Bản tin thời tiết của những ngày này luôn khiến chúng ta nghĩ ngợi. Một năm 2020 vừa qua, hết COVID-19 đến thiên tai và khi bà con chuẩn bị gạt qua những gian nan thách thức, mở lòng vui xuân đón Tết cổ truyền thì đợt rét đậm đã trải dài từ cực Bắc tới phương Nam. Băng tuyết đã rơi ở Lai Châu, Lào Cai và miền núi Quảng Trị, ở Hướng Lập, Hướng Việt nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, có lúc chỉ còn 5 độ C.
Hai hình ảnh đáng lưu tâm nhất với chúng ta là các chiến sĩ biên phòng đang chốt trực đường biên ngăn những công dân nhập cảnh bất hợp pháp qua đường mòn lối mở. Trong những căn lều dã chiến, áo chăn nào chống được cái rét buốt xương. Cùng với đó là hình ảnh các em bé đến trường trong tấm áo phong phanh. Nhiều chương trình “áo ấm biên cương” đã thực hiện dọc tuyến biên giới này nhưng vẫn chưa thể phủ khắp cho hàng trăm điểm trường. Và thông tin từ những bản tin thời tiết này như một lời kêu gọi các tấm lòng hướng về biên giới.
Mấy năm trước, cộng đồng mạng dậy sóng vì câu chuyện cô gái Phan Minh Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã “truy tìm” cậu bé đánh giày để tặng cho cậu chiếc áo ấm. Sau câu chuyện đó trên fanpage của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đoạn clip chỉ dài hơn một phút đã có gần 500.000 lượt xem và hơn 32.000 người bấm nút “like”. Đó không chỉ là câu chuyện về một việc làm tốt. Câu chuyện lay động chúng ta ở chỗ khi thấy cậu bé đánh giày chỉ mặc độc chiếc áo cộc tay phong phanh trong giá rét, dù đã cho cậu bé một món tiền nhỏ, nhưng không yên tâm, cô gái đó đã đi tìm mua một chiếc áo ấm. Khi quay lại chỗ cũ thì cậu bé không còn ở đó. Minh Anh đã “truy tìm” bằng được và mặc chiếc áo ấm cho cậu bé đánh giày. Xem đến đây thì không chỉ cậu bé được ấm, mà trong lòng chúng ta ai cũng thấy ấm áp, đó là hơi ấm của lòng nhân hậu, của tình người. Hơn cả chiếc áo ấm, đó là một thông điệp: Xin đừng vô cảm với những người quanh ta.
Vì không vô cảm nên những đêm mùa đông này trên đường phố ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… hay nhiều đô thị khác, có những nhóm bạn đêm đêm với những ổ bánh mì nóng, những chiếc chăn ấm khẽ đặt vào lòng những người vô gia cư đang ngủ nhờ dưới hàng hiên phố hay núp gió mùa đông dưới những gầm cầu.
Vì không vô cảm nên từ nhiều năm nay, mỗi độ đông về, chúng ta lại thấy trên mạng xã hội xôn xao những hẹn hò đóng góp để đi về phía biên cương, nơi có hàng chục vạn em bé đang thèm một manh áo ấm để chống đỡ với mùa đông khắc nghiệt.
Mùa đông ở xứ ta đồng nghĩa với giá rét, nhưng ở biên cương, nhất là biên ải phía Bắc, giá rét mùa đông được nhân lên gấp bội lần. Những bước chân thiện nguyện lại lặng lẽ đi về phía ấy, đi để khoác lên đôi vai gầy guộc phong phanh những tấm áo giúp các em đi qua mùa đông không quá nhọc nhằn. Hơn một lần, khi nhắc đến những em bé rẻo cao này, tôi chợt nhớ đến những tấm bia khắc tên tuổi các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc mà hầu như đồn biên phòng nào cũng có. Rồi chợt nghĩ đến những em bé đã gặp hôm nay, những em bé đang phong phanh áo mỏng trước giá rét biên thùy, chính các em chứ không ai khác, mai này khi lớn lên, sẽ là những người đầu tiên bảo vệ phía biên cương cho hậu phương chúng ta, trong đó có con cái chúng ta - những đứa bé trạc tuổi này - được yên bình ấm áp. Chỉ nghĩ vậy thôi, đã thấy cay cay nơi sống mũi. Vậy mà giờ đây, một manh áo ấm với nhiều em vẫn chỉ là mơ ước, một tấm chăn ủ kín đêm dài trên biên cương giá buốt vẫn là nỗi khát khao.
Bản tin thời tiết dự báo năm nay sẽ là một mùa đông rét nhất trong lịch sử. Bao nhiêu áo ấm để đủ cho hàng chục vạn em thơ? Hãy đi về phía biên thùy buốt giá. Khi khoác chiếc áo ấm lên bờ vai các em bé rẻo cao, các em sẽ ấm áp trước thiên nhiên khắc nghiệt, còn chúng ta sẽ thấy mình ấm áp trước cuộc đời còn lắm gian nan…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)