Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn

Đại tá Phan Đức Quý |

Đợt công tác mùa khô 2005 – 2006, đơn vị chúng tôi đang tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ở bản Phôn Thoong, huyện Xay Bua Thoong, tỉnh Khăm Muộn (Lào) thì nhận được thông tin, tại bản Cút Nặm Xảy có mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.Vậy là chúng tôi gấp rút lên đường. Đường vào bản không đi được bằng xe ô tô, phải đi bộ 40 km đường rừng. Khi mặt trời vừa xuống núi thì chúng tôi cũng có mặt kịp tại bản.

Bác Trưởng bản thổi một hồi còi dài báo hiệu toàn dân bản tập hợp tại nhà Trưởng bản. Mọi người bàn luận xôn xao về liệt sĩ hy sinh tại bản thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng đã nhiều năm, người già không còn ai nữa. Tôi đề nghị dân bản cung cấp danh sách những người già trong bản mà nay đã lấy vợ, lấy chồng hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống thì được biết thêm thông tin: Có 2 cụ là nơi khác đến lấy vợ và ở lại bản, còn 1 cụ đã bị mù hơn chục năm không ra khỏi nhà.

 

Thế là có hy vọng để tìm được mộ liệt sĩ. Tôi giục bác Trưởng bản kết thúc hội nghị, nói lời cảm ơn, chúc sức khỏe bà con, rồi chúng tôi đến ngay nhà mẹ Chăn Thìn, lúc đó đã ngoài 90 tuổi, mù cả hai mắt. Nghe tiếng chúng tôi, một cô gái trẻ ra mở cửa. Bước vào nhà, thấy một bà mẹ dáng hao gầy đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, tôi bước đến gần chào mẹ. Không ngần ngại mẹ đáp luôn:

-Ừ, thông cảm, mẹ không thấy đường, nghe tin hôm nay họp bản, sao các con lại đến đây?

-Chúng con họp bản xong rồi mới có việc tìm đến mẹ, nhờ mẹ giúp chúng con với, trong kháng chiến chống Pháp bản mình có bộ đội hy sinh không mẹ?

-Bộ đội Việt Nam hy sinh tại đây thì có, còn bộ đội Lào thì không có đâu.

-Mẹ ơi, chúng con là cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam

-Hay quá, các con đưa anh Nhân về đi!

-Anh Nhân nào hở mẹ?

-Anh Nhân là bộ đội Việt Nam, hồi đó đi về bản này, thường ở trong nhà mẹ.

Ngừng lại một lúc rồi mẹ kể. Hồi đó, mẹ mới chừng 20 tuổi. Hôm đó, anh Nhân và 2 đồng chí cán bộ nữa đang tổ chức họp dân ở nhà chùa thì du kích gác bản chạy vào báo giặc Pháp đến. Dân bản bỏ chạy tán loạn. Anh Nhân vừa ra khỏi nhà chùa thì bị bắt, còn 2 đồng chí cán bộ kia thì bị địch phục kích bắn chết ở giữa ruộng. Sau đó, dân bản đưa thi thể 2 anh đi chôn ở bìa rừng. Còn anh Nhân được chôn cạnh rừng ma của bản. Mẹ bị mù cả 2 mắt đến nay hơn chục năm rồi không ra thăm anh được.

-Tội nghiệp cho anh ấy, chẳng biết cây cối có còn nữa không hay người ta đốn cả rồi, không có bóng cây chắc nóng lắm…

Giọng mẹ chùng xuống, khuôn mặt buồn bã đăm chiêu, khơi sáng ngọn đuốc, tôi thấy rõ những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má khô gầy của mẹ. Tự nhiên khóe mắt cũng cay cay…

Cầm chiếc khăn tôi xích lại gần nắm tay rồi lau nhẹ nước mắt cho mẹ. Mẹ cầm khăn chấm chấm vào hốc mắt. Mẹ nói, mẹ có khóc đâu, chỉ là mỗi lần nghĩ đến anh ấy là nước mắt lại trào ra đó thôi. Mẹ không lấy chồng, dân bản bảo mẹ bị con ma Việt Nam hút hồn đi rồi. Nay mẹ ở với cháu con của em trai để chờ ngày đi theo anh ấy thôi…Câu chuyện tình của cô gái Lào thời son trẻ với người lính tình nguyện Việt Nam đã lôi cuốn tôi đến hơn 1 giờ sáng.

Sáng hôm sau, khi chúng tôi trở dậy đã thấy mẹ ngồi chờ sẵn ở đầu cầu thang nhà bếp với chiếc áo mới và cái váy còn nguyên nếp gấp, khăn rằn cuốn trên đầu như một người chuẩn bị đi dự hội. “Mẹ chuẩn bị đi đâu mà đẹp thế?” – Tôi lỡ miệng. “Bộ đồ cháu nó mua cho mẹ để mang khi chết nhưng chưa biết chết lúc nào, hôm nay đi gặp anh ấy, mẹ phải mặc áo mới không sợ anh mắng!”. Rồi mẹ cười bỏm bẻm: “Hồi đó, mẹ mang áo đứt một hột nút mà anh ấy mắng mãi là ăn mặc xuềnh xoàng người ta cười cho…”.

Chúng tôi đưa võng xuống bảo mẹ ngồi võng chúng con khiêng đi. Mẹ mắng: “Bố chúng mày, tao đã chết đâu mà chúng mày khiêng. Có người dắt là mẹ đi được. Xuống dốc chịu khó dắt mẹ, lên dốc thì mẹ bò đi”. Mẹ bảo không xa lắm đâu nhưng đi nhanh kẻo trưa mặt trời lên cao, nắng nóng.

Thế là cứ đến chỗ xuống dốc, một người đỡ mẹ phía sau, một người phía trước, đặt từng bước chân cho mẹ, còn lên dốc thì mẹ tự bò. Nếu không có dân bản cùng đi thì chúng tôi cũng bó tay vì không biết đường nào dể dẫn mẹ.

Sau 2 giờ đi đường cũng đến khu rừng già là “rừng ma” nên cũng ít bị chặt phá. Mẹ bảo đưa mẹ đến cây săng lẻ to nhất. Bác trưởng bản dắt tay mẹ đến một cây to. Mẹ lại hỏi: “Mặt trời mọc ở đâu?”. Chúng tôi xoay tay mẹ hướng về phía mặt trời. “Mấy giờ rồi?”. “Dạ mới 9 giờ kém ạ!”. Bên phải, cây gõ đỏ 2 chồi còn không?”. “Còn đây mẹ!”. “Cách đây khoảng mấy bước?”. Mẹ hỏi như muốn kiểm tra chúng tôi. “ Cách khoảng 15 bước ạ!”. “ Ừ đúng rồi, còn bên trái có cây sến cách khoảng 5 đến 6 bước thấy không?”. “Dạ có”. “Ở đâu cầm tay mẹ chỉ xem nào?”. Tôi đưa tay mẹ chỉ về cây gõ đỏ, tay trái chỉ về cây sến. Mẹ xích qua xích lại như để xác định hướng rồi mẹ chỉ: “Đây, chỗ này, cách chỗ mẹ khoảng 5 đến 6 bước, đừng đào xa quá”.

Thế là chúng tôi người phát cây, người đào đất. Mẹ ngồi lẩm bẩm như đang nói điều gì đó với người đã khuất. Một lúc sau mẹ gọi lớn: “Anh Nhân ơi, về đi anh, anh em đồng đội đến tìm anh đây! Về nơi có người thăm, viếng, đừng ở đây giữa rừng một mình, mưa gió, rét mướt lắm anh ơi…”

 

“Đây rồi!”, một chiến sĩ hét vang lên, “có một chiếc dây”, chúng tôi sung sướng trào nước mắt. Chỉ có mẹ trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ thương: “Anh Nhân ơi, anh còn nhớ không, cứ mỗi lần nhớ anh, em lại đến đây, cùng gốc cây này nhìn anh qua nấm mộ, nay tuổi già, mắt mù, chân chậm, không đến được bên anh, May mắn có đồng đội đến tìm đưa anh về quê cha đất Tổ.

Hài cốt liệt sĩ đã được cất bốc, khâm liệm cẩn thận, chúng tôi thắp nén trầm hương kính vái, đưa anh về mà lòng rưng rưng xúc động. Ở nơi này đã khắc ghi tình yêu son sắt của một cô gái Lào với người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)

Chuyện nghề quanh những đôi giày cũ

Võ Khánh Linh |

Không biết từ bao giờ, giữa dòng người ngược xuôi, người ta vẫn thường thấy nơi góc phố có những người thợ cặm cụi với những đôi giày, dép cũ. Dù nắng, dù mưa, họ vẫn ngồi đó, lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình. Qua bàn tay khéo léo của họ, những đôi giày, dép cũ bị hư hỏng đều được sửa chữa, làm mới theo ý của khách hàng...

Hành trình hơn 10 năm đi tìm mẹ đẻ

Thanh Bình |

Do hoàn cảnh chiến tranh, một người phụ nữ ở thôn Trường Thọ, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng mang thai rồi sinh con ngoài ý muốn. Vì định kiến xã hội ngày đó, chị quyết định cho đi khúc ruột của mình.

Hoa Quảng Trị

Xuân Đức |

Có thể ai đó sẽ cười mỉm khi đọc cái tên đề bài viết này. Có thể họ nghĩ rằng dạo này tôi thích “tự sướng”, hay ít ra cũng nghĩ tôi đã bị lây bệnh “nổ”. Bởi như một thói quen đến mức thâm căn cố đế khi nói đến Quảng Trị lại cứ phải xứ “Ô châu ác địa”, là “truông dài rú rậm”, “thâm sơn cùng cốc”, “cát trắng gió Lào”. Rồi thì là, đất lửa, đất thép, nghĩa địa và nghĩa trang v.v... 

Cái chết bất tử của người nữ du kích tuổi 20

Văn Tuyên |

Đó là Lê Thị Thỏn sinh năm 1926 (cách đây 80 năm) nhưng cho tôi được gọi chị. Bởi lẽ đúng là nếu không có hoạ xâm lăng của thực dân đế quốc, thì nay Lê Thị Thỏn đã ở tuổi cố tuổi bà. Nhưng vì quê hương đất nước, chị đã anh dũng hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi. Mà người chết thì không già. Nghĩa là chị vẫn mãi mãi tuổi 20.