Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà.
Vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại trường học khi mới 20 tuổi, năm 1969, Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công về công tác tại Đặc khu Vĩnh Linh. Tại đây, ông tham gia chiến đấu và dạy học cho cán bộ chiến sĩ bám trụ chiến đấu ở địa phương, dạy bổ túc văn hóa cho 2 đại đội TNXP của hai tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa tại các tuyến đường Vĩnh Linh vào chiến trường Trị-Thiên cho đến khi về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị... Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà.
Táo bạo triển khai nhiều sáng kiến đột phá cho ngành Giáo dục
Lãnh đạo ngành Giáo dục ở một tỉnh nghèo, vùng khó, trong điều kiện đội ngũ giáo viên và nguồn lực tài chính còn thiếu, ông luôn trăn trở tìm giải pháp sáng tạo đột phá bên trong để tạo quyết tâm của nội bộ ngành và đột phá bên ngoài để tạo nên nguồn lực mới, tạo cơ chế mới để phát triển sự nghiệp giáo dục. Việc chọn “Chủ đề năm học” được hiểu như là một chương trình mục tiêu cụ thể, là nhiệm vụ trọng tâm cần được tập trung tâm lực giải quyết dứt điểm, có hiệu quả cao để tạo ra sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển giáo dục.
Năm 2000, mở đầu thập niên thế kỷ mới, ông chọn chủ đề: “Chấn hưng đội ngũ, chấn chỉnh nền nếp kỷ cương để làm chất lượng”, trong đó tập trung lựa chọn giáo viên giỏi toàn tỉnh bổ sung cho Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh. Kết quả, chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn của học sinh trường chuyên chuyển biến rõ rệt.
Đề án “Năm Giáo dục Quảng Trị2001” là một trong những bước ngoặt quan trọng của ngành Giáo dục với những kết quả nổi bật ghi dấu ấn của Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long và tập thể lãnh đạo ngành. Với việc xác định rõ 3 mục tiêu: Tạo chuyển biến về nhận thức giáo dục cho toàn xã hội theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIIIĐ, từ đó tập trung chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo cho việc dạy và học, tập trung nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục, tạo chuyển biến về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ thầy cô giáo,
“Năm Giáo dục Quảng Trị-2001” đã để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ đối với ngành Giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Từ thực tế triển khai đề án, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tăng rõ rệt. Đặc biệt, có 38 trường học cao tầng kiên cố và hơn 200 công trình mang tên “Công trình Năm Giáo dục- 2001” được xây dựng từ nguồn vốn của các huyện, các trường, vốn xã hội hóa và vốn chương trình dự án nước ngoài tổng cộng gần 45 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, việc đầu tư hàng chục tỉ đồng cho giáo dục ở một địa phương nghèo, hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề như Quảng Trị có một ý nghĩa cực kỳ to lớn.
Thêm nhiều đề án, sáng kiến mà Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long đã đề xuất triển khai hiệu quả trong quá trình công tác như “Thành lập đoàn giáo viên tình nguyện chi viện giáo dục vùng khó thực hiện phổ cập THCS”, “Toàn tỉnh hợp lực giúp vùng khó miền núi thực hiện phổ cập giáo dục THCS” với tinh thần “Huyện giúp huyện, trường giúp trường, thầy giúp thầy, trò giúp trò, toàn xã hội làm phổ cập giáo dục THCS” đã tạo phong trào sôi nổi, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS của tỉnh Quảng Trị vào năm 2005, về đích trước thời gian 5 năm so với kế hoạch của cả nước và kế hoạch của tỉnh.
Sáng kiến “bỏ thi tốt nghiệp tiểu học” được áp dụng toàn quốc
Một trong những sáng kiến mà Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long vẫn tâm đắc mãi khi nhớ lại: “Năm 2002, tại hội nghị giao ban giám đốc sở toàn quốc giữa năm học 2002-2003, thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng và Chính phủ, tôi đã chủ động hiến kế Đề án: “Đổi mới thi tốt nghiệp Tiểu học - bỏ thi tốt nghiệp thay vì xét công nhận tốt nghiệp” và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận cho Quảng Trị thí điểm. Để triển khai đề án ở đơn vị được chọn làm thí điểm là Quảng Trị, đoàn công tác giám sát “việc bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cử về làm việc rất khoa học, khách quan, nghiêm túc.
Ngoài việc giám sát công tác tổ chức thi theo quy chế, đoàn công tác còn lấy phiếu khảo sát cán bộ giáo viên, học sinh tiểu học, phiếu khảo sát cán bộ địa phương và phụ huynh học sinh. Tất cả các đối tượng khảo sát đều đồng thuận với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học. Kết quả, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Luật Giáo dục cho bỏ thi, thay vào đó xét tốt nghiệp tiểu học.
Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Trị, sáng kiến này đã tiết kiệm cho ngân sách địa phương hằng năm trên 1,7 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này tương đương tổng mức đầu tư lúc bấy giờ để xây dựng 3 ngôi trường tiểu học cao tầng và kiên cố, chưa tính các tỉnh có quy mô học sinh rất lớn trên toàn quốc khi bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học sẽ tiết kiệm ngân sách nhà nước cực kỳ lớn”.
Trọn nghĩa vẹn tình với đồng nghiệp
Năm 2009, Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long nghỉ hưu. Dù vậy, như là duyên nợ với ngành Giáo dục, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò chuyên gia tư vấn của Chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phụ trách 2 vùng miền Trung và miền Tây Nam bộ, đồng thời là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Trị.
Hội Cựu giáo chức tỉnh đã trở thành mái nhà chung ấm áp của cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu trong toàn tỉnh. Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long đã cùng với BCH hội huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành và Công đoàn ngành Giáo dục, các tổ chức đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, của toàn thể hội viên đóng góp xây dựng “Quỹ nghĩa tình cựu giáo chức”. Nguồn quỹ này dành cho việc tổ chức lễ mừng thọ những nhà giáo lớn tuổi, thăm hỏi và tặng quà cho các hội viên lâm bệnh hiểm nghèo và gia đình hội viên có gia cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhà giáo Lê Mậu Đạt chia sẻ: “Chính thầy Lê Phước Long là người khởi xướng từ khâu kêu gọi đóng góp ủng hộ kinh phí đến chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh và lễ khánh thành khu lăng mộ của Nhà giáo-Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới Hà Công Văn tại xã Hàm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Đây chính là sự tri ân đáng quý dành cho đồng nghiệp mà thầy Long rất tâm huyết thực hiện cho bằng được”.
Tận tụy, sáng tạo, quyết đoán và đặt hết tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà từ những ngày còn gian khó, sống chan hòa, khiêm nhường, chân tình, bình dị, trọn nghĩa vẹn tình với đồng nghiệp, với mọi người, đó là những phẩm chất quý giá mà Nhà giáo nhân dân Lê Phước Long để lại ấn tượng trong lòng mọi người.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)