Mùa ruốc biển

Văn Cần |

Tháng 8 âm lịch, khi những cơn bão biển hoặc áp thấp nhiệt đới vừa đi qua, biển lặng trở lại, nước biển trong xanh hơn cũng là lúc những con ruốc biển (moi biển) bắt đầu xuất hiện ở những vùng biển lộng của các tỉnh ven biển miền Trung. Đây cũng chính là thời điểm bà con ngư dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị phấn khởi bước vào vụ ruốc.

Ngư trường và ngư cụ

Gọi là đi biển nhưng với nghề đánh bắt ruốc, việc đi biển thật đơn giản vô cùng. Ngư trường chỉ cách bờ biển tầm 1 km đến vùng nước nông dưới chân con sóng vỗ.

Nghề đánh bắt ruốc cũng khá phong phú. Với chiếc dạ nhỏ (bà con gọi là mức) và hai ngư dân dùng hai chiếc sào tre dài dầm mình kéo mức là có thể đánh bắt được ruốc. Vì vậy, cứ đến mùa ruốc là người dân có thể ra biển mà không cần chuẩn bị gì nhiều. Nhưng đánh bắt kiểu thủ công này năng suất thấp lại mất quá nhiều sức nên ngày nay bà con ngư dân ít sử dụng. Để có năng suất cao và người lao động đỡ vất vả hơn, hiện nay nghề đánh bắt ruốc chủ yếu bằng tàu, thuyền có công suất từ 10 đến 45 CV, kéo dạ hoặc te. Đặc biệt có một số chiếc tàu lắp máy gần 100 CV (tàu, thuyền công suất lớn neo đậu vùng cửa lạch).

Ngư dân được mùa ruốc -Ảnh: VC
Ngư dân được mùa ruốc -Ảnh: VC


Dạ ruốc có hình dáng như chiếc phễu, mắt lưới rất nhỏ, buộc vào hai tăng gông đặt ngang phía sau thuyền máy. Hoạt động của dạ ruốc tương tự chiếc giã cào rà sát tầng đáy. Với nghề dạ, bà con chỉ cần nổ máy, buông lưới chờ đến giờ là kéo lưới. Lâu hay mau tùy thuộc mật độ ruốc xuất hiện từng thời điểm trong ngày, nhưng thời gian bình quân mỗi mẻ lưới chừng 30 phút. Nghề dạ kéo sát tầng đáy, ruốc có lẫn tạp chất như các loại ngao, ốc, cua, nghẹ và cá nhỏ, do đó chủ yếu làm nguyên liệu cho ruốc nhồi (ruốc bột).

Khác dạ ruốc, với nghề te ruốc, ngư dân sử dụng chiếc lưới có hình dáng như chiếc vó được gắn vào hai tăng gông đặt trước mũi thuyền. Khi gặp luồng ruốc, người dân sẽ hạ chiếc te xuống để xúc, sau đó cất te đưa ruốc lên thuyền. Nghề te chỉ xúc ruốc ở tầng nổi nên ruốc sạch, không có thứ gì lẫn lộn. Khi mới cất lên, ruốc te hồng tươi lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.

Làm nghề te khác nghề dạ ruốc. Người làm nghề te ruốc phải giàu kinh nghiệm và đôi mắt tinh tường. Ruốc ở tầng nổi thường tập trung từng đàn có màu đỏ sẫm. Ngư dân tập trung quan sát, nhìn sâu vào trong làn nước để tìm bầy ruốc. Khi phát hiện được bầy ruốc, chỉ cần hạ tăng gông phía trước mũi thuyền là xúc được. Có những mẻ, ngư dân xúc được vài ba tạ ruốc. Nếu được mùa, chỉ cần đánh bắt vài ba giờ đồng hồ, khi cập bến mỗi thuyền thu được 2 - 4 tấn ruốc. Những tàu, thuyền có công suất lớn đầu tư cả hai nghề te và dạ ruốc, sản lượng thu được cũng cao hơn.

Vào mùa đánh bắt

Tháng 8 âm lịch, khi thời tiết đổi mùa, những cơn gió Lào rát bỏng nhường chỗ cho ngọn gió đông từ biển khơi hây hẩy thổi vào cũng là lúc báo hiệu mùa te ruốc bắt đầu. Đặc biệt, sau thời điểm những cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đi qua, mặt biển êm và trong xanh trở lại là ruốc xuất hiện nhiều. Ngư dân thường quan niệm rằng ruốc được sinh ra từ bọt biển. Điều này không biết có đúng hay không nhưng cứ mỗi khi bão tan là lúc ruốc biển sinh sôi.

Theo kinh nghiệm của bà con ngư dân, ruốc biển thường xuất hiện dày đặc vào lúc bình minh ở vùng biển lộng, cách bờ chưa đầy gần 1 km. Lúc này con ruốc nổi lên, bơi vào bờ rất nhiều nên cũng dễ đánh bắt. Đặc biệt vào thời điểm con nước thủy triều bắt đầu lên hoặc xuống là lúc ruốc dày đặc đi thành đàn. Chỉ cần khoắng tay xuống biển, ai cũng có thể dễ dàng bắt được ruốc.

Ngày mùa, ngư dân đánh bắt ruốc không kể thời gian, cứ đầy khoang thuyền là có thể vào bờ để bán, sau đó lại tiếp tục ra biển. Nếu thời tiết thuận lợi, ngư dân có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm không nghỉ. Thương người dân quanh năm lam lũ, thường mỗi năm một vụ, mẹ thiên nhiên ưu đãi cho ngư dân lượng ruốc dồi dào, đánh bắt bao nhiêu cũng không hết. Tuy nhiên, không phải năm nào bà con ngư dân cũng trúng mùa ruốc. Làm nghề ngư không khác nghề nông, năm được năm mất mùa là quy luật của tự nhiên.

Ông Hoàng Văn Phiến ở thôn Hà Lợi Thượng, xã Gio Hải, huyện Gio Linh là người làm biển lâu năm cho biết: “Mặc dù khá vất vả nhưng vào mùa đánh bắt ruốc đã đem lại thu nhập đáng kể cho bà con ngư dân bãi ngang. Mỗi năm xã Gio Hải đánh bắt được khoảng 300 tấn ruốc tươi. Nhờ đó, thu nhập của bà con được tăng lên, đồng thời rút ngắn thời gian giáp hạt của nghề biển…”.

Vào những ngày chính vụ, nếu đi dọc bờ biển từ Vĩnh Thái đến Mỹ Thủy hoặc các vùng biển bãi ngang trên dải đất miền Trung, đâu đâu cũng thấy bà con ngư dân đánh bắt ruốc. Thuyền bè tấp nập, san sát bên nhau, chiếc ngược chiếc xuôi như thoi đưa, miệt mài thêu dệt trên tấm thảm màu xanh của biển. Những đàn hải âu không cần kiếm ăn ở những vùng biển khơi mà kéo về đây cùng tham gia bữa tiệc lớn. Sóng êm, biển lặng, trời xanh trong và những cánh hải âu đẹp đến nao lòng, hình ảnh đó khiến chúng ta yêu hơn biển quê hương mình…

Lộc biển được chia đều

Sau vài ba giờ, có khi nửa ngày đánh bắt, tùy theo lượng ruốc thu được, thuyền cập bến để tiêu thụ sản phẩm. Mỗi thuyền thu được chừng 5 tạ đến hàng tấn ruốc tùy theo con nước. Ruốc được thương lái tới mua ngay tại bờ biển với giá khoảng 10 - 12 ngàn đồng/1 kg. Giá cao hay thấp còn tùy vào độ tươi và chất lượng con ruốc.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi đánh bắt ruốc -Ảnh: VC
Ngư dân chuẩn bị ra khơi đánh bắt ruốc -Ảnh: VC

Bà Trần Thị Xây, thôn Tân Hải, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, chủ cơ sở chế biến hải sản cho biết: “Mỗi năm cơ sở tôi thu mua được gần 100 tấn cá, ruốc các loại làm nguyên liệu chế biến. Những năm được mùa, tôi đầu tư thêm hệ thống bể chứa, thuê thêm nhân công, tăng năng lực sơ chế, liên tục ủ phơi để làm nguyên liệu sản xuất dần”.

Ngoài các cơ sở chế biến lớn, hầu như gia đình nào ở các vùng biển bãi ngang cũng chế biến ruốc bột, ruốc khô. Để được 1 kg ruốc bột phải cần đến 3 kg ruốc tươi. Đối với ruốc khô tỉ lệ còn cao hơn. Việc chế biến ruốc bột ngày nay có phần đỡ vất vả hơn. Nếu ngày trước, người dân giã bằng chày chỉ được vài chục cân ruốc bột, nay nhờ những chiếc máy chạy bằng động cơ điện có thể xay hàng tạ ruốc thành phẩm mỗi ngày. Ruốc xay bằng máy bột mịn, đều, sắc màu đỏ tươi.

Tuy đánh bắt ở vùng biển gần bờ nhưng mỗi lần ra biển phải lao động liên tục nên ngư dân khá vất vả. Bù lại, mỗi ngày bà con thu nhập được hàng triệu đồng. Vào mùa, ngư dân ví nghề đánh bắt ruốc như “hái lộc” biển. Mẹ thiên nhiên không thiên vị, ban phát khá đều đặn cho mỗi nhà. Ai có sức, yêu lao động, có ngư cụ dù thô sơ hay hiện đại đều có thu nhập.

Vào vụ ruốc, khắp xóm làng nhộn nhịp, đông vui. Người người đi biển, nhà nhà chế biến ruốc. Ở những nơi có thể đều được tận dụng làm sân phơi. Sản phẩm được chế biến từ ruốc biển khá phong phú, bao gồm ruốc bột, ruốc khô, ruốc chua, nước mắm ruốc…

Những sản phẩm được chế biến từ ruốc biển có giá trị dinh dưỡng cao, giàu đạm, là món ăn phổ biến của người Việt Nam. Dù không phải sơn hào hải vị nhưng những món quà của biển được làm từ ruốc như nước mắm ruốc cốt (loại đặc biệt) hoặc ruốc chua, ruốc phơi khô, ruốc bột đã nhồi chín có mùi thơm ngọt khiến nhiều người thưởng thức một lần đều không thể nào quên. Mùa này, những cơn bão đến rồi sẽ đi. Ruốc tiếp tục sinh ra từ bọt biển, nhưng có được những sản phẩm làm từ ruốc đậm đà, hương vị thơm ngon nhất thiết phải kết tinh từ công sức lao động của bao người…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ngư dân phấn khởi trở lại vươn khơi, bám biển

Lưu Hương |

Trong thời gian tạm đóng cửa các cảng cá, ngư dân tranh thủ tu sửa lại tàu thuyền,vá lưới... Đến nay được trở lại vươn khơi, bà con ngư dân kỳ vọng chuyến biển trúng luồng tôm cá, để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Vĩnh Linh: Ngư dân bãi ngang được mùa ruốc biển

Nguyễn Trang |

Sau thời gian tạm dừng các hoạt động khai thác do ảnh hưởng cơn bão số 5 và mưa lớn kéo dài, những ngày này, ngư dân vùng bãi ngang huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tiếp tục ra khơi đánh bắt thủy hải sản và phấn khởi vì được mùa ruốc biển.

Ngư dân thả đồi mồi quý hiếm về biển

Tây Long |

Ngày 21/9/2021, theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ, ngư dân trên địa bàn vừa thả một con đồi mồi quý hiếm về biển.

Ngư dân ngừng ra khơi để phòng chống dịch

V.T |

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều cảng cá đã ngưng hoạt động, đồng nghĩa với đó là chuỗi sản xuất của ngư dân đã bị đứt gãy, tàu cá phải neo bờ. Trước thực tế này, nhiều giải pháp cấp bách được các địa phương và ngành chức năng đưa ra, trong đó trước mắt là điều chỉnh lộ trình cập bến cho tàu cá từ những cảng cá nằm trong vùng nguy cơ cao sang những cảng cá nằm trong vùng an toàn.