Những phụ nữ lấy công việc làm niềm vui

Bảo Châu |

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày lễ tôn vinh “một nửa của thế giới”.

Vì thế, trong ngày này, các bà, các mẹ, các chị thường có khoảng thời gian được nghỉ ngơi, thư giãn, nhận lời chúc mừng, món quà hay bông hoa tươi thắm từ những người thân yêu. Thế nhưng, đối với một số phụ nữ, do gánh nặng mưu sinh, ngày 8/3 cũng như bao ngày thường trôi qua với công việc bận rộn, vất vả. Luôn giành về mình sự cực nhọc để toàn tâm, toàn ý chăm lo cho cuộc sống gia đình đã làm sáng đẹp thêm phẩm tính đảm đang, chịu thương, chịu khó vốn có của người phụ nữ và xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Hơn 10 năm nay, cứ vào 6 giờ sáng là bà Nguyễn Thị Lệ ở thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chất những bao gạo nặng trên 50 kg trên chiếc xe đạp đã cũ, dắt bộ từ nhà đến các khu dân cư trên địa bàn TP. Đông Hà để bán. Dãi dầu nắng mưa nên làn da của bà đen sạm, tay chân chai sần, nhăn nheo.

Niềm vui trong lao động của người phụ nữ - Ảnh: B.C
Niềm vui trong lao động của người phụ nữ - Ảnh: B.C
Bà Lệ chia sẻ: “Nhờ công việc bán gạo rong này mà tôi nuôi được 6 người con. Tuổi tôi bây giờ cũng đã gần 60 rồi nhưng ngày nào còn sức tôi vẫn phải rong ruổi khắp các con đường để bán gạo kiếm sống. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ bán ở nhà để đi chơi vào các ngày lễ, bởi nghỉ làm ngày nào thì sẽ không có tiền trang trải sinh hoạt của gia đình ngày đó”.

Dù đã trưa đứng bóng nhưng chị Nguyễn Thị Hương ở Khu phố 3, Phường 5, TP. Đông Hà vẫn đạp xe trên khắp các đường phố và cất lên tiếng rao: “Ai nhôm, đồng, sắt vụn, chai, dép bán không?”. Tất cả những vật dụng không còn giá trị sử dụng đối với người khác nhưng lại chính là nguồn thu nhập hằng ngày của chị. Tuy lời lãi mỗi ngày chỉ vài chục nghìn đồng nhưng cũng giúp gia đình chị có chút tiền để gạo cơm đắp đổi qua ngày.

Quệt những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, chị Hương chia sẻ: “Cứ đều đặn mỗi ngày, tôi ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng và về nhà lúc 8 giờ tối. Tôi cũng mong có được thời gian thảnh thơi, đi chơi lễ với mọi người, nhưng cuộc sống mưu sinh, nỗi lo cơm áo vẫn còn nặng gánh nên hiện tại thì tôi còn phải nỗ lực, cố gắng nhiều để vươn lên cho bằng chị, bằng em”.

Hoàn cảnh của chị Lê Thị Yến ở khu phố Phương Gia, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà cũng tương tự như bà Lệ, chị Hương. Do không có nghề nghiệp ổn định, kinh tế gia đình quá khó khăn, dù nắng hay mưa, hơn 10 năm qua, trên đôi vai gầy của chị ngày nào cũng thường trực đôi quang gánh gánh mì xíu đi khắp các ngõ hẻm để bán. Mỗi ngày, trừ chi phí chị kiếm được khoảng 100 nghìn đồng.

Ngoài ra, khi hết hàng, chị còn tranh thủ làm thuê cho ai có nhu cầu giúp việc để có thêm thu nhập. “Tôi chỉ mong có sức khỏe để hằng ngày kiếm tiền lo cho con cái học hành được tốt hơn. Đối với tôi, ngày 8/3 cũng như bao ngày bình thường khác thôi. Tôi chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi là mong sao bán được nhiều bánh mì, làm thêm được nhiều việc để có tiền đắp đổi cuộc sống, sinh hoạt gia đình. Con cái chăm ngoan, học hành giỏi giang thì đó là nguồn động viên, niềm vui lớn nhất đối với tôi rồi…”.

Trong dòng chảy của cuộc sống mưu sinh, nhiều phụ nữ đã và đang ngày đêm tảo tần để lo cho mái ấm gia đình. Vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền mà họ đi qua ngày mà người phụ nữ được người thân, bạn bè thể hiện sự trân trọng, yêu thương một cách bình thản. Đâu đó, ở một góc phố, con hẻm nhỏ, tiếng chổi của người lao công vẫn xào xạc ngay cả khi đêm khuya thanh vắng hay từ buổi sáng tinh mơ.

Chị Nguyễn Thị Thúy H., (45 tuổi), công nhân Công ty Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà mang trong mình căn bệnh tuyến giáp và xương khớp. Có những hôm trở bệnh, dù cảm thấy rất mệt nhưng chị vẫn gắng đi làm. Với nghề vệ sinh môi trường, những ngày lễ, Tết, trong khi mọi gia đình nhộn nhịp sắm sửa, lên kế hoạch du lịch thì do đặc thù công việc, những nữ công nhân vẫn miệt mài quét sạch từng đoạn đường, gom dọn từng bao rác thải để góp phần làm sáng, xanh, sạch, đẹp cho thành phố.

Trong thời tiết thất thường sáng nắng, chiều mưa của những ngày đầu tháng 3, diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi hướng về ngày 8/3, nhưng nhiều lao động nữ vẫn cần mẫn với công việc mưu sinh của mình. Họ có thể là người bán hàng rong nơi góc phố, bán hàng ăn nơi quán xá, bán hoa tươi nơi ngã ba đường, miệt mài trong công xưởng hay tảo tần trên đồng ruộng, đồi nương…

Hiệu quả của công việc mưu sinh cũng chính là niềm vui, động lực to lớn để họ toàn tâm chăm lo cho cuộc sống gia đình, tạm gác lại niềm vui của bản thân trong dịp mà người phụ nữ được cả xã hội quan tâm, tôn vinh. Đó như những “nốt trầm xao xuyến” trong bản hòa ca sôi động của muôn mặt cuộc sống rất đáng được xã hội chia sẻ, ghi nhận…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ

Lê Thanh Huyền |

Là 1 trong 30 địa phương của cả nước được thụ hưởng Chương trình phân phối bếp đun tiết kiệm năng lượng, bình lọc nước vì cộng đồng và biến đổi khí hậu do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại INTRACO hỗ trợ, trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận và cấp phát miễn phí 30.000 bếp đun, 12.100 bình lọc nước cho hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Vĩnh Linh: Gần 640 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn

Nguyên Đồng |

Chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, sáng nay 3/3, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản năm 2023 với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn.

Đồng hành với phụ nữ nghèo

Thanh Lê |

Quan tâm hỗ trợ những hội viên phụ nữ (HVPN) có hoàn cảnh khó khăn là việc làm thiết thực được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian qua, qua đó nhằm lan tỏa, tập hợp, thu hút HVPN trên địa bàn giúp đỡ nhau lúc khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tăng cường hỗ trợ phụ nữ và trẻ em vùng núi

Thanh Hằng |

Nhằm cải thiện đời sống cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, nhiều địa phương trong tỉnh đang đồng loạt triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Trong đó có vai trò không nhỏ của hội phụ nữ các cấp triển khai các biện pháp thực hiện hỗ trợ sinh kế phát triển bền vững, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của phụ nữ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em.