“Sức trẻ” của doanh nghiệp trẻ

Trần Tuyền |

Nhận thức rõ vai trò của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cùng cộng đồng DN phát triển và hội nhập.

 

Tiên phong ứng dụng công nghệ

Tiếp chúng tôi tại trụ sở công ty ở KCN Nam Đông Hà (Quảng Trị), Giám đốc Công ty TNHH Phong Hải (Công ty Phong Hải) Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ về quá trình kinh doanh của mình. Công ty Phong Hải do bố anh thành lập vào năm 2002, hoạt động kinh doanh về lĩnh vực vận tải, xây dựng dân dụng. Những năm 2012- 2013, hầu hết các DN hoạt động trong ngành xây dựng dân dụng đều gặp khó khăn về nguồn vốn vay. Là người được đào tạo chuyên ngành Xây dựng dân dụng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh Tuấn nhận thấy nếu vẫn đi theo con đường xây dựng dân dụng như bao người thì khó mà phát triển được. Vì vậy, anh quyết tâm tìm hướng đi mới.

 

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, Công ty Phong Hải đầu tư mạnh vào lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất với vật liệu mới là gỗ nhựa, gỗ công nghiệp. Loại nguyên vật liệu này vừa bền đẹp, vừa góp phần bảo vệ môi trường, được thị trường ưa chuộng. Năm 2018, anh Tuấn mở xưởng sản xuất hàng nội thất tại đường Lê Duẩn, TP. Đông Hà. Anh Tuấn cho biết: “Bấy giờ, tôi ứng dụng những vật liệu mới là gỗ công nghiệp MDF, gỗ nhựa và mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất.

Vì là DN đầu tiên trong tỉnh ứng dụng công nghệ mới nên tôi phải đi nhiều nơi, từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu về vật liệu, cách vận hành máy móc, quản lý điều hành bằng công nghệ thông tin. Ngoài ra, tôi tự tìm tòi từ sách báo, mạng internet và kết nối với các đơn vị khác trong khu vực”.

Qua quá trình nỗ lực chọn hướng đi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, uy tín của Công ty Phong Hải ngày càng được khẳng định, khách hàng tìm đến nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tình hình mới, Tuấn tuyển thêm lao động và mở rộng sản xuất. Đến đầu năm 2021, chuyển cơ sở đến KCN Nam Đông Hà với diện tích gần 1 ha, gồm: 4 nhà xưởng sản xuất, 1 nhà điều hành, 1 nhà phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho công nhân. Khi đã có cơ ngơi rộng rãi, Tuấn tiếp tục đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Khi được hỏi về “bí quyết” để thành công, Tuấn chia sẻ: “Trước tiên, tôi luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, cập nhật công nghệ mới nhất vào sản xuất và quản lý điều hành. Thứ hai là coi trọng chế độ hậu mãi, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Đây là phương châm hoạt động của công ty. Cùng với đó, công ty có đội ngũ thiết kế, nhân công lành nghề, luôn chủ động tìm ra ý tưởng mới, kịp thời nắm bắt xu thế của thị trường và nhiệt huyết với công việc”.

Cũng bởi cách làm việc tận tâm, có khoa học nên 2 năm vừa qua, mặc dù COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Công ty Phong Hải vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập cho đời sống người lao động. Công ty Phong Hải đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/ người/tháng; thành lập được tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên công ty. Không chỉ chú trọng hoạt động kinh doanh, công ty thường xuyên tổ chức, tham gia các chương trình, hoạt động thiện nguyện hướng đến cộng đồng.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn (bên trái) kiểm tra công nhân vận hành máy móc- Ảnh: T.T
Anh Nguyễn Quốc Tuấn (bên trái) kiểm tra công nhân vận hành máy móc- Ảnh: T.T


“Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa các sản phẩm từ gỗ nhựa, gỗ công nghiệp, đưa ra thị trường những sản phẩm đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tôi cũng đã có kế hoạch sẽ mở thêm nhiều cơ sở trưng bày sản phẩm ở các huyện trong tỉnh”, anh Tuấn cho biết thêm.

Sản xuất dược liệu từ thiên nhiên

Nhắc đến cái tên Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy hẳn nhiều người không còn lạ bởi thương hiệu các sản phẩm dược liệu bảo vệ sức khỏe của chị đã vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hôm gặp chúng tôi, chị phấn khởi cho biết đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến cao dược liệu có diện tích 680 m2 tại thị trấn Cam Lộ. Sau khi nhà máy hoàn thành sẽ nhập thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Gia đình chị Thủy làm nghề nấu cao dược liệu từ hơn 10 năm trước với sản phẩm cao chè vằng được khách hàng tin dùng, nhận được phản hồi tích cực đem lại doanh thu đáng kể.

Sau khi mở công ty, chị nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cà gai leo, chè vằng, hà thủ ô. Các sản phẩm của chị vừa bán ra thị trường đã được khách hàng ưa chuộng, đặt mua ngày càng nhiều. Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục sản xuất thêm các loại cao: thìa canh, lạc tiên, chè dây, đinh lăng...Hiện nay, chị đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt cao cà gai leo kết hợp với đông trùng hạ thảo và nấm linh chi.

Chị Thủy cho hay, để chủ động nguồn nguyên liệu, chị thuê 10 ha đất để trồng cây cà gai leo, đồng thời phối hợp với người dân địa phương trồng thêm gần 50 ha cây chè vằng và cà gai leo. Đối với các loại cây đinh lăng, chè dây, hà thủ ô đỏ và một số thảo dược khác, chị thu mua ở các tỉnh phía Bắc. Các công đoạn chính trong chuỗi sản xuất đều đã được ứng dụng công nghệ hiện đại nên rút ngắn thời gian, nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm.

Công nhân Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy đóng gói sản phẩm - Ảnh: T.T
Công nhân Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy đóng gói sản phẩm - Ảnh: T.T

Những năm qua, ngoài phát triển những sản phẩm mới, công ty luôn nghiên cứu thị trường, đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện sản phẩm bằng việc tham gia thi chọn những sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn OCOP theo chương trình quốc gia và có nhiều sản phẩm được đánh giá cao bởi đây là những sản phẩm thiên nhiên không chất bảo quản, chất hóa học. Trong 2 năm 2020-2021, sản phẩm cao chè vằng của công ty được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; 3 loại cao: cà gai leo, thìa canh, lạc tiên đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Năm nay, 4 sản phẩm trên được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Trước xu thế phát triển của công nghệ thông tin, năm 2017, công ty xây dựng website giới thiệu, quảng bá các sản phẩm. Với nội dung và hình thức phong phú, trình bày đẹp, website đã thu hút nhiều lượt người truy cập tìm hiểu về sản phẩm và mua hàng. Bên cạnh đó, công ty tăng cường kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử như: Vỏ Sò, Lazada, shopee... Nhờ vậy, doanh thu của công ty liên tục tăng, tạo động lực để DN mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu.

Chị Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy luôn hướng đến những sản phẩm từ thiên nhiên - Ảnh: T. TUYỀN
Chị Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy luôn hướng đến những sản phẩm từ thiên nhiên - Ảnh: T. TUYỀN

Chị Thủy chia sẻ: “Từ khi ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh, các sản phẩm của công ty được giới thiệu rộng rãi trên thị trường. Do đó, người mua hàng trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, lựa chọn các loại cao dược liệu cũng như các thông tin hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty, tạo niềm tin đối với người tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học-công nghệ, thương mại điện tử để gắn kết, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, góp phần tăng vị thế cạnh tranh trong thời đại số cũng như duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ngày Doanh nhân Việt Nam: 10 doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt

Thanh Mai |

Những người giàu nhất trên TTCK hiện nay la ông Trần Đình Long, ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo...

Những doanh nghiệp, doanh nhân góp phần làm rạng danh đất nước

Phước An |

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế mới thấy rõ sự trỗi dậy mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân vào sự phát triển của đất nước. Những doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần làm ra nhiều của cải cho xã hội, có nhiều hàng hóa để người tiêu dùng lựa chọn và nhiều sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước trên thế giới mang thương hiệu Việt Nam đầy tự hào.

Nikkei: Tại sao trường thuộc Đại học Oxford đổi tên theo nữ doanh nhân Việt

PV |

“Tại sao một trường thuộc ĐH Oxford đổi tên thành người phụ nữ giàu nhất Việt Nam” là tựa đề bài viết vừa được đăng trên trang Nikkei Asia của Nhật Bản.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh

Nhã Uyên |

Đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của quê hương, đất nước. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, thị xã, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn thị xã Quảng Trị ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.