Sống giữa đại ngàn nhưng ngôi nhà của ông Hồ Văn Tuôn, trú tại thôn Ra Ty, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) ít khi vắng khách.
Biết ông giỏi chữa bệnh lại có tâm với nghề nên nhiều người đau ốm, bệnh tật thường tìm đến cậy nhờ. Không phụ sự kỳ vọng ấy, ông Tuôn đã giúp họ bình phục, khỏe mạnh.
Ông Tuôn sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo ở thôn Ra Ty. Ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống gia đình ông cũng như người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần đau ốm, người dân quê ông thường mất nhiều thời gian, công sức mới đến được bệnh viện huyện, tỉnh. Vì sự xa xôi, cách trở và nhận thức còn hạn chế, có thời, một bộ phận người dân đặt lòng tin vào thầy mo, thầy cúng.
Mỗi khi ai đó lâm trọng bệnh, đàn cúng giàng, cúng ma lại nghi ngút khói. Kết quả là nhiều hộ dân lâm vào cảnh tiền mất, tật mang. “Thường dùng những phương pháp dân gian để chữa bệnh cho người dân, ông nội và ba tôi rất buồn khi nhìn thấy điều đó. Lúc còn nhỏ, tôi đã nghe tiếng thở dài của hai người. Vì thế, tôi quyết tâm trở thành thầy thuốc giỏi để cùng ông nội và ba đẩy lùi hủ tục, giúp đỡ bà con”, ông Tuôn kể.
Từ năm 7 tuổi, ông Tuôn đã theo ông nội và ba mình vào rừng để tìm các cây thuốc quý. Theo từng ngày trưởng thành, mong muốn, quyết tâm trở thành thầy thuốc của bản làng càng lớn trong ông. Ông dành nhiều thời gian để học tập các bài thuốc gia truyền và tự mày mò, nghiên cứu thêm những cách chữa bệnh hay.
Nhờ vậy, ngoài những căn bệnh thường gặp, ông Tuôn còn có thể giúp những người bị trật khớp, đứt dây chằng, gãy xương… sớm bình phục. Đặc biệt, bài thuốc cứu người bị rắn độc cắn của ông nổi danh khắp vùng. Ông Tuôn chia sẻ: “Ông nội và ba tôi thường bảo, bệnh tật muôn hình vạn trạng, vì thế, người thầy thuốc không được cho mình là tài giỏi, rồi quên đi việc trau dồi, học tập. Tôi luôn khắc ghi điều đó”.
Đến giờ, ông Tuôn không nhớ hết số người đã tìm tới mình để chữa bệnh. Buổi đầu, ông chỉ chữa trị cho người thân trong gia đình, rồi họ hàng, láng giềng… Về sau, tự tin hơn với tay nghề, ông mới mở rộng đối tượng giúp đỡ. Đến với ông, hầu như ai cũng bất ngờ bởi những cây thuốc, bài thuốc khá quen thuộc lại mang đến hiệu quả chữa bệnh cao.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở TP. Hồ Chí Minh, rồi các tỉnh như Bình Thuận, Kon Tum, Quảng Nam… cũng lặn lội tìm đến nhờ ông Tuôn chữa trị bệnh. Một số trường hợp còn mời ông về tận nhà chữa bệnh cho người thân. Không thể chối từ, ông Tuôn thường thu xếp thời gian, công việc gia đình để lên đường. Có tháng, ông đi mấy chuyến liền.
Thấy bệnh nhân tìm đến đông, nhiều người nghĩ ông Tuôn rất giàu có. Thế nhưng, trái ngược suy nghĩ đó, gia đình ông chỉ dừng ở mức đủ ăn, đủ mặc. Từ lâu, ông không quy mức giá để chữa bệnh. Việc trả công là tùy tâm của người bệnh và thân nhân. Với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhiều khi ông chữa trị miễn phí. Vì thế, ông Tuôn thường được người dân trìu mến gọi là “Thầy thuốc của bản làng”.
Năm 2014, cùng một số thầy thuốc ở các bản làng của huyện Hướng Hóa, ông Tuôn trở thành hội viên Hội Đông y tỉnh. Nhờ thế, ông có cơ hội gặp gỡ những người giàu kiến thức, kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y; nghiên cứu sâu hơn và được chia sẻ những cây thuốc quý, bài thuốc hay mà mình sở hữu; biết thêm nhiều phương pháp chữa bệnh mới…
Từ đây, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân càng sáng rõ trong ông. Ông Tuôn tự hứa với lòng mình luôn khắc ghi lời Bác dặn “Lương y như từ mẫu”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)