay hoàn tất sản phẩm theo thiết kế trên máy tính. Dán giấy kiếng hoặc đắp vải, sơn phủ rồi tỉ mỉ vẽ tay trang trí từng hoa văn. Vì đòi hỏi sự chuẩn xác, công phu, Thủy mất 3 ngày mới hoàn thành một sản phẩm. Vậy nên, khi đơn hàng quá nhiều, cô đành phải từ chối vì không thể đáp ứng kịp dù rất tiếc. “Hồi mới làm xong sản phẩm và đăng trên fanpage mà chỉ nhận được một đơn hàng, tôi lo lắm, sợ mình không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Sợ hơn là sự thờ ơ của cộng đồng với sản phẩm truyền thống nếu mình làm chưa tới. Nhưng sau đó, nhờ mạng xã hội, dự án tạo ra sự lan tỏa lớn và thu về nhiều phản hồi tích cực. Đơn hàng ngày càng nhiều, tôi vui lắm. Cũng số tiền đó, người ta có thể mua rất nhiều đồ trang trí khác nhưng đã chọn lồng đèn truyền thống thì coi như nỗ lực của mình được công nhận rồi”, Thủy phấn khởi cho hay.
Tận dụng thế mạnh về quảng bá truyền thông trên mạng xã hội, Thủy chia sẻ những hình ảnh chất lượng, bộc lộ hết vẻ đẹp của những sản phẩm thủ công do mình tạo nên. Hình ảnh những chiếc lồng đèn truyền thống được thực hiện công phu, bắt mắt với nhiều gam màu độc đáo, mới lạ khiến nhiều người bất ngờ, thích thú.
Không dừng lại ở việc thuần kinh doanh, Thủy lan tỏa không khí trung thu xưa thông qua một cuộc thi nhỏ trên fanpage vì muốn lắng nghe cảm xúc của cộng đồng về những ký ức trong trẻo ngày xưa. Dù mới khởi nghiệp, doanh thu chẳng cao nhưng Thủy quyết định dành tặng 5 chiếc lồng đèn đặc biệt cho chủ nhân những bài viết chất lượng, những câu chuyện trung thu ấm lòng người nghe. Trên mỗi bài đăng, bên cạnh hình ảnh chất lượng, Thủy còn sưu tầm nhiều bài viết về lồng đèn xưa, trung thu ngày cũ và rất nhiều thông tin văn hóa thú vị khác để giúp mọi người tìm hiểu kỹ hơn về nét văn hóa truyền thống này.
Khép lại mùa khởi nghiệp đầu tiên với lĩnh vực hoàn toàn mới, Thủy cho biết sẽ chuẩn bị tốt hơn cho mùa sau vì đã thích công việc này. Sau cá chép hóa rồng thì trái lựu, trái đào, con cua, con châu chấu… sẽ là những mẫu đèn truyền thống được bạn trẻ này khoác lên chiếc áo mới sống động hơn trước khi giới thiệu đến cộng đồng. Thủy mong có thể tìm được những nghệ nhân, họa sĩ trẻ cùng đam mê tạo thành nhóm hoạt động để đủ điều kiện mở rộng dự án trong năm tới và phát triển thêm nhiều dự án văn hóa xưa khác.
(Nguồn: Phụ nữ mới)