Nữ trưởng thôn người Vân Kiều hết lòng với bản làng

Mỹ Hằng |

Năng động, nhiệt tình, luôn dốc sức mình vì sự đổi mới của quê hương là những gì người dân thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nói về trưởng thôn Hồ Thị Hiếu (sinh năm 1989). Không chỉ là điểm tựa vững chắc của người dân nơi miền sơn cước, chị còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Tháng 8/2024, chị Hiếu vinh dự nhận Giải thưởng “Bông Sen Hồng” của huyện Vĩnh Linh.


Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Hồ Thị Hương cho biết: “Với những việc làm thiết thực của mình trong thời gian qua, chị Hiếu đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, không có gì khó mà phụ nữ không làm được, quan trọng là cần phải có lòng kiên trì và tâm huyết với công việc thì sẽ đi đến thành công. Cùng với các chi hội, đoàn thể trong thôn, chị đã góp phần xây dựng, thúc đẩy vùng khó Vĩnh Ô ngày càng phát triển”.

Sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn của huyện Vĩnh Linh, tuổi thơ của chị Hiếu là những tháng ngày gắn liền với việc lên nương làm rẫy, phụ giúp gia đình. Điều kiện kinh tế không có, phải lo ăn từng bữa, đã có những lúc tưởng chừng như chị Hiếu phải dừng lại con đường học vấn của mình. Thế nhưng với quyết tâm thay đổi cuộc đời, năm 2011 chị thi đỗ và theo học chuyên ngành Sư phạm Mầm non tại Trường Cao đẳng Hải Dương. Đến năm 2014, sau khi tốt nghiệp, chị Hiếu trở về quê.

Chị Hồ Thị Hiếu nhận Giải thưởng “Bông Sen Hồng” huyện Vĩnh Linh năm 2024 -Ảnh: M.H
Chị Hồ Thị Hiếu nhận Giải thưởng “Bông Sen Hồng” huyện Vĩnh Linh năm 2024 -Ảnh: M.H

Dù không xin được việc đúng với chuyên ngành theo học, nhưng với những kiến thức có được, chị bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội, dốc sức mình để xây dựng quê hương đổi mới. Từ sự năng nổ, nhiệt tình với các phong trào ở địa phương, năm 2020, chị được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.

Toàn thôn Xóm Mới có 73 hộ/250 khẩu, 100% người dân là dân tộc Bru Vân Kiều. Thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy nên còn thiếu thốn nhiều mặt. Trăn trở trước thực trạng đó, từ ngày làm trưởng thôn, chị Hiếu dành nhiều thời gian để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Nhất là những chính sách liên quan đến đời sống của người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, chị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mọi người xem họ muốn gì, cần gì để có phương án giúp đỡ kịp thời.

Chị Hiếu cho biết, khoảng thời gian đầu làm trưởng thôn, chị gặp không ít khó khăn song được sự động viên của chính quyền địa phương “khó đến đâu, gỡ đến đó”, chị đã xem đó là cơ hội để trưởng thành. “Làm trưởng thôn, nghe qua thì dễ nhưng để dân tin, dân nghe thì phải thật tận tâm, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của người dân”, chị Hiếu bộc bạch.

Nhờ sự mềm dẻo, linh hoạt trong tuyên truyền, vận động của chị Hiếu, ở thôn Xóm Mới ngày càng có nhiều gia đình chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, thoát nghèo bền vững với những mô hình như: chăn nuôi dê, trâu, bò, trồng rừng... Đến nay, thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô chỉ còn 5 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhờ sự vận động của chị Hiếu, năm 2023, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến 3.000 m2 đất để mở rộng đường bê tông nội thôn, góp phần đưa xã Vĩnh Ô về đích nông thôn mới.

Đồng ý theo chủ trương của Nhà nước, giải phóng 2 km đi qua “rú ma” - nơi chôn cất người chết mà theo quan niệm của người Bru Vân Kiều là lãnh địa bất khả xâm phạm, để thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Nhờ đó, xã Vĩnh Ô đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển giao thông nông thôn - miền núi năm 2023”.

Chị Hiếu cũng là người luôn chủ động nêu gương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Đơn cử như vào 10/2023 trời mưa liên tục, nước từ thượng nguồn sông Bến Hải chảy về rất lớn làm tắc đường khiến Bản 8 bị cô lập. Trước tình hình này, chị đã vận động người dân ủng hộ, vận chuyển gần 2 tấn lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm với tinh thần “tất cả vì Bản 8 thân yêu”.

Không chỉ “chèo lái” các hoạt động, phong trào của thôn mà chị Hiếu còn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Đầu năm 2024, chị vay vốn, đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản với tổng diện tích 300 m2 , tổng đàn gần 20 con. Đồng thời thuê máy múc gần 2 ha đất trồng cỏ, đầu tư hệ thống nước tưới và trồng 5 ha cây chuối làm thức ăn cho đàn bò.

Chị Hiếu chia sẻ: “Với hình thức nuôi bò nhốt, không thả rông, tôi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, được sự giúp đỡ của cán bộ thú y nên đàn bò không bị bệnh tật, phát triển nhanh.

Dự kiến, cuối năm nay nhiều con sinh sản sẽ tăng số lượng tổng đàn, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình. Sau khi mô hình được đánh giá về tính khả thi, tôi sẽ vận động người dân trong thôn nhân rộng mô hình, đồng thời hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm hơn”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số

Tiến Sỹ |

Để từng bước xây dựng đô thị thông minh, thời gian qua thành phố Đông Hà đã triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh thành phố Đông Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực.

Đẩy mạnh công tác thông tin để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Lê An |

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em mà còn làm giảm chất lượng dân số và là rào cản đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức rõ tình trạng này, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đang tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Đề nghị xử lý 7 điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông

Mai Lâm |

Qua theo dõi, nắm bắt diễn biến về tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn, Ban ATGT tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép đầu tư 7 cụm đèn tín hiệu giao thông nhằm xử lý, khắc phục 7 điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện Triệu Phong, Gio Linh.

Trưởng thôn gương mẫu, làm kinh tế giỏi

Trúc Phương |

Dù mới làm trưởng thôn 2 năm nhưng bằng sự tận tụy, nhiệt tình với công việc, ông Lê Hải Bình (sinh năm 1963), Trưởng thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân. Không những thế, ông còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế tại địa phương với thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp của mình.