Thầy giáo ngăn kênh thủy lợi dạy bơi miễn phí cho học sinh

Thục Quyên |

Sinh ra ở vùng “rốn lũ” của huyện Hải Lăng, từng chứng kiến nỗi đau của nhiều gia đình mất con vì đuối nước, thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên thể dục tại Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã nảy ra ý tưởng mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Từ ý tưởng này, suốt 8 năm qua, cứ vào mùa hè, thầy Tước lại ngăn kênh thủy lợi, miệt mài dạy bơi cho cả ngàn em học sinh.

Mới 16 giờ chiều, ánh nắng mặt trời vẫn đang còn gay gắt nhưng lớp học bơi ngay trên tuyến kênh N4 của thầy Tước đã rộn rã tiếng cười nói của các em học sinh.

Lớp học bơi trên kênh thủy lợi N4 của thầy Tước. Ảnh: TQ
Lớp học bơi trên kênh thủy lợi N4 của thầy Tước. Ảnh: TQ

Tranh thủ thời gian cho các em khởi động trước khi xuống nước tập bơi, thầy Tước cho biết: “Địa phương là vùng trũng, có ao hồ, kênh mương dày đặc và thường xảy ra lũ lụt, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, đặc biệt là với những người không biết bơi. Cách đây gần 10 năm khi đang còn công tác tại xã Hải Hòa (nay là xã Hải Phong), tôi đã chứng kiến cảnh đau xót khi 2 em học sinh là anh em ruột bị đuối nước khi tắm sông; một em bị đuối nước, em còn lại nhảy xuống cứu nhưng cũng bị đuối theo. Sau đó khi về công tác tại xã Hải Vĩnh (nay là xã Hải Hưng) tôi lại chứng kiến một trường hợp 2 ông cháu cùng ngồi ghe đi chăn vịt vào mùa lụt, do nước to, gió lớn làm ghe bị lật, người cháu bị đuối nước rất thương tâm. Bản thân là giáo viên thể dục, được đào tạo bài bản về các kỹ năng bơi lội cũng như phòng chống đuối nước nên khi phải chứng kiến nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước, tôi không khỏi xót xa, trăn trở. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng dạy bơi cho học sinh để các em phần nào có thể tự cứu mình, cứu người, góp phần phòng tránh những tai nạn thương tâm do đuối nước”.

Nghĩ là làm, mùa hè năm 2012, thầy Tước viết đơn gửi chính quyền xã Hải Vĩnh (nay là xã Hải Hưng) xin được mở lớp dạy bơi miễn phí cho các em học sinh trên địa bàn xã. Ý tưởng của thầy Tước nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền cũng như nhiều phụ huynh, học sinh. Công việc tiếp theo là khảo sát địa hình để tìm ra bể bơi cho học sinh. “Ban đầu tôi chủ yếu tìm kiếm những ao nuôi cá bỏ hoang của người dân, tuy nhiên, qua khảo sát tôi thấy chất lượng nước ở đó không đảm bảo, bùn quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Sau đó, tôi phát hiện ra là có thể tận dụng tuyến kênh N4 chảy qua địa bàn xã để làm bể bơi cho các em”, thầy Tước chia sẻ về ý tưởng ngăn kênh thủy lợi để dạy bơi.

Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, thầy Tước bắt đầu bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng ngăn kênh bằng cách gác ngang lòng kênh bằng những thanh tre, cố định bằng dây thừng để tạo thành từng ô có chiều dài 10m, dành cho từng nhóm học; tự bỏ tiền túi để mua một số dụng cụ dạy bơi cơ bản như phao tập bơi…; vận động người dân ủng hộ từng chiếc phao cứu sinh để đảm bảo an toàn cho các em. Ngay năm đầu tiên, lớp học bơi miễn phí trên tuyến kênh N4 của thầy Tước đã có hơn 90 em theo học. Tiếng lành đồn xa, số học sinh tham gia lớp học bơi miễn phí của thầy Tước tăng dần theo từng năm. Trung bình mỗi năm, có từ 140 - 160 em học sinh theo học tại lớp học của thầy Tước. Không chỉ các em học sinh ở địa phương mà các xã lân cận cũng tìm tới theo học. Sĩ số đông, thầy Tước phải chia thành 2 ca vào buổi sáng và buổi chiều xuyên suốt tất cả các ngày trong tuần. “Mỗi ngày tôi có các lớp học theo ca, buổi sáng từ 6 giờ - 8 giờ và buổi chiều từ 16 giờ - 18 giờ. Mỗi lớp từ 25 - 30 em và học từ 10 - 15 buổi là có thể biết bơi. Ngoài các kỹ năng bơi lội đơn thuần, tham gia lớp học các em còn được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về phòng chống đuối nước và các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Đó là lý do mà trong những năm trở lại đây, trên địa bàn xã không có trường hợp học sinh nào bị tai nạn đuối nước”, thầy Tước cho hay.

Khi được hỏi về những khó khăn khi ngăn kênh thủy lợi để dạy bơi, thầy Tước cho biết, trong bơi lội thì yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là khi dạy trong “bể bơi” là kênh thủy lợi, luôn có dòng chảy, các em học sinh lại đang ở trong độ tuổi hiếu động. Do đó, trước mỗi buổi học, thầy luôn phải tính toán các phương án để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Theo thầy Tước, những năm trở lại đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên mỗi buổi học đều có lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ. Ngoài ra, một số phụ huynh học sinh sau khi hoàn thành công việc đồng áng cũng tới hỗ trợ nên thầy cũng đỡ vất vả hơn. “Mặc dù ngày nào cũng phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Với tôi, được dạy bơi cho các em là niềm vui vì vừa được làm công việc yêu thích, đúng chuyên môn của mình, vừa góp phần phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do đuối nước. Ngoài ra, một số em xuất phát từ bể bơi dã chiến này đã gặt hái được thành tích cao tại các cuộc thi thể thao học đường, Hội khỏe Phù Đổng… cấp huyện và tỉnh”, thầy Tước chia sẻ.

Bí thư Xã đoàn Hải Hưng Nguyễn Minh Dũng cho biết, đồng hành với lớp dạy bơi miễn phí của thầy Tước, hàng năm đoàn viên thanh niên xã Hải Hưng đều tổ chức dọn dẹp bến bãi, dựng mái che cho các em có chỗ khởi động, nghỉ ngơi đỡ nắng nóng; phần công nhau trong việc giám sát, đảm bảo an toàn cho các em khi học bơi. Kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để mua các thiết bị học bơi như phao tập bơi, kính bơi, phao cứu sinh…; hỗ trợ nước uống và sữa phục vụ các em học bơi. Vào mỗi dịp đầu hè, Xã đoàn Hải Hưng đến từng trường tuyên truyền về phòng chống đuối nước và kêu gọi, khuyến khích các em học sinh tham gia học bơi miễn phí. Nhờ đó, suốt 10 năm nay, xã Hải Hưng chưa xảy ra vụ đuối nước nào.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khen thưởng một bảo vệ dân phố cứu người đuối nước

Q.H |

Ngày 7/7/2020, theo thông tin từ UBND Phường 1, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), lãnh đạo phường vừa tuyên dương và khen thưởng một tổ viên bảo vệ dân phố vì đã dũng cảm cứu người đuối nước.

Cô giáo “toàn năng”

Tây Long |

Từ tấm bé, cô Ngô Phương Thảo đã hiểu nghề giáo khó mang đến sự giàu có, dư dả. Thế nhưng, cô vẫn dành trọn tình yêu, đam mê, nhiệt huyết cho công việc “trồng người”. Vừa qua, cô Thảo vinh dự được biểu dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI.

Người cán bộ tận tâm với công tác mặt trận

Phú Hải |

Là một cán bộ trẻ, năng động, từng kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau và khi đến với công tác mặt trận, anh Đào Hữu Đức (sinh năm 1984), Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lại càng hăng say hơn với nhiệm vụ được giao. Sự cống hiến nhiệt thành và tâm huyết của anh trong nhiều năm qua đã khiến người dân nơi đây tin tưởng, yêu mến, cảm phục.

Cô gái trẻ từng đạt giải Nobel Hòa Bình năm 17 tuổi, tốt nghiệp Đại học Oxford

Thanh Mai |

Malala là đại diện sức mạnh kỳ diệu gắn kết mọi người, đặc biệt là phụ nữ, trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, thứ bậc, độ tuổi.