Trở lại ngôi trường nơi vùng biên

Tú Linh |

Hơn một năm sau ngày cơn lũ quét kinh hoàng ập về bao vây Trường Tiểu học &THCS Hướng Việt, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi có dịp trở lại nơi này, mang theo những yêu thương đến với thầy trò ở đây. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây theo hướng Khe Sanh - Hướng Việt thời điểm này hai bên hoa lau nở trắng, báo hiệu tiết trời nay đã yên bình, không còn mưa lũ nguy hiểm để thầy cô và học sinh của trường có được một năm học bình yên.

Hồi sinh sau cơn lũ dữ

Dọc đường đến Hướng Việt, những điểm sạt lở ta luy âm, dương nghiêm trọng do cơn lũ lịch sử tháng 10/2020 để lại đã được sửa chữa chắc chắn, màu xi măng còn tươi mới. Đây đó còn vài đội công nhân vẫn tiếp tục miệt mài sửa chữa đường. Những ngọn núi năm trước mang nhiều vết thương nham nhở trên mình vì sạt lở nay đã liền da với màu xanh của cỏ dại và cây rừng. Khi ô tô đổ gần hết đèo Sa Mù, Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt hiện ra trong tầm mắt càng gần hơn, nổi bật giữa thung lũng bao quanh là núi non trập trùng. Những âm thanh bay bổng của học sinh trong giờ học nhạc, tiếng đọc bài ngân nga giữa núi rừng nơi biên cương gợi lên những giờ học bài rất hào hứng, sôi nổi.

Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt ngày càng khang trang, sạch đẹp -Ảnh: T.L
Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt ngày càng khang trang, sạch đẹp -Ảnh: T.L

Tại điểm trường chính ở trung tâm xã, dù nhà trường đã cố gắng dọn dẹp tươm tất, sạch đẹp nhưng dấu vết của cơn lũ hung hãn năm trước vẫn còn in dấu với từng đoạn tường rào gãy đổ quanh trường chưa được dựng lại. Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt Nguyễn Văn Tý bùi ngùi nhớ lại, vào đêm 17 rạng sáng 18/10/2020, mưa lũ lớn làm dãy núi Ka Lóc nằm phía sau thôn Xa Đưng bị sạt lở nặng, đổ xuống, nước lũ và bùn đất tràn về vùi lấp nhiều nhà dân trong thôn, lấp luôn cả khu trung tâm xã Hướng Việt, trong đó có Trường Mầm non, Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, nơi có nhiều giáo viên đang ở lại trong khu tập thể.

Nước rút, trung tâm xã, nhà trường và dãy nhà tập thể bị ngập sâu trong bùn từ 0,5- 1,2 m. Các phòng học và bàn ghế học sinh bùn dày quánh từng lớp; sân chơi, dụng cụ dạy học, sách vở của học sinh hư hại nặng, vùi lấp dưới lớp bùn non. Hướng Việt là ngôi trường bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ dữ cuối tháng 10/2020 ở Quảng Trị. Để khắc phục, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, lực lượng quân đội cùng hàng trăm đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Trị huy động gần một nghìn ngày công giúp trường dọn dẹp bùn đất, khơi thông các lối đi, xóa bỏ các điểm ách tắc nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường. Trước những khó khăn ngổn ngang đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường luôn nỗ lực cố gắng để ổn định sớm nhất công tác dạy và học, các thầy cô giáo đến từng nhà, vào các bản làng động viên học sinh trở lại học. Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, một tháng sau cơn lũ quét, nhà trường đã đón được học sinh đi học trở lại bình thường.

Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt tại khu trung tâm và điểm lẻ năm học này có tất cả 27 giáo viên, 14 lớp, hơn 300 học sinh với 100% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Bây giờ mỗi ngày đường đến trường của học sinh Hướng Việt đã bớt gập ghềnh hơn, các em được tặng sách vở đầy đủ để học; áo quần đồng phục đến trường sạch đẹp; áo ấm được nhiều cá nhân, tổ chức quyên góp hỗ trợ để mùa Đông của các em trở nên ấm áp hơn; có phòng máy tính để học, thư viện được bổ sung thêm đầu sách mới thay cho những quyển sách bị lũ làm hư hỏng…

Từ cuối năm trước, trường đã được đầu tư xây dựng ngôi nhà 2 tầng để làm bếp ăn tập thể và phòng ở cho giáo viên cũng như được tặng nhiều trang thiết bị dạy học và đồ dùng học sinh trị giá hàng tỉ đồng. Mới đây, trường lại tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm khu tập thể giáo viên gồm 8 phòng đáp ứng đủ nhu cầu ở tập thể cho các thầy cô giáo.

Giáo viên nhiệt huyết với nghề

Nhiều giáo viên của trường đã có thời gian công tác rất lâu tại miền núi, vùng cao như thầy Trương Công Sơn, Dương Thanh Trường, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng... Vì tình yêu thương đối với học sinh nơi vùng biên viễn này, thầy Sơn quyết định gắn bó lâu dài với Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt từ mấy chục năm nay. Thầy đã chuyển gia đình từ Hải Lăng lên sinh sống cạnh trường. Thầy Sơn chia sẻ, đến với học sinh vùng cao, người thầy không chỉ đơn thuần dạy học, mà phải luôn gần gũi, hỗ trợ học sinh mọi lúc, mọi nơi. Người thầy còn phải truyền động lực, cảm hứng để các em học tập, vươn lên thay đổi hoàn cảnh nghèo khó.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều -Ảnh: TL
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều -Ảnh: TL

Yêu thương học sinh, thầy Sơn tự học tiếng Vân Kiều để hiểu và luôn chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của các em, kịp thời hướng các em phát triển đúng khả năng của mình. Cùng với dạy chữ, thầy còn cắt tóc, cắt móng tay, bao lại sách vở, kèm cặp các em học hành... Có lần vì mẹ ốm nên một học sinh nam lớp 5 mặc quần rách đến trường, quần lại không có cúc. Thấy vậy, thầy Sơn lấy kim chỉ chuẩn bị sẵn trong cặp rồi khâu lại quần cho em học sinh này. Vừa khâu, thầy vừa hỏi han, động viên học sinh cố gắng chăm học. Việc làm của thầy Sơn khiến những người chứng kiến hôm đó vô cùng xúc động. Thầy luôn thấu hiểu từng học sinh của mình với mong muốn các em được đến trường học tập để trang bị thêm nhiều kiến thức giúp ích cho cuộc sống.

Thầy Bùi Văn Phước, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường đã có 18 năm dạy chữ tại vùng cao này. Gia đình ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, cách xã Hướng Việt hơn 3 giờ đi xe máy nhưng thầy vẫn về nhà vào mỗi dịp cuối tuần. Nhiều khi thời tiết xấu, thầy bị kẹt lại trường 2 đến 3 tuần mới về thăm được nhà. Năm học này thầy Phước chủ nhiệm lớp 6. Yêu thương học sinh như con, ngay từ đầu năm học, thầy đã tìm hiểu hoàn cảnh mỗi học sinh kỹ càng để theo sát các em, có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời khi các em gặp khó khăn về học tập cũng như trong cuộc sống.

Mỗi khi biết học sinh có ý định bỏ học đi làm rẫy, thầy lập tức đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, dỗ dành các em trở lại trường. Thỉnh thoảng vào các dịp lễ hay cuối học kỳ, thầy tổ chức nấu bún bò hay cháo chiêu đãi học sinh lớp mình chủ nhiệm. Mỗi lần về nhà lên, có món đồ dùng học tập đẹp, sách vở hay thầy đều mua tặng học sinh để khích lệ tinh thần học tập của các em và không quên mang theo rau củ, thực phẩm tặng bếp ăn của giáo viên trong trường.

Bếp ăn đặc biệt

Khu tập thể của trường có 5 gia đình tự nấu ăn riêng, gần 20 giáo viên còn lại tổ chức bếp ăn chung. Mỗi ngày có 2 giáo viên phụ trách đi chợ nấu ăn. Hôm chúng tôi đến, thầy Phước là một trong hai người đến phiên nấu cơm. Vừa xong tiết dạy thứ tư buổi sáng, chỉ kịp về phòng tập thể cất giáo án và bảng tên là thầy vội vàng xuống bếp ăn. Trưa đó, ngoài các món ăn theo suất định sẵn, thầy Phước còn linh động chế biến thêm món thịt vịt kho sả ớt đãi khách.

Phó hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng chia sẻ, là thành viên thường xuyên của bếp ăn, cô luôn cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương và đoàn kết mà tập thể giáo viên dành cho nhau. Khác với các trường trong huyện, giáo viên đi dạy rồi về nhà trong ngày, Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt xa xôi nên đa số giáo viên từ đồng bằng lên công tác ở lại từ 1 đến 2 tuần mới về với gia đình. Điều này khiến nhà trường và chính quyền địa phương luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhất là những người ở khu tập thể. Vì vậy, bếp ăn tập thể giáo viên rất có ý nghĩa, là nơi gắn kết tình yêu thương của những thầy cô giáo đang dạy chữ ở vùng cao biên giới, góp phần giúp thầy cô từng bước vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Bữa cơm tập thể của giáo viên nhà trường -Ảnh: TL
Bữa cơm tập thể của giáo viên nhà trường -Ảnh: TL


Bếp ăn tập thể do thầy cô giáo tự đóng góp tiền ăn mỗi tháng được trích từ lương của mình. Vì điều kiện còn nhiều thiếu thốn nên giáo viên phân công nhau cùng nấu cơm, dọn dẹp vệ sinh khu bếp tập thể chứ không có tiền để thuê người phục vụ. Tuy phân công như vậy nhưng các giáo viên thường tranh thủ lúc trống tiết chủ động xuống bếp giúp anh em, người thì nhặt bó rau, người thì bóc củ hành… để bữa cơm thêm đúng giờ và ấm áp. Cũng vì điều kiện xa trung tâm huyện nên nhiều khi thực phẩm mua đầu tuần lưu trữ đến cuối tuần đã bị hỏng hết, giáo viên lại phải trông chờ vào những chiếc xe bán thức ăn từ miền xuôi lên với giá cả khá cao. Thầy cô luôn phải tính toán phù hợp, thu xếp khéo léo để những bữa ăn được đủ chất, ngon miệng, đảm bảo sức khỏe phục vụ công tác.

Gần 20 năm trước, xã Hướng Việt được thành lập và ngôi trường mang tên Hướng Việt đã ra đời. Biết bao thế hệ học sinh con em người dân tộc thiểu số ở Hướng Việt được học tại ngôi trường này, không ít em đã trưởng thành trở lại góp sức xây dựng quê hương. Ở nơi biên giới xa xôi, vất vả nhưng các thầy cô giáo ở đây không bao giờ chùn chân, nản chí, luôn cần mẫn dạy từng con chữ cho các thế hệ học sinh thân yêu của mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tặng 410 áo ấm cho Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt

Tú Linh |

Thông qua kết nối của phóng viên Báo Quảng Trị, ngày 4/11, Tập đoàn Công nghệ MK tại Hà Nội tặng 410 áo ấm với trị giá 40 triệu đồng cho thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là lần thứ 2 đơn vị tặng quà cho nhà trường.    

Tấm lòng của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hướng Việt

Ngọc Trang |

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm vừa gửi thư cảm ơn và khen ngợi 3 hộ gia đình ở tỉnh Quảng Trị đã tự nguyện hiến tặng đất để xây dựng trụ sở và nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ công an xã. Trong số hộ được bộ trưởng khen có gia đình anh Hồ Văn Minh, người dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Bản thân anh Minh là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hướng Việt, luôn được người dân trong xã quý mến, đồng nghiệp tin tưởng, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của cộng đồng.

Hướng Việt đang dần hồi sinh

Thiên Sơn |

Trong đợt mưa bão cuối năm 2020, xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) là địa phương bị lũ quét gây hậu quả nặng nề nhất tỉnh Quảng Trị. Nay những ngôi nhà khang trang cùng những mầm xanh mới đã trở lại trên vùng đất này, cuộc sống của người dân vùng bị thiên tai khủng khiếp đang dần ổn định.

Động thổ nhà công vụ cho giáo viên trường TH & THCS Hướng Việt

Thanh Vân - Biên Cương |

Ngày 27/12/2020, Đài PTTH Hải Phòng phối hợp với Đài PTTH Quảng Trị tổ chức lễ động thổ xây nhà ở giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt, huyện Hướng Hóa.