Những nữ nhân sáng lập các làng ở Quảng Trị

Nguyễn Việt Hà |

Qua sử liệu cho thấy các cuộc di dân vào Quảng Trị của người Việt thời bấy giờ đã thành lập 173 xã cổ có trước đời chúa Nguyễn Hoàng (1075-1558). Từ đời Nguyễn Hoàng về sau, giai đoạn (1558- 1776) thành lập thêm hàng chục tổng và xã cổ khác. Trong các xã, làng cổ đó có nhiều nữ nhân đã trầm trải nắng mưa để lập ra các làng mạc. Trong bài viết này xin được giới thiệu 3 vị nữ nhân tiêu biểu ở một số làng.

* Bà Đày Tôn thần ở làng Mộc Đức, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ

Làng Mộc Đức có địa thế “Tiền thủy hậu chẩm”, mặt hướng ra dòng sông trong xanh, lưng tựa vào cánh đồng màu mỡ. Xưa làng có tên là Thuận Đức và thuộc tổng An Lạc. Mộc Đức hiện nay là 1 trong 10 thôn của xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ.

Theo gia phả các họ tộc trong làng, người có công khai khẩn ra làng là một nữ nhân đến từ vùng Thanh- Nghệ, sau này được dân làng vinh danh là Tiền Tiền khai khẩn, tự hiệu: Bà Đày Tôn thần. Hiện nay ở đình làng và 3 miếu thờ các vị khai khẩn, khai canh ra làng, trong đó có miếu thờ Bà Đày Tôn thần. Theo lời các vị cao niên thì tên hiệu bà Đày gắn liền về sự tích của một gia thế lớn ở vùng Thanh-Nghệ. Do chồng bà chống đối Triều đình nên bị hại chết, riêng bà và gia quyến thì bị đày vào xứ Đàng Trong. Khi đến đây thấy sông nước hữu tình nên bà đã cùng thân tín dừng lại để định cư lâu dài. Đến nay, hàng năm Thập nhị tôn phái trong làng Mộc Đức đều cung kính tổ chức nghi lễ trọng tại miếu thờ để tỏ lòng tôn quý đến người sáng lập ra làng.

Ảnh Minh họa
Ảnh Minh họa

* Các vị nữ Thành hoàng của làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong

Theo một số cổ sử thì làng An Mô được lập từ sau khi Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp ở Đàng Trong. Hiện trong các văn tế của làng khi nói về các vị Thành hoàng và tiền khai khẩn, hậu khai canh thì danh hiệu Thành hoàng được nhắc đến khi tế lễ là “Bổn thổ Thành hoàng dực vận hoà chung chính nghi siêu thông tôn thần” và “Thành hoàng Bổn thổ chi thần”. Đó là nói đến 2 vị nữ nhân được phong làm Thành hoàng của làng.

Qua tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu thì vị Thành hoàng thứ nhất được sắc phong “Thành hoàng Bổn thổ chi thần” là quý nương phu nhân họ Mạc- Bà Mạc Thị Giáo. Câu chuyện gia thế của bà cũng gắn liền với lịch sử phân tranh giữa các họ Lê- TrịnhMạc và Nguyễn Hoàng. Tương truyền bà là vợ con trai thứ 6 của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên. Khi Nguyễn Hoàng vào lập Dinh Ái Tử (Triệu Phong ngày nay), Nguyễn Phúc Nguyên được giao một số dân binh khai phá lập ấp ở các vùng lân cận. Về sau để tưởng nhớ công ơn của bà, dân vùng này tôn bà là Thành hoàng. Hiện nay miếu thờ của bà đối diện với miếu khai khẩn thờ Lục tộc Thủy tổ của làng, trong khu vực chùa làng An Mô.

Vị Thành hoàng thứ hai của làng An Mô là bà Phạm Thị Còng, con gái ngài đại tổ Phạm Văn Đạo. Bà đã cùng ông nội và cha vào vùng đất Thuận Hóa để khai phá lập nên phường Độ Mô (An Mô bây giờ). Tương truyền bà đã có công cứu chúa Nguyễn Hoàng thoát nạn trong một trận đánh với quân Trịnh. Sau sự kiện này bà được Nguyễn Hoàng phong cho chức: “Thị giá Phu nhân”. Năm Gia Long thứ 18 (1819), để ghi nhớ công ơn của những người có công với nhà Nguyễn, triều đình đã sắc phong khai khẩn làng An Mô cho bà Phạm Thị Còng và sau đó phong lên làm Thành hoàng làng An Mô với tước hiệu: “Bản thổ Thành hoàng dực vận hòa chung chính nghi siêu thông tôn thần... Hiện nay, mộ của bà ở làng An Mô, trên văn bia có ghi dòng chữ: “Sắc khai khẩn thị tòng phu giá mệnh phụ trứ phong trinh uyển dực bảo trung hưng Phạm quý nương tôn thần chi mộ”. Ngày 24 tháng 11 âm lịch hằng năm là ngày giỗ của bà, được tổ chức trang trọng tại nhà thờ họ Đỗ. Vào lễ Đại tự cầu an hằng năm, dân làng An Mô tổ chức tế lễ tại đình làng, trong đó có ghi nhớ công ơn các vị tiền khai khẩn và Thành hoàng làng An Mô.

* Bà Tiền Tiền khai khẩn Trần Thị Cao làng

Phước Thị, xã An Mỹ, huyện Gio Linh Phước Thị là một làng cổ của tỉnh Quảng Trị, phía Bắc của làng được bao bọc bởi nguồn nước từ hồ thủy lợi Hà Thượng đã đi vào ca dao xưa: “Tam Sơn chảy xuống ba Hà/ qua đình Hà Thượng chảy ra sông Cánh Hòm”.

Theo Phủ biên tạp lục của tác giả Lê Quý Đôn, làng Phước Thị được thành lập khá sớm cùng với các làng như An Mỹ, Nhĩ Thượng, Thủy Khê-thuộc tổng An Mỹ, châu Minh Linh, tỉnh Quảng Trị. Làng được hình thành khoảng vào thế kỷ thứ 15, 16 bởi các dân binh vùng Thanh-Nghệ vào Đàng Trong mở cõi. Theo các gia phả, làng Phước Thị có được như ngày hôm nay là nhờ công đức của bà Tiền Tiền khai khẩn Trần Thị Cao-một nữ nhi can trường đã khai canh điền địa, tạo dựng hương thôn. Tương truyền khi mới đến xứ Đàng Trong, nơi bà dừng chân là vùng Cây Thị, xứ Châu Thị, tuy nhiên do nơi đây lam sơn chướng khí, giặc giã hoành hành nên bà xuôi về hướng Đông lập nên xứ Xuân Thị. Một thời gian sau trên đường đi hành binh vào Nam, có ông Nguyễn Xuân Quý dừng chân ở Xuân Thị, gặp bà Trần Thị Cao và kết nghĩa phu thê. Tương truyền ông Nguyễn Xuân Quý quê ở làng Phúc Thị, Từ Liêm, Hà Nội bây giờ. Vì muốn kết hợp tình quê nơi cố quận và vùng đất mới nên 2 ngài đã đổi tên làng Xuân Thị trở thành làng Phước Thị. Hằng năm vào 25 tháng chạp, người làng Phước Thị trọng vọng tổ chức ngày giỗ của Ngài Tiền Tiền khai khẩn để nhớ công đức của bà và đây cũng là một trong 4 lễ lớn trong năm của làng Phước Thị. Hiện nay, miếu thờ của bà nằm bên cạnh miếu thờ Thành Hoàng bổn thổ làng, phía trước đình làng Phước Thị.

Với những vị nữ nhân có công lớn với làng mạc cũng vậy, hậu thế và lịch sử luôn ghi ơn, tôn quý họ như những vị thần của làng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mùa ruốc biển

Văn Cần |

Tháng 8 âm lịch, khi những cơn bão biển hoặc áp thấp nhiệt đới vừa đi qua, biển lặng trở lại, nước biển trong xanh hơn cũng là lúc những con ruốc biển (moi biển) bắt đầu xuất hiện ở những vùng biển lộng của các tỉnh ven biển miền Trung. Đây cũng chính là thời điểm bà con ngư dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị phấn khởi bước vào vụ ruốc.

Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng…

Yên Mã Sơn |

 “Mộng dưới hoa” là một tình ca có nội dung tuyệt đẹp và rất lãng mạn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cái đẹp và lãng mạn của bài hát này được thừa hưởng từ bài thơ thời tiền chiến của thi sĩ Đinh Hùng. Và hẳn nhiên, không ít người đã mơ được đi dạo dưới những khung trời hoa mộng như thế.

Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn

Đại tá Phan Đức Quý |

Đợt công tác mùa khô 2005 – 2006, đơn vị chúng tôi đang tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ở bản Phôn Thoong, huyện Xay Bua Thoong, tỉnh Khăm Muộn (Lào) thì nhận được thông tin, tại bản Cút Nặm Xảy có mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.Vậy là chúng tôi gấp rút lên đường. Đường vào bản không đi được bằng xe ô tô, phải đi bộ 40 km đường rừng. Khi mặt trời vừa xuống núi thì chúng tôi cũng có mặt kịp tại bản.

Chuyện nghề quanh những đôi giày cũ

Võ Khánh Linh |

Không biết từ bao giờ, giữa dòng người ngược xuôi, người ta vẫn thường thấy nơi góc phố có những người thợ cặm cụi với những đôi giày, dép cũ. Dù nắng, dù mưa, họ vẫn ngồi đó, lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình. Qua bàn tay khéo léo của họ, những đôi giày, dép cũ bị hư hỏng đều được sửa chữa, làm mới theo ý của khách hàng...