Nguyễn Thùy Dương - sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Fulbright Việt Nam - vừa vinh dự chinh phục được vị trí thực tập sinh phát triển quan hệ hợp tác và khách hàng của Amazon Web Services, Tập đoàn công nghệ Amazon. Amazon thuộc top 5 tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh cùng với các tên tuổi như Meta, Apple, Google… mỗi năm chỉ tuyển rất ít thực tập sinh của các nước trên thế giới. Câu chuyện về Thùy Dương là niềm cảm hứng cho không ít bạn trẻ nhưng đây là lần đầu tiên cô khiêm tốn chia sẻ về mình.
Thông minh, xinh đẹp và khiêm tốn, đó là cảm nhận của nhiều người về Thùy Dương, cô gái sinh năm 2001, ở Khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Sáu năm trước, khi còn là học sinh chuyên Anh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Dương từng đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Nhân sự của tổ chức Le Qinsiders do các cựu học sinh trường này thành lập để tổ chức nhiều dự án, sự kiện, trại hè cho học sinh trên địa bàn. Đây là tổ chức phi lợi nhuận dưới sự bảo trợ của Tỉnh đoàn Quảng Trị, đã tạo ra các chuỗi hoạt động trải nghiệm thực tế cho các bạn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Thời gian đó, qua tìm tòi, học hỏi, Dương biết hằng năm Chính phủ Mỹ dành khoảng 20 suất học bổng thạc sĩ tại Đại học Fulbright cho những công dân Việt Nam có năng lực cá nhân. Mỗi suất học bổng ưu tiên cho mỗi ngành như giáo dục, truyền thông, báo chí, quan hệ quốc tế, công tác xã hội, chính sách công, kinh tế, kinh doanh, sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu về giới và phụ nữ… Được truyền cảm hứng bởi các thế hệ học sinh của Đại học Fulbright, Thuỳ Dương quyết tâm theo đuổi mục đích của mình.Tình cờ, năm 2016, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam, ông đã thông báo với Chính phủ Việt Nam đồng ý cho phép thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam tại Thành phố Hồ chí Minh có sứ mệnh mang đến cơ hội giáo dục cho Việt Nam ngang tầm quốc tế. Câu chuyện thành lập trường đại học nổi tiếng Fulbright tại Việt Nam càng làm cho Dương có lý do quyết tâm hơn để được đến với mô hình giáo dục khai phóng, cho phép tự do học thuật và sáng tạo, có cơ hội được khám phá trên nhiều lĩnh vực để có thể lĩnh hội kiến thức sâu rộng.
Dương luôn nghĩ mục đích của việc học không chỉ tìm việc làm sau khi ra trường, mà xa hơn là trở thành con người có hiểu biết sâu sắc, nên đã quyết tâm nộp hồ sơ vào trường và trở thành học sinh đầu tiên của Quảng Trị chinh phục được suất học bổng trị giá hơn 2 tỉ đồng cho 4 năm đại học Fulbright Việt Nam. Tiêu chí vào được trường này là cạnh tranh dựa trên thành tích học tập và năng lực cá nhân. Khóa đầu tiên trường chỉ tuyển 70 chỉ tiêu cho tất cả các ngành.
Những trải nghiệm đáng nhớ
Thùy Dương có nhiều cảm xúc trong thời gian học tập, nghiên cứu, vì là thế hệ đầu tiên, là một phần của câu chuyện sáng lập của Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Cô nhớ mãi ngày đầu tiên đến trường, thầy hiệu trưởng đã nói Fulbright hiện tại đang ở đâu thầy vẫn chưa trả lời được, các sinh viên chính là người tạo nên câu trả lời đó. Các sinh viên cũng như Thùy Dương rất hãnh diện vì họ đã góp trí tuệ của mình để xây dựng chương trình học tập tại trường cho phù hợp.
Những ngày trải nghiệm ở Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã định nghĩa lại tư duy của Dương về việc học cũng như những giá trị mang lại. Việc tập trung xây dựng con người hoàn thiện về tri thức lẫn tố chất là điều mà Fulbright luôn ưu tiên. Nên chương trình học đều được thiết kế lấy học sinh là trung tâm, mang tính trải nghiệm, không xa rời thực tế xã hội. Sau mỗi môn học, các bạn sinh viên cùng nhau làm các dự án giải quyết hoặc nghiên cứu về một vấn đề cụ thể nào đó trong xã hội để kết thúc môn học ấy.Vì vậy, ở môi trường học thuật này, tính đa dạng rất được tôn trọng, thầy cô giáo đóng vai trò người hướng dẫn để cùng trao đổi và lắng nghe ý kiến của sinh viên chứ không gò bó, ép buộc quan điểm. Mỗi sinh viên đều có khả năng tự xây dựng lên quan điểm và góc nhìn của chính bản thân mình.
Một trong những môn đầu tiên Dương học ở đây là “Biện luận”. Cuối kỳ, sinh viên không làm bài thi mà viết bài với chủ đề “Bạn nghĩ bạn xứng đáng được bao nhiêu điểm khi kết thúc lớp này và hãy thuyết phục tôi để chứng minh điều đó”. Thùy Dương chia sẻ, chương trình học ở Fulbright được thiết kế theo mô hình giáo dục khai phóng nên trước khi chọn chuyên ngành cụ thể vào năm 3, cô cũng như các sinh viên có 2 năm đầu học kiến thức ở nhiều lĩnh vực như: Khám phá khoa học; Lý luận Định lượng cho thời đại số; Tư duy thiết kế và hệ thống; Văn hóa và xã hội Việt Nam hiện đại…
Với Thùy Dương thì mỗi môn học đều có những điểm thú vị khác nhau. Nhưng có một điểm đặc biệt là, tất cả các môn học ở Fulbright đều cung cấp những cái nhìn bao quát và cụ thể về Việt Nam, đặt trong mối tương quan với tình hình thế giới. Điều đó vừa giúp sinh viên có kiến thức nền về những học thuyết, lý luận toàn cầu, vừa nhìn nhận được những vấn đề tồn đọng hay cơ hội phát triển mà Việt Nam đang có.
Trên một góc nhìn dài hạn hơn thì việc học ở đây tạo ra một thế hệ trẻ có khả năng hiểu bản thân và luôn dấn thân để phụng sự xã hội. Điều Thùy Dương có được từ trải nghiệm ở Fulbright là tư duy vững vàng và khả năng đối diện được nhiều vấn đề khác nhau trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.
Luôn trăn trở với quê hương
Thùy Dương đang bước vào năm học thứ 4, theo 2 chuyên ngành nghiên cứu xã hội và kinh tế. Là người yêu thích công nghệ và tin rằng công nghệ là xu hướng nghề nghiệp tương lai, nên định hướng của cô sẽ làm việc trong lĩnh vực này. Dương hào hứng với những thử thách nên luôn thúc đẩy bản thân tiến về phía trước để chinh phục những tri thức mới.
Đó cũng chính là lý do cô ứng tuyển vào Tập đoàn công nghệ Amazon và chinh phục được nó sau 5 vòng phỏng vấn rất khó. Amazon nằm trong top 5 tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh với Meta, Apple, Google… Mỗi năm Amazon chỉ tuyển rất ít thực tập sinh của các nước trên thế giới, Thùy Dương đã vinh dự đạt được quả ngọt này.
Kết quả ấy phản ánh cho hành trình dài được tôi luyện về mặt tư duy, kiến thức và kỹ năng ở Fulbright. Thùy Dương đang giữ vai trò là thực tập sinh phát triển quan hệ hợp tác và khách hàng, tập trung chủ yếu vào tư vấn chuyển đổi số về điện toán đám mây cho khách hàng Việt Nam. Cô hy vọng đây là cơ hội tốt để có thể làm những việc có ảnh hưởng tốt hơn nữa đến sự phát triển của Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Vào mùa đông năm 2020, Quảng Trị phải hứng chịu nhiều cơn lũ lớn, trong đó có lũ lịch sử. Đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thùy Dương đã nhanh chóng lên kế hoạch cho đợt gây quỹ trong trường đại học, mục tiêu tặng được thuyền máy và máy phát điện cho những thôn, làng ở các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ ở Quảng Trị.Chỉ sau hơn một tuần phát động, chiến dịch gây quỹ của cô đã nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người ở trong và ngoài trường với số tiền hơn 51 triệu đồng. Cô đã mua 2 chiếc thuyền máy, 2 máy phát điện cùng 20 áo phao cứu sinh tặng cho 4 thôn ở các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.
“Tinh thần khởi nghiệp trong tuổi trẻ không phải là ai cũng đi làm kinh doanh, mà là hệ tư duy để mỗi một ai, dù làm ở bất kỳ vị trí gì và ngành nghề gì cũng có khả năng đổi mới sáng tạo. Vì vậy, tôi thường không đặt ra những tiêu chí quá cụ thể cho công việc, nếu như thế sẽ là cái khuôn vô tình giới hạn bản thân mình. Với tôi, dù ở đâu và làm gì thì tinh thần phụng sự xã hội là kim chỉ nam luôn được ưu tiên”, Thùy Dương chia sẻ.
Năm 2021, khi cả nước đang gồng mình phòng, chống COVID-19, một thời gian dài Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa, nhìn về quê hương, số người mắc bệnh ngày càng tăng, Thùy Dương cũng không thể ngồi yên. Với tư duy thành phố bị phong tỏa nhưng tuổi trẻ cần hành động có ích, dù là việc nhỏ nhất, cô tham gia kêu gọi ủng hộ tiền cho các tổ chức, chương trình với quy mô lớn để kịp đưa quà đến với nhiều người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thùy Dương khiêm tốn chia sẻ, những thành quả nhỏ mình đạt được cho tới thời điểm hiện tại không phải của riêng bản thân mà của tất cả những người đồng hành. Cô không có công thức gì đặc biệt, chỉ luôn nghĩ việc sống với một thái độ biết ơn là chìa khoá để mỗi chúng ta có thể tiến xa hơn chính mình của ngày hôm qua. Thùy Dương luôn muốn mình là một chiếc lá xanh, góp phần tạo nên màu xanh trù phú cho cuộc sống, cho quê hương, đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)