Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con để giảm thiểu tác động biến động thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng COVID-19, thời gian qua, cùng với duy trì diện tích trồng chuối trên địa bàn, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi mang lại thu nhập cao cho người dân.
Tân Long từ lâu được biết đến là “thủ phủ” cây chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa. Thu nhập chính của người dân dựa vào trồng chuối và làm dịch vụ thu gom, bốc vác, vận chuyển chuối từ các xã, thị trấn trong vùng. Trước đây, Nhân dân xã Tân Long trồng được 600 ha chuối tại địa bàn và hợp tác với người dân Lào bên kia biên giới trồng 1.257 ha chuối.
Nơi đây cũng là chợ trung tâm buôn bán chuối của cả vùng Lìa, bình quân mỗi ngày trên địa bàn xã có 20 xe tải lớn thu mua chuối xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động làm dịch vụ thu gom, bốc vác chuối của địa phương. Từ khi COVID-19 bùng phát, việc hợp tác làm ăn phát triển cây chuối với người dân nước bạn Lào bị đình trệ, thị trường tiêu thụ chuối khó khăn, nên người dân xã Tân Long chuyển hướng phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc.
Gia đình anh Lê Trọng Dương có 10 ha đất trồng chuối ở thôn Xi Núc. Từ khi COVID-19 bùng phát, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, giá chuối quả thu mua thấp, nên anh quyết định chuyển hướng lập trang trại chăn nuôi bò vỗ béo quy mô trang trại 1 ha, nuôi 200 con bò. Trên diện tích gần 10 ha đất còn lại của gia đình anh trồng cỏ, trồng bắp và chuối cho bò ăn.
“Chăn nuôi bò vỗ béo hiệu quả kinh tế cao hơn trồng chuối. Theo tính toàn, mỗi héc ta chuối sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 20-25 triệu đồng/năm. Nhưng nếu trồng cỏ nuôi bò bán mỗi héc ta cỏ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ năm. Nếu gia đình kết hợp trồng cỏ nuôi bò thì thu nhập càng cao hơn. Với giá thị trường hiện nay 80.000 đồng/kg cân nặng, người chăn nuôi bò vỗ béo có lãi bình quân 350.000 đồng/con bò/tháng”, anh Lê Trọng Dương cho biết.
Theo thống kê, trước thời điểm COVID-19 bùng phát, xã Tân Long có 28 trang trại và gia trại chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có 392 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 128 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò; 249 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn; 15 trại chăn nuôi gia cầm. Chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, bình quân thời gian 3 tháng nuôi bò vỗ béo bán ra trừ chi phí lãi ròng 1 triệu đồng/con.
Trên địa bàn có 3 trang trại lớn quy mô đàn trên 100 con, tính ra mỗi năm hộ nuôi lãi trên 400 triệu đồng từ nuôi bò vỗ béo và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Với những hộ gia đình nuôi bò vỗ béo quy mô từ 10 - 20 con không phải thuê người làm thì lợi nhuận từ chăn nuôi bò vỗ béo còn cao hơn.
Chủ tịch UBND xã Tân Long Võ Văn Cương cho biết: Toàn xã có 241 hộ tham gia hợp tác trồng chuối với các hộ dân nước bạn Lào bên kia biên giới và khoảng 150 lao động làm dịch vụ thu gom, bốc vác, buôn bán chuối tại khu vực chợ Tân Long gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới do ảnh hưởng COVID-19, việc đi lại làm ăn qua biên giới bị ngưng trệ. Cách đây 3 năm, Nhân dân xã Tân Long đầu tư khoảng 50 tỉ đồng hợp tác trồng chuối với các hộ dân nước bạn Lào bên kia biên giới, nhưng do quy định phòng, chống dịch của nước bạn cấm người dân qua lại biên giới, nên ước thiệt hại sản phẩm chuối không thu hoạch được khoảng 50 tỉ đồng/năm.
Trước tình hình khó khăn về việc làm và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng COVID-19, nhất là đối với các hộ dân có hợp tác trồng chuối với người dân nước bạn Lào, chính quyền địa phương đã vận động bà con phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con để giảm thiểu tác động biến động thị trường. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các trang trại, gia trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò vỗ béo trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Định hướng thời gian tới, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho người dân về vốn, kỹ thuật để mở rộng quy mô trang trại, gia trại chăn nuôi hiệu quả; đồng thời duy trì diện tích chuối trên địa bàn tiếp tục sản xuất sau COVID-19.
Nhờ năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để tạo việc làm cho người dân do ảnh hưởng bởi COVID-19 mang lại hiệu quả kinh tế cao đã mở ra hướng phát triển kinh tế trang trại, gia trại đa cây, đa con cho người dân “thủ phủ chuối” Tân Long. Đây là mô hình hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn các xã vùng trồng chuối dọc biên giới của huyện Hướng Hóa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)