Những bóng hồng “2 giỏi” trên đất Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Trong 29 cá nhân tiêu biểu vinh dự được biểu dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động và phong trào thi đua “Giỏi việc nước- đảm việc nhà” giai đoạn 2010- 2020 do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị tổ chức, có 2 đại diện đến từ “đất thép” Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Hiệu trưởng vùng khó tròn “2 vai”

Tính đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lý - hiện đang là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Phổ thông bán trú Tiểu học Vĩnh Khê, đã có hơn 30 năm công tác trong nghề với 21 năm đứng lớp, 10 năm làm cán bộ quản lý cùng 23 năm đảm đương Phó Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn. Từng công tác tại nhiều trường học vùng nông thôn không có nhiều thuận lợi, cô Lý luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, đưa nhà trường ngày một đi lên. Đặc biệt năm 2018, thực hiện đề án sát nhập các đơn vị trường học, được điều động lên trường Phổ thông bán trú Tiểu học Vĩnh Khê, thuộc vùng miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Linh khi đã bước sang tuổi 52, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lý vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Lý trao hỗ trợ cho gia đình em Hồ A Rông.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Lý trao hỗ trợ cho gia đình em Hồ A Rông.

Ngày ngày vượt quảng đường gần 30 km bám trường, nhận thấy những vất vả chung khi hơn ½ trong số 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng có nhà cách xa trường từ 17- 40 km. Nhiều đồng chí nữ còn hoàn cảnh con nhỏ, chồng công tác xa, cô Lý kịp thời gần gũi, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, đảm bảo tốt các chế độ chính sách. Đồng thời nghiên cứu, bố trí đúng người, đúng việc. Có kế hoạch sát đúng chỉ đạo xây dựng tập thể nhà trường thành một khối thống nhất cao, trợ giúp nhau yên tâm công tác. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành và Công đoàn các cấp phát động. Trường, Công đoàn cơ sở nhiều năm liên tục không có đơn thư khiếu kiện. Từ đó chất lượng dạy và học hàng năm tăng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước, tỉ lệ đạt giáo viên chuẩn 100% và trên chuẩn 85-90%.

Với đặc thù trường khu vực miền núi, học sinh nhà trường chia làm 2 khu vực, mỗi khu vực cách xa nhau 15-17 km, 100% phụ huynh là dân tộc Vân Kiều, đời sống còn thiếu thốn mọi bề, nhận thức về việc học và sự quan tâm đối với con em còn nhiều hạn chế nên công tác xã hội hóa giáo dục khó thực hiện. Xác định rõ điều này, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô Lý cùng BGH nhà trường tăng cường tham mưu, đề xuất các cấp, ngành đầu tư, từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy học, sớm đưa trường vào hoạt động bán trú. Nhờ vậy, gần 2 năm qua nhà trường đã làm mới sân thể dục, nhà vệ sinh với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; khoan giếng, bể lọc nước sạch cho học sinh khoảng 150 triệu đồng.

Đồng thời cô Lý chủ động kết nối các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh vùng khó bằng các chuỗi hoạt động thiết thực, như: trao học bổng, xe đạp, đồng phục, đồ dùng học tập cùng hàng ngàn suất quà trị giá hàng trăm triệu đồng. Cũng thông qua sự kêu gọi của cô Lý, học sinh Hồ A Rông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được bảo trợ trong 5 năm học tiểu học, niềm vui nhân đôi khi gia đình em còn được trợ giúp xây dựng một ngôi nhà mới cùng các vật dụng thiết yếu, 1 con bò giống... trị giá gần 70 triệu đồng.

Nhắc đến cô giáo Phương Lý, lãnh đạo, đồng nghiệp cảm phục không chỉ bởi cô làm tròn vai trò người đứng đầu đơn vị mà còn là trụ cột vững chắc của gia đình gặp nhiều biến cố. Bố mẹ đẻ mất sớm, từ khi người chồng không may gặp tai nạn giao thông qua đời năm 2001, cô Lý vừa làm cha, vừa làm người mẹ mẫu mực, con dâu thảo một mình chăm sóc 3 con nhỏ dại, mẹ chồng già yếu, bố chồng bị liệt nằm một chỗ. Vượt qua những mất mát, với nghị lực của mình cô giáo Phương Lý luôn chu toàn mọi bề, tiếp tục cống vì sự nghiệp trồng người, hết lòng hướng đến học sinh thân yêu.

Nữ cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Chị Hoàng Thị Phụng hiện là Ủy viên Thường vụ Đảng bộ Cơ quan chính quyền; Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND; Chủ tịch Công đoàn Văn phòng HĐND&UBND huyện Vĩnh Linh. Mặc dù kiêm nhiệm nhiều công việc, chức vụ về Đảng và đoàn thể song chị Phụng luôn ý thức học hỏi; nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng để thực hiện tốt, chính xác, đảm bảo kịp thời mọi nhiệm vụ. Ngoài tham mưu tích cực trong lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ chuyên môn được phân công phụ trách, chị Phụng đôn đốc nhân viên bộ phận một cửa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xữ lý, giải quyết hồ sơ cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn một cách nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ vậy, từ năm 2014 - 2019 việc giải quyết hồ sơ cho các tổ chức công dân đúng hẹn và sớm hẹn đạt tỉ lệ cao, trên 99,5%. Công tác cải cách hành chính của huyện Vĩnh Linh luôn đứng tốp đầu toàn tỉnh. Việc áp dụng đề án Dân chấm điểm M.Score được HĐND tỉnh đánh giá, khảo sát sự hài lòng của nhân dân rất tích cực, không có người dân nào phản ánh không hài lòng.

Chị Hoàng Thị Phụng (hàng thứ nhất, thứ 5 từ trái sang) cùng đội ngũ nữ CB, CC, VC Đảng bộ CQCQ huyện Vĩnh Linh tham gia hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam - Di sản văn hóa” năm 2020.
Chị Hoàng Thị Phụng (hàng thứ nhất, thứ 5 từ trái sang) cùng đội ngũ nữ CB, CC, VC Đảng bộ CQCQ huyện Vĩnh Linh tham gia hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam - Di sản văn hóa” năm 2020.

Với cương vị là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, chị Phụng luôn đặt lợi ích thiết thực của đoàn viên lên trước, cùng BCH Công đoàn tập trung chăm lo chế độ chính sách cho 30 cán bộ công chức và người lao động. Chị Phụng lãnh đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí BCH để phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan cũng như tổ chức Công đoàn. Trong đó không ngừng đổi mới hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Từ sự vận động của BCH Công đoàn, các phong trào thi đua, cuộc vận động “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu”, “Học tập và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển” được mỗi đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng. Công đoàn còn tạo mọi điều kiện để đoàn viên phấn đấu khắc phục khó khăn, vươn lên học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, chị Phụng còn triển khai nhiều hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo ý nghĩa trong Công đoàn như tổ chức thăm, tặng quà cho các đơn vị công tác và con em Vĩnh Linh di dân sinh sống trên huyện đảo Cồn Cỏ với tổng kinh phí gần 70 triệu đồng. Xây dựng quỹ bảo trợ trẻ; quỹ hỗ trợ người tàn tật và trẻ mồ côi. Hiện Công đoàn Văn phòng HĐND&UBND đang nhận bảo trợ 2 trẻ mồ côi theo địa chỉ nhân đạo; 6 địa chỉ hàng tháng. Phong trào hiến máu nhân đạo hàng năm luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Duy trì tốt chương trình “Cháo tình thương” phục vụ bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh từ năm 2015 đến nay… Với nhiều đóng góp quan trọng, những năm qua chị Hoàng Thị Phụng được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Tuy mỗi người một hoàn cảnh, một lĩnh vực công tác khác nhau song tựu chung ở chị Lý, chị Phụng và hàng ngàn nữ công nhân viên chức lao động trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung đều sáng ngời những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Từ đó tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới quê hương.


TAGS

Anh Lê Văn Kiệm - Nghề chọn người

Hải Lam |

Tháng 7/1979, anh Lê Văn Kiệm xung phong lên đường nhập ngũ. 14 năm tại ngũ, hơn 2/3 thời gian anh trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường, trong đó có gần 6 năm ở chiến trường C (Mặt trận 479, Campuchia), đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất, gian khổ nhất của thời kỳ này.

Điểm tựa hạnh phúc của những thương binh nặng

Tú Linh |

Những năm chiến tranh, các chị gạt nước mắt tiễn chồng lên đường đánh giặc, nguyện làm hậu phương vững chắc cho những người lính ngoài mặt trận. Ngày các anh trở về mang theo di chứng chiến tranh nặng nề, có người không còn đủ chân tay. Thế nhưng các chị vẫn âm thầm chia sẻ nỗi đau cùng chồng, đảm đương, gánh vác gia đình, lo liệu cuộc sống. Các chị là những người vợ nghị lực, giàu đức hy sinh của các thương binh nặng.

Cựu chiến binh Hồ Văn Vê làm kinh tế giỏi

Hồng Nhung |

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không cam chịu đói nghèo, những năm qua, cựu chiến binh Hồ Văn Vê ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã luôn cần cù lao động, hăng say xây dựng kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Vê trở thành tấm gương sáng trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” ở địa phương.

Người thương binh lưu giữ hàng nghìn kỷ vật chiến tranh

PV |

Những năm qua, cựu chiến binh Bùi Văn Bình, thương binh hạng 4/4 ở Phú Thọ, đã đi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hàng nghìn kỷ vật từ các cuộc kháng chiến tại nhà riêng.