"Ông tổ" nền nông nghiệp sạch nước nhà

Nguyễn Quang Lập |

Ngày nay nông dân ta đã quá quen với phân vi sinh, đã biết thế nào là nông nghiệp sạch và tác dụng to lớn của nó. Nhưng ít ai biết ông tổ phân vi sinh và nền nông nghiệp sạch nước nhà, ấy là giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Hữu.  Nông dân không biết đã đành, các nhà quản lý cũng không biết. Tra google tiếng Việt cái tên Giáo sư Phạm Văn Hữu không xuất hiện một lần.  Thật đáng buồn.

Vậy xin thưa đôi điều về ông tổ nền nông nghiệp sạch nước nhà.

Gọi là "ông tổ" không thật đúng lắm. Vì GS Phạm Văn Hữu không phát minh ra phân vi sinh, ông chỉ đem công nghệ sản xuất phân vi sinh về Việt Nam và cố vấn cho Chính Phủ ta xây dựng một nền nông nghiệp sạch. Nhưng nhờ có cuộc gặp gỡ tình cờ của ông và đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ đó nhà khoa học Việt kiều lặn lội về nước, đem theo công nghệ sản xuất phân vi sinh và các chế phẩm sinh học quyết gây dựng một nền nông nghiệp sạch nước nhà, thì gọi ông là ông tổ nền nông nghiệp nước nhà cũng không sai.

Nói rằng nước ta đã có nông nghiệp sạch từ xa xưa là không đúng. Tuy thời đó ta dùng phân hữu cơ ( phân chuồng, phân bắc) chứ chưa có phân vô cơ để dùng. Nhưng chính phân chuồng phân bắc cũng gây ô nhiễm cho không khí và nguồn nước, tạo ra sâu bọ và vi trùng nguy hiểm cho nguồn sống. Kể từ năm 1960-1980 nông nghiệp nước nhà tràn ngập phân vô cơ và các loại thuốc trừ sâu chế phẩm từ hoá vô cơ, nền nông nghiệp mà ta tưởng là sạch đó cũng tan biến. Cho nên có thể nói, nông nghiệp sạch nước nhà bắt đầu khởi sự kể từ khi Giáo sư Phạm Văn Hữu về nước  và phân vi sinh bắt đầu được sản xuất.

Giáo sư Phạm Văn Hữu là ai?

Gs Phạm Văn Hữu tên thật Nguyễn Văn Diên, sinh năm 1931 trong một gia đình phú nông ở thôn Hợp Hoà, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình. Nhà giàu có, được cha mẹ cho ăn học, Diên học rất giỏi, đỗ Thành Chung tại Quốc học Huế năm 1947. Diên học nghề tại trường Kỹ nghệ Huế (còn có tên Bách nghệ Huế), ngành hoá học chương trình 3 năm. Tại đây Diên chơi thân với một người bạn Pháp. Không biết tên người Pháp này là gì, chỉ biết sau này là chỉ huy trưởng sân bay quân sự Bờ Hơ (sân bay Đồng Hới).
 

Năm 1951 người bạn Pháp ngỏ lời muốn giúp đỡ Diên vào Sài Gòn Gia Định làm việc. Diên nhận lời giúp đỡ của bạn và rời làng ra đi. Không ngờ đó là cuộc ly hương không biết có ngày về, vì Hiệp định Gienève phân cách giới tuyến hai miền Nam Bắc năm 1954.

 Diên làm việc tại một hãng kinh doanh phân bón lớn tại Gia Định, đúng chuyên ngành Diên được đào tạo ở trường Kỹ nghệ Huế. Vợ chồng chủ hãng phân bón này quê gốc Vĩnh Long, thương mến Diên hết mực, nhận Diên làm con nuôi, cho du học Pháp. Nguyễn Văn Diên lấy bằng kỹ sư canh nông tại Pháp, tiếp tục lấy bằng tiến sĩ canh nông rồi trở về nước làm việc tại Nha khảo cứu Đông Dương, về sau là Trường đại học quốc gia Nông Lâm. Bố mẹ nuôi gả con gái cho Diên, ấy là bà Nguyễn Thị Chinh. Vợ chồng họ sống với nhau hạnh phúc cho đến ngày ông Diên về trời dưới cái tên Giáo sư Phạm Văn Hữu, năm 1996.

Trước 1970, Nguyễn Văn Diên vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, trở thành chuyên gia canh nông nổi tiếng miền Nam. Ông còn tham gia vào Ban phân bón Bộ cải cách điền địa dưới thời VNCH, được cử đi làm chuyên gia nông nghiệp tại tổ chức nông lương của Liên Hiệp Quốc. Từ đó ông đem gia đình định cư tại Canada.

Tháng 10 năm 1980 Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu Đoàn công tác chính phủ đi thăm 12 nước Châu Phi trong chương trình hợp tác nông nghiệp với các nước này dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Như một cơ duyên trời định, GSTS Nguyễn Văn Diên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai người con Quảng Bình gặp nhau nơi đất khách quê người nhanh chóng trở thành tri kỉ.

Ngay sau đó GSTS Nguyễn Văn Diên được mời về nước giúp cho Chính phủ xây dựng một nền nông nghiệp phát triển, trọng tâm là nông nghiệp sạch. Ông Diên nhiều lần làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó thủ tướng Tố Hữu, ít lâu sau cũng thành kẻ tri âm người tri kỉ. Cái tên Phạm Văn Hữu được lấy từ họ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, biệt danh “anh Văn” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bút danh của nhà thơ Tố Hữu.

Bảy năm sau, năm 1989, dưới cái tên GSTS Phạm Văn Hữu ông đã vận động Việt Kiều ở Bắc Mỹ góp kinh phí thành lập Công ty Thiên Nông theo luật đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất các loại phân bón vì một nền nông nghiệp sạch. Giáo sư cũng đã đưa về nước 8 công nghệ sản sản xuất phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học và giống cây trồng: 1 Công nghệ sản xuất phân vi sinh. 2. Công nghệ sản xuất phân bón qua lá. 3. Công nghệ kích phát tố hoa trái. 4. Công nghệ sản xuất thuốc trừ sâu sinh học. 5. Công nghệ sản xuất nước súc miệng. 6. Phổ biến 16 qui trình rau sạch. 7. Giống cây Quy Nua (cây hạt vàng) - cây lương thực cao cấp nguồn gốc Bắc Mỹ. 8. Giống sắn cao sản Châu Phi.

Giáo sư đã bàn giao công nghệ phi lợi nhuận này cho Việt Nam. Tới nay cả 6 công nghệ và 2 giống cây trồng đều đã được nhân rộng trên cả nước.

Đủ biết tấm lòng yêu đất nước của một nhà khoa học.

TAGS

Đường về của Nhung

Thanh Trúc |

35 tuổi, Nguyễn Thị Kim Nhung, ở đội 2, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hiện là chủ xưởng may nhỏ với 20 máy may, giải quyết công việc cho 20 lao động, trong đó có nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với Nhung, ngày hôm nay giống như một giấc mơ có thật, bởi cho dù đã ở bên cạnh mẹ, được ôm ấp các con mình mỗi ngày nhưng nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng khi còn là một lao động bất hợp pháp tại Nga, cô không nghĩ mình còn con đường sống để trở về.

Học sinh trường chuyên làm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật

Lâm Thanh |

Sản phẩm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của hai em: Dương Phúc Hiếu, lớp 12 chuyên Sinh và Thái Việt Nhật, lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị), đoạt Giải Nhất kỳ thi “Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia học sinh trung học” năm học 2019 - 2020 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 6/2020 đã tiếp thêm động lực, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm khoa học hữu ích cho cộng đồng ở ngôi trường này.

Trưởng thôn tâm huyết với quê hương

Hiếu Giang |

Trong thành công chung của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu với sự nhiệt huyết và trách nhiệm của mình đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.

Người phụ nữ Vân Kiều quyết tâm thoát nghèo

Ngọc Trang |

Nhờ đổi mới suy nghĩ, tích cực học hỏi kinh nghiệm, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả nên chị Hồ Thị Êm, người Vân Kiều ở thôn A Quan, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thoát nghèo bền vững. Những năm gần đây, chị Êm trở thành phụ nữ điển hình ở xã trong vượt khó làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.