Hướng Hóa tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc

An Phong |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng đàn trâu, bò khoảng 15.973 con. Địa hình vùng cao thuận lợi cho việc chăn thả gia súc, nhưng cũng lại là vùng chịu tác động sớm và mạnh của rét đậm, rét hại so với các địa phương khác trong tỉnh. Trong các đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhiệt độ xuống thấp đã làm chết nhiều trâu, bò, dê trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Chủ tịch UBND xã Ba Tầng Hồ Văn Bằng cho biết, từ tháng 11/2020 đến nay thời tiết tại khu vực xã Ba Tầng trời mưa, nhiệt độ xuống thấp đã khiến trâu, bò, dê… ở các thôn, bản trên địa bàn xã bị chết rét (chỉ tính từ ngày 11-12/1/2021 tại xã Ba Tầng có 16 con trâu, bò, dê bị chết rét). Số trâu, bò, dê bị chết chủ yếu đều do chăn thả tự do, không có chuồng trại nên không thể chống chịu được trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Để hạn chế tình trạng trâu, bò, dê chết do rét đậm, rét hại gây thiệt hại cho người dân, lãnh đạo xã Ba Tầng đã cử cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống rét cho đàn vật nuôi; vận động người dân không chăn thả trâu, bò, dê tự do vào các đợt rét đậm, rét hại; chủ động giữ ấm cho đàn gia súc bằng cách vệ sinh chuồng trại đảm bảo khô ráo, che kín để tránh gió…

Bổ sung nguồn thức ăn xanh để tăng sức đề kháng cho bò - Ảnh: PV
Bổ sung nguồn thức ăn xanh để tăng sức đề kháng cho bò - Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, sau khi nhận được thông tin gia súc ở một số địa phương trên địa bàn huyện bị chết rét, trong đó có xã Ba Tầng, huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thành lập tổ công tác kiểm tra tình hình thực tế tại xã Ba Tầng trong ngày 12/1/2021 để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn xã Ba Tầng các biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống đói, rét và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa đã có Công văn số 33/UBND - NN, ngày 12/1/2021 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo đó, huyện Hướng Hóa chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện việc thông tin kịp thời cho người dân về diễn biến của thời tiết và dịch bệnh; phổ biến các biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân áp dụng vào thực tế; thành lập các đoàn công tác nhanh chóng đến các thôn, bản để hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi. Các xã, thị trấn tăng cường việc hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc như: Sửa sang chuồng trại che mưa, chắn gió và giữ nền chuồng khô ráo, chống lầy lội, ẩm ướt để phòng, chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông, đặc biệt là khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp; dự trữ thức ăn gồm cỏ khô, rơm cũng như các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông; không thả rông đàn gia súc để chủ động kiểm soát an toàn dịch bệnh và chống đói, rét cho đàn gia súc. Những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C, cần cho đàn trâu, bò, dê ở tại chuồng và không tiến hành chăn thả; có thể sử dụng bóng đèn điện hoặc đốt lửa sưởi ấm cho đàn gia súc trong chuồng nuôi bằng trấu, than củi, mùn cưa (nơi để lò sưởi có khoảng cách an toàn nhất định, đảm bảo đủ ấm cho đàn gia súc, tránh gây cháy hoặc gây bỏng cho gia súc); tận dụng chăn, màn rách giữ ấm cho trâu, bò, dê; đảm bảo cho đàn gia súc uống đủ nước (những ngày nhiệt độ xuống thấp cho đàn trâu, bò uống nước ấm có hòa muối…); cho đàn trâu, bò ăn đủ lượng cỏ các loại và bổ sung thêm thức ăn tinh gồm bột ngô, sắn, cám gạo…; vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng dịch bằng định kỳ phun thuốc sát trùng lên chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng trại chăn nuôi (xử lý tốt hệ thống cống, rảnh thoát nước thải…) nhằm ngăn chặn các vi khuẩn mang mầm bệnh xâm nhập; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên vật nuôi và tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lâm sàng các bệnh LMLM, cúm gia cầm, lợn tai xanh… ở các khu vực có nguy cơ cao và nơi có ổ dịch cũ; chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…

Huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ động phối hợp với các địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống đói, rét và dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm cho người dân; phối hợp với các ngành liên quan có kế hoạch bố trí kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc cho người dân…

Huyện Hướng Hóa cũng đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y, trạm khuyến nông huyện bố trí cán bộ về tận cơ sở để hướng dẫn cụ thể cho người dân các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo các cộng tác viên thú y, khuyến nông viên thôn, bản, khối, khóm dân cư tăng cường bám sát địa bàn và chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm… cùng nhiều giải pháp hữu hiệu khác.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Một huyện có gần 500 con trâu, bò chết rét

Phúc Đạt |

Chủ tịch UBND huyện A Lưới (T.T. Huế) Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, đến ngày 13.1, toàn huyện đã có gần 500 con trâu, bò chết rét.

Đợt rét đậm rét hại ở Bắc Bộ và Trung Bộ kéo dài đến bao giờ?

An An |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ ngày 13.1 nhiệt độ cao nhất tại Bắc và Bắc Trung Bộ tăng lên. Ngày có nắng hanh khiến thời tiết bớt giá rét hơn.

Đốt lửa, đắp chăn cho vật nuôi chống rét

Gia Hân - Quỳnh Anh |

Băng giá, tuyết dày đặc kèm nhiệt độ liên tục xuống thấp khiến các tỉnh miền núi Bắc Bộ thiệt hại nặng nề. Nhiều trâu, bò ở Lào Cai chết trong giá rét.

Ngày 12/1, huyện Hướng Hóa sẽ kiểm tra trâu, bò bị chết rét

Công Điền |

UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết ngày 12/1, sẽ cử cán bộ vào kiểm tra và nắm tình hình trâu, bò bị chết rét.