Thầm lặng làm việc không lương

Tây Long |

Tuy không lương thưởng, phụ cấp nhưng thời gian qua, 8 đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG ở Quảng Trị đã dồn toàn tâm, toàn sức cho công việc. Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất mang nặng vết thương chiến tranh, mong muốn lớn nhất của họ là được góp sức giúp quê hương không còn ẩn họa bom mìn, vật nổ.


Sự mách bảo của con tim

Chị Phan Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1972), trú tại thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và chồng đều là nông dân. Trước đây, mỗi lần vác cuốc cày ra đồng, anh chị luôn lo lắng bởi ẩn họa bom mìn, vật nổ. Ở nơi chị Tuyết sinh sống, khoảng cách giữa hạnh phúc và khổ đau đôi khi chỉ cách nhau bằng một tiếng nổ bom mìn. Ngay mẹ và anh trai của chị Tuyết cũng là nạn nhân của bom mìn, vật nổ. Tuy giữ được tín mạng nhưng sức khỏe cả hai người không còn như trước. “Lo lắng là vậy nên tôi cùng bà con trong thôn rất mừng khi có các cán bộ, nhân viên MAG đến giúp rà tìm, xử lý bom mìn, vật nổ. Từ đây, bước chân ra đồng của chúng tôi bớt nặng trĩu những nỗi lo”, chị Tuyết bộc bạch.

Chị Phan Thị Ánh Tuyết (phải) và anh Phan Đức Quý tình nguyện làm công việc không lương suốt 2 năm nay - Ảnh: T.L
Chị Phan Thị Ánh Tuyết (phải) và anh Phan Đức Quý tình nguyện làm công việc không lương suốt 2 năm nay - Ảnh: T.L

Khâm phục những người góp phần mang lại sự bình yên cho người dân nhưng chị Ánh Tuyết vẫn ngại ngần khi được mời làm đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG. Chị lo mình không đủ sức khỏe, kinh nghiệm, kỹ năng... Khác với chị Tuyết, một số người từ chối lời đề nghị bởi biết công việc này vất vả lại không có thu nhập. Khi hay điều đó, chị Ánh Tuyết quyết định bước qua sự ngại ngần và nhận lời của cán bộ, nhân viên MAG. “Tôi nghĩ, nếu ai cũng từ chối thì lấy đâu ra người góp sức giúp dự án mang yên bình đến với miền quê. Vì thế, tôi đã nhận nhiệm vụ”, chị Tuyết kể.

Cũng giống như chị Ánh Tuyết, bà Cao Thị Hà (sinh năm 1967), trú tại thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, đã tình nguyện làm đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG. Ở thôn, bà Hà thường được gọi là “người của công chúng”. Hễ có việc lớn bé gì, người phụ nữ tóc đã điểm bạc này cũng có mặt và hỗ trợ nhiệt tình. Đã đảm đương nhiều công việc mà không phải ai cũng đủ tâm huyết để làm nên nhiều người ngạc nhiên khi bà Hà nhận thêm nhiệm vụ làm đầu mối cho MAG.

Nói về quyết định này, bà Hà cho biết: “Mấy năm trước, tôi từng thấy một người đi rà phế liệu tử vong do tai nạn bom mìn. Đến giờ, những hình ảnh ấy vẫn ám ảnh tôi. Tôi muốn góp sức với cán bộ, nhân viên dự án để những vụ việc đáng buồn ấy không còn xảy ra”, bà Hà nói.

Bà Hà, chị Tuyết là 2 trong 8 đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG tại Quảng Trị. Mỗi người một hoàn cảnh, cá tính, độ tuổi... nhưng họ gặp nhau ở điểm chung là đều tình nguyện làm việc cho dự án. Tại cộng đồng, nhiệm vụ của họ là tuyên truyền thông điệp phòng tránh bom mìn tại thôn; nhận tin báo về bom mìn, vật nổ của người dân; hỗ trợ cán bộ, nhân viên MAG làm nhiệm vụ...

Người dân được các đầu mối liên lạc cộng đồng truyền thông về phòng tránh bom mìn - Ảnh: T.L
Người dân được các đầu mối liên lạc cộng đồng truyền thông về phòng tránh bom mìn - Ảnh: T.L

Những cống hiến thầm lặng

Đến thôn Duy Viên, mọi người không khó để nghe các bản tin phát thanh về phòng tránh tai nạn bom mìn. Người gửi những thông điệp đến với bà con không ai khác chính là bà Hà. Nhận thấy, việc tuyên truyền qua loa phát thanh là cách hay để phòng tránh tai nạn bom mìn, bà Hà đã lồng ghép nội dung này vào những bản tin của thôn. Trước mỗi buổi phát thanh, bà thường dành nhiều thời gian để viết, biên tập câu từ sao cho ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhất. “Nhiều người bảo, nhờ những bài phát thanh của tôi mà họ biết phải làm gì khi phát hiện bom mìn. Đó là niềm vui, động lực để tôi cố gắng hơn nữa”, bà Hà nói.

Cũng như bà Hà, 7 đầu mối liên lạc địa phương khác của MAG đều có cách làm riêng, sáng tạo để chuyển tải thông điệp phòng tránh tai nạn bom mìn.

Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, họ đã tổ chức nhiều buổi lồng ghép tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ vào các cuộc họp, sự kiện lớn của thôn, xã.

Thông qua các đầu mối, thông điệp phòng tránh bom mìn đã tới với hơn hàng nghìn người dân trên địa bàn. Đặc biệt, họ đã phát huy vai trò của mình trong việc cùng cán bộ, nhân viên dự án xử lý nhanh bom mìn.

Mỗi khi hay tin ai đó phát hiện bom mìn, các đầu mối liên lạc địa phương đều nhanh chóng nắm bắt tình hình và thông tin cụ thể cho MAG. Khi cán bộ, nhân viên dự án về địa phương, các đầu mối nhanh chóng có mặt để chỉ đường và hỗ trợ.

Để làm tròn những công việc tưởng chừng đơn giản kể trên, các đầu mối liên lạc cộng đồng của MAG bỏ khá nhiều thời gian, công sức. Ai cũng luôn ở trong tư thế sẵn sàng tiếp ứng những phản ánh của người dân.

Chị Ánh Tuyết (trái) báo cáo với nhân viên của MAG về một vật nổ được người dân phát hiện - Ảnh: T.L
Chị Ánh Tuyết (trái) báo cáo với nhân viên của MAG về một vật nổ được người dân phát hiện - Ảnh: T.L

Dù chỉ cần điện thoại cho cán bộ, nhân viên MAG khi ai đó phát hiện bom mìn là hoàn thành nhiệm vụ nhưng họ vẫn cẩn thận đến tận nơi, ghi nhận hiện trạng, chụp hình... và có báo cáo cụ thể. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các đầu mối, thời gian qua, cán bộ, nhân viên của MAG đã kịp thời tiếp cận hiện trường, xử lý nhanh khá nhiều bom mìn, vật nổ.

Dù làm công việc lấy sự cống hiến làm lương nhưng điều đáng quý là các đầu mối liên lạc cộng đồng luôn xác định tinh thần học tập, trau dồi để làm tốt hơn nhiệm vụ. Họ tích cực tham gia các lớp tập huấn, buổi trang bị kiến thức, kỹ năng do MAG tổ chức.

Trong 2 năm qua, cán bộ, nhân viên MAG và các đầu mối thường xuyên họp để đánh giá chất lượng công việc, rút kinh nghiệm. Không những thế, họ còn thường xuyên liên lạc với nhau để xử lý nhanh các tình huống. Anh Phan Đức Quý, một đầu mối liên lạc cộng đồng cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của MAG cùng nỗ lực bản thân mà tôi thấy mình làm việc nhanh, hiệu quả hơn. Tôi vui vì được cống hiến cho cộng đồng”.

Sự hỗ trợ quý giá

Bà Sarah Goring, Giám đốc Quốc gia MAG Việt Nam cho biết, MAG là một tổ chức nhân đạo, phi lợi nhuận hoạt động nhằm giúp những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vũ khí chưa nổ sống an toàn hơn. Kể từ năm 1989, MAG đã hỗ trợ hơn 20 triệu người ở 70 quốc gia trên thế giới.

Từ năm 1999, MAG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Quảng Trị và Quảng Bình là 2 địa phương ở miền Trung mà MAG có sự gắn bó lâu dài. Tính đến nay, cán bộ, nhân viên MAG đã rà sạch hơn 245 km2 đất ô nhiễm bom mìn tại Quảng Trị và Quảng Bình, xử lý an toàn hơn 387.000 quả bom chưa nổ.

Trong 25 năm làm nhiệm vụ tại Việt Nam, cán bộ, nhân viên MAG nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ người dân địa phương. Nhận thấy vai trò quan trọng của bà con, MAG đã xây dựng Dự án Đầu mối liên lạc cộng đồng.

“Dự án này là một phần quan trọng trong hoạt động bom mìn nhân đạo của MAG tại Quảng Trị. Thông qua dự án, thông điệp phòng tránh bom mìn được lồng ghép vào các hoạt động thường ngày của cộng đồng. Việc liên tục nhắc lại thông điệp giúp nâng cao nhận thức của người dân, từ đó tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động an toàn, giúp phụ nữ, nam giới và trẻ em chủ động phòng tránh những tai nạn bom mìn không đáng có. Dự án cũng là một trong những nỗ lực nhằm duy trì tính bền vững trong việc quản lý và giải quyết vấn đề ô nhiễm bom mìn trên địa bàn”, bà Sarah Goring thông tin.

Hiểu rõ ý nghĩa của dự án nên khi hay tin, nhiều người dân Quảng Trị đã tình nguyện làm đầu mối liên lạc cộng đồng. Giám đốc Quốc gia MAG Việt Nam Sarah Goring và các cán bộ, nhân viên dự án rất vui mừng. Niềm vui ấy nhân lên khi họ được biết, các đầu mối đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, từ đó có sự hỗ trợ quý giá.

Mặc dù làm việc với tinh thần tình nguyện nhưng cả 8 đầu mối liên lạc địa phương ở 4 thôn gồm: Nhan Biều 1, Nhan Biều 3 (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) và Quảng Xá, Duy Viên (xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh) đều tận tâm, tận lực với công việc. Họ đã sớm khẳng định được vai trò cầu nối giữa MAG và cộng đồng dân cư.

Tín hiệu đáng mừng ấy cũng chính là động lực thôi thúc MAG tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình Dự án đầu mối liên lạc cộng đồng. Cán bộ, nhân viên của MAG mong muốn sẽ có cơ hội gặp gỡ, làm việc với những người đầy uy tín, tâm huyết, trách nhiệm như bà Hà, chị Tuyết, anh Quý và những đầu mối khác. Cùng với nhau, họ sẽ nỗ lực giúp Quảng Trị an toàn trước bom mìn, vật nổ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xử lý thành công 2 quả bom bằng máy cắt bom hiện đại nhất hiện nay

Hữu Thịnh |

Ngày 21/11, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức Golden West - Hoa Kỳ, tổ chức xử lý, tiêu hủy thành công 2 quả bom tại thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa.

Phát hiện quả bom nặng 340 kg tại xã Tân Lập

Minh Long |

Ngày 26/10, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa (Hướng Hoá) Nguyễn Đăng Vũ cho biết: Vào khoảng 9h30 sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy Quân sự xã phối hợp với với Đội rà phá bom mìn lưu động tỉnh Quảng Trị thuộc Tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam phát hiện 1 quả bom hiệu MK 117 có trọng lượng khoảng 340kg, chứa 170kg thuốc nổ TNT và 2 quả bom bi hiệu MK 118 tại khu vực Đồi 21 mẫu thuộc xã Tân Lập.

Bàn giao 124 ha đất sạch bom mìn, vật nổ cho xã Gio Quang

Quang Hiệp |

Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC) vừa tiến hành bàn giao hiện trường rà phá bom mìn, vật nổ cho đại diện lãnh đạo UBND xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Tổng diện tích đất sạch bom mìn, vật nổ được bàn giao trong đợt này là 124 ha.

Hố bom tuổi thơ

Lâm Hưng Tình |

Để thấy một Hướng Hóa (Quảng Trị) phát triển và tươi đẹp như hôm nay, thầm cảm ơn những người đã hy sinh thầm lặng để rà phá bom mìn, mang lại bình yên cho quê hương.