Toàn tỉnh Quảng Trị có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 3 hệ thống sông chính là sông: Bến Hải, Thạch Hãn và Ô Lâu. Trên những dòng sông này, qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc đã hình thành nên những bến đò lịch sử với sứ mệnh đưa đón bộ đội, thương binh, vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực thực phẩm... giúp quân và dân ta chiến thắng quân xâm lược.
Bến đò Tùng Luật
Những ngày tháng 4, ký ức hào hùng về một thuở cùng đồng đội vượt sông Bến Hải đưa đón bộ đội, thương binh, tử sĩ nơi bến đò Tùng Luật lại ùa về trong tâm khảm bà Nguyễn Thị Dậu (78 tuổi), trú tại thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Từ năm 1965 - 1973, bà Dậu là Xã đội phó, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Giang.
Trong giai đoạn 1971 - 1976, bà làm đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa V. Nhắc đến bến đò Tùng Luật là nhắc đến những chiến tích huy hoàng của quân và dân Vĩnh Giang trong những năm chiến tranh ác liệt từ 1962 đến tận ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó có sự đóng góp lặng thầm của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung như bà Dậu.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, dòng sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới tạm thời. Với mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ngang nhiên phá vỡ hiệp định, để rồi ròng rã hơn 20 năm, đất nước phải chịu cảnh chia ly đôi miền Nam - Bắc. Và cũng từng ấy năm, huyện Vĩnh Linh trở thành mảnh đất đầu cầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
“Từ sau năm 1958, Mỹ - Diệm tuyên bố khóa tuyến, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, tăng cường phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Giai đoạn này, tất cả các đường qua lại dọc giới tuyến đều chấm dứt mọi hoạt động công khai. Trước tình hình đó, việc tiếp lương tải đạn từ phía Bắc vĩ tuyến vào và đưa đón thương binh, tử sĩ từ Nam vĩ tuyến ra đều phải vượt qua sông Bến Hải dưới hình thức bí mật”, bà Dậu nhớ lại.Lúc bấy giờ, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có 4 bến vượt sông. Trong đó, bến đò Tùng Luật (bến đò B) là một trong những điểm bí mật với nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, dân công và vũ khí đạn dược sang bờ Nam phục vụ chiến trường, hỗ trợ và thúc đẩy phong trào cách mạng ở miền Bắc Quảng Trị. Do hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về địa lý và quân sự nên bến đò Tùng Luật là con đường ngắn nhất nối Vĩnh Linh với chiến trường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà. Cùng với đó, bến đò Tùng Luật chỉ cách Cửa Tùng khoảng 2 km theo đường sông, thuận tiện để vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ nên được Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vĩnh Linh thời bấy giờ chọn làm điểm chiến lược.
Từ giữa năm 1967 - 1972, bến đò Tùng Luật đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy và Xã đội Vĩnh Giang. Tại đây, thường xuyên có một đại đội dân quân gồm 80 người (lúc cao điểm lên tới 111 người), biên chế thành 4 phân đội.
Việc phục vụ chiến đấu và tiền tuyến được phân công chặt chẽ theo từng vị trí, địa bàn, tuyến đường. Bà Dậu lúc bấy giờ là xã đội phó, phụ trách công tác hậu cần, thường xuyên trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân xã Vĩnh Giang vượt sông đưa đón bộ đội vào Nam; tiếp nhận, vận chuyển thương binh, tử sĩ ra Bắc; tập kết, vận chuyển hàng hóa, vũ khí ra đảo Cồn Cỏ.
“Trên trời, máy bay địch ném bom không ngớt. Dưới đất thì pháo cao xạ của địch nã xuống liên hồi. Ngoài biển cũng có hạm đội của địch bắn vào. Vì vậy, mọi hoạt động của ta đều phải bí mật, chủ yếu được tổ chức thực hiện vào ban đêm nhằm đảm bảo an toàn”, bà Dậu kể.
Mặc dù thường xuyên hứng chịu bom đạn của địch nhưng tại bến đò Tùng Luật, quân và dân Vĩnh Giang đã đưa đón hàng triệu lượt người, gồm: bộ đội, dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến từ bờ Bắc sang bờ Nam. Tại đây cũng đã chuyên chở hàng nghìn thương binh, tử sỉ và người dân từ bờ Nam sang bờ Bắc; vận chuyển hàng trăm chuyến hàng ra đảo Cồn Cỏ.
Chỉ tính từ năm 1968 - 1972, người dân Vĩnh Giang đã vận chuyển trên 2 triệu lượt người, hàng hóa, vũ khí, lương thực. Có đêm cao điểm vận chuyển 145 chuyến với trên 2.000 bộ đội vượt sông an toàn. Bến đò B đã 5 lần bị máy bay B52 ném bom rải thảm, 2 lần rải chất độc hóa học, hứng chịu trên 127.700 quả bom và trên 690.000 quả pháo các loại.
Ngày 27/9/1996, bến đò Tùng Luật được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia. Ngày nay, nơi đầu thôn Tùng Luật, tượng đài di tích bến đò Tùng Luật được xây dựng sát bờ sông Bến Hải để ghi dấu chiến tích một thời oanh liệt của quân và dân Vĩnh Giang anh hùng.
Vượt sông Thạch Hãn chi viện cho Thành Cổ
Những ai đã từng đến Thành Cổ Quảng Trị, ghé thăm nhà bảo tàng để chiêm ngắm những chứng tích, hiện vật vô giá được trưng bày tại đây hẳn đều sẽ ấn tượng với một hình ảnh đặc biệt. Đó là bức ảnh “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức Thành Cổ” do phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính ghi lại.Trong bức ảnh này, một cụ ông đánh trần, lái đò đưa bộ đội sang sông với nụ cười hào sảng bên một thiếu nữ trẻ tay ôm chắc cây súng. Sau lưng họ là nhiều chiến sĩ bộ đội giải phóng. Người lái đò với nụ cười hào sảng trong bức ảnh là ông Nguyễn Con, người làng Giang Hến, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, thuyền trưởng của đội vận chuyển quân lương phục vụ chiến trường Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Còn người thiếu nữ tay ôm súng là chị Nguyễn Thị Thu (con dâu của ông Con).
Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi đã tìm được nhà của bà Thu (69 tuổi) tại Tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Bên trong ngôi nhà nhỏ, có nhiều bức ảnh đen trắng thời chiến tranh. Trong đó, bức ảnh “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức Thành Cổ” được treo ở nơi trang trọng. Chỉ tay lên bức ảnh, bà Thu nói: “Bức ảnh này do chính tác giả - ông Đoàn Công tính tặng vợ chồng tôi sau ngày đất nước hòa bình”.
Chắp nối những mảnh ký ức của bà Thu và tư liệu thu thập được, chúng tôi được biết, năm 1972 khi vừa tròn 18 tuổi, bà Thu tham gia du kích địa phương. Ít lâu sau, bà nhận nhiệm vụ làm giao liên, cùng với ba chồng lái đò chở bộ đội, vũ khí cùng lương thực vượt sông Thạch Hãn chi viện cho Thành Cổ trong cuộc chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, địch dốc toàn bộ lực lượng với vũ khí hiện đại hòng chiếm lại Thành Cổ. Để đánh bật các cuộc phản công của địch, quân ta phải huy động bổ sung một lực lượng lớn. Để bộ đội vào Thành Cổ một cách nhanh nhất, an toàn và hiệu quả chỉ có một đường duy nhất là dùng đò vượt sông Thạch Hãn.
Lúc bấy giờ, khúc sông đoạn qua các xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành, huyện Triệu Phong trở thành những vị trí chiến lược, đưa quân giải phóng vào chiến trường. Gia đình ông Con vốn làm nghề cào hến trên khúc sông này nên thông thuộc địa hình trong lòng bàn tay. Dưới làn mưa bom bão đạn của địch, bà Thu và ông Con không quản ngại hiểm nguy, mưu trí, dũng cảm lái đò đưa bộ đội vượt sông.
Bà Thu kể, trong những chuyến đò ngày ấy, không thể biết được sống chết lúc nào nên đã lên đò là cứ hướng về phía trước, dù cho bom đạn có nổ bên tai. “Ban ngày, máy bay ném bom rát quá thì chúng tôi đi buổi đêm. Trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, tôi cùng ba chồng không hề nghỉ một ngày. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi vượt sông khoảng 30 chuyến để chở bộ đội, vũ khí, lương thực tiếp tế cho Thành Cổ và vận chuyển thương binh ra tuyến sau chữa trị”, bà Thu kể.
Giữa tháng 9/1972, trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ kết thúc. Chiến thắng ở Thành Cổ đã tạo lợi thế cho ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Đất nước hòa bình thống nhất, ông Con và bà Thu quay lại với công việc cào hến mưu sinh trên dòng sông Thạch Hãn. Năm 1978, ông Con qua đời vì bệnh tật. Vợ chồng bà Thu sinh được bốn người con, hiện nay đều đã lập gia đình. Niềm vui của ông bà bây giờ là được sống bình yên, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu trở thành người có ích cho xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)