Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế mới thấy rõ sự trỗi dậy mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân vào sự phát triển của đất nước. Những doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần làm ra nhiều của cải cho xã hội, có nhiều hàng hóa để người tiêu dùng lựa chọn và nhiều sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước trên thế giới mang thương hiệu Việt Nam đầy tự hào.
Có thể kể ra một số doanh nghiệp, doanh nhân góp phần làm rạng danh đất nước. Đó là thương hiệu sữa Vinamilk ngày càng lớn mạnh, không ngừng đổi mới sáng tạo về nhiều mặt, luôn nâng tầm của mình bằng chính sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, thử thách để vươn ra thị trường toàn cầu. Đến nay Vinamilk đã có mặt ở 56 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính ở các nước phát triển.
Ngoài các trang trại và nhà máy sản xuất trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zeland, Campuchia. Thương hiệu sữa này cũng đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khác như Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar và một số nước châu Phi. Giá trị xuất khẩu hằng năm của Vinamilk lên tới hàng trăm triệu USD, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
Đó còn là hãng máy bay Vietjet Air với nỗ lực không ngừng chinh phục lĩnh vực hàng không, bầu trời. Phương châm kinh doanh là hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp. Hãng đã bán ra hàng triệu vé máy bay giá rẻ, mang người Việt đi ra thế giới và đưa người nước ngoài đến với Việt Nam. Có những thời điểm khách hàng được mua vé máy bay siêu rẻ, như đi Đài Bắc (Đài Loan) với Vietjet Air chỉ có hơn 300.000 đồng, đi một số nơi trong nước cũng chỉ vài trăm ngàn đồng, không bằng một nửa so với các hãng máy bay khác.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người sáng lập hãng hàng không này vào năm 2011 và đã từng bước xây dựng Vietjet lớn mạnh, trở thành hãng hàng không nổi tiếng trong khu vực. Mục tiêu dài hạn của doanh nhân này là biến Vietjet trở thành hãng hàng không toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Năm 2019, tại lễ trao Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN, Vietjet được xướng tên là “Doanh nghiệp tốt nhất ngành Hàng không tại Đông Nam Á 2019”. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã từng được tạp chí Forbes xếp thứ 62 trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Một doanh nghiệp ở Tây Nguyên là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức. Từ một “ông lớn” trong lĩnh vực đồ gỗ, bất động sản, HAGL chuyển sang đầu tư trồng cao su, mía đường, chuối, bắp với diện tích hàng chục ngàn héc ta ở các nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Tổng số tiền mà HAGL đầu tư ra nước ngoài đến nay hơn 1 tỉ USD. Nhiều người ghi nhận cái tâm của doanh nhân này khi mạnh dạn đầu tư vào vùng khó khăn, lĩnh vực khó, đó là vùng nông thôn, nông nghiệp với mong muốn cải thiện đời sống của người nông dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhờ sự đầu tư của HAGL mà nhiều vùng quê nghèo ở Lào, Campuchia đã có sự khởi sắc với hàng ngàn héc ta cao su, chuối, mía đường. Hàng ngàn nông dân đã trở thành công nhân với tiền lương mỗi tháng vài trăm USD. HAGL còn gây được sự chú ý với các nước trong khu vực khi đầu tư xây dựng Khu phức hợp HAGL Myanmar Center được thực hiện theo hình thức B.O.T với thời gian 70 năm, tổng mức đầu tư lên đến 440 triệu USD. Không chỉ về kinh tế mà lĩnh vực bóng đá cũng nâng tầm doanh nghiệp, doanh nhân này lên một tầm cao, qua đó góp phần làm cho đất nước ta được bạn bè thế giới nể phục.
Một thương hiệu khác cũng đã góp phần đưa đất nước Việt Nam vươn ra thế giới từ hàng chục năm nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). Thành lập năm 1989, đến nay sau hơn 30 năm, những anh bộ đội làm kinh tế đã xây dựng Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu.
Có được kết quả đó là nhờ Viettel có tư duy và tầm nhìn vượt trội, không chỉ khẳng định thương hiệu trong nước mà còn mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, nhất là ở những nước đang còn khó khăn như Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor; các nước châu Phi, châu Mỹ… Với chi phí, giá cả thấp, thích hợp với người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, Viettel mang lại sự kết nối cho người dùng một cách tiện ích, thuận lợi. Doanh thu hằng năm của Viettel đạt hơn 10 tỉ USD, tương đương với 3% GDP của Việt Nam.
Tạo được tiếng vang, dấu ấn lớn nhất trên thương trường trong những năm qua phải kể đến Tập đoàn Vingroup của doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Ông là một doanh nhân có những nét hết sức nổi bật với tầm nhìn xa trông rộng, hướng người tiêu dùng tới tương lai. Chấp nhận cạnh tranh ở các thị trường khó tính nhất, doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đã làm được dòng sản phẩm cao cấp với nhiều đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật với độ an toàn, chính xác cao nhất, đó là dòng xe hơi, xe điện.
Chỉ sau một thời gian ngắn xây dựng, doanh nghiệp này đã có sản phẩm tham gia triển lãm ô tô hàng đầu thế giới ở Paris. Năm 2018, ông Vượng đầu tư hàng triệu USD để tham dự một triển lãm xe hơi lớn nhất thế giới và mời danh thủ bóng đá cùng nhiều người nổi tiếng khác có mặt trong sự kiện này. Đây là lần đầu tiên ô tô mang thương hiệu Việt Nam xuất hiện tại triển lãm ô tô quốc tế lớn, có mặt cùng với các hãng xe nổi tiếng của Nhật, Đức, Pháp, Mỹ...
Ba năm sau, ngày 18/11/2021, tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 (Mỹ), VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) của ông Vượng chính thức ra mắt thương hiệu xe điện toàn cầu, giới thiệu hai mẫu SUV điện VF e35, VF e36 với nhiều ứng dụng công nghệ mới nhất. Nối tiếp chuỗi sự kiện này, tháng 4/2022, VinFast và chính quyền bang North Carolina (Mỹ) công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ.
Ngay trong ngày công bố ký kết ghi nhớ, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh sự kiện này, ông đã đăng tải trên Twitter cá nhân: “Hôm nay, VinFast công bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin tại North Carolina trị giá 4 tỉ USD, tạo ra 7.000 việc làm”.
Có thể nói đây cũng là một sự kiện chấn động không chỉ đối với dân chúng trong nước mà ngay cả chính giới Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Uy tín, tầm vóc của đất nước Việt Nam được khẳng định, đó cũng là nhờ các doanh nhân, doanh nghiệp có tầm nhìn, quyết tâm mạnh mẽ với lòng yêu nước, tự hào sâu sắc. Ngoài ra còn có thể kể thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khác không ngại vượt khó để làm rạng danh đất nước.
So với các nước khác trên thế giới nhìn chung doanh nghiệp nước ta còn nhỏ bé về quy mô, giá trị… nhưng bước đầu đã mạnh dạn bước ra “biển lớn”, sẵn sàng chấp nhận sự cạnh tranh, thử thách về nhiều phương diện để không ngừng nâng tầm thương hiệu Việt Nam… Bước đi đó cho thấy một tầm nhìn, sự bắt kịp và bước tới cùng thời đại. Đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh, sự tự tin của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trên con đường hội nhập với thế giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)