Nhiều năm qua, nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian luôn được gìn giữ, lưu truyền bởi những nghệ nhân giàu tâm huyết. Bà Hồ Thị Linh (58 tuổi) ở thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những nghệ nhân gắn bó và được xem là người “tiếp lửa”, đào tạo thế hệ trẻ giữ gìn và phát triển nghệ thuật bài chòi, góp phần giúp nghệ thuật bài chòi Trung Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đam mê văn hóa dân gian, bà Linh luôn có ý thức kế thừa những nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước. Năm 12 tuổi, bà đã đam mê các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian nói chung và bài chòi nói riêng. Trong những lần được theo bố mẹ, người thân đi xem bài chòi đã gieo vào tâm hồn bà tình yêu đặc biệt với loại hình nghệ thuật này. Bà được chính bố mình và các bậc cao niên trong làng truyền đạt, chỉ dạy từ cách hô, cách hát, ý nghĩa của từng con bài, lối chơi, cách tổ chức. Để rồi, từ một đứa trẻ theo cha đi xem bài chòi, bà trở thành người chơi, rồi thành nghệ nhân âm thầm gìn giữ và lưu truyền cho bao thế hệ.
Bà Linh cho biết, nghệ thuật bài chòi của làng Ngô Xá Tây (từ năm 2019 sáp nhập với thôn Thanh Lê thành thôn Ngô Xá Thanh Lê) đã có từ lâu, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, trong đói nghèo cũng như trong bom đạn nhưng người dân Ngô Xá Tây vẫn luôn giữ được những nét văn hóa của quê hương mà các bậc tiền nhân để lại, trong đó có nghệ thuật bài chòi. Bài chòi mỗi năm được tổ chức một lần vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc từ đêm 28 tháng Chạp đến đêm mồng 6 tháng Giêng. Theo bà Linh, bài chòi chơi theo hình thức 55 con bài được chia cho 11 chòi và một chòi cái. Một đêm chơi có 6 người dẫn (gọi là anh hiệu, chị hiệu). Một chòi có 5 con bài, hát theo lối dân ca Bình Trị Thiên. Khi anh hiệu, chị hiệu hát xong, mọi người ngồi ở trên chòi đoán câu hát đó là con gì và có trong bài của mình không, khi đoán trúng thì gõ mõ để anh hiệu, chị hiệu đến lấy bài, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi chòi nào “tới” là kết thúc ván chơi. Chính vì tính độc đáo, riêng biệt đó nên nghệ thuật bài chòi thu hút nhiều đối tượng từ trẻ nhỏ cho đến người già tham gia chơi. Đây được xem là món ăn tinh thần của người dân mỗi khi tết đến xuân về, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Đam mê cháy bỏng với nghệ thuật bài chòi, năm 1986, bà Linh được bầu làm đội trưởng Đội bài chòi của thanh niên, đến năm 2002 làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài chòi của làng. Ban đầu câu lạc bộ chỉ có 8 người, đến nay đã lên đến 145 người với đầy đủ mọi lứa tuổi tham gia. Bà Linh cùng với những thành viên trong câu lạc bộ vừa sưu tầm, vừa sáng tác cho 60 con bài, tổng cộng có hơn 200 lần sáng tác, mỗi con bài có một lời hô riêng hát theo làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, tạo ra một sân chơi văn hóa vừa truyền thống, vừa mới lạ, hấp dẫn nên ngày càng thu hút được nhiều người dân trong làng và các địa phương khác đến chơi.
Bà Linh tâm sự: “Bài chòi là một nét đẹp văn hóa của làng, vì vậy tôi muốn đem hết sức mình để đưa câu lạc bộ và nghệ thuật chơi bài chòi của làng ngày một phát triển bền vững, đồng thời qua đó truyền lửa đam mê bài chòi cho thế hệ trẻ để loại hình nghệ thuật này không bao giờ bị mai một”.
Gần 30 năm gìn giữ nghệ thuật bài chòi của làng, vừa học, vừa chơi, vừa truyền đạt những kỹ năng cơ bản cho các học viên trong câu lạc bộ, bà Linh đã góp phần lưu giữ nghệ thuật bài chòi truyền thống của quê hương. Tích cực phối hợp với các cấp trong việc xây dựng hồ sơ để trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với những cống hiến và đam mê với môn nghệ thuật này, năm 2014 bà Linh cùng 5 thành viên trong câu lạc bộ bài chòi của làng Ngô Xá Tây đại diện cho tỉnh Quảng Trị tham dự hội thảo nghệ thuật chơi bài chòi Trung Bộ ở tỉnh Bình Định. Năm 2018, bà Linh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về việc góp phần làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Phong Lê Viết Anh cho biết: Bà Hồ Thị Linh vừa được UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây là người nắm giữ bài bản và có nhiều hoạt động phổ biến, quảng bá nghệ thuật bài chòi, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của cha ông cho muôn đời sau.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)