Sáng kiến từ những “bàn tay vàng”

Trúc Phương |

Mỗi người một công việc, một lĩnh vực khác nhau nhưng những người thợ mà chúng tôi gặp đều có một điểm chung là sở hữu “bàn tay vàng” và khối óc không ngừng sáng tạo. Các sáng kiến, cải tiến của họ không chỉ góp phần làm giảm sức lao động cho công nhân mà còn mang lại nguồn lợi lớn cho công ty.

“Bác sĩ” của máy móc

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đồng nghiệp ưu ái đặt cho anh Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1979), tổ trưởng Tổ cơ điện của Công ty Cổ phần gạch ngói Quảng Trị cái tên “bác sĩ” của máy móc. Bởi suốt 22 năm làm việc tại công ty, người đàn ông này đã “thăm khám”, sửa chữa cho hầu hết các loại máy móc bị hư hỏng; đồng thời có nhiều sáng kiến, cải tiến hữu ích, giúp hệ thống dây chuyền hoạt động hiệu quả, năng suất hơn. Anh Phương còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ; Tổng Liên đoàn Lao động; UBND tỉnh tặng bằng khen, Bằng lao động sáng tạo vì những nỗ lực, cống hiến của mình suốt thời gian qua.

Anh Phương gây ấn tượng với người đối diện bằng đôi mắt sáng và gương mặt hiền lành, chất phác. Từ nhỏ, anh đã sớm bộc lộ niềm đam mê sửa chữa, gia công các vật dụng điện - điện tử. Trong nhà, ngoài xóm ai có món đồ điện nào hỏng hóc, anh đều sửa được ngay. 22 tuổi, anh Phương xin vào làm công nhân cơ khí tại Công ty Cổ phần gạch ngói Quảng Trị. Phát huy sở trường của mình cùng với sự chăm chỉ, nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, anh ngày càng hoàn thiện và nâng cao tay nghề.

Anh Phương miệt mài sáng tạo, cải tiến máy móc - Ảnh: T.P
Anh Phương miệt mài sáng tạo, cải tiến máy móc - Ảnh: T.P
“Làm công việc này, tôi luôn cố gắng đi sớm về muộn để kịp thời có mặt tại công ty mỗi khi máy móc bị hỏng đột ngột. Có những hôm tôi cùng anh em trong tổ cơ điện phải ở lại đến khuya để sửa cho xong chiếc máy hỏng, nếu không ngày mai cả hệ thống dây chuyền sẽ bị đình trệ. Nhưng tôi không ngại điều đó.

Tôi chỉ muốn mình hoàn thành tốt công việc để không làm ảnh hưởng đến hiệu suất chung”, anh Phương nói. Ở công ty có bộ phận nào bị hư hỏng máy móc, mọi người sẽ ngay lập tức gọi “bác sĩ” Phương ngay.

Quá trình làm nghề, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, anh Phương còn tích cực tiến hành cải tiến kỹ thuật, đưa máy móc vào hoạt động ổn định, giúp tiết kiệm chi phí cho công ty. Trong số đó phải kể đến các cải tiến như: hệ thống van; sơ mi, búa đập máy nghiền than hay gia công máy tời và vận chuyển than ở khu vực tạo hình. Kể từ khi áp dụng vào thực tế, các cải tiến này đã làm giảm đáng kể sức lao động của công nhân, nâng cao năng suất làm việc của nhà máy.

Bên cạnh đó, anh Phương còn có sáng kiến “Gia công hệ thống hút bụi khuếch tán qua nước” làm hạn chế tối đa bụi trong quá trình gạch ra lò, tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho công nhân bốc xếp gạch.

Những sáng kiến này mang lại cho công ty nguồn lợi hàng trăm triệu đồng. “Các ý tưởng, cải tiến đều xuất phát từ thực tế với mong muốn nâng cao năng suất lao động cho công ty và để anh em công nhân đỡ vất vả.

Tôi không dám nhận mình là “bác sĩ máy móc” như mọi người nói, chỉ muốn nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình. Sáng tạo không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm”, anh Phương cho hay.

Cây “sáng kiến” của ngành điện lực

Dù mới công tác tại Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) gần 10 năm nhưng với một trái tim yêu nghề, đầy nhiệt huyết, anh Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1990), chuyên viên phòng kỹ thuật cùng với đồng nghiệp đã không ngừng đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từ đó góp phần tiết kiệm sức lao động và nhân công cho đơn vị; đảm bảo ổn định điện năng cho hoạt động sản xuất của Nhân dân trên địa bàn và làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng/năm.

Năm 2013, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, thay vì Nam tiến như bạn bè đồng trang lứa, anh Thủy quyết định quay về quê hương, đầu quân vào PC Quảng Trị.

Tại đây, trong vai trò của chuyên viên phòng kỹ thuật, anh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, liên tục đưa ra những sáng kiến nhằm nâng cao năng suất lao động, được công ty và UBND tỉnh công nhận như: “Giải pháp quản lý hệ thống lưới điện Quảng Trị hiệu quả bằng các thiết bị công nghệ hiện đại (flycam, camera nhiệt)” hay “Giải pháp chống hiện tượng tự đứt dây bọc trung áp”...

Sáng kiến của anh Thủy (thứ 3, bên phải) và cộng sự được UBND tỉnh đánh giá cao - Ảnh: NVCC
Sáng kiến của anh Thủy (thứ 3, bên phải) và cộng sự được UBND tỉnh đánh giá cao - Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, “Giải pháp điều khiển xa Recloser” mới là một trong những sáng kiến anh Thủy tâm đắc nhất, bởi từ khi áp dụng vào thực tế, sáng kiến này thực sự đem lại hiệu quả trong công tác quản lý vận hành lưới điện, đặc biệt giúp cho việc phát hiện và xử lý sự cố trên lưới điện được thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Anh cho hay, mình cùng với các cộng sự mất khoảng 1 năm để thu thập dữ liệu và tính toán nhằm đảm bảo tính liên tục và chính xác của dữ liệu, phục vụ công tác vận hành và các ứng dụng nâng cao khác.

Thành quả là sau khi áp dụng công nghệ điều khiển xa Recloser, thời gian mất điện theo chỉ số SAIDI trong năm đã giảm khoảng 270 phút so với trước đây, tương ứng với sản lượng điện không mất đi là 500.000kWh.

Ngoài ra, sáng kiến này còn tiết kiệm được chi phí nhân công đi thao tác đóng cắt. Ước tính hiệu quả kinh tế làm lợi do sáng kiến này đem lại khoảng 850 triệu đồng/năm.

Anh Thủy cho biết, gần đây nhất nhóm của anh cũng đã đưa ra một sáng kiến mới hữu ích mang tên “Giải pháp phụ kiện đấu nối dây bọc trung áp khắc phục hiện tượng mô ve, tiếp xúc không đảm bảo”.

Theo đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu, chế tạo phụ kiện đấu nối dây bọc trung áp nhằm cải tạo nhanh chóng các vị trí lèo có khuyết điểm trên lưới điện trước đây. Sau khi áp dụng vào thực tiễn, sáng kiến không chỉ khắc phục triệt để sự cố tuột lèo thường xảy ra trên lưới điện mà còn góp phần giảm sự cố lưới điện trung áp, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho tất cả các tổ chức và cá nhân sử dụng điện.

Gần 10 năm làm việc thì anh Thủy có đến 8 sáng kiến được mọi người công nhận. Theo anh Thủy, tất cả những sáng kiến đưa ra xuất phát từ thực tế công việc hằng ngày nhằm khắc phục tối đa những hạn chế thường gặp, qua đó giúp công việc của mình và đồng nghiệp trở nên thuận lợi, tiết kiệm thời gian, đỡ vất vả hơn.

“Để có được sáng kiến tốt, tôi nghĩ mình phải luôn tâm huyết với công việc; trăn trở, suy nghĩ từ thực tế sản xuất để tìm ra cái được và cái chưa được, rồi từ đó đưa ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thiết thực nhất”, anh Thủy chia sẻ.

Với những sáng kiến trong suốt thời gian qua, anh Thủy đã được tặng nhiều danh hiệu như: Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2016 - 2021; chiến sĩ thi đua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước năm 2021; Bằng khen của Bộ Công thương, UBND tỉnh Quảng Trị; giấy khen của Tổng Công ty Điện lực miền Trung và PC Quảng Trị.

Sáng tạo cần được duy trì thường xuyên

Với anh Lê Hữu Khang (sinh năm 1987), hiện đang là Phó Quản đốc phụ trách cơ điện xưởng sản xuất Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị, việc sáng tạo, cải tiến máy móc nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm không chỉ là cơ hội thể hiện năng lực mà còn là trách nhiệm mỗi người lao động cần phải làm.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, anh Khang xin vào Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa làm công nhân cơ điện bảo trì máy móc thiết bị. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn.

“Công việc của một công nhân cơ điện bảo trì tương đối áp lực bởi chúng tôi không chỉ bao quát toàn bộ hệ thống máy móc dây chuyền của nhà máy và máy móc phụ trợ sản xuất theo kế hoạch, đảm bảo thiết bị ổn định, an toàn; kiểm tra, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện động lực, ánh sáng... mà còn phải nắm bắt chính xác nguyên lý hoạt động của máy móc để lỡ hỏng ở đâu thì sửa kịp thời ở đó, không làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chung”, anh Khang nói.

Với anh Khang, sáng tạo là hành trình dài, cần phải được duy trì mỗi ngày - Ảnh: T.P
Với anh Khang, sáng tạo là hành trình dài, cần phải được duy trì mỗi ngày - Ảnh: T.P
Với thái độ cầu thị và tinh thần làm việc hăng say, qua thời gian anh Khang đã được ban lãnh đạo công ty và đồng nghiệp ghi nhận.

Đặc biệt, trong suốt 13 năm làm việc tại nhà máy với nhiều vị trí công việc khác nhau, anh Khang không ngừng tìm tòi, cải tiến công nghệ, đảm bảo dây chuyền phát huy tối đa công suất, tiết kiệm chi phí sản xuất trong quá trình vận hành.

“Đi lên từ công nhân lao động trực tiếp nên tôi nhìn thấy rõ những “lỗ hỏng” cần phải khắc phục trong hệ thống máy móc. Vì vậy tôi mong muốn sáng kiến của mình sẽ làm lợi cho nhà máy, giúp công nhân đỡ vất vả, từ đó nâng cao hiệu quả công việc. Tôi cảm thấy bản thân mình may mắn vì được làm việc trong môi trường tốt, được lãnh đạo tạo điều kiện, đồng nghiệp hỗ trợ rất nhiều”, anh Khang chia sẻ.

Tiêu biểu trong những sáng kiến nhiều năm qua của anh phải kể đến sáng kiến “Cải tạo tăng công suất hệ thống sấy chuyền 1”. Bởi sau khi áp dụng vào thực tế, sáng kiến này đã giúp máy móc thiết bị ổn định hơn, đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, giảm chi phí tiêu hao than, điện, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hơn so với trước đây.

Nhờ cải tiến này mà công suất sản xuất của nhà máy đã được nâng lên 10 tấn sản phẩm/1 ngày đêm, mang lại lợi nhuận cho công ty gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn có sáng kiến “Tận dụng bánh răng đồng và trục ngang máy tách mũ 445 gia công rơ nia và đưa vào sử dụng”, giúp khắc phục các nhược điểm tồn tại của máy móc, làm lợi cho công ty gần 100 triệu đồng; sáng kiến “Thiết kế lắp đặt van xả nước tự động trong hệ thống điều khiển khí nén hydrocyclone dây chuyền 3”... “Tôi cho rằng, sáng tạo là hành trình dài, cần phải được duy trì thường xuyên. Nếu dừng lại, chúng ta tự bào mòn sự sáng tạo của mình”, anh Khang bộc bạch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

TP.HCM: Hàng trăm cảnh sát kiểm tra Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam

PV |

Ngày 28/3, lực lượng chức năng đã tiến hành phong toả và kiểm tra trụ sở Công ty Tài chính Home Credit và Công ty mua bán nợ Galaxy nằm tại TP. Thủ Đức (TP.HCM).

Đề nghị thu hồi 504.426 m2 đất đã cho Công ty Hoàng Khang Quảng Trị thuê

Vân Phong |

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cho biết, vừa đề nghị UBND tỉnh thu hồi 504.426 m2 đất mà tỉnh đã cho Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị (Công ty Hoàng Khang Quảng Trị) thuê tại Cụm công nghiệp Đông Gio Linh, xã Gio Việt, huyện Gio Linh.

Công ty An Xuân hỗ trợ nông dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu

Anh Vũ |

Nằm trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (thị trấn Cam Lộ) với nông dân Bản Chùa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) về hợp tác trồng và thu mua cây dược liệu, Công ty đang triển khai hỗ trợ người dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu. Hiện nay những diện tích cây dược liệu đầu tiên đã được bà con xuống giống.

“Bàn tay vàng” Trương Vĩnh Quý

Tú Linh |

Được giới thiệu của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, chúng tôi gặp Tiến sĩ, bác sĩ Trương Vĩnh Quý (42 tuổi), Trưởng Khoa Ung bướu khi anh vừa hoàn thành ca phẫu thuật điều trị ung thư cho bệnh nhân.