Cuộc sống vất vả, thiếu thốn, quanh năm đối mặt với hiểm nguy rình rập là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về cuộc sống của quân, dân trên quần đảo Trường Sa.
Nhưng đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm các chiến sĩ nơi đây mới thấu hiểu được rằng còn nhiều lắm những hy sinh thầm lặng mà các anh luôn giữ cho riêng mình. Trong số đó có rất nhiều người con quê hương Quảng Trị, giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ, không chỉ giữ vững mà còn phát huy, làm lan tỏa khí chất người Quảng Trị, lan tỏa phẩm chất kiên định, vững vàng, tinh thần ý chí gang thép ở nơi đầu sóng ngọn gió này.
Ở Trường Sa hội tụ mọi miền quê nhưng với tôi, đặc biệt nhất vẫn là những người con QuảngTrị với khí chất Quảng Trị chảy trong huyết mạch đã thấm đẫm trên từng đảo chìm, đảo nổi nơi đây. Chắc có lẽ do sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nên dù có ở nơi sóng gió này hay bất kỳ nơi đâu khó khăn, gian khổ hơn, bất kể chiến tranh hay thời bình thì khí chất đó vẫn luôn ngời sáng.
Còn nhớ trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hy sinh thì có 2 người con Quảng Trị đã ngã xuống trước họng súng của kẻ thù. Đó là các chiến sĩ: Binh nhất Tống Sỹ Bái (sinh năm 1967), quê ở Phường 1, thành phố Đông Hà và binh nhì Hoàng Anh Đông (sinh năm 1967), quê ở Phường 2, thành phố Đông Hà. Danh tính hai anh được khắc trang trọng trên tấm bia “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma: 14/3/1988” tại ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn.
Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại đầy đủ những sự kiện đã diễn ra trong chiến dịch CQ-88 (bảo vệ chủ quyền năm 1988) và mãi mãi ghi nhớ tên tuổi 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào buổi sáng ngày 14/3/1988, trong đó có hai người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.
Quảng Trị trong những năm 1980 có hàng ngàn lượt con em lên đường nhập ngũ vào Hải quân nhân dân Việt Nam, đa số đều tình nguyện ra Trường Sa. Họ cũng như bao bạn bè đồng trang lứa khác, đều ước mơ được ngồi ở giảng đường đại học. Nhưng họ tình nguyện viết đơn nhập ngũ khi hai đầu Tổ quốc và Biển Đông lại vang lên tiếng súng. Trong những năm quân ngũ, người lính Quảng Trị luôn là những tấm gương đối với đồng đội về lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực vượt khó. Thời điểm ấy, đất nước vô vàn khó khăn, có những thời khắc tình thế nguy cấp, “ngàn cân treo sợi tóc”, những người lính giữ đảo đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, gian khổ. Chiến tranh, các anh dũng cảm chiến đấu bảo vệ đảo đến người cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng để rồi hiên ngang ngã xuống đã đành, nhưng nhiều năm sau, giữa thời bình, máu đào của những người con Quảng Trị và đồng đội vẫn thấm đỏ từng thớ đất, dải cát, bãi đá ở Trường Sa.
Đến với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, tôi được nghe kể về sự kiện mang tên “Bi tráng Phúc Tần”. Trung tá Lương Hữu Nhuần, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/7 cho biết: “Đầu tháng 12/1990, cơn bão số 10 tràn qua khu vực Nhà giàn DK1 với sức gió mạnh cấp 10 - 11. Đêm 4/12/1990, nhà giàn Phúc Tần DK1/3bị sóng đánh nghiêng 15 độ. Hơn 2 giờ sáng 5/12/1990, toàn bộ khối nhà giàn Phúc Tần đổ sập xuống biển. Ngay khi nhà giàn Phúc Tần bị đổ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã lệnh cho một số tàu khẩn trương cơ động đến cấp cứu bộ đội. Cuộc tìm kiếm trong mưa bão những ngày sau chỉ cứu được 5 người; 3 cán bộ, chiến sĩ của Nhà giàn Phúc Tần đã mãi mãi nằm lại biển cả, trong đó có Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Là (32 tuổi), nhân viên quân y, quê ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh”.
Câu chuyện về anh Là và đồng đội khiến tôi rưng rưng bởi lẽ anh ngã xuống khi còn quá trẻ, dở dang biết bao hoài bão, khát khao cống hiến. Chuyến công tác mới chỉ qua 11 đảo chìm, đảo nổi và Nhà giàn DK1 nhưng chúng tôi không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ quê ở Quảng Trị. “Quảng Trị quê mình ở đây mấy người?”, gặp ai mà nghe cất giọng “nghe”, “hi” thân thương là tôi đều hỏi vậy. Nhưng tôi chỉ nhận lại những cái lắc đầu đầy tự hào: “Nhiều lắm, không nhớ hết anh ạ. Ở Trường Sa thường xuyên luân phiên đổi vị trí công tác giữa các đảo, người quê Quảng Trị lại đông, có người ở vài năm, 1 năm, hay vài tháng rồi lại chuyển công tác nên không cố định”. Thế mới thấy, hết tháng lại đến năm, hết mùa biển động lại đến mùa biển lặng, thời gian có nát đá, tan vàng thì những người con quê hương Quảng Trị vẫn nối nhau, chắc tay súng bảo vệ biển đảo Trường Sa. Trên cương vị nào, từ chỉ huy đảo, chỉ huy cụm chiến đấu đến nhân viên, chiến sĩ thì các anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Thượng úy Lê Anh Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị, quê ở Gio Linh, đã có hơn 5 năm công tác trên các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa... Sau ngày cưới, anh lập tức nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, cứ thế anh biền biệt xa gia đình hàng năm trời. Gửi gắm người vợ cho hai bên nội ngoại, anh chỉ biết động viên, an ủi vợ, bởi anh biết rằng, những khi ốm đau, thiên tai, bão tố, mưa lũ hay “vượt cạn” sẽ luôn vắng mặt anh. Sau mỗi trận thiên tai, mưa lũ, biết tin ở nhà vẫn bình an, anh lại thêm một lần bớt lo hay biết tin vợ vượt cạn thành công, khó mà diễn tả được niềm hạnh phúc của anh. Anh ôm chầm lấy anh em trên đảo mà hét lên trong niềm sung sướng, để rồi gặp ai, anh đều reo lên: “Vợ tớ sinh rồi”. Cả đảo chung vui với anh bằng những lời chúc mừng thắm tình đồng đội. Anh thầm cảm ơn người vợ bụng mang dạ chửa, “vượt cạn” một mình nhưng luôn động viên chồng: “Vì Tổ quốc, anh yên tâm công tác, em và con tự lo được”. Phải hiểu, phải yêu chồng lắm, vợ anh mới mạnh mẽ như vậy.
Một đặc điểm của phần lớn chiến sĩ người Quảng Trị ở Trường Sa là có nhiều tài lẻ. Có anh em trước khi nhập ngũ đã bôn ba mưu sinh kiếm sống bằng nhiều nghề nên khi ra đảo, họ có dịp thỏa sức cống hiến xây dựng đơn vị. Binh nhất Hồ Văn Lộc, chiến sĩ đảo Đá Nam, quê ở Hướng Hóa là một trong số đó. Tại vườn hoa thanh niên, sau giờ huấn luyện, chúng tôi gặp Lộc cùng các đồng đội tỉ mỉ chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho mấy cây hoa giấy. “Khéo tay, trách nhiệm, nhiệt tình… là những nhận xét của mọi người về chàng trai sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Quảng Trị này. Thiếu tá Lê Văn Dương, Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam cho biết: “Lộc vốn có đam mê tạo dáng cho các loại cây cảnh, từng vào Nam, ra Bắc mưu sinh bằng nghề cây cảnh. Ra đảo, Lộc trở thành “nghệ nhân”, được giao phụ trách tổ chăm sóc cây cảnh của đơn vị. Nhiều loại cây trước đây không được chăm sóc kỹ, phát triển tự do, nay qua bàn tay của Lộc đã phát triển, uốn lượn theo ý muốn. Chúng tôi hay nói vui rằng, “bàn tay vàng” cộng với đức tính cần cù, tỉ mỉ, chịu khó, tố chất ham học hỏi của người Quảng Trị chảy trong huyết mạch là “khắc tinh” của lũ cây “cứng đầu” ưa phát triển tự do trên đảo”.
Mới chỉ đặt chân lên một số đảo, điểm đảo, nhà giàn mà chúng tôi đã gặp và trò chuyện với hơn chục người con quê hương Quảng Trị. Vậy mà ở Trường Sa có tất cả 33 đảo, điểm đảo đóng quân và các nhà giàn. Ai cũng tự hào mình là người Quảng Trị, để rồi cùng nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế mới thấy sự cống hiến to lớn của quê hương Quảng Trị với hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc. Chia sẻ với những hy sinh thầm lặng của các anh nơi đảo xa, chúng tôi hiểu rằng không chỉ nhiều người bố chưa biết mặt con mà còn có rất nhiều chiến sĩ mỗi khi nhận thông tin vợ con, người thân đau ốm nằm viện, họ đều cố gắng động viên mình vượt qua. Vui vẻ chia sẻ những nỗi niềm sâu kín nhưng các chiến sĩ quê ở Quảng Trị nói riêng, các chiến sĩ ở Trường Sa nói chung lại dặn cánh phóng viên chúng tôi rằng: “Nhà báo đừng viết, chúng tôi quen rồi, thiếu thốn này thấm vào đâu so với cha ông trước đây đi xác lập chủ quyền biển đảo. Là chiến sĩ hải quân được ra bảo vệ chủ quyền biển đảo là vinh dự và trách nhiệm lớn lao, không dễ gì ai cũng có được”.
Người Quảng Trị là vậy, luôn khiêm tốn, chân thành, thầm lặng hết mình vì gia đình, đồng chí, đồng đội nhưng cũng rất quyết đoán, mẫu mực, trách nhiệm, tận tụy khi thực thi nhiệm vụ. Sóng gió Trường Sa đang ngày đêm trui rèn, làm lan tỏa “khí chất người Quảng Trị” trong huyết mạch những người sẵn sàng gác lại nỗi niềm riêng tư để trở thành những cột mốc sống, bức tường thành vững chắc bảo vệ quần đảo thân thương của Tổ quốc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)