Thanh niên miền núi làm giàu với mô hình kinh tế tổng hợp

Bích Liên |

Những năm qua, phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, đầu tư những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Anh Hoàng Công Minh (sinh năm 1989) ở thôn Tân Tài, xã Tân Lập là một trong những điển hình như thế.

Xuất thân từ nông thôn, cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp, từ nhỏ Minh luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để được đi học với mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Năm 2011, anh tốt nghiệp cao đẳng ngành điện công nghiệp, dù được nhận vào làm việc nhiều nơi song không nơi nào đem lại công việc phù hợp với ngành nghề đã học cũng như thu nhập mà bản thân mong muốn, anh quyết định về quê, chuyển hướng làm nông nghiệp, mở trang trại chăn nuôi lợn.

Từ số tiền dành dụm được sau 4 năm ra trường cùng nguồn vốn vay ngân hàng, năm 2015, trên diện tích đất hơn 1 ha, anh Minh bắt đầu mở trang trại chăn nuôi lợn với quy mô trên 300 con, trong đó có 30 lợn nái, còn lại là lợn thịt.

Anh Hoàng Công Minh luôn dành thời gian chăm sóc cẩn thận đàn lợn trong trang trại -Ảnh: B.L
Anh Hoàng Công Minh luôn dành thời gian chăm sóc cẩn thận đàn lợn trong trang trại -Ảnh: B.L

Vốn bản tính siêng năng, cẩn thận nên trước khi mở trang trại, anh tham gia các lớp tập huấn, đi thực tế tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi lợn. Nhờ vậy, anh nắm rõ quy trình, cách chăm sóc trong từng giai đoạn phát triển của lợn.

Anh Minh chia sẻ: “Vốn đã tìm hiểu kỹ trước khi quyết định lập nghiệp, gắn bó với làm kinh tế trang trại, chăn nuôi lợn nên tôi đầu tư để chăn nuôi bài bản ngay từ đầu. Dù chăn nuôi với số lượng lớn nhưng tôi luôn đặt mục đích phát triển đàn lợn thịt sạch, không sử dụng các chất cấm, chất tạo nạc để phát triển đàn bền vững. Nhờ được đầu tư, chăm sóc kỹ nên trong quá trình nuôi, đàn lợn của gia đình thích nghi, phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu thị trường một cách tốt nhất”.

Từ thành công ban đầu, đến nay anh Minh phát triển quy mô trang trại lên đến 1.500 con/ năm. Từ khi mở trang trại đến nay, anh luôn duy trì từ 50 đến trên 100 lợn nái, đảm bảo cung ứng nguồn giống cho người dân trong vùng và duy trì nguồn giống bổ sung đàn tại trang trại.

Với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, lợn giống được sử dụng từ lợn nái đẻ ra nên có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt ngon hơn nên được các bạn hàng tin tưởng lựa chọn, lợn nuôi bao nhiêu đều được thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Minh thu nhập khoảng 800 triệu đồng từ chăn nuôi.

Anh Minh cho biết thêm: “Để trang trại hoạt động lâu dài, trước đó tôi đã đầu tư mua đất ở xa khu dân cư để đảm bảo hoạt động chăn nuôi không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Hệ thống chuồng trại cũng được đầu tư xây dựng quy mô, kiên cố, chia thành nhiều khu vực chuồng trại riêng biệt để tiện chăm sóc, hạn chế dịch bệnh.

Sau 8 năm chuyển hướng lập nghiệp, trang trại chăn nuôi đã phát triển đúng như dự tính, ước mơ của tôi. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, hiện trang trại đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương với mức tiền công 8 triệu đồng/ người/tháng. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, duy trì khoảng 3.000 con lợn/năm”.

Ngoài chăn nuôi lợn, anh Minh còn đầu tư mở xưởng mộc gia công ngay tại địa phương. Anh luôn chăm chút từng sản phẩm, kết hợp với việc nắm bắt nhu cầu của khách hàng, xu hướng của thị trường nên sản phẩm của xưởng luôn có mẫu mã đẹp, được nhiều người lựa chọn.

Hiện tại, xưởng mộc của anh Minh chuyên nhận làm bàn ghế, tủ, giường ngủ và các sản phẩm nội thất theo yêu cầu. Tạo việc làm ổn định cho 3 lao động với mức tiền công 7,5 triệu đồng/ người/tháng. Sau khi trừ chi phí mỗi năm, xưởng mộc mang lại cho anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Anh Cư cho hay, anh Minh tấm gương truyền cảm hứng về tinh thần hăng say lao động sản xuất cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp mà Huyện đoàn Hướng Hóa đã và đang phát động thực hiện trong suốt thời gian qua.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ: 14 trang trại liên kết với doanh nghiệp phát triển chăn nuôi

Anh Vũ |

Với lợi thế về đất đai vùng gò đồi, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng trang trại chăn nuôi có quy mô lớn mang lại hiệu quả cao.

Hiệu quả của một trang trại chăn nuôi trên vùng đất cát

Thu Thảo |

Với khát vọng biến bất lợi trở thành lợi thế, anh Phan Khắc Sự ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã quyết tâm và xây dựng thành công một trang trại chăn nuôi tổng hợp có quy mô lớn ở vùng đất cát cằn khô, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Trang trại tổng hợp cho thu nhập đến 1,5 tỉ đồng/năm

Nguyễn Trang |

Nếu xét về mô hình nông nghiệp tổng hợp, hiện trang trại với diện tích gần 4 ha của ông Lê Văn Thược (sinh năm 1956) ở thôn Lai Bình có quy mô lớn nhất xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Xây dựng nên mô hình hiệu quả, mang lại lợi nhuận từ 1,3- 1,5 tỉ đồng/năm ngay trên vùng đất hoang hóa Vĩnh Chấp cho thấy sự năng động, quyết tâm của ông Thược dù bắt tay vào phát triển sản xuất khi đã bước qua tuổi 60.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở Tân Long

Khánh Ngọc |

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con để giảm thiểu tác động biến động thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng COVID-19, thời gian qua, cùng với duy trì diện tích trồng chuối trên địa bàn, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi mang lại thu nhập cao cho người dân.