Những “bóng hồng” dọc đường ray

Võ Khánh Linh |

Trời trở rét, mưa bay lất phất, những con tàu len lỏi vào trong thành phố vẫn bình an lăn bánh khắp mọi miền đất nước. Để có được những chuyến tàu bình yên ấy, không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của những người phụ nữ ngày đêm gác chắn đường ngang - một công việc tưởng chừng chỉ có đàn ông mới đảm đương nổi. Không quản ngày hay đêm, những người phụ nữ mà tôi gặp vẫn luôn “canh giữ” gác chắn tàu để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu qua.

Nghề “làm dâu trăm họ”

Có mặt tại trạm gác chắn đường ngang Km621+100, gác chắn ở đường Nguyễn Trãi, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), tôi mới thấy hết nỗi vất vả, gian nan của những người canh giữ bình yên cho mỗi chuyến tàu qua nơi đây. Chị Trần Thị Cẩm Hằng (28 tuổi), nhân viên gác chắn tại đây chia sẻ: “Đường Nguyễn Trãi tập trung nhiều quán karaoke, tụ điểm vui chơi giải trí. Chính vì thế mật độ xe cộ ở đây rất đông, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi nhân viên gác chắn ở đây luôn phải tập trung, không được rời vị trí. Bởi chỉ cần lơ là một chút cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người”.

Chị Trần Thị Cẩm Hằng luôn giữ tinh thần tập trung, không rời vị trí mỗi khi có chuyến tàu qua -Ảnh: V.K.L​
Chị Trần Thị Cẩm Hằng luôn giữ tinh thần tập trung, không rời vị trí mỗi khi có chuyến tàu qua -Ảnh: V.K.L​

 Tiếp lời chị Hằng, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung (30 tuổi), cùng ca trực với chị Hằng cho biết thêm: “Tôi và chị Hằng là những nữ gác chắn vào nghề mới hơn 1 năm. Công việc gác chắn tàu ai nhìn vào cũng nghĩ đơn giản nhưng làm nghề này như “làm dâu trăm họ”. Có người vui vẻ, nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường sắt để nhân viên đóng chắn nhưng cũng có người cố tình vượt gác chắn, không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh của nhân viên. Với những nhân viên gác chắn như chúng tôi, việc bị la mắng, chửi bới, thậm chí hành hung không phải chuyện hiếm gặp”. Mưa rả rích, các phương tiện giao thông vẫn lưu thông trên đường, bỗng chuông báo tín hiệu tàu sắp đến vang lên. Khoác vội chiếc áo để ở ghế, chị Hằng và chị Nhung nhanh nhẹn nhấn nút bật chuông và tín hiệu đèn để ra hiệu cho người đi đường dừng lại. Ai vào việc nấy, 2 người kéo gác chắn lại, tay chị Hằng giương cờ, đứng trong tư thế rất tập trung, không rời vị trí. Cho đến khi chuyến tàu đi qua an toàn, họ lại tất bật kéo gác chắn trở về vị trí cũ. Chờ dòng người đông đúc đứng chờ tàu lưu thông hết, các chị mới trở vào trạm gác. Căng đôi mắt rồi lấy ngón tay dò từng dòng một trên sổ nhật ký, chị Hằng tỉ mẩn ghi từng dòng ký hiệu tàu, giờ tàu chạy qua. Được biết, trạm gác chắn ở đây có 6 người, đều là nữ, công việc được phân chia theo ban. Mỗi ban trực có 2 người, ca trực ban ngày làm việc từ 6 giờ đến 18 giờ, ca trực ban đêm làm việc từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, thu nhập mỗi tháng khoảng 4 đến 5 triệu đồng. “Đã là một nhân viên gác chắn tàu thì phải có tinh thần thép và không ngại việc bị người đi đường la mắng. Chúng tôi cố gắng làm tốt nhiệm vụ để đảm bảo an toàn cho mọi người nhưng một số người không hiểu, đợi chờ lâu một chút lại nạt nộ, chửi bới. Những lúc đó, chúng tôi tuy tủi thân, ức chế nhưng phải kìm nén, nhẹ nhàng giải thích, tránh cãi vã dẫn đến những điều không hay. Tôi và các chị em ở đây đều tự nhủ, cho dù một số người chưa hiểu được công việc của mình thì mình vẫn cứ làm đúng lương tâm và trách nhiệm, đảm bảo cho mỗi chuyến tàu đi qua được thông suốt và an toàn”, chị Nhung bộc bạch.

Tuy vất vả nhưng chị Mỹ Nhung vẫn gắn bó với nghề -Ảnh: V.K.L​
Tuy vất vả nhưng chị Mỹ Nhung vẫn gắn bó với nghề -Ảnh: V.K.L​

Mỗi ban trực sẽ có những khó khăn, vất vả riêng. Ban ngày, khi mật độ xe cộ đông, nhân viên gác chắn sẽ đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Còn đêm đến vắng vẻ hơn, nhân viên nữ gác chắn còn phải đối mặt với những mối đe dọa, như bị các đối tượng say rượu hoặc nghiện ma túy, kẻ biến thái đến quấy rối, trêu chọc. “Gặp những đối tượng gây rối, chúng tôi phải tỏ thái độ mạnh mẽ và cứng rắn để giải quyết tình huống. Đó là đặc thù của nghề mà chúng tôi buộc phải làm quen và chấp nhận”, chị Nhung tâm sự. Là người phụ nữ, người “giữ lửa” trong gia đình, một khi đã gắn bó với nghề gác chắn tàu thì họ phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Những nữ gác chắn tàu hầu như không có thời gian chăm lo cho bản thân, nhất là tổ ấm riêng của mình. Những bữa cơm quây quần bên gia đình dường như là điều hiếm hoi. Chị Nhung chia sẻ: “Con tôi còn nhỏ nên phải gửi cho mẹ chồng chăm sóc, nhiều lúc rất nhớ con, nhất là trực ban đêm. Tôi thương con vì không được nằm trong vòng tay của mẹ mỗi tối”. Gắn bó với cái nghề được xem như “làm dâu trăm họ”, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, vất vả, nhưng những chị em mà tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc không chỉ làm việc bằng sự chịu khó, trách nhiệm mà còn làm việc bằng cả đạo đức và sự tận tâm của mình.

Lúc trời đã chập tối, tôi tiếp tục ghé vào trạm gác chắn tàu đường ngang Km621+256 (ngay dưới chân cầu vượt, thuộc địa phận Phường 1, thành phố Đông Hà). Chị Nguyễn Thị Hoài (33 tuổi)-nhân viên của trạm gác- giơ đôi bàn tay in đầy vết chai sạn, chia sẻ: “Vào các ngày bình thường, mỗi ban trực trung bình đón khoảng 13 đến 14 chuyến tàu. Nhưng vào các ngày lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì mỗi ban đón gần 20 chuyến tàu. Tôi kéo thanh chắn nhiều nên chai cả tay. Nhưng cứ mỗi chuyến tàu đi qua, cảm thấy mình góp chút sức để đảm bảo sự an toàn cho những người tham gia giao thông, đảm bảo sự bình an cho những chuyến tàu ngược xuôi là tôi thấy vui”.

Có một điều tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những nữ nhân viên gác chắn đường ngang là họ đều rất lạc quan và yêu nghề. Được biết, trạm gác chắn của chị Hoài có 3 người, mỗi ban trực chỉ có 1 người, giàn chắn được gắn thiết bị điều khiển tự động. Chính vì vậy, mỗi khi có sự cố xảy ra, nhân viên gác chắn phải xử lý tình huống thật linh hoạt và chính xác. Nói về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian làm nghề, chị Hoài kể: “Có một lần khi chuông báo tàu sắp qua, tôi bật đèn hiệu lên cảnh báo người đi đường dừng lại. Lúc đó, giàn chắn đã được kéo lại gần hết, nhưng tôi thấy có một chiếc ô tô tiến lại gần thanh chắn và không có ý định dừng lại nên liên tục vẫy cờ, thổi còi, ra hiệu cho chiếc xe. Tuy nhiên, chiếc xe vẫn cố tình vượt lên và va vào giàn chắn. Mặc dù đó chỉ là va chạm nhẹ, nhưng cũng khiến giàn chắn bị lệch đi một chút. Để xử lý nhanh tình huống, tôi đóng giàn chắn phía còn lại để dừng xe cộ đang lưu thông trên đường. Còn phía xảy ra sự cố có một khoảng trống giàn chắn chưa thể đóng hết, tôi phải dang tay, giăng cờ để không cho xe cộ chen lên. Khi chuyến tàu đi qua an toàn, tôi mới giải quyết vấn đề với anh tài xế lái xe ô tô. Anh tài xế xin lỗi tôi và hứa sẽ gọi thợ đến sửa giàn chắn”.

Những nữ nhân viên gác chắn tỉ mẩn ghi chép nhật ký giờ tàu chạy-Ảnh: V.K.L​
Những nữ nhân viên gác chắn tỉ mẩn ghi chép nhật ký giờ tàu chạy-Ảnh: V.K.L​

Giữa tiết trời ngày hè nắng nóng hay đêm đông lạnh giá, mưa gió bão bùng hay thậm chí là những đêm thức trắng, những nữ gác chắn đường tàu vẫn âm thầm, lặng lẽ hoàn thành công việc của mình. Những bữa cơm xa gia đình, những cái Tết không trọn vẹn dần trở nên quen thuộc với các chị. Chị Hoài vào nghề gác chắn tàu đã được 3 năm, giao thừa năm trước chị có lịch trực ban nên không thể ở nhà. Vào đêm giao thừa thấy mọi người đi qua gác chắn, cười nói vui vẻ hay giữa những ồn ào, tấp nập nơi phố xá, chị Hoài cũng có lúc chạnh lòng. Nhờ chồng và gia đình an ủi, động viên nên tôi thấy cũng đỡ tủi hơn, cố gắng hoàn thành công việc thật tốt để trở về quây quần bên gia đình và người thân”, chị Hoài nói. Đối với những người vợ, người mẹ làm công việc gác chắn đường tàu, một đêm giao thừa không ở cùng người thân có lẽ không phải chuyện xa lạ. Nhưng một khi đã gắn bó với nghề, dù vất vả mấy các chị cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một đoàn tàu nữa lại sắp qua, chị Hoài phải ra kéo chắn. Đoàn tàu chầm chậm lăn bánh qua trạm chắn an toàn, trên gương mặt sạm nắng của chị Hoài nở một nụ cười. Bất chợt, tôi thấy được hạnh phúc lớn nhất của những người làm nghề gác chắn như chị thật đơn giản. Đó là niềm vui từ những chuyến tàu bình an…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần sớm thi công nâng cấp đường vào khu neo đậu tàu thuyền Triệu An

Mai Trang – Minh Dương |

Nhiều năm trở lại đây, đoạn đường dẫn từ chân cầu Cửa Việt vào âu tàu Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị) vốn đã gây khó khăn cho người dân trong đi lại, nhưng sau mùa mưa lũ năm nay, tình hình càng thêm nghiêm trọng. Điều mà người dân quan tâm, mong mỏi nhất hiện nay đó là các đơn vị liên quan sớm thi công để nâng cấp con đường, tạo thuận lợi cho người dân.

Thông xe hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á nối Đà Nẵng-Thừa Thiên-Huế

Quốc Dũng |

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, Tập đoàn Đèo Cả sẽ vận hành cho các phương tiện lưu thông qua cả 2 ống hầm Hải Vân 1 và Hải Vân 2 trong 20 ngày (từ 1-21/2).

Hoàn thành lắp đặt ray đường sắt Lào-Trung vào giữa năm 2021

Tổng hợp |

Nhà phát triển dự án đường sắt Lào-Trung Quốc cho biết việc lắp đặt đường ray toàn tuyến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 5/2021 tới đây.

Rực rỡ những "đường hoa" ở thành phố nông thôn mới Ngã Bảy

Trần Lưu |

Năm 2015, thành phố (khi đó là thị xã) Ngã Bảy (Hậu Giang) là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ những thành công đó, Ngã Bảy tiếp tục phát huy, và đến nay, cả bốn phường và hai xã ở Ngã Bảy đều đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và phường văn minh đô thị. Nhiều năm qua, không chỉ đời sống người dân được nâng cao, mà diện mạo trên các vùng quê đã cũng đã "thay da đổi thịt". Những con đường lầy lội ngày nào giờ đã láng bóng, người dân trồng cây xanh hai bên đường xanh mướt một màu, đẹp như những bức tranh sống động...