Thổi hồn vào môn Ngữ văn cho học sinh vùng khó

Tú Linh |

Cô giáo dạy môn Ngữ văn Nguyễn Thị Kim Hảo, sinh năm 1992, công tác tại Trường THPT A Túc, xã Lìa, huyện Hướng Hóa đã 7 năm thì có 3 năm đảm nhận chức vụ Tổ trưởng tổ Ngữ văn - Giáo dục công dân. Trăn trở lớn nhất của cô là làm thế nào để học sinh yêu môn Ngữ văn, thông qua đó góp phần làm phong phú hơn tiếng Việt cho các em. Cô Hảo đã có nhiều đóng góp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở ngôi trường này.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế loại giỏi, ra trường tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô Kim Hảo được bố trí lên xã Lìa dạy học theo đề án thu hút nhân lực của tỉnh. Yêu nghề, thương học sinh, cô gắn bó với trường, lớp ở vùng biên giới, nơi sinh sống của phần lớn người dân tộc thiểu số. Từ kinh nghiệm dạy học của mình cô Kim Hảo xây dựng được nhiều phương pháp phù hợp nhằm từng bước nâng cao chất lượng học môn Ngữ văn cho học sinh miền núi, qua đó hướng đến nâng tỉ lệ học sinh khá, giỏi môn này ngày càng nhiều hơn để tạo động lực cho các em thi vào đại học, cao đẳng hằng năm.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hảo trong giờ dạy học sinh lớp 12 của Trường THPT A Túc - Ảnh: T.L
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hảo trong giờ dạy học sinh lớp 12 của Trường THPT A Túc - Ảnh: T.L

Cô Kim Hảo cho biết, hơn 90% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, phần lớn gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn, bản thân học sinh ít đọc sách, báo, xem tivi, ít tiếp cận thông tin về nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội nên việc sử dụng tiếng Việt phục vụ học tập của các em còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế, xã hội miền núi khó khăn nên hằng năm, chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như kết quả chất lượng cuối năm học của trường THPT A Túc còn thấp, nhất là môn Ngữ văn. Với môn học này, học sinh đa số thụ động trong việc học, nhiều em mất gốc những kiến thức căn bản nhất của môn học ở cấp dưới. Học sinh chưa xác định được trọng tâm của môn học cũng như các kỹ năng nghe, nói, đọc hiểu, viết văn bản, trình bày vấn đề còn nhiều hạn chế. Do đó, việc giúp học sinh nói đúng, viết đúng ngôn ngữ tiếng Việt, biết làm một bài văn hoặc viết một văn bản đúng là trách nhiệm nặng nề của giáo viên dạy môn Ngữ văn.

Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng môn học, ngay từ đầu năm học, giáo viên cho học sinh làm bài kiểm tra khảo sát môn Ngữ văn, đặc biệt là học sinh lớp 10. Sau khi có kết quả khảo sát, giáo viên phân loại lực học để có phương pháp cụ thể cho từng nhóm học sinh. Với cương vị là tổ trưởng chuyên môn, cô Kim Hảo luôn động viên các thành viên trong tổ trau dồi chuyên môn, thường xuyên cập nhật kiến thức, chú trọng năng lực trong giải thích các khái niệm, các thuật ngữ văn học để học sinh dễ hiểu nhất. Việc chuyển tải kiến thức cần linh hoạt hơn nhằm khơi dậy được cảm xúc cho học sinh trong giờ học. Giáo viên luôn cố gắng hình thành cho các em thói quen đọc sách, chuẩn bị bài ở nhà ngay từ lớp 10 đối với các tiết đọc văn và duy trì như thế cho đến hết lớp 12. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng để tạo được thói quen này cho học sinh các thầy cô giáo đã tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian. Nhiều khi biết có truyện ngắn hay, quyển sách văn học phù hợp các cô thầy tìm cách gửi mua về tặng các em đọc nhằm tạo thói quen đọc sách và nâng cao năng lực cảm thụ văn học.

Khó khăn lớn nhất đối với giáo viên là học sinh phát âm tiếng Việt không chuẩn, sai nhiều nên dẫn đến viết sai thanh điệu của từ ngữ. Vốn từ của các em cũng rất ít ỏi, câu văn hầu như chỉ mang tính chất thông báo chứ chưa có hình ảnh, chưa có cảm xúc, sai nhiều lỗi chính tả. Điều này luôn đòi hỏi giáo viên phải bằng mọi cách uốn nắn, bổ sung thêm nhiều tiếng Việt vào vốn từ ít ỏi của các em. Cách làm hiệu quả nhất chính là cho các em đọc văn bản. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và nguyên tắc giáo viên đặt ra cho học sinh không sử dụng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt trong giờ học, kể cả khi các em giao tiếp với nhau đã góp phần giúp cho vốn tiếng Việt của học sinh được nâng cao. Mỗi lần được nghe học sinh của mình nói đúng, viết đúng, biết rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cô Kim Hảo rất vui.

Một trong những phương pháp dạy học hiệu quả được cô Kim Hảo chú trọng là giao dự án học tập cho học sinh. Cụ thể các em có thể vẽ tranh mô phỏng, đóng tiểu phẩm hoặc sử dụng sơ đồ tư duy để tóm tắt lại tác phẩm sau đó thuyết trình trước lớp. Hình thức này tạo được hiệu ứng rất tốt từ học sinh, các em cũng nắm bắt được nội dung tác phẩm hiệu quả hơn là nghe bạn đọc văn bản trong sách giáo khoa. Đây cũng là công cụ đánh giá để giáo viên cho điểm kiểm tra thường xuyên.

Cô Kim Hảo cho biết, việc tạo dựng không khí học tập vừa nghiêm túc vừa thân thiện trong lớp học là rất quan trọng nhằm khơi gợi cảm xúc, sự hứng thú ở học sinh. Cô luôn tâm niệm, để dạy học tốt, giáo viên cần có sự động viên khuyến khích kịp thời đối với từng học sinh như dùng lời khen, cho điểm cộng hoặc điểm số cho những em phát biểu trong giờ học, có những kiến giải mới mẻ, thể hiện sự sáng tạo, chủ động trong tiếp nhận kiến thức; giáo viên không nên có suy nghĩ phát biểu đúng thì mới cho điểm.

Nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT, nhóm bộ môn Ngữ văn của trường đã có sự phân chia các chuyên đề tương ứng với các khối lớp. Nhờ sự chịu khó dạy học sinh đọc từng văn bản, nắn nót từng câu chữ của bài văn dần dần chất lượng học môn Ngữ văn của học sinh không ngừng nâng lên. Kết quả điểm môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT của nhà trường 2 năm trở lại đây khá ổn định, đạt điểm số trung bình là 5 điểm, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn nhiều trường trong các huyện miền núi.

Với phương pháp dạy học môn Ngữ văn mang lại kết quả như trên, cô giáo Kim Hảo vừa được báo cáo tham luận tại hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục trung học miền núi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. “Hạnh phúc với những giáo viên cắm bản như chúng tôi là gieo được ước mơ và hy vọng cho học sinh để các em thấy được quá trình học tập của mình không chỉ là tiếp nhận tri thức, thi cử, mà còn là cuộc sống, là tương lai của chính bản thân các em sau này”, cô chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Pỉ Tâm vượt khó làm giàu

Minh Long |

Với quyết tâm sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê nhà, những năm qua, Pỉ Tâm (Hồ Thị Thư), người dân tộc Vân Kiều, ở thôn Mới, xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhờ chịu thương, chịu khó, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế gia đình chị ngày càng đi lên.

Người “tiếp lửa” tình yêu bài chòi

Thanh Hằng |

Nhiều năm qua, nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian luôn được gìn giữ, lưu truyền bởi những nghệ nhân giàu tâm huyết. Bà Hồ Thị Linh (58 tuổi) ở thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những nghệ nhân gắn bó và được xem là người “tiếp lửa”, đào tạo thế hệ trẻ giữ gìn và phát triển nghệ thuật bài chòi, góp phần giúp nghệ thuật bài chòi Trung Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.

Cán bộ hội nông dân trẻ “nói được, làm được”

Bích Liên |

35 tuổi, với hơn 7 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), anh Hà Ngọc Anh Dũng luôn là người năng động, nhiệt tình với công tác hội, đươc hội viên nông dân ̣ tại địa phương tin tưởng, quý mên. Bên cạnh đó, anh còn được nhiều ́ người biết đến là điển hình làm kinh tế giỏi với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn góp phần mang lại thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.

7 năm chinh phục “giấc mơ Nga”

Trương Quang Hiệp |

Suốt 7 năm qua, Nguyễn Thị Dạ Ngân, sinh năm 1995, trú tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã miệt mài hiện thực hóa giấc mơ du học ở xứ sở bạch dương của mình. Trở về nước với tấm bằng thạc sĩ, Dạ Ngân đang viết tiếp trang mới cho cuộc đời mình và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác.