Với suy nghĩ “Sách là cánh cửa đưa tâm hồn con người đến với những miền tươi đẹp”, 2 năm trở lại đây, các cô giáo trong nhóm Đại sứ đọc ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã dành nhiều tâm huyết nhằm truyền cảm hứng, niềm đam mê và thói quen đọc sách cho người xung quanh, mà đặc biệt là các em nhỏ. Qua đó, góp phần đưa văn hóa đọc phát triển, lưu giữ giá trị của sách theo thời gian.
Tháng 10/2019, khi chương trình đào tạo “Đại sứ đọc” thuộc dự án “Redding Việt Nam” đến với tỉnh Quảng Trị, chị Phạm Thị Thương Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là một trong những ứng viên đầu tiên hăng hái đăng ký tham gia. Ngay khi khóa học kết thúc, để hoàn thiện kỹ năng của một “Đại sứ đọc” chị thường xuyên tìm hiểu cách thức truyền đạt thông tin; cách đặt câu hỏi; tương tác cùng trẻ qua biểu cảm, giọng nói, cử chỉ minh họa rồi thực hành đọc để rút kinh nghiệm. Đến cuối năm 2019, được sự hỗ trợ từ phía Trung tâm sách Thiện Nhân Văn, chị bắt đầu thực hiện giấc mơ lan tỏa tình yêu đọc sách đến với mọi người.
Chị Huyền tâm sự: “Tôi là người rất thích đọc sách, và đã từng ước mơ sẽ có một không gian nhỏ để đọc sách cho con trẻ, nhưng rồi vì cuốn theo những lo toan của cuộc sống khiến tôi dần quên đi thói quen. Khi “Redding Việt Nam” đến với Quảng Trị, họ dành thời gian gần một ngày để nói chuyện truyền cảm hứng với chúng tôi. Điều này như là nguồn động lực lớn để tôi quyết tâm thực hiện đam mê của mình. Cũng từ đây tôi bắt đầu kết nối những người có cùng sở thích và tâm huyết để hình thành nhóm đọc. Hiện nay, tại Vĩnh Linh đã có 6 cô giáo được “Reading Việt Nam” công nhận là Đại sứ đọc, nhận lãnh “sứ mệnh” cùng lan tỏa tình yêu với sách trong cộng đồng. Chúng tôi làm việc với tinh thần hoàn toàn tự nguyện và cũng chỉ kỳ vọng sẽ truyền được cảm hứng, niềm đam mê và thói quen đọc sách cho người xung quanh, mà đặc biệt là các em nhỏ”.
Để tổ chức khóa đọc sách một cách khoa học, việc đầu tiên mà các cô giáo trong nhóm Đại sứ đọc ở Vĩnh Linh tiến hành đó chính là công tác “chiêu sinh”. Tiếp đó là việc lên kế hoạch tổ chức các bài đọc làm sao đảm bảo sự lôi cuốn, thu hút đối với trẻ nhỏ. Mỗi khóa đọc sách cho trẻ được thiết kế trong 20 buổi/20 tuần. Thời gian mỗi buổi đọc là 2 tiếng. Các cô cũng yêu cầu có sự hỗ trợ từ phía phụ huynh, đó là: cần cho trẻ đến buổi đọc đúng giờ quy định; mỗi tối phụ huynh dành thêm từ 10 đến 20 phút đọc sách cho con nghe. Như vậy, sẽ không chỉ gắn kết được tình cảm giữa cha mẹ, con cái trong gia đình, mà còn, tạo cho các con thói quen đọc sách cũng như kỹ năng tự học, tăng sự hiểu biết, tiếp thu kiến thức từ những bài học khác một cách tốt hơn.
Vào mỗi chủ nhật hàng tuần, tại Trung tâm sách Thiện Nhân Văn, các cô giáo trong nhóm Đại sứ đọc ở Vĩnh Linh lại tất bật chọn sách rồi vui vẻ chào đón và ngồi đọc sách cho các em nhỏ. Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, thành viên nhóm Đại sứ đọc ở Vĩnh Linh cho biết: “Thường những cuốn truyện tranh có hình ảnh đẹp, màu sắc sinh động về thiên nhiên, động vật và về cuộc sống con người nhưng chưa đủ sức hút nếu các em chưa biết cách tiếp cận. Để có thể lôi cuốn các em vào câu chuyện, ban đầu phải giới thiệu từ tên truyện, trang bìa, tác giả của cuốn truyện, rồi đến nội dung từng phần. Sau khi kể hết câu chuyện, sẽ đặt ra các câu hỏi thật đơn giản, gần gũi để tương tác với các em và hướng dẫn các em vẽ lại sự hiểu biết bằng các bức tranh”. Cứ như thế, các buổi đọc sách của các cô thu hút ngày càng đông các em nhỏ tham gia. Từ tháng 12/2019 đến nay đã có 2 lớp đọc sách cho trẻ với gần 40 em trong độ tuổi từ 5 - 10 tuổi hoàn thành chương trình khóa đọc.
Là một trong những phụ huynh có con đã hoàn thành chương trình khóa đọc sách cho trẻ, Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Việc đọc sách bao giờ cũng vậy, nó rất hữu ích. Chính vì vậy, mà tôi đã cho con tham gia khóa đọc sách cùng các cô Đại sứ đọc ở Vĩnh Linh. Qua 20 buổi đọc, con tôi mạnh dạn, tự tin hớn, biết kể những câu chuyện ngắn với biểu cảm lôi cuốn, thú vị. Đặc biệt, bây giờ bé rất yêu sách, có thói quen thích đọc sách mỗi ngày”.
Niềm vui là vậy, thế nhưng vẫn còn đó rất nhiều điều khiến các cô giáo nhóm Đại sứ đọc ở Vĩnh Linh trăn trở. Đó chính là thời gian dành để đọc sách cho các em đang còn ít; Các em nhỏ ở vùng nông thôn, vùng khó chưa có điều kiện cùng tham gia khóa đọc; Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số lên ngôi, giới trẻ - họ đang mải mê trong thế giới ảo mà quên mất rằng, sách không chỉ đơn thuần là những trang giấy có chữ, mà nó còn là một kho báu quý giá. “Chính vì vậy mà các cô rất hi vọng mỗi em nhỏ sau khi hoàn thành chương trình khóa đọc sẽ duy trì được thới quen đọc sách mãi về sau, đến lúc các em lớn lên, trưởng thành và cả cuộc đời của mình. Và chính các em sẽ là “cầu nối” để cùng các cô lan tỏa niềm yêu thích, thói quen đến với bạn bè, người thân trong gia đình”, cô Huyền bộc bạch.
Chia tay các cô giáo Đại sứ đọc trong niềm xúc động khi nghĩ về những việc mà các cô đã và đang làm. Trong khuôn viên xanh mát của Trung tâm Thiện Nhân Văn ngày cuối tuần, hòa cùng giọng kể của các cô thật nhẹ nhàng là những tiếng cười giòn tan, những câu trả lời ngây thơ của trẻ nhỏ, khiến ai ngang qua cũng cảm nhận rõ niềm vui. Mong rằng, những nỗ lực của các cô sẽ được đáp đền xứng đáng - mỗi một phụ huynh là “đại sứ đọc” cho con mình; Mỗi em nhỏ là “đại sứ đọc” cho bạn mình... để từ đó cùng lan tỏa trong cộng đồng tình yêu với sách.
(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)