Mắc COVID-19 vào thời điểm cuối thai kỳ, hơn ai hết, các sản phụ thấm thía câu nói của ông cha xưa: “Cửa sinh là cửa tử”. Trong tháng ngày trĩu nặng âu lo ấy, sự có mặt của bác sĩ, nhân viên y tế đã tiếp thêm sức mạnh, giúp các F0 vượt qua “cửa tử”, thắp lên niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.
Gọi con bằng tên bác sĩ
Tiếng khèn bè lại rộn rã vươn ra từ những nếp nhà sàn ở khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Thanh âm tươi vui ấy báo hiệu quãng thời gian đầy âu lo của người dân đã lùi dần về phía sau. Cách đây tầm 2 tháng, các ca dương tính với SARS-CoV-2 liên tục được ghi nhận tại khóm Ka Tăng. Riêng gia đình anh Hồ Văn Ray (sinh năm 1997) có đến 4 người mắc COVID-19. Đáng lo nhất là thời điểm ấy, chị Hồ Thị Năm, vợ anh Ray đang bước vào những ngày cuối của thai kỳ.
Âu yếm nhìn đứa con nhỏ, chị Hồ Thị Năm vui vẻ giới thiệu, cháu tên là Hồ Thị Việt Trang. Chị cho biết, cái tên ấy được ghép giữa tên bác sĩ Hồ Thị Việt và điều dưỡng Nguyễn Thị Tú Trang. Chính bác sĩ Việt và điều dưỡng Trang đã giúp chị Năm vượt cạn thành công trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của cơ sở điều trị COVID-19 buổi đầu thành lập ở thị trấn Lao Bảo. “Lúc vào đây cách ly, điều trị, em như có lửa đốt trong lòng. Em cứ sợ vợ chồng mình và các con gặp nguy hiểm, trong đó thương nhất là đứa con chưa chào đời”, chị Năm nhớ lại.
Nhắc đến sản phụ Năm, bác sĩ Việt không giấu được sự xúc động. Hôm cả nhà chị Năm dắt díu nhau vào cơ sở điều trị COVID-19, các bác sĩ, nhân viên y tế thương đến nghẹn lời. Lúc đó, chồng chị Năm tay bồng, tay dắt hai đứa con bé như cây kẹo. Chị Năm vừa đi, vừa thở dốc, phần vì sắp đến ngày sinh nở, phần vì cơ thể bị nhiễm vi rút nên rất mệt mỏi. Dẫu đã chuẩn bị cho việc cách ly, điều trị dài ngày nhưng cả nhà luôn ở trong tình trạng cái gì cũng thiếu, chỉ thừa… nỗi lo.
“Thời điểm ấy, cơ sở điều trị gần như quá tải. Sự xuất hiện của chị Năm khiến chúng tôi nhân đôi nỗi lo. Đối với người bình thường, chuyện vượt cạn trong điều kiện thiếu thốn đã khó, đằng này chị Năm còn là bệnh nhân COVID-19”, bác sĩ Việt cho biết.
Là Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, bác sĩ Việt từng nhiều lần đối diện với những thời khắc “cân não”, khi mà sự sống, cái chết của bệnh nhân chỉ tính bằng giây. Trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Việt từng tình nguyện vào Bình Dương chống dịch ngay đợt đầu. Cùng với 2 nhân viên y tế khác, bác sĩ Việt đã tròn một tháng liền chăm sóc, điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân COVID-19, trong đó có những trường hợp nặng. Được tôi rèn qua thử thách nhưng bác sĩ Việt vẫn phải lấy hơi thật sâu khi nghe báo bệnh nhân Năm trở dạ.
Bác sĩ Việt kể: “Mấy ngày trước đó, chúng tôi đã làm công tác tư tưởng cho chị Năm. Thế nhưng, khi những cơn đau chuyển dạ dồn dập kéo đến thì nỗi lo của sản phụ lại ập về. Chị em phải vừa đỡ, vừa không ngớt lời động viên chị ấy. Khi cháu bé chào đời, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
Những ngày sau đó, các bác sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ ở cơ sở điều trị COVID-19 của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa có thêm nhiều công việc không tên khác xoay quanh mẹ con chị Hồ Thị Năm. Một cách thầm lặng, họ bỏ tiền túi gửi mua bỉm, sữa, quần áo sơ sinh… cho cháu bé. Biết gia đình chị Năm được nhiều cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ, các bác sĩ, nhân viên y tế vui như chính mình là người được nhận quà.
“Qua hơn 2 tuần cách ly, điều trị, gia đình chị Năm đã rời cơ sở điều trị COVID-19. Sau khi chia tay, công việc cuốn chúng tôi đi nên những cuộc điện thoại cho bệnh nhân chỉ dừng lại ở việc hỏi thăm sức khỏe. Hôm nghe tin vợ chồng chị Năm lấy tên chị Việt và tôi đặt cho cháu bé, tôi cảm thấy cay ở khóe mắt”, điều dưỡng Tú Trang trải lòng.
Dòng sữa màu “blouse trắng”
Mỗi lần ôm con trong vòng tay, chị Hồ Thị Cung (sinh năm 1999), hiện sống tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa lại nhớ đến các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh. Chính họ đã giúp con trai chị Cung chào đời trong khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đặc biệt, dòng sữa đầu tiên mà con chị đón nhận là của hai điều dưỡng vừa tạm dừng nhiệm vụ chống dịch để thực hiện nghĩa vụ làm mẹ thiêng liêng. Người thứ ba “tiếp sữa” cho con trai chị Cung chính là vợ một nhân viên y tế. Dòng sữa mang màu áo “blouse trắng” ấy đã giúp chị Cung và con trai mình bước qua những ngày sau sinh nhẹ nhàng hơn.
Chị Cung chưa bao giờ nghĩ bản thân lại rơi vào hoàn cảnh giống như những sản phụ mắc COVID-19 trong thước phim ám ảnh mà mình từng xem trên màn ảnh nhỏ. Cách đây 3 năm, vợ chồng chị Cung rời huyện Hướng Hóa vào Bình Dương làm công nhân giày da. Sống ở tâm dịch, không có việc làm, lại nuôi con nhỏ, hai vợ chồng phải chia đôi bát cơm, gói mì để qua ngày.
Chồng chị Cung nhiều lần nhịn đói để nhường phần ăn cho người vợ mang thai. Trong quãng ngày vần vũ âu lo ấy, tin tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện đón người dân về quê là tia sáng ấm áp đối với gia đình chị Cung. Giữa tháng 8/2021, chị trở về quê trên chuyến tàu nghĩa tình cùng đứa con 5 tuổi và cháu bé trong bụng. Niềm vui sẽ trọn vẹn nếu chị Cung không dương tính với SARS-CoV-2.
Tin mình mắc COVID-19 khiến chị Cung gần như suy sụp. Chính các bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh đã giúp người phụ nữ sắp đến ngày sinh này lấy lại tinh thần. Chị Cung cảm nhận được sự ấm áp khi các bác sĩ ngồi xuống hỏi con chị về chiếc dép bị đứt, rồi bỏ tiền túi mua tặng đôi mới. Giám đốc bệnh viện khẳng định sẽ giúp chị được chăm sóc y tế tốt nhất.
Những ngày sau đó, chị Cung còn nhận được nhiều món quà, lúc đến từ nhà hảo tâm, khi là của bác sĩ, nhân viên y tế… Đó là lần đầu tiên chị nhận được nhiều sự quan tâm của những người không họ hàng, máu mủ đến thế.
Đúng như lời các bác sĩ, chị Cung chuyển dạ trước ngày dự sinh. Hôm ấy là một ngày mưa gió. Những hạt mưa thốc vào hành lang bệnh viện giống như giọt mồ hôi dưới lớp áo bảo hộ của các bác sĩ, nhân viên y tế. Giữa những cơn đau, bất chợt, chị Cung thấy thương cho những người vì mình mà vất vả, thậm chí có thể nhiễm SARSCoV-2 trong lúc giúp mình vượt cạn.
Đó là động lực để chị Cung gắng sức vượt cạn thật nhanh. Cho đến tận hôm nay, chị Cung vẫn nhớ rõ mồn một tiếng reo của nữ bác sĩ: “Con trai. Cháu khỏe mạnh. Một cậu bé dũng cảm!”.
Sau này, chị Cung mới biết, một trong những người đã giúp mình vượt cạn vào chiều ngày 3/9/2021 là bác sĩ Nguyễn Thị Liên. Hơn 2 năm trước, khi COVID-19 bùng phát, bác sĩ Liên đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì hai vợ chồng mới kết hôn, còn chưa kịp có con. Chồng công tác tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, bình thường, vợ chồng bác sĩ Liên ít có cơ hội gần gũi.
Từ ngày COVID-19 bùng phát, số lần hai người gặp gỡ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những đêm trắng bên bệnh nhân, bác sĩ Liên lại mường tượng nơi biên giới mù sương, chồng mình cũng đang thức để chốt chặn phòng, chống COVID-19. Từ câu chuyện của mình nên bác sĩ Liên rất đồng cảm với nữ bệnh nhân đơn chiếc vượt cạn ở khu cách ly trong lúc chồng đang kẹt lại tại Bình Dương.
“Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ bình tĩnh, đến lo lắng, rồi có chút bất an… Thế nhưng, cuối cùng, cái còn lại chỉ là sự kiên định. Là một bác sĩ, tôi phải kiên định để giúp bệnh nhân. Khi tiếng khóc của cậu bé dũng cảm vang lên, tôi mới cảm nhận rõ được hơi thở của mình. Tôi hạnh phúc không kém gì sản phụ mắc COVID-19”, bác sĩ Liên dốc lòng.
Vĩ thanh
Hôm chúng tôi liên lạc phỏng vấn, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Trương Huyền Trường cho biết, sau khi con trai bệnh nhân Hồ Thị Cung chào đời, đơn vị tiếp nhận thêm hai cháu bé khác có mẹ là bệnh nhân COVID-19. Hai cháu bé này chào đời bằng phương pháp sinh mổ, cách con chị Cung vài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Sau khi tình hình sức khỏe ổn định, cả hai sản phụ kể trên cùng con mình được chuyển đến Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh để thuận tiện cho việc cách ly, điều trị. “Đó là lần đầu khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện có đến 3 trẻ sơ sinh. Những ngày ấy, tiếng khóc của các cháu và lời ru của những người mẹ dường như mang đến một luồng sinh khí mới cho nơi vốn có nhiều nỗi lo hơn là niềm vui này”, bác sĩ Trường nói.
Lời tâm sự của bác sĩ Trương Huyền Trường cũng chính là cảm nhận của bác sĩ Hồ Thị Việt và đồng nghiệp ở cơ sở điều trị COVID-19 thuộc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa. Cả bác sĩ Trường, bác sĩ Việt lẫn các nhân viên y tế khác đều rất mừng vì con của các F0 mà mình biết đều chào đời nhanh, hồng hào, khỏe mạnh…
Sau khi lọt lòng, các cháu lại cùng mẹ mình bước vào “cuộc chiến” với COVID-19, rồi thắng lợi và trở về bình an. Những tin vui nối tiếp ấy khiến mọi người trực tiếp chứng kiến hoặc từng nghe câu chuyện về các F0 vượt cạn đều ấm lòng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)