Những ngày qua, tin vui nối tiếp tin vui đến với chị Lê Thị Huệ, sinh năm 1977, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị TP. Đông Hà (Quảng Trị). Sau khi nhận giải Bạc của chương trình “Cây chổi vàng” - tôn vinh công nhân vệ sinh môi trường Việt Nam lần thứ III, chị Huệ vừa được UBND TP. Đông Hà lựa chọn là công dân tiêu biểu.
Chia sẻ về niềm vui của bản thân, chị Huệ cho biết, thật sự chị rất bất ngờ và hạnh phúc khi được trao tặng 2 danh hiệu, giải thưởng ý nghĩa trên. Nhiều năm gắn bó với công việc, chị Huệ luôn thầm lặng cống hiến, hiếm khi nghĩ đến việc được tuyên dương, khen thưởng. Người lao công yêu nghề lấy hình ảnh thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp làm niềm vui.

Trước khi làm công nhân vệ sinh môi trường, chị từng làm đủ nghề để phụ chồng nuôi hai con nhỏ. Phương châm chị Huệ đặt ra là làm gì cũng được, miễn có thu nhập chân chính, không vi phạm pháp luật và trái đạo đức. Trong những tháng ngày mưu sinh, chị Huệ từng tiếp xúc, chuyện trò với nhiều lao công, dần dần quen biết, chị em chia sẻ, giúp đỡ nhau và giới thiệu chị đến công ty xin việc. Năm 2008, chị Huệ vui mừng khi khoác lên mình chiếc áo công nhân môi trường. Vốn là con nhà nông, từng bươn chải nhiều nghề nên chị nghĩ công việc mới không có gì vất vả. Thế nhưng, ngay những ngày đầu, chị đã phải thay đổi suy nghĩ. Nhiều hôm về nhà, đôi tay chị như rã ra vì mỏi mệt. Vào dịp lễ tết hay sau những trận mưa bão, công việc nhiều đến mức chị không biết phải bắt đầu từ đâu. Phải mất một thời gian chị Huệ mới dần quen với công việc. Ngay sau đó, chị tiếp tục đảm nhận những việc có phần vất vả hơn như thu gom rác thải, rồi những ca quét đêm, chỉ có cây chổi và ánh đèn lay lắt làm bạn.
Chị Huệ kể: “Có hôm đang làm việc, tôi hoảng hốt nhìn thấy một đối tượng nghiện hút tiến đến xin tiền. Sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi kéo túi áo, túi quần ra và bảo mình không có đồng nào cả. Thấy thế, đối tượng nghiện hút bỏ đi. Tôi không nhớ hết số lần mình gặp tình huống ấy. Dần dần, tôi đã rèn được cho mình… thần kinh thép. Một số người hỏi “Sao lại thích làm công việc vất vả, quanh năm chỉ biết đến rác thải?”. Tôi nghĩ đơn giản vì đây là công việc có ích, vừa mang đến thu nhập để tôi trang trải cuộc sống gia đình, vừa góp phần tô đẹp thêm đường phố”, chị Huệ bộc bạch.
Dẫu đối diện với nhiều khó khăn, thử thách nhưng điều đáng trân trọng là chị chưa bao giờ ngừng yêu công việc của mình. Tình yêu đó đã thôi thúc chị Huệ không ngừng nỗ lực làm việc. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, thậm chí có lúc mỏi mệt, cây chổi trong tay chị vẫn miệt mài, bền bỉ. Chị không ngại nhận những công việc vất vả, nặng nhọc về mình. Bao giờ cũng vậy, cả trong và ngoài giờ làm việc, chị đều tranh thủ tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, khởi đầu bằng những việc nhỏ như đổ rác đúng nơi quy định. Đó cũng chính là lý do khiến chị Huệ luôn được lãnh đạo công ty, đồng nghiệp và nhiều người xung quanh quý mến, tôn trọng.
Từ ngày khởi đầu cho đến nay, chị Huệ vẫn luôn thầm cảm ơn công việc mà mình đang làm. Chị khẳng định, nghề lao công đã giúp cuộc sống của chị tốt đẹp hơn. Vì thế, giờ đây, khi con cái đã khôn lớn, những bộn bề, lo toan lùi dần phía sau, chị vẫn miệt mài với nghề và sẽ tiếp tục cống hiến đến lúc tuổi tác, sức khỏe không còn cho phép.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)