Sưởi ấm lòng người bằng những việc tử tế

Hoài Nam |

Bản tin dự báo thời tiết trong những ngày sắp tới, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết ở một số địa phương. Thông tin đó khiến nhiều bạn trẻ hào hứng lên kế hoạch cho một chuyến du lịch ngắm tuyết. Sự hào hứng đó không có gì lạ khi đợt tuyết rơi vừa qua tại Sa Pa đã đem đến cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ những trải nghiệm khó quên. Cũng sẽ không có điều gì để tranh cãi nếu như ai cũng nhìn hiện tượng này theo một hướng tích cực.

Vậy nhưng, trước sự hào hứng của nhiều bạn trẻ, một số người lại chê trách, cho rằng những người đó chỉ vì sở thích cá nhân mà quên đi sự khó khăn của người dân là ích kỷ, hẹp hòi. Không thể phủ nhận rằng khi đọc những dòng chia sẻ như: “Những người ở xa chỉ mong lạnh để ngắm tuyết rơi mà không biết rằng thời tiết như vậy, các em bé ở các địa phương đó không có áo ấm để mặc, người dân khốn đốn vì hoa màu thất thu, trâu bò chết...", hay "Làm ơn đừng ai mong có tuyết nữa. Tuyết rơi là thảm cảnh ở nhiều bản làng.

 

Người dân vất vả quanh năm rồi. Hãy để họ có Tết được ấm cúng đi”..., ai cũng chạnh lòng khi nghĩ đến người nông dân phải gồng mình trong băng tuyết và giá lạnh để mưu sinh, để duy trì các hoạt động sản xuất. Bởi lẽ, đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết vừa qua tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã làm hàng trăm gia súc chết rét, nhiều diện tích rau, hoa màu héo úa, hư hỏng. Thiệt hại và ảnh hưởng sẽ còn tiếp diễn lâu dài khiến cuộc sống của người dân ở các địa phương đó thực sự khó khăn, vất vả. Chia sẻ với nỗi vất vả đó của bà con không có gì sai. Nhưng ở một khía cạnh khác, việc chỉ trích giới trẻ vì sở thích của bản thân mà vô cảm với nỗi cực khổ của người dân thì không hoàn toàn đúng.

Ở Việt Nam, tuyết rơi là một hiện tượng hiếm gặp. Việc ao ước một lần trong đời được ngắm tuyết rơi, với nhiều bạn trẻ vốn sinh ra ở những vùng miền có khí hậu quanh năm nóng không có gì khó hiểu, vì vậy cũng không đáng chê trách, cho rằng họ hứng khởi và chờ đợi tuyết rơi là vô tâm và ích kỷ. Việc rủ nhau đi phượt “săn” tuyết đã xuất hiện cách đây khoảng 10 năm, rộ lên nhất là bắt đầu từ năm 2015. Năm nay, tuyết rơi nhiều và kéo dài ở nhiều nơi trên các tỉnh miền núi phía Bắc như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai), đèo Ô Quý Hồ (Lai Châu), Mèo Vạc (Hà Giang)… nên nhiều người rủ nhau đi du lịch cũng không phải là một trào lưu mới. Chúng ta thử đặt câu hỏi rằng, nếu nhiều người không ao ước, nếu khách du lịch không đổ về ngắm tuyết ở một số tỉnh phía Bắc thì liệu tuyết có ngừng rơi? Đặc điểm của băng tuyết ở miền núi phía Bắc nước ta không quá dày, nên đã biến cảnh vật ở những nơi nó xuất hiện trở thành bức tranh thiên nhiên hết sức lãng mạn, nên thơ. Vì thế, việc xuất hiện băng tuyết tại những địa điểm trên đã thu hút một lượng du khách lớn đến trải nghiệm. Khái niệm du lịch trải nghiệm thời tiết được nhắc nhiều trong những ngày này.

Lấy ví dụ ở Sa Pa, đây vốn là một địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước nhưng vào mùa đông thường vắng khách vì thời tiết giá lạnh. Vậy mà thời điểm có tuyết rơi, du khách cả nước đổ về Sa Pa, lượng phòng nghỉ tại khách sạn, nhà trọ luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ sau một đêm, phố xá tấp nập hơn rất nhiều. Khách đông, người dân bán hàng chạy, kiếm được thêm tiền. Đây là một trong những cơ hội giúp Sa Pa thu hút khách du lịch. Vì vậy, nếu biết phát huy được lợi thế cực đoan của thời tiết thì hoàn toàn có thể biến yếu tố cực đoan đó thành cơ hội để phát du lịch, từ đó góp phần giúp người dân vơi bớt khó khăn do thiệt hại về chăn nuôi, trồng trọt bởi yếu tố thời tiết. Nếu được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, vừa bảo đảm an toàn cho người đi du lịch, vừa dùng nguồn thu từ du lịch góp vào quỹ an sinh xã hội hay hỗ trợ thiết thực cho những người dân bị thiệt hại sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giảm thiểu thiệt hại đồng thời xóa được định kiến trong dư luận.

Thời tiết ngày một diễn biến cực đoan nhưng dẫu có khắc nghiệt thế nào thì con người cũng cần thích nghi để tồn tại. Tuyết dẫu có rơi, thời tiết dẫu có lạnh bao nhiêu chăng nữa, con người vẫn có thể sưởi ấm lòng nhau bằng những việc làm có ý nghĩa. Nếu muốn chia sẻ yêu thương, chúng ta có thể gom những chiếc áo ấm cho người vùng cao trong tiết trời rét buốt; xa hơn có thể nghiên cứu một hệ thống nông trại ấm áp để mùa đông thì nền nông nghiệp không bị thiệt hại nặng nề... Hay mỗi người có thể đóng góp những giải pháp thiết thực để chung tay vì sự phát triển bền vững trong đời sống của người dân những vùng, địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Và thật không khó để bắt gặp những hành động san sẻ yêu thương đó trong những ngày Tết cận kề này. Lòng chợt ấm hơn khi đọc được chia sẻ của một bạn trẻ: “Các bạn ơi, nhân chuyến đi tới Sa Pa, mọi người xem ai có quần áo không mặc tới gom tặng mọi người ở vùng này nhé. Vừa đi chơi, vừa giúp đỡ người khác sẽ ý nghĩa hơn”. Đồng quan điểm trên, một nhóm bạn ngắm tuyết khác cũng kêu gọi trên mạng xã hội và quyên góp hơn 400 phần quà cùng hàng trăm chiếc áo rét gửi đến bà con vùng cao trong chuyến du lịch của mình.

Thay vì đi trách móc, chúng ta có thể sưởi ấm lòng nhau bằng những việc làm tử tế như nhiều bạn trẻ đã và đang làm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bàn giao “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo

Mai Lâm |

Ngày 21/1/2021, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Chi nhánh Quảng Trị phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đông Hà tổ chức lễ bàn giao “Mái ấm tình thương” cho chị Hoàng Thị Thu Hà ở Khu phố 4, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà.

Sacombank tặng áo ấm cho học sinh với tổng trị giá gần 1,1 tỉ đồng

Hà Trang |

Ngày 20/1/2021, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức tiếp nhận 10.581 chiếc áo ấm với tổng trị giá gần 1,1 tỉ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hỗ trợ các em học sinh tại 22 trường học trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị Đào Mạnh Hùng tiếp nhận hỗ trợ.

Giá rét đất trời và ấm áp tình người…

Lê Đức Dục |

Bản tin thời tiết của những ngày này luôn khiến chúng ta nghĩ ngợi. Một năm 2020 vừa qua, hết COVID-19 đến thiên tai và khi bà con chuẩn bị gạt qua những gian nan thách thức, mở lòng vui xuân đón Tết cổ truyền thì đợt rét đậm đã trải dài từ cực Bắc tới phương Nam. Băng tuyết đã rơi ở Lai Châu, Lào Cai và miền núi Quảng Trị, ở Hướng Lập, Hướng Việt nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, có lúc chỉ còn 5 độ C.

Đốt than sưởi ấm trong ngày đông: Cảnh giác với làn khói 'tử thần'

PV |

Khi thời tiết chuyển rét, nhiều biện pháp chống rét được người dân áp dụng để phòng ngừa bệnh tật. Tại một số vùng nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân vẫn còn thói quen đốt than, đốt củi để sưởi ấm trong nhà, bất chấp nhiều nguy hiểm đã được cảnh báo.