Kim Đâu, sức sống mới từ nền tảng truyền thống

Mai Lâm |

Sở hữu 3 di tích văn hóa khởi nguồn từ thời Chăm-làng cổ Kim Đâu, xã Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được nhiều người biết đến là nơi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, thấm đẫm giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

Ngày 2/2 (âm lịch) là ngày truyền thống của làng Kim Đâu nên dù bận bịu đến đâu, con cháu gần xa đều sắp xếp để về tề tựu đông đủ tại đình làng thực hiện nghi lễ tạ ơn tiền hiền khai khẩn. Lễ hội này trở thành nét đẹp văn hóa riêng có của vùng đất này. Theo ông Hà Văn Hào, 70 tuổi-người biết nhiều chuyện gốc tích ở làng Kim Đâu thì đình làng Kim Đâu là nơi thờ tự tiền hiền khai khẩn và 42 dòng họ của địa phương (trong đó 12 họ gốc, 30 họ mới nhập tự sau này); trong khuôn viên đình làng còn có miếu thờ 1 vị tiến sĩ, 1 vị phò mã và miếu thờ lục tộc (6 dòng họ đã từng sinh sống nơi đây nhưng bây giờ không còn nữa). Sở dĩ làng Kim Đâu có nhiều họ tộc như vậy là vì trước đây, trước ngôi đình làng này là chợ Sòng sầm uất, người dân khắp nơi về đây buôn bán, trong đó có rất nhiều người Hoa (hiện trên đất này còn có một số nhà thờ do hậu duệ người Hoa xây dựng để tưởng nhớ tổ tiên từng lập nghiệp buôn bán ở chợ Sòng). Qua chiến tranh, bom đạn cày xới, chứng tích còn sót lại ngày nay là những cây ngô đồng cổ thụ vẫn sừng sững tỏa bóng mát cả một góc làng.

Cổng làng Kim Đâu được xây dựng từ nguồn đóng góp của người dân và con em làng sinh sống xa quê - Ảnh: M.L
Cổng làng Kim Đâu được xây dựng từ nguồn đóng góp của người dân và con em làng sinh sống xa quê - Ảnh: M.L

Năm 2006, đình làng Kim Đâu được phục dựng, trùng tu mô phỏng lại đình làng xưa từ nguồn vốn kinh phí đóng góp của người dân trong làng và nguồn hỗ trợ từ con, cháu làng Kim Đâu sinh sống, làm việc trong, ngoài nước gửi về. Mỗi năm xây dựng một hạng mục, một phần việc, đến nay đình làng Kim Đâu cơ bản hoàn thiện, ngày càng khang trang, bề thế không chỉ là nơi thờ tự, tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội mà còn trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, neo giữ hồn quê trong lòng những người con xa xứ.

Bề dày truyền thống văn hóa ở làng cổ Kim Đâu còn thể hiện qua 3 di tích được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh là Giếng đá Kim Đâu, đền thờ Huyền Trân công chúa và địa điểm tháp Chàm Kim Đâu. Cụm di tích văn hóa này đều khởi nguồn từ người Chăm và quần tụ dọc theo Bàu Đá Kim Đâu, tạo nên nét riêng độc đáo của vùng đất này. Bàu nước trong xanh với hai bên bờ chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử đó là giếng Bàu Đá-một giếng nước được hình thành từ những khối đá xếp theo hình vuông được cho là của người Chăm kiến tạo từ thế kỷ thứ XIV còn lưu giữ đến ngày nay. Qua chiến tranh, một phần tường đá phía Đông của giếng bị bom đạn đánh sập nên đến năm 2006 dân làng đã ra tỉnh Thanh Hóa tìm loại đá tương đồng về phục dựng lại mảng tường này. Đối diện giếng cổ Bàu Đá, phía bờ Bắc của bàu nước này là Đền thờ Huyền Trân công chúa. Ông Trần Phước Lợi, Trưởng thôn Kim Đâu cho hay, ngôi đền này đã có từ xa xưa lúc người dân Đại Việt mới vào đây sinh cơ lập nghiệp sau khi Huyền Trân công chúa được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý mở mang bờ cõi đất nước. Từ câu chuyện lịch sử, dân làng luôn coi trọng và chăm lo cho đền thờ với tất cả niềm kính yêu, ngưỡng vọng.

Chúng tôi dạo một vòng quanh Bàu Đá vừa tham quan những di tích văn hóa và chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của bàu nước này. Vắt ngang giữa làng, Bàu Đá như một ân huệ thiên nhiên ban tặng cho làng Kim Đâu. Chính nhờ bàu nước quý giá này mà không khí ở đây luôn dịu mát, cây cối quanh năm xanh tươi dù nắng hạn đến mấy thì bàu nước này chưa bao giờ cạn. Nguồn nước này tưới tắm cho những cánh đồng làng để phát triển nghề trồng lúa nước. Làng Kim Đâu hiện có 40/75 ha lúa nước thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn và trở thành địa phương trọng điểm xây dựng thương hiệu gạo sạch của xã Thanh An. Cội nguồn quê hương, truyền thống văn hóa là niềm tự hào của người dân Kim Đâu. Cùng với bề dày văn hóa, địa thế làng Kim Đâu nằm cạnh ngay Ngã Tư Sòng sầm uất (có Quốc lộ 1 và đường xuyên Á đi qua) cũng mở ra nhiều cơ hội để ngôi làng cổ này trở thành đầu mối giao thương trọng yếu, điểm nhấn trong hành trình đi lên của quê hương Cam Lộ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trở lại ngôi trường nơi vùng biên

Tú Linh |

Hơn một năm sau ngày cơn lũ quét kinh hoàng ập về bao vây Trường Tiểu học &THCS Hướng Việt, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi có dịp trở lại nơi này, mang theo những yêu thương đến với thầy trò ở đây. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây theo hướng Khe Sanh - Hướng Việt thời điểm này hai bên hoa lau nở trắng, báo hiệu tiết trời nay đã yên bình, không còn mưa lũ nguy hiểm để thầy cô và học sinh của trường có được một năm học bình yên.

Nhiều tấm lòng cho một Ba Lòng

Lê Việt Thường |

Với một nơi như Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị) hay ở những vùng miền xa xôi hẻo lánh nói chung, mỗi ân tình trao dâng luôn được nâng niu ghi lòng tạc dạ, niềm vui ấy luôn được nhân lên gấp bội, bởi nó gieo vào lòng người nơi chiến khu xưa niềm tin yêu trìu mến, rằng mình đã không bị lãng quên!

Những nữ nhân sáng lập các làng ở Quảng Trị

Nguyễn Việt Hà |

Qua sử liệu cho thấy các cuộc di dân vào Quảng Trị của người Việt thời bấy giờ đã thành lập 173 xã cổ có trước đời chúa Nguyễn Hoàng (1075-1558). Từ đời Nguyễn Hoàng về sau, giai đoạn (1558- 1776) thành lập thêm hàng chục tổng và xã cổ khác. Trong các xã, làng cổ đó có nhiều nữ nhân đã trầm trải nắng mưa để lập ra các làng mạc. Trong bài viết này xin được giới thiệu 3 vị nữ nhân tiêu biểu ở một số làng.

Mùa ruốc biển

Văn Cần |

Tháng 8 âm lịch, khi những cơn bão biển hoặc áp thấp nhiệt đới vừa đi qua, biển lặng trở lại, nước biển trong xanh hơn cũng là lúc những con ruốc biển (moi biển) bắt đầu xuất hiện ở những vùng biển lộng của các tỉnh ven biển miền Trung. Đây cũng chính là thời điểm bà con ngư dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị phấn khởi bước vào vụ ruốc.