Nhờ đổi mới suy nghĩ, tích cực học hỏi kinh nghiệm, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả nên chị Hồ Thị Êm, người Vân Kiều ở thôn A Quan, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thoát nghèo bền vững. Những năm gần đây, chị Êm trở thành phụ nữ điển hình ở xã trong vượt khó làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Sinh ra ở vùng khó, trong một gia đình nghèo, đông con nên chị Êm thiệt thòi nhiều thứ. Ở quê chị, phụ nữ lấy chồng đa số ai cũng vất vả vì gia đình đôi bên không giúp được gì khi con ra ở riêng. Lập gia đình mấy năm đầu vợ chồng chị rất khó khăn, không biết làm gì kiếm ra tiền để nuôi con, phải ở trong căn nhà sàn tạm bợ. Do canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng cây trồng vùng chị ở rất kém.
Vì thế, cứ đến kỳ giáp hạt là người dân nơi đây lại lâm vào cảnh thiếu ăn. Qua nhiều lần được tham gia các buổi họp thôn nghe cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động người dân khắc phục khó khăn để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao; tích cực ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất; được tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi làm ăn…, chị Êm bàn với chồng vay vốn qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng mô hình vườn- ao- chuồng. Thế là vợ chồng chị khai hoang để trồng 3 ha sắn; đắp đập, làm đất, dẫn nước trồng 5 sào lúa, đào 2 ao nuôi các loại cá như chép, mè, rô phi. Bên cạnh đó, tận dụng cỏ các triền đồi để chăn nuôi dê, bò.
Nhờ chí thú làm ăn, tích cực tìm hiểu kiến thức trồng trọt và chăn nuôi để áp dụng đúng cách, gia đình chị đã có thu nhập từ mô hình V-A-C bình quân mỗi năm trừ chi phí còn khoảng 100 triệu đồng. Đến năm 2012, vợ chồng chị không chỉ trả hết nợ vay làm ăn mà còn xây dựng được căn nhà khang trang trị giá 300 triệu đồng. Có nhà cửa kiên cố, kinh tế gia đình ổn định, chị Êm cùng chồng tiếp tục duy trì, phát triển mô hình kinh tế; chăm lo cho 2 người con ăn học tốt hơn. Chị Êm còn hăng hái tham gia tuyên truyền, vận động phụ nữ trong thôn tham gia các hoạt động, phong trào thi đua, đổi mới tư duy trong trồng trọt, chăn nuôi, làm giàu chính đáng; thực hiện mô hình ít con để có thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân và các thành viên trong gia đình. Khuyến khích, động viên chị em tham gia vào tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản. Nhờ vậy, nhiều phụ nữ nghèo trong thôn hình thành được thói quen tiết kiệm, tính toán chi tiêu các khoản phù hợp; được hỗ trợ vay vốn xoay vòng làm ăn, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ vùng khó giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch Hội LHPN xã Lìa Hồ Thị Thêm cho biết thêm: “Chị Hồ Thị Êm là phụ nữ giàu ý chí và nghị lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình ở xã. Không những thế, chị còn gương mẫu sinh ít con, chăm sóc nuôi dạy các con rất tốt; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; tuyên truyền, vận động chị em vay vốn đầu tư làm ăn, mạnh dạn đăng ký thoát nghèo để có động lực vươn lên xây dựng cuộc sống đủ đầy hơn”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)