Nếu xét về mô hình nông nghiệp tổng hợp, hiện trang trại với diện tích gần 4 ha của ông Lê Văn Thược (sinh năm 1956) ở thôn Lai Bình có quy mô lớn nhất xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Xây dựng nên mô hình hiệu quả, mang lại lợi nhuận từ 1,3- 1,5 tỉ đồng/năm ngay trên vùng đất hoang hóa Vĩnh Chấp cho thấy sự năng động, quyết tâm của ông Thược dù bắt tay vào phát triển sản xuất khi đã bước qua tuổi 60.
Thuộc vùng gò đồi phía Tây huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Chấp vốn ít lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Những năm 2000 trở về trước, nhiều hộ dân ở đây lựa chọn chuyển vào các tỉnh, thành phố miền Nam lập nghiệp thay vì gắn bó với vùng nông thôn không có nhiều điều kiện phát triển. Do đó, Vĩnh Chấp đất rộng, người thưa. “Cuối năm 2015, tôi được nghỉ hưu theo chế độ. Trở về quê sinh sống, nhận thấy trên địa bàn, quỹ đất lớn nhưng hiệu quả sử dụng đất chưa thực sự tương xứng, tôi suy nghĩ hướng phát huy tiềm năng sẵn có, từng bước tìm hiểu, đưa các loại cây, con giống phù hợp vào nuôi trồng”, ông Thược chia sẻ.
Nghĩ là làm, từ năm 2016, ông Thược đầu tư vốn để tích tụ ruộng đất, mua sắm máy móc, tập trung cải tạo, quy hoạch lại quỹ đất rộng gần 4 ha để xây dựng trang trại tổng hợp. Ban đầu, ông làm chuồng trại truyền thống chăn nuôi lợn quy mô 200 con/lứa, đào ao thả cá, thử nghiệm một số giống cây ăn quả và tận dụng diện tích mặt nước, vườn rộng kết hợp nuôi thêm vịt, gà. Dành nhiều tâm huyết, song năm đầu sản xuất, chưa có kiến thức, kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình ông Thược gặp nhiều rủi ro, khó khăn. Có thời điểm, lợn, gà, vịt đều nhiễm bệnh chết hàng loạt; giá thị trường lại xuống quá thấp dẫn đến thua lỗ nặng.
Riêng cây ăn quả chưa thích ứng với thổ nhưỡng đất đồi nên chất lượng cũng không đạt. Nhưng thất bại không làm ông Thược nản chí. Vừa tự rút kinh nghiệm, đồng thời tích cực học hỏi, tham quan các mô hình tương tự đã thành công trong và ngoài tỉnh, ông quyết định tiếp tục vay thêm nguồn vốn mở rộng, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín quy mô 1.000 con/lứa. Tiếp đến, ông mạnh dạn phá bỏ khoảng 2 ha vườn cây ăn quả kém chất lượng trước đó để thử nghiệm những giống cây mới theo hướng hữu cơ như cam Vinh, bưởi da xanh, vải thiều Lục Ngạn…
Kiên trì, linh hoạt chuyển đổi, nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khoảng 3 năm trở lại đây, các loại cây trồng, vật nuôi tại trang trại của gia đình ông Thược phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường khoảng 350- 400 tấn lợn hơi; 1 ha ao cá thu hoạch 1,5 - 2 tấn cá nước ngọt... Còn trên 1.000 gốc cam Vinh, ông đã thu hoạch vụ đầu tiên vào năm 2021 đạt trên 4 tấn.
“Năm nay thời tiết tốt nên cây cam phát triển đồng đều và cho số lượng quả nhiều hơn so với năm trước, sản lượng ước đạt 6-7 tấn cam”, ông Thược phấn khởi cho hay. Tổng cộng, mô hình tổng hợp này mang lại cho hộ ông Thược thu nhập từ 1,3- 1,5 tỉ đồng/năm.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Chấp Lê Văn Phước cho biết: “Lao động, sản xuất giỏi, ông Thược không chỉ làm giàu, phát triển kinh tế gia đình mình mà đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và hàng chục lao động vào thời vụ. Đặc biệt, từ hiệu quả của mô hình, nhiều hội viên cựu chiến binh cũng như hộ dân tìm đến học hỏi, ông Thược đều tận tình chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hỗ trợ về con, cây giống cho những gia đình gặp khó khăn.
Riêng trên địa bàn, nhiều hộ đã áp dụng thành công, nhất là mô hình trồng cây ăn quả. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng đất đai, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất trong lực lượng cựu chiến binh nói riêng và toàn dân xã Vĩnh Chấp nói chung”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)