Không trường chuyên, lớp chọn, không phủ kín hồ sơ bằng những thành tích học tập “khủng” nhưng Nguyễn Anh Thư (sinh năm 2005), học sinh lớp 12A, Trường THPT Gio Linh lại được Đại học Fulbright Việt Nam lựa chọn giữa rất nhiều ứng viên xuất sắc. Ít ai biết, để hoàn thiện bản thân và chinh phục một trong những ngôi trường giáo dục khai phóng đầu tiên ở nước ta với mức hỗ trợ học phí cao, Anh Thư luôn đặt ra mục tiêu và nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đó một cách ấn tượng.
Dừng việc chạy theo thành tích
Anh Thư đến điểm hẹn sớm hơn 30 phút. Đây là thói quen của Thư sau nhiều năm làm tour leader (người điều hành tua du lịch). Tranh thủ thời gian chờ đợi, cô kiểm tra lại tiến độ một số công việc. Anh Thư đã tính toán kỹ, sau gặp gỡ, chuyện trò với phóng viên, cô sẽ đến cuộc hẹn với những người bạn để bàn kế hoạch tổ chức hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc tại Quảng Trị.
Sau 3 lần ứng tuyển và tham gia hội nghị ở các tỉnh, thành khác, Anh Thư đã quyết định đưa mô hình về quê hương để giúp học sinh trong tỉnh có thêm nhiều trải nghiệm. “Em muốn được bận rộn. Nó làm em cảm thấy mình đang sống một cách đúng nghĩa”, Anh Thư nói như vậy sau khi gửi lời chào và lắng nghe câu hỏi đầu tiên của chúng tôi.
Mọi thứ của cô gái ngồi trước mặt chúng tôi đều toát lên vẻ năng động, hiện đại. Mới tiếp xúc với Anh Thư, nhiều người nghĩ, em là một nữ sinh thành phố, đã được ba mẹ hậu thuẫn để có nhiều trải nghiệm, kỹ năng. Thế nhưng, khác với nhận định ấy, Thư sinh đi ra từ làng, học trường huyện. Ba mẹ cô là giáo viên, chắt chiu đồng lương nuôi hai cô con gái.
Từ nhỏ, trong mắt mọi người, Anh Thư đã được “đo ni đóng giày” là con ngoan, trò giỏi. Càng lớn, Thư càng cảm thấy áp lực từ niềm tin, sự kỳ vọng ấy. Có thời điểm, Anh Thư chỉ học và học. Cũng vì tập trung cho bản thành tích sách vở, Thư nhận ra bản thân còn nhiều “lỗ hổng”.
Trước khi bước chân vào THPT, Anh Thư đã quyết định chuyện trò, thuyết phục ba mẹ cho phép mình gác lại những mục tiêu quá cao trong học tập để được trải nghiệm nhiều hơn. Cái gật đầu rất nhanh của ba mẹ khiến Thư gỡ được nút thắt trong lòng. Lâu nay, ba mẹ không hề đặt ra mục tiêu quá cao hay tạo áp lực cho Thư. Tuy nhiên, cô bé con nhà giáo vẫn lo lắng và tự tạo áp lực cho mình. “Sau cuộc trò chuyện ấy, em cảm thấy nhẹ nhõm hơn”, Thư kể.
Tư tưởng đã thông, Anh Thư nhanh chóng sắp xếp lại việc học, tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm. Một lần, Thư tham gia tour du lịch giáo dục mang tên Amazing English Tour (AET). Trên chuyến xe vào Huế cùng các bạn học sinh yêu tiếng Anh khác, Anh Thư đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cảm xúc dâng cao khi Thư biết người tour leader khiến mình và các bạn ngưỡng mộ cũng sinh ra từ làng. Rất nhanh, một suy nghĩ lóe lên trong tâm trí Thư: “Đây sẽ là nơi khởi đầu cho những đổi thay, ước mơ, hoài bão của mình”. Theo sự thúc giục của lý trí và con tim, cô gặp trực tiếp chị Nguyễn Thị Hải Oanh, người sáng lập, điều hành AET đề nghị cho mình cơ hội làm tour leader.
Chinh phục AET
Chuyện trò về Thư, chị Oanh cho biết mình không bao giờ quên gương mặt hiếm hoi mạnh dạn “ứng tuyển” làm tour leader ngay chuyến trải nghiệm đầu tiên cùng AET. Trước sự bất ngờ ấy, chị Oanh đã có ấn tượng đặc biệt với Thư bởi hình ảnh một cô bé “không lẫn vào đâu được”. Tuy lần đầu tham gia tour của AET nhưng Thư đã thể hiện rõ sự tự tin, nguồn năng lực tích cực và đặc biệt là khả năng nói tiếng Anh như “bắn Rap”. “Lúc đó, tôi đã nghĩ cô bé này sẽ nhanh chóng trưởng thành và có thể chinh phục những đỉnh cao”, chị Oanh nói.
Nhận định của chị Hải Oanh không sai. Trở về sau chuyến đi đầu tiên, Anh Thư nhanh chóng lên kế hoạch để chinh phục AET. Cô học trò nhỏ bắt đầu tích cóp tiền để tham các tour tiếp theo với quyết tâm học tập, trải nghiệm nhiều hơn.
Sự hoàn thiện bản thân, chứng minh năng lực của mình chính là cách mà Thư chọn để nhận được sự chấp thuận của thủ lĩnh AET. Đúng như mục tiêu đề ra, chỉ 6 tháng tiếp cận AET, Thư đã trở thành tour leader thực tập. Tầm 2 tháng sau đó, cô chính thức trở thành tour leader.
Làm tour leader là một thử thách “nặng đô” ngay cả với những người lớn, đã dạn dày kinh nghiệm. Vì vậy, Thư xác định phải dồn toàn tâm, toàn sức để gánh vác trọng trách. Cô luôn ở tư thế sẵn sàng đảm nhiệm nhiều vị trí như: chuyên môn tiếng Anh, chuyên môn điểm đến, hoạt náo viên, MC… và những công việc không tên khác. Tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm được Anh Thư cùng các tour leader đặt lên hàng đầu. Ai cũng cố gắng để học sinh tham gia tour có thật nhiều trải nghiệm quý, bài học bổ ích và làm cho phụ huynh yên tâm, tin tưởng.
Ít ai ngờ, công việc vốn được nhiều người cho là căng thẳng, mệt mỏi ấy lại không làm khó Anh Thư. Ngay từ đầu, Thư đã “thích cái sự mệt này”. Thành ra, cứ vắng mặt trong vài tour là Thư lại bồn chồn.
Qua những lần như vậy, Thư nhận ra, mình đã tìm thấy niềm vui và sự hứng thú trong chính công việc. “Trước kia, hạnh phúc của em là làm cho mình hạnh phúc. Giờ, em hạnh phúc khi làm cho mọi người xung quanh, đặc biệt là các bạn học sinh hạnh phúc”, Thư chân thành nói.
Đến với ngôi trường mơ ước
Gần 4 năm vừa đi học, vừa làm tour leader, Anh Thư đã có nhiều đổi thay. Cô không còn lo lắng quá nhiều trước khó khăn, thử thách mà đón nhận và hưởng thụ nó. Thư dần hiểu ra rằng, chính những áp lực vừa học, vừa làm đã giúp mình trưởng thành hơn.
Đặc biệt, ngoài trải nghiệm quý giá, những chuyến đi còn là chiếc cầu nối để Anh Thư làm quen rất nhiều người. Cuộc gặp gỡ thú vị, giàu cảm hứng với họ đã giúp cô có sự lựa chọn tốt nhất cho mình trước những cánh cửa cuộc đời, đặc biệt là chọn trường, chọn nghề. Đại học Fulbright Việt Nam, một trong những ngôi trường giáo dục khai phóng ở Việt Nam là mục tiêu mà Anh Thư hướng tới.
Trò chuyện về sự lựa chọn của mình, Anh Thư cho biết, trước kia, cô xác định sẽ tìm kiếm một suất du học nước ngoài. Thế nhưng, khi biết và tìm hiểu sâu về Đại học Fulbright Việt Nam, Thư đã chuyển hướng. Cũng như lúc khởi đầu với AET, cô xác định, đây là điểm xuất phát tiếp theo của chặng đua cuộc đời.
Vì thế, trong 1,5 tháng, Anh Thư dồn toàn tâm, toàn sức để chinh phục mục tiêu. Thư chạy ngược chạy xuôi làm hồ sơ; chọn đề tài và viết bài luận; bước vào vòng phỏng vấn với nhiều cảm xúc… “Phần lớn các bạn nộp đơn vào Đại học Fulbright Việt Nam đều đến từ trường chuyên, lớp chọn ở các tỉnh, thành lớn.
Một số bạn có bản thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Nhìn lại những gì trong tay mình, em có chút lo lắng. Thế nhưng, cảm giác đó qua rất nhanh. Em tin, mình có thể chinh phục được ban tuyển sinh của trường bằng những điều khác biệt”, Thư chia sẻ.
Niềm tin của Thư nhân lên sau khi cô bước vào vòng phỏng vấn. Ở đó, Thư có cơ hội chia sẻ về hành trình ý nghĩa, đầy cảm hứng mà mình đã trải qua. Khi những cung bậc cảm xúc được đẩy cao, cô rơi những giọt nước mắt.
Rất nhanh sau đó, cuộc phỏng vấn với cô gái Quảng Trị rất khác biệt, giàu cảm xúc được nhiều người biết đến. Một số bạn trẻ tìm cơ hội vào Đại học Fulbright Việt Nam liên lạc với Thư để hỏi thông tin, kinh nghiệm. Không “giấu chiêu”, Thư chia sẻ, tư vấn một cách nhiệt tình dù biết họ là đối thủ của mình.
Lý giải về sự nhiệt tình mà có người cho là dại dột ấy, Thư nói: “Em tin tấm vé vào Đại học Fulbright Việt Nam sẽ đến với mình. Nếu không đỗ, em cũng sẽ vui vì đã làm được điều gì đó ý nghĩa để giúp đỡ các bạn khác”.
Không phụ sự kỳ vọng của Thư, sau gần 2 tháng chờ kết quả, cô đã giành được tấm vé vào Đại học Fulbright Việt Nam với mức hỗ trợ tài học phí khiến bạn bè mơ ước. Niềm vui ấy nhân lên khi nhiều bạn được Thư chia sẻ, tư vấn cũng đỗ vào trường.
Dự kiến vào tháng 9/2023, Thư sẽ chính thức nhập học. Khi được hỏi: “Em đã chuẩn bị gì cho con đường sắp tới?”, Thư chia sẻ: “Em đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón nhận mọi thứ”.
Trong cuộc trò chuyện đầy cảm hứng, Anh Thư chia sẻ việc mình bước chân vào Đại học Fulbright Việt Nam đã tiếp thêm cho em nhiều năng lượng để nỗ lực nhiều hơn trên hành trình phía trước. Hành trình đó sẽ giúp Anh Thư có được phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)