Với một nơi như Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị) hay ở những vùng miền xa xôi hẻo lánh nói chung, mỗi ân tình trao dâng luôn được nâng niu ghi lòng tạc dạ, niềm vui ấy luôn được nhân lên gấp bội, bởi nó gieo vào lòng người nơi chiến khu xưa niềm tin yêu trìu mến, rằng mình đã không bị lãng quên!
Mấy hôm nay, khi những câu chuyện về kháng chiến được hoài nhớ nhân 100 năm ngày sinh nhà thơ Quang Dũng, tôi nhớ tới những phố rừng kháng chiến trong thơ ông hồi chống Pháp rồi nhớ ra những năm tháng đó, hầu như tỉnh nào cũng có những “chiến khu phố rừng” như thế. Tôi đã đi qua nhiều nơi chốn như thế trên dặm dài đất nước, như Hồi Xuân ở miền tây Thanh Hóa, như Sơn Dương ở Tuyên Quang, và cứ bâng khuâng nhớ về quê nhà, Quảng Trị cũng từng có một “phố rừng kháng chiến”: chiến khu Ba Lòng. Rồi khi kháng chiến thành công, những đô thị đồng bằng xôn xao phường phố, lô nhô cao ốc, thì đâu đó giữa thăm thẳm rừng già phố rừng một thuở lại lặng im trong trầm mặc ngàn xanh, nghe âm vọng một câu thơ của Tố Hữu: Phố đông còn nhớ bản làng / Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng… Cái quá vãng hào hoa và bi tráng của chiến khu vẫn sống trong tâm trí của nhiều người. Cố nhà văn Nhất Lâm có viết về một hiệu ảnh ở chiến khu Ba Lòng những năm 1949 - 1952, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của Quảng Trị như nhà thơ Vĩnh Mai, Chế Lan Viên, Lương An, Hồng Chương, Tân Trà… có được những bức ảnh tư liệu quý hiếm chính là nhờ vào cái hiệu ảnh đơn sơ giữa phố rừng thuở ấy.
Nhưng Ba Lòng ngày ấy đâu chỉ có một hiệu ảnh? Còn có cả những tờ báo, những xưởng in, những xưởng quân khí… Trong bài khảo cứu về Ba Lòng trên tạp chí Cửa Việt, tác giả Hoàng Đức Cường cũng nhắc đến: “Cuối năm 1948, ngành kinh tế tiểu thủ công nghiệp ra đời với nhiều cơ xưởng khác nhau: xưởng rèn, xưởng sửa chữa vũ khí trong quân đội, xưởng mộc, xưởng in, xưởng giấy, xưởng dệt phục vụ tốt cho cuộc sống sinh hoạt và công cuộc kháng chiến. Nhiều dụng cụ lao động sản xuất từ chiến khu được đưa về các địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất. Ngành thương nghiệp cũng phát triển mạnh. Đá Nổi trở thành điểm buôn bán tấp nập giữa nhân dân chiến khu và các vùng Triệu Hải, thúc đẩy nền kinh tế phát triển”. Cái miền rừng heo hút ấy, những năm tháng quê hương binh lửa đã thành đất tụ nghĩa, nuôi dưỡng những đoàn quân từ đấy tiến về đồng bằng, giải phóng những đô thị làng mạc. Và rồi có điều gì hiu hắt buồn vang vọng khi mỗi lần băng qua ngầm tràn từ xã Triệu Nguyên sang Ba Lòng, nhìn dòng sông lấp lóa nắng chiều bỗng dâng niềm cảm khái. Bởi thế mỗi niềm vui chiu chắt nhỏ nhoi ai đó dành cho Ba Lòng đều khiến tôi vui như chính mình được nhận một niềm đáp đền ân nghĩa. Dịp khai giảng vừa rồi, tôi trở lại Ba Lòng để đón nhận một đáp đền như thế của những tấm lòng dành cho Ba Lòng!
Tròn một năm trước, hẳn mọi người chưa quên trận lũ tháng 10 năm 2020. Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất được lan tỏa trên mạng xã hội về lũ lụt tại Quảng Trị trong thời điểm ấy là hình ảnh chụp cổng trường TH&THCS Ba Lòng. Chiếc cổng trường cao gần 6 mét bị chìm trong nước lũ chỉ nhô lên dòng chữ tên trường được các thầy cô giáo đưa lên facebook trong buổi sáng ngày 17 tháng 10 được chia sẻ chóng mặt. Tuy nhiên đó chưa phải là mức ngập cao nhất. Bốn giờ chiều hôm đó, nước từ các triền núi dội xuống, nước từ sông dâng lên, cổng trường chỉ nhô lên chóp mái, nghĩa là đã cao hơn lúc sáng thêm gần hai mét.
Ở lòng chảo Ba Lòng này, lũ không là chuyện lạ nhưng chưa trận lũ nào có thể dâng cao như thế này, không những dâng cao mà còn ngâm lâu và liên tục. Ngay sau lũ, những nhóm thiện nguyện từ nhiều nơi đã về hỗ trợ cho Nhân dân Quảng Trị. Chỉ vài hôm sau khi lũ rút, đại diện của tập đoàn sơn PPG (Pittsburgh Plate Glass - Mỹ) khi đến Ba Lòng hỗ trợ cho thầy và trò sau lũ, chứng kiến hình ảnh ngôi trường giữa núi rừng hẻo lánh với hàng chục phòng học vốn đã cũ kỹ nay được phủ lên màu bùn đất của nước lũ đã quyết định kết nối đến dự án “Sắc màu cộng đồng” mà PPG đang thực hiện từ nhiều năm nay tại nhiều quốc gia trên thế giới: Tập đoàn PPG sẽ sơn lại tất cả các phòng học của cụm trường Ba Lòng. Tất nhiên không chỉ là chuyện phủ lên ngôi trường cũ một màu sơn mới, đó còn là việc chuyển tải thông điệp nhân văn vì cộng đồng của PPG.
Vài tháng sau đó, những thành viên chủ chốt của PPG trong việc triển khai dự án “Sắc màu cộng đồng” từ TP. Hồ Chí Minh đã có mặt tại ngôi trường TH&THCS Ba Lòng để khảo sát. Tham gia cùng các thành viên, thú thật sau khi đi khảo sát toàn bộ các đơn nguyên trong khuôn viên ngôi trường chúng tôi không thể hình dung sẽ làm thế nào để tất cả những phòng học với nhiều lối kiến trúc, xây dựng qua nhiều thế hệ sẽ được làm đẹp làm mới như tiêu chí mà dự án đưa ra. Có lên đến đây mới biết rằng đây không chỉ là câu chuyện của một ngôi trường, mà còn là câu chuyện của một vùng đất!
Như đã nhắc ở đầu bài viết, Ba Lòng ngày xưa nhờ vào địa thế hẻo lánh của mình nên trong những năm chống Pháp nơi đây trở thành căn cứ kháng chiến cho cả vùng Bình Trị Thiên. Thung lũng Ba Lòng với đất đai màu mỡ trở thành nơi canh tác của các đơn vị Vệ quốc đoàn với ngô lúa sắn khoai, để cung cấp cho lính, vừa sản xuất vừa kháng chiến. Rồi dài theo con đường chiến trận cho đến ngày hòa bình, ai cũng lo tập trung phát triển những đô thị, làng mạc miền xuôi, vùng đất chiến khu này do cách trở đò giang, giao thông đi lại khó khăn nên gần như bị quên lãng. Tuyến đường huyết mạch từ quốc lộ 9 vào tới xã phải băng qua sông. Nhưng đã gần 50 năm từ ngày hòa bình người dân chỉ có thể qua lại bằng cây “cầu tràn” vắt ngang sông chứ chưa có một cây cầu đúng nghĩa. Mùa khô, dân có thể qua lại nhờ cây cầu này nhưng khi mưa lũ về cả vùng Ba Lòng bị cô lập hoàn toàn.
Năm ngoái, đúng ngày lũ dâng ngập cổng trường như đã kể ở trên, một bệnh nhân ở Ba Lòng phải về Bệnh viện đa khoa tỉnh chạy thận theo định kỳ nhưng không thể nào qua sông được. Chủ tịch UBND huyện Đakrông, ông Thái Ngọc Châu gọi điện thoại cháy máy cầu cứu các nơi nhưng không có cách gì để tiếp cận và đưa bệnh nhân qua sông. Với thời tiết những ngày đó, kể cả có trực thăng cũng không thể đáp xuống Ba Lòng. May sao, một ngư phủ nhiều kinh nghiệm sông nước đã chọn phương án khá mạo hiểm đã đưa được bệnh nhân qua sông giữa “cơn hồng thủy”.
Nhắc lại những câu chuyện này để hiểu thêm những thiệt thòi của vùng đất này. Và vì thế, nếu có một sự đầu tư san sẻ, dù nhỏ bé, thì với người dân nơi đây, điều đó cũng nặng trĩu ân tình. Ngay chính ngôi trường Ba Lòng mà PPG chuẩn bị triển khai dự án “Sắc màu cộng đồng” cũng là một minh chứng như thế. Cả cụm trường gồm hai cấp học gồm tiểu học và trung học cơ sở đều là những ngôi nhà được xây dựng từ nhiều thời điểm khác nhau, từ những tổ chức khác nhau, mỗi đơn nguyên là một kiểu kiến trúc. Có đơn nguyên xây từ nguồn ngân sách xây dựng cơ bản của ngành giáo dục, nhưng có đơn nguyên được xây từ dự án phi chính phủ hay một công trình thiện nguyện của một tổ chức nào đó quan tâm tới Ba Lòng.
Trên những bức tường của phòng học có gắn những tấm biển ghi nguồn gốc như “Công trình trường THCS Ba Lòng do hai chính phủ Việt Nam và Phần Lan tài trợ, khởi công tháng 5/2004; hoàn thành tháng 10/2004”, một đơn nguyên khác có tấm biển khá dài dòng “Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha - Tổ chức PLAN Việt Nam và cộng đồng hợp tác thực hiện - Dự án hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bão số 9 - Ketsana quay trở lại trường học - tháng 10/2010”… Nhìn tên tuổi các quốc gia gắn trên những phòng học, ai đó buột miệng nói đùa “Ba Lòng là trường… quốc tế”. Và bây giờ, dự án “Sắc màu cộng đồng” mà PPG mang đến cho Ba Lòng cũng là một dự án quốc tế, trường Ba Lòng sẽ là một trong số 313 dự án đã được hoàn thành trên 41 quốc gia toàn cầu của PPG.
Tất cả những phòng học ở tầng một của cụm trường đã bị ngập ố vì phù sa ngâm đã đành, mái hành lang kết nối các phòng học vốn xây dựng đã lâu cũng bị ngâm nước bong tróc, mốc đen lên từng đám. Những đơn nguyên xây ở vị trí thấp nước lũ ngập quá tầng 1, tràn lên sàn tầng 2. Với 24 phòng học, 15 phòng chức năng, 2 thư viện, tất cả đã được PPG quyết định sơn mới với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Ngay khi kỳ nghỉ hè năm học 2020 - 2021 bắt đầu, tranh thủ thời gian các học sinh nghỉ học, đơn vị thi công đã tập trung chạy đua kịp hoàn thành công trình trước ngày khai giảng. Và dù công việc đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, từ việc vận chuyển khối lượng sơn từ Australia về, nhân lực thi công, những trở ngại do thời gian thi công công trình, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực phải thực hiện giãn cách nhưng lời hứa với thầy và trò về ngôi trường mới đầu năm học không thể sai hẹn. Những ngày hè, anh em các nhóm thợ đang dốc sức khoác áo mới cho ngôi trường giữa chiến khu. Những đơn nguyên xây nhiều giai đoạn, mỗi màu tường có một màu sơn khác, mỗi ô cửa một thiết kế khác, giờ thì tất cả được làm mới bằng màu vàng chanh trẻ trung và năng động, những ô cửa với màu xanh lam mới tinh, khi mở cửa ra cũng là kết nối ánh nhìn của các em với vòm cây và khung trời xanh thẳm bên ngoài. Và thật kỳ lạ, từ những đơn nguyên với màu sắc khác nhau, nay tất cả được phủ chung một màu sơn, khiến toàn bộ quần thể cụm trường như rộng thêm ra, hòa hợp trong một không gian nhiều cây xanh và nổi bật sắc vàng sáng tươi giữa núi rừng miền đất chiến khu.
Chúng tôi đã trở lại với trường TH&THCS Ba Lòng ngay trong ngày khai giảng. Buổi bàn giao công trình được tổ chức online, những hình ảnh của ngôi trường mới truyền qua internet chắc chắn không mô tả trọn vẹn màu sắc tươi sáng trong các phòng học, nhưng niềm vui của cộng đồng PPG thì quá trọn vẹn. Bởi đây là công trình thứ hai ở Việt Nam kể từ năm 2019, khi dự án “Sắc màu cộng đồng” tiến hành sơn lại trường Tiểu học Thới Lai (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) với 22 phòng học, 1 phòng đọc xanh ngoài trời. Và công trình này được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh vây bủa, đường sá xa xôi, núi non hiểm trở, khối lượng công việc quá nhiều cho một công trình không đồng nhất về hạ tầng, kiến trúc… Nhưng với tấm lòng tri ân cho vùng đất từng chịu nhiều hy sinh, những khó khăn đó đã không ngăn được những người PPG đúng hẹn với thầy trò về tấm áo mới cho một năm học mới.
Chủ tịch UBND huyện Đakrông, ông Thái Ngọc Châu không nén nỗi sự xúc động khi chứng kiến toàn bộ cụm trường vốn thiệt hại quá nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng trong mùa lũ năm ngoái nay trở nên mới mẻ xinh đẹp, điều mà chỉ vài tháng khó có thể hình dung được: “Ngôi trường được sơn mới, xinh đẹp có ý nghĩa rất lớn với nhân dân vùng chiến khu Ba Lòng, không chỉ là chuyện đảm bảo cơ sở vật chất cho chuyện dạy và học của thầy trò nhà trường mà còn góp phần động viên học sinh đến lớp, ngôi trường đẹp và thân thiện sẽ tạo tâm lý khiến học sinh thích đi học hơn, giảm tỷ lệ bỏ học, trong khi vấn đề bỏ học ở học sinh miền núi đang là một thách thức với ngành giáo dục. Đặc biệt, không chỉ sơn lại ngôi trường cũ kỹ trở nên tươi đẹp mà đại diện PPG còn kết nối với các doanh nghiệp khách hàng của mình để tài trợ cho trường Ba Lòng thay mới 2.000 mét vuông tôn để thay cho mái bằng tôn cũ nay đã gỉ sét, thấm dột. Những ân tình đó chắc chắn thầy trò và phụ huynh của nhà trường sẽ không thể nào quên”.
Nếu niềm vui của tuổi thơ học trò là tấm áo mới được may vào đầu mỗi năm học thì trong năm học này tấm áo mới của trường TH&THCS Ba Lòng còn lớn hơn thế, nó là tấm áo mới sáng bừng rực rỡ và ấm áp giữa núi rừng, mang lại niềm vui cho hơn 450 học sinh và gần 50 giáo viên của ngôi trường trên chiến khu xưa.
Một món quà trao cho ai đó luôn là niềm vui từ hai phía, người cho và người nhận. Nhưng với một nơi như Ba Lòng hay ở những vùng miền xa xôi hẻo lánh nói chung, mỗi ân tình trao dâng luôn được nâng niu ghi lòng tạc dạ, niềm vui ấy luôn được nhân lên gấp bội, bởi nó gieo vào lòng người nơi chiến khu xưa niềm tin yêu trìu mến, rằng mình đã không bị lãng quên!
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)