Trong số những tấm gương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có một cá nhân tiêu biểu, đó là anh Nguyễn Trương Hải (sinh năm 1972), ở thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa.
Từ bàn tay, khối óc và tinh thần vượt khó, anh Hải từng bước xây dựng được mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Anh Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống khá vất vả. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh không có điều kiện tiếp tục theo đuổi con đường học vấn mà ở nhà lao động sản xuất. Sau gần chục năm lăn lộn với đủ nghề, kể cả việc ly hương vào tận Gia Lai làm nghề lái xe để kiếm sống nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.
Năm 1996, anh bàn với vợ trở về quê hương tìm hướng phát triển kinh tế. Ở vào thời điểm này phong trào làm kinh tế gia đình ở huyện Vĩnh Linh đang phát triển mạnh với những mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng cao su tiểu điền, hồ tiêu... Người dân có nhu cầu rất lớn về vôi bột để xử lý môi trường và phân bón cho sản xuất. Tuy nhiên các loại vật tư nông nghiệp này phải đi mua từ những nơi khác về với giá khá cao, có khi nguồn cung ứng không đủ cho nông dân sản xuất.
Nắm bắt cơ hội, anh Hải quyết định ra các tỉnh phía Bắc học tập kinh nghiệm nghề sản xuất vôi bột. Bao năm lăn lộn, làm thuê ở xứ người anh đã tích lũy được khá nhiều kỹ thuật. Khi có vốn kiến thức anh trở về quê mở lò nung vôi phục vụ nông dân sản xuất. Năm 2009, anh Hải đầu tư 400 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng trên diện tích 1.500 m2 .
Thời điểm ấy, lò vôi của anh Hải chỉ sản xuất thủ công, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tháng nào thuận lợi sản xuất khoảng 40 tấn. Nếu trời mưa phải ngưng sản xuất. Anh Hải cho biết: “Dù đã đi học nghề nhưng khi sản xuất thực tế, tôi vẫn không ít lần thất bại. Có thời điểm, làm hỏng đến 30 tấn vôi vì sai sót trong quá trình gia nhiệt.
Quá trình làm việc, tích lũy thêm kinh nghiệm và vốn, đến năm 2013, tôi đầu tư thêm 3 tỉ đồng xây dựng lò theo công nghệ hiện đại, sử dụng than thay củi làm nhiên liệu để tiết kiệm công sức cũng như chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, tôi mua sắm thêm máy nghiền vôi, máy đóng bao, máy khâu, hệ thống băng chuyền, máy cấp nhiên liệu, hệ thống sàng lọc... Từ năm 2014 cho đến nay, cơ sở đi vào hoạt động ổn định hơn. Năng suất, chất lượng vôi tăng lên và đảm bảo môi trường”.
Về quy trình sản xuất vôi bột, anh Hải hay, đá vôi được thu mua từ tỉnh Quảng Bình, sau đó đem nung ở 1.200 độ C, trong thời gian 3 ngày. Sản phẩm được đưa vào kho chế biến, phân loại thành 3 loại, gồm: vôi phục vụ nuôi trồng thủy sản, vôi dành cho xử lý môi trường, phân bón.
Lò nung hoạt động liên tục, mỗi ngày có thể sản xuất từ 12 đến 13 tấn vôi bột. Để thuận lợi cho người sử dụng, sản phẩm vôi bột của cơ sở được đóng gói thành loại 22 kg, loại 44 kg. Tùy theo từng loại sản phẩm mà giá bán có dao động từ 1.200 đồng - 2.700 đồng/kg.
Riêng năm 2022, anh Hải đưa ra thị trường các tỉnh miền Trung, nước bạn Lào 4.000 tấn vôi. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ sở sản xuất được hơn 2.000 tấn. Tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức tiền công từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng. Công nhân hợp đồng lao động của anh được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, bảo hiểm thân thể và có chế độ bồi dưỡng độc hại. Nhờ vậy, mọi người luôn yên tâm, nhiệt tình trong công việc.
Cùng với sản xuất vôi nông nghiệp, anh Hải còn nhận thi công xây dựng các công trình dân dụng, tạo việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn. Ngoài ra, anh Hải còn đầu tư trồng 3 ha cao su và 1 ha tiêu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
Tổng doanh thu từ mô hình kinh tế của gia đình anh Hải đạt khoảng 4 tỉ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lãi ròng 1 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến nay, anh liên tục được công nhận là gương nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)