Thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động được các trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian gần đây nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Từ trước đến nay, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động được Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (gọi tắt là iSchool Quảng Trị) thường xuyên tổ chức nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức, nâng cao các kỹ năng. Theo đó, tùy thuộc vào từng chủ đề, mùa hay thời tiết mà nhà trường tổ chức cho học sinh thực hiện các chương trình trải nghiệm khác nhau.
Gần đây nhất, vào những ngày đầu tháng 4, học sinh khối 6, khối 7 của trường đã có chuyến dã ngoại, trải nghiệm làng nghề gốm Phước Tích, thuộc thôn Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một trong số ít những nơi còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của làng quê Việt Nam. Suốt chuyến đi, không những được tìm hiểu về lịch sử ra đời, nét đặc trưng về văn hóa cũng như nghề làm gốm truyền thống của làng mà học sinh còn được tham quan bộ sưu tập gốm cổ của nghệ nhân Lê Trọng Diễn (75 tuổi) với khoảng 200 hiện vật gốm các loại; thăm Miếu Cây Thị - một công trình kiến trúc cổ đã tồn tại hơn 600 năm...
Đặc biệt, các em còn được tự tay làm bánh phu thê, một trong những món ăn truyền thống của người dân địa phương. Vừa học cách cắt lá gói bánh, em Trần Ngọc Bảo Châu, học sinh của iSchool Quảng Trị vừa hào hứng cho hay: “Em cảm thấy rất vui khi cùng thầy cô và các bạn tham gia cuộc trải nghiệm này. Bởi chúng em được mở mang kiến thức, được biết thêm về một địa danh không phải bằng sách vở. Điều này giúp em thêm yêu quý quê hương, đất nước của mình. Em đã tự mình làm được bánh phu thê và sẽ đem món bánh này về khoe với gia đình. Đây thật sự là một trong những kỷ niệm vui, đáng nhớ nhất của em”.
Trường iShool Quảng Trị hiện có trên 500 học sinh. Những năm qua, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế cho học sinh. Bên cạnh lựa chọn cho các em tham quan, học tập tại các bảo tàng, di tích nhằm tiếp cận và tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa, nhà trường còn thực hiện nhiều chuyến đi để học sinh hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu ngành nông nghiệp, các nghề thủ công truyền thống. 3 năm gần đây tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng trường vẫn nỗ lực thực hiện hoạt động trải nghiệm ngay tại vườn thực nghiệm hay trong khuôn viên nhà trường.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường iSchool Quảng Trị Dương Thị Thu Trang, việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm vào chương trình học bên cạnh giáo dục kiến thức văn hóa giúp học sinh tự lập, năng động, phát triển cùng lúc nhiều kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, vận động. Từ đó, các em có thể thích nghi tốt hơn, thành công trong môi trường hội nhập quốc tế.
“Thông qua việc học sinh ghi lại nhật ký và chia sẻ với thầy, cô, bạn bè về những điều mình đã học được sau mỗi chuyến trải nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy các em đã thêm yêu lịch sử, truyền thống của quê hương, vùng đất mà mình đặt chân đến. Không những thế, các em còn được phát triển toàn diện các kỹ năng, vận dụng những bài học trong sách vở vào thực tế. Điều này phần nào giúp cho công tác dạy - học của nhà trường trở nên hiệu quả hơn”, cô Trang nói thêm.
Những năm trở lại đây, không riêng Trường iSchool Quảng Trị mà nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng dần chú trọng đến giáo dục kỹ năng cho học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Huy Phương khẳng định: “Tổ chức giáo dục kỹ năng sống qua các hoạt động trải nghiệm tại các đơn vị trường học hiện nay có ý nghĩa quan trọng; góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục cho học sinh đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Không chỉ nâng cao chất lượng dạy học, tạo hứng thú cho người học, mà hoạt động trải nghiệm còn giúp học sinh hình thành các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi và những kỹ năng cần thiết phù hợp cho các em. Cùng với đó tạo cho các em có hiểu biết và định hướng về nghề nghiệp trong tương lai”. Được biết, các trường học trong toàn tỉnh đã và đang tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm đa dạng vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trong năm.
Một số trường học còn thành lập câu lạc bộ võ thuật, lớp bơi lội, cầu lông, bóng đá... Qua đó, học sinh được rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, ứng xử văn hóa, hòa đồng với bạn bè, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường; có ý thức để làm chủ bản thân, sống tích cực, tự tin hơn.
Ông Mai Huy Phương cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa kỹ năng cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng công tác chỉ đạo các đơn vị trường học quan tâm, tăng cường xây dựng các hoạt động giáo dục/ mô hình trải nghiệm để tổ chức cho học sinh tham gia. Trong đó, chú trọng các hoạt động gắn với thực tế như về nguồn, tham quan các mô hình sản xuất, các làng nghề, di tích lịch sử; tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua các môn học phù hợp để phát huy năng lực phẩm chất của người học; tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động ngoại khóa, các mô hình sáng tạo để các em được tham gia với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp điều kiện cụ thể các đơn vị/điểm trường, khối, lớp,… tạo sức hút để học sinh hứng thú, tham gia hoạt động đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục trung học theo các hình thức dạy học các môn học như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để học sinh được bộc lộ, rèn luyện và phát triển phẩm chất, năng lực bản thân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)