Bén duyên với công việc chữa bệnh cứu người từ lúc còn thanh niên, hơn 45 năm qua, ông Hồ Giang Kô, trú tại thôn Xa Re, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đã thầm lặng giúp nhiều người dân ở hai bên biên giới Việt - Lào những lúc ốm đau, bệnh tật. Giờ đây, tuy đã ở tuổi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục cống hiến bằng một cách riêng.
Sang Lào chữa bệnh cứu người
Trở về từ nước bạn Lào sau chuyến đi chữa bệnh cứu người, gương mặt ông Hồ Giang Kô như nhuốm thêm màu của nắng và gió. Trước đó, ông Kô hay tin bà Pỉ Thái, trú tại huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan ốm nặng, đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi.
Vì thế, người nhà của bà cất công sang Việt Nam để tìm gặp, cậy nhờ ông Hồ Văn Kô. Sau khi nắm bắt tình hình, ông Kô xếp vội mấy bộ áo quần và lên đường. Sau gần một tuần ở lại nước bạn, ông đã giúp Pỉ Thái bình phục trong sự ngạc nhiên, thán phục của mọi người.
Trước đây, mỗi lần nhận lời mời sang bên kia biên giới để chữa bệnh cứu người, ông Kô thường có chút đắn đo. Mỗi lần lên đường, ông lại phải vất vả thu xếp thời gian, công việc. Thông thường, ông Kô chỉ có thể tranh thủ thứ 7, Chủ nhật hoặc thời điểm lễ, tết để xuất ngoại. Bởi, ngoài gia đình, ông còn phải chăm lo cho hoạt động của trạm y tế xã. Từ ngày nghỉ hưu đến nay, ông Kô có nhiều thời gian hơn để giúp đỡ các bệnh nhân ở nước bạn Lào và những miền quê xa ngái khác.
Nói về cái duyên đến với công việc chữa bệnh cứu người, ông Kô cho biết, lúc lớn lên đã thấy ba mình giúp dân bản vượt qua bệnh tật. Ba của ông Kô là một nông dân nhưng lại nắm trong tay rất nhiều bài thuốc hay.
Ngày xưa, khi điều kiện về y tế còn nhiều khó khăn, những bài thuốc mà ba ông được truyền lại đã cứu không ít người. Thấy ba sống có ý nghĩa, ông Kô dấy lên mong muốn trở thành người tiếp nối.
“Theo từng ngày khôn lớn, ba đã dạy cho tôi về nhiều cây thuốc quý, bài thuốc hay. Mỗi lần chỉ dạy, ba đều khuyên tôi phải giữ chữ tâm của nghề, không vì đồng tiền mà mờ mắt. Đặc biệt, ba luôn mong muốn tôi về xuôi học tập để có thể giỏi tay nghề, giúp người dân nhiều hơn”, ông Kô kể lại.
Nghe lời ba, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Hồ Giang Kô khăn gói vào Huế học trung cấp y. Sau khi trở về, ông được phân công công tác tại Trạm Y tế xã Hướng Tân. Thời ấy, trong điều kiện khó khăn chung của ngành y, ông Kô phải vận dụng cả đông y lẫn tây y để chữa bệnh cứu người.
Chuyện vào rừng tìm cây thuốc vào ngày nghỉ trở nên quen thuộc đối với ông. Không những thế, ông Kô còn dành thời gian học châm cứu để giúp nhiều bệnh nhân hơn. Nỗ lực nối nỗ lực, cái tên Hồ Giang Kô dần được nhiều người biết đến.
Bà con tìm đến trạm, thậm chí về tận nhà để nhờ ông chữa bệnh. Với bất cứ ai, ông Kô cũng hỗ trợ một cách nhiệt tình. Nhờ y thuật được tôi rèn thường xuyên, ông đã cứu chữa cho rất nhiều người bệnh.
Tiếng lành đồn xa, từ nước bạn Lào, nhiều người dân đã tìm sang để nhờ ông chữa bệnh. Mỗi lần như thế, ông Kô phải tạo điều kiện cho bệnh nhân và người nhà ở lại. Có thời điểm, nhà không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm, ông phải cậy nhờ hàng xóm.
Đối với những ca bệnh gặp khó khăn trong đi lại, ông Kô thường thu xếp thời gian vào ngày nghỉ, lễ, tết để sang thăm, giúp đỡ. Thế nhưng, ông vẫn luôn canh cánh trong lòng vì không có nhiều thời gian để giúp bệnh nhân nước bạn Lào.
“So với ở nước ta, điều kiện chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân khu vực biên giới của nước bạn có phần hạn chế hơn. Vì thế, tôi luôn mong muốn có thêm nhiều thời gian để giúp đỡ họ. Khi đến tuổi hưu, mong muốn của tôi đã phần nào trở thành hiện thực”, ông Kô hồn hậu nói.
Góp sức đẩy lùi hủ tục
Sống ở vùng khó, ông Kô hiểu sâu sắc những thử thách trong cuộc sống của người dân. Trước kia, dân bản Xa Re thường xuyên đối diện với cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt, bệnh tật thường dễ nảy sinh, đeo bám người dân nơi đây. Một thời, bà con đặt lòng tin vào thầy mo, thầy cúng.
Những thầy thuốc chữa bệnh cứu người bằng phương pháp gia truyền như ba ông Kô chưa được coi trọng. Hễ ai đau ốm, đàn cúng trời, cúng ma lại nghi ngút khói. Thế nhưng, những lời cầu khấn và cách chữa bệnh khác lạ không thể cứu vãn tình hình.
“Hiểu rõ thực tế ấy nên ba tôi mới thúc giục tôi theo trường, theo lớp học nghề y đàng hoàng. Ông kỳ vọng, tôi có thể góp sức đẩy lùi hủ tục”, ông Kô nói.
Sau khi trở về địa phương công tác, đặc biệt là trong hơn 20 năm làm trạm trưởng, ông Hồ Giang Kô đã không ngại “tuyên chiến” với hủ tục.
Buổi đầu, không nhiều người tin tưởng vào những lời tuyên truyền, vận động của ông. Trạm y tế ở ngay trung tâm xã nhưng nhiều người vẫn khiêng, cõng bệnh nhân đến nhà thầy mo, thầy cúng cách xa cả quả đồi. Không chấp nhận điều đó, hễ nghe tin ai trong xã đau ốm, ông Kô đến tận nhà để tuyên truyền, vận động, thậm chí “xin chữa trị”.
Có lần, ông còn mạnh dạn thỏa thuận với người nhà sẽ chịu phạt nếu chữa bệnh không khỏi. Qua từng ca bệnh, số người đặt lòng tin vào ông Kô ngày một nhiều hơn.
Điều khiến người thầy thuốc tâm huyết này mừng nhất là ngay thầy mo, thầy cúng cũng “cầu viện” mình khi đau ốm, bệnh tật. Từ đây, thành trì hủ tục tưởng chừng không thể phá vỡ được đã phần nào bị sụp đổ.
Sau này, khi trở thành hội viên Hội Đông y tỉnh, rồi đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội Đông y xã Hướng Tân, ông Kô nhận ra một bộ phận thầy mo, thầy cúng biết khá rõ về những bài thuốc hay, cây thuốc quý.
Đặc biệt, dù hành nghề cúng bái nhưng lẩn khuất trong lòng họ vẫn có mong muốn giúp đời, giúp người. Vì vậy, ông Kô đã tìm mọi cách để “thức tỉnh” những người này. Ông không ngại kết bạn, chia sẻ những điều mình tích lũy, học tập được... với họ.
Dần dần, khi khoảng cách được xóa bỏ, những người hành nghề cúng bái mở lòng với ông Kô hơn. Có trường hợp tình nguyện bỏ các nghi lễ, hủ tục không cần thiết trong khám chữa bệnh. Đối với những người đang lưu giữ các cây thuốc quý, bài thuốc hay, ông Kô vận động họ tham gia Hội Đông y tỉnh để có thể học tập, tích lũy nhiều hơn về y đức, y thuật... và có điều kiện giúp đỡ mọi người.
Không chỉ góp sức xóa bỏ hủ tục ở nơi mình sống, trong những chuyến sang Lào chữa bệnh, ông Kô còn tìm cách giúp bà con nước bạn quay lưng với tập quán cúng trời, cúng ma. Việc được cho là khó này trở nên thuận lợi hơn bởi ông Kô đã có nhiều kinh nghiệm.
Một trong những cách mà ông đã và đang làm là tuyên truyền, vận động các bạn trẻ ở nước bạn theo học nghề y. Ông tin, khi được dạy dỗ, đào tạo trong môi trường tốt, chính các thanh niên này sẽ là lực lượng tiên phong, xung kích, cùng nhau đẩy lùi những hủ tục vốn tồn tại nhiều đời.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)