Cái chết bất tử của người nữ du kích tuổi 20

Văn Tuyên |

Đó là Lê Thị Thỏn sinh năm 1926 (cách đây 80 năm) nhưng cho tôi được gọi chị. Bởi lẽ đúng là nếu không có hoạ xâm lăng của thực dân đế quốc, thì nay Lê Thị Thỏn đã ở tuổi cố tuổi bà. Nhưng vì quê hương đất nước, chị đã anh dũng hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi. Mà người chết thì không già. Nghĩa là chị vẫn mãi mãi tuổi 20.

Hãy ngược thời gian tìm về bối cảnh những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, ở làng Liêm Công Tây (xã Vĩnh Hoà - Vĩnh Linh - Quảng Trị) nay là hai làng Hoà Bình và Hiền Dũng có một người con gái nết na hiền thục. Đó chính là Lê Thị Thỏn, người nữ du kích đáng kính của chúng ta. Từ nhi đồng rồi thiếu niên Dân Chủ, Thanh Niên cứu quốc, tháng 6 năm 1945 chưa đầy 19 tuổi chị xin gia nhập phân đội dân quân tự vệ, rồi tiểu đội trưởng, tiểu đội nữ dân quân làng.

Ngày 23/8/1945 chị cùng các đồng chí trong bản chỉ huy quân đội dẫn đầu đoàn biểu tình, gậy gộc giáo mác tiến về Thừa Lương (Cửa Tùng) cướp chính quyền từ tay thực dân phong kiến.

Nhưng hưởng cuộc sống độc lập tự do chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ 2, toan cướp đi thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã tốn không biết bao nhiêu công sức xương máu mới giành được.

Ngày 30/3/1947 Pháp ồ ạt tiến công ra Vĩnh Linh. Thực hiện âm mưu chiếm đất giành dân, chúng lùng sục đốt phá, thẳng tay bắt bớ bắn giết bất cứ ai chống lại chúng, nhằm bình định Vĩnh Linh trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời gấp rút xây dựng một hệ thống đồn bốt tại các vùng công giáo và các trục giao thông huyết mạch trong Huyện. Trong đó có đồn Thuỷ Cần cách Liêm Công Tây hơn 3km, mà tên tuổi Lê Thị Thỏn mãi mãi in đậm vào sử sách Vĩnh Linh với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của chị.

Thuỷ Cần là vị trí có tính chiến lược của Pháp nằm án ngự ở phía đông huyện, che chắn cho vùng công giáo từ Di Long ra An Bằng, An Lễ, khống chế vùng kháng chiến Vĩnh Hoàng, Hồ Xá và tuyến vận tải biển của ta.

Đồn Thuỷ Cần được xây dựng khá kiên cố, có lô cốt tháp canh với hệ thống hầm hào chằng chịt bố trí hoả lực mạnh. Chung quanh đồn, địch rào dây thép gai và tre vót nhọn. Lực lượng đồn trú ở đây thường xuyên có một đại đội cả Pháp lẫn nguỵ. Địch ỷ vào sào huyệt kiên cố, quân đông, súng đạn nhiều, nên khủng bố đàn áp, cướp phá nhân dân quanh vùng rất tàn ác, nợ máu chồng chất.

Vì vậy ban chỉ huy huyện đội quyết định hạ đồn Thuỷ Cần, nhổ đi cái gai, cái ung nhọt, một chướng ngại vật lợi hại.

Thực hiện ý đồ tác chiến đó, bộ đội huyện, cùng du kích các xã khu Đông ngày đêm xiết chặt vòng vây, quấy rối, bắn tỉa. Dùng loa kêu gọi địch quay súng về với nhân dân. Lê Thị Thỏn lúc này 21 tuổi vừa mới cưới chồng vẫn không đêm nào vắng mặt trong đội hình vây đồn. Với tài bắn tỉa thiên nghệ, chị đã dấu mình sau các ụ đất, ngách hầm, lùm cây hướng nòng súng vào các ô cửa, lỗ châu mai, hễ thấy bóng địch là nổ súng. Chỉ riêng chị đã hạ sát và bắn bị thương năm tên.

Lợi dụng đêm tối, ta một mặt bao vây kiềm chế không cho địch đánh ra. Mặt khác bí mật chất rơm chung quanh đồn rồi đang đêm nổi lửa thiêu rụi từng mảng hàng rào tre trong tiếng mõ tiếng trống liên hồi. Tuy nhiên do tương quan lực lượng qúa chênh lệch, bên ta súng đạn ít ỏi thô sơ. Trái lại địch có công sự, lô cốt bê tông vững chắc cộng với hoả lực đủ loại từ lựu đạn, súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên, cối 60, bất cứ lúc nào cũng bắn như vãi đạn về phía đối phương, nên ta không dễ gì tổ chức tấn công hạ đồn ngay được. Vì vậy ta chủ trương bao vây, cầm cự, quấy rối làm cho địch mỏi mệt, mất ngủ mất ăn hao mòn dần lực lượng trước khi tiêu diệt, san phẳng đồn. Đồng thời mọi hướng chi viện cứu nguy đối với chúng đều bị quân ta đào hào đắp lũy, khống chế ngăn chặn làm cho đồn Thuỷ Cần hoàn toàn bị cô lập. Quan quân trong đồn ngày càng hoang mang lo lắng trước nguy cơ nếu không bị chết vì đạn quân ta, thì cũng chết vì thiếu lương thực, thực phẩm và nước uống. Thế là rạng sáng ngày 5/3/1948, địch tập trung hoả lực chế áp, rồi hè nhau xông ra, hồng phá vỡ vòng vây chạy thoát.

Song ta đã dự kiến trước mọi tình huống, nên một thế trận hầm chông, đạn đạp và những giếng sâu lút đầu người được ngụy trang giăng sẵn. Ta chỉ tập trung hoả lực vào một số cứ điểm hiểm yếu. Quân địch đứa trúng hầm chông. Đứa trúng lựu đạn gài hoặc rơi xuống giếng.. Hàng ngũ rối loạn, tiến thoái lưỡng nan. Cuộc chiến đấu mỗi lúc mỗi gay go. Ta với địch giành nhau từng tấc đất, từng đoạn chiến hào. Địch tên chết, tên bị thương. Bên ta cũng tổn thất không ít. Đặc biệt đồng chí Cao Viết Khâm chính trị viên đại đội 153, người chỉ huy tài ba dũng cảm, cũng trúng đạn hy sinh.

Cao Viết Khâm là người cán bộ hết lòng thương yêu chiến sỹ và gắn bó mật thiết với nhân dân. Hàng tháng trời vây lấn, anh đã cùng bộ đội du kích, no đói có nhau. Cùng nằm gai nếm mật trong gian khổ thiếu thốn, trong dầm mưa dãi nắng và rét mướt đạn bom. Do đó tin anh hy sinh đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù cao độ trong hết thảy cán bộ chiến sỹ từ bộ đội đến dân quân du kích vây đồn.

“Hãy chiến đấu đến giọt máu cuối cùng!”, “Hãy trả thù cho anh Cao Viết Khâm!”, “Tinh thần anh Khâm bất tử!”.

Những câu khẩu hiệu bất giác bật ra từ các cổ họng uất nghẹn hờn căm vang khắp trận địa. Từ mọi ngóc ngách chiến hào, bộ đội du kích ào ạt xông lên ném gạch đá, lựu đạn, bắn vỗ mặt vào quân địch. Lê Thị Thỏn lúc chỗ này, lúc chỗ kia, vừa chiến đấu vừa băng bó và dìu thương binh ra tuyến sau. Quân địch hoảng loạn, song trước khi rút lui vào đồn, một tốp lính Pháp đã chộp được chị.

Bắt sống được người nữ du kích Việt Minh trẻ trung xinh đẹp, bọn địch vô cùng mừng rỡ. Chúng ra điều kiện:

- Muốn sống thì phải kêu gọi đồng bào ngoài kia dạt ra, rút khỏi các vị trí vây đồn.

Đưa mắt nhìn bao quát toàn bộ sào huyệt giặc, chị thấy rõ bọn chúng đang như cá nằm trên thớt, nên muốn dùng chị làm con tin, mặc cả với quân ta, đổi lấy sự an toàn cho chúng tháo chạy.

Nghĩ vậy, chị mới làm ra vẻ sợ sệt, ngoan ngoãn đồng ý điều kiện của chúng, rồi cầm loa chúng đưa, cố lấy giọng thật to gọi ra ngoài:

- Các anh các chị ơi, xiết chặt hơn nữa vòng vây! Tiêu diệt hết bọn cướp nước và bán nước!

- Hãy trả thù cho em!

- Việt Nam độc lập muôn năm!

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

- Hồ Chủ tịch...! Tiếng hô của chị bị nghẹn lại bởi bàn tay đầy lông lá của một tên Pháp gần đó nhào tới nắm lấy cổ chị. Chị lấy hết sức bình sinh cắm phập hai hàm răng vào tay tên ác thú. Song, tên Pháp dằng ra được và tung chị như một quả bóng sang cho đồng bọn đứng xung quanh, mà đứa nào đứa nấy hau háu nhìn chị khác nào một bầy quỷ đói.

Suốt bốn ngày ròng rã, chúng thay nhau cưỡng bức rồi xẻo vú cắt tai chị. Ngày 3/8/1948 chị đã anh dũng hy sinh.

Tận mắt chứng kiến tội ác đẫm máu, mất hết tính người của quân Pháp và cái chết bất tử của người nữ du kích Việt Minh trẻ, hai lính nguỵ đồn Thuỷ Cần tỉnh ngộ. Cả hai dùng khăn tay trắng buộc lên nóng súng rồi  ba giờ sáng ngày 4/8/1948 lợi dụng phiên trực, đã bí mật bò ra khỏi đồn về với hàng ngũ ta.

Qua lời kể của hai lính ngụy ra hàng, bộ đội và du kích ta càng hiểu rõ thêm tinh thần bất khuất kiên trung của Lê Thị Thỏn và tình cảnh khốn đốn của quan quân Pháp trong đồn.

Tấm gương hy sinh oanh liệt của người nữ đồng chí thân yêu càng tiếp thêm sức mạnh căm thù quyết không đội trời chung với quân xâm lược của toàn thể lực lượng vây đồn và cả Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh sau đó.

Cuộc chiến đấu với quân địch tại đồn Thuỷ Cần ngày càng quyết liệt. Bọn chúng đứa chết buộc phải chôn ngay cạnh đồn. Đứa bị thương thiếu thuốc men phương tiện cứu chữa, ngày đêm rên la thảm thiết. Mặc dù vậy vòng vây vẫn không ngừng siết chặt.

Vừa vây đồn, ta vừa chặn đánh các cánh quân địch từ Hồ Xá xuống, từ Cửa Tùng lên cứu viện, khiến cho bọn trong đồn cạn kiệt lương thực, thực phẩm. Đến nỗi chúng phải thịt con chó béc rê cuối cùng làm thức ăn rồi lợi dụng lúc ta sơ hở, bất ngờ mở đường máu tháo chạy sau ba tháng cầm cự.

* * *

Tôi về Làng Liêm Công tây quê chị Thỏn vào một ngày đầu mùa đông năm 2006. Những con đường bê tông trải rộng phằng lì chạy giữa các vườn hồ tiêu xanh mướt lá vàng rung rinh những chuỗi hạt non tơ trong ánh nắng nhạt hiếm hoi, càng tăng thêm vẻ đẹp hoành tráng của những ngôi nhà tường xây mái ngói.

Mảnh đất này xưa nghèo lắm. Trong chống Mỹ toàn bộ ngôi làng còn bị bom đạn thiêu rụi hoặc phá huỷ. Nhưng Liêm Công Tây vẫn đứng vững trên tuyến đầu miền Bắc XHCN. Không chỉ cùng với xã bắn rơi ba máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, mà còn chi viện đắc lực kịp thời sức người sức của cho cách mạng miền Nam. Xứng đáng là xã anh hùng LLVTND trong công cuộc chống Mỹ cứu nước... Ngày nay trên vùng đất chịu nhiều hậu quả chiến tranh, dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng về đổi mới kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, người dân Liêm Công Tây đã làm một cuộc đổi đời. Cái đói đã vĩnh viễn lùi xa. Diện nghèo ngày một thu hẹp. Số hộ khá và giàu ngày một nhiều thêm. Hàng chục hộ đã làm được nhà kiên cố, mua được tủ lạnh, ô tô, xe gắn máy, nuôi con ăn học lên cao đẳng, đại học, trên đại học mà nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp với cây đặc sản là hồ tiêu, cao su.

Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tên tuổi của những người con xả thân vì nghĩa lớn, luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ con dân trong làng học tập ngưỡng mộ. Liêm Công Tây nói riêng xã Vĩnh Hoà và huyện Vĩnh Linh nói chung rất tự hào về Lê Thị Thỏn, mà sự hy sinh của chị đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sỹ trong và ngoài huyện. Trong đó có vỡ kịch dài hai màn “Ngọn lửa Thuỷ Cần” của nhà văn Cao Hạnh, mà nhân vật chính trong vỡ, được lấy từ nguyên mẫu liệt sỹ Lê Thị Thỏn.

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh và lịch sử của lực lượng vũ trang Vĩnh Linh cũng dành nhiều dòng trang trọng mô tả hàng động dũng cảm và cái chết oanh liệt của chị trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch ở đồn Thuỷ Cần năm 1948.

Tôi còn được biết Đảng uỷ, UBND, UBMT TQ Việt Nam xã Vĩnh Hoà đã làm thủ tục hồ sơ đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho chị trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Ở cõi vĩnh hằng chắc Lê Thị Thỏn sẽ rất mãn nguyện khi biết rằng cái chết của chị thực sự góp phần gieo mầm cho sự sống, và những thế hệ nối tiếp chị trên quê hương đất nước thân yêu này vẫn mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh to lớn của những anh hùng liệt sỹ như chị.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Hoàng Phủ Ngọc Tường với khúc ruột miền Trung

PHẠM XUÂN DŨNG |

Là một nhà văn, nhà văn hóa đọc nhiều, đi nhiều, nghĩ nhiều nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có không ít tác phẩm viết về các vùng quê nước Việt từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Còn nói riêng với một người con của gió Lào cát trắng thì như một lẽ thường tình, khúc ruột miền Trung đã thành máu thịt trong nhiều sáng tác của ông.

Bài 3: Điểm tựa nơi đầu sóng

Trương Quang Hiệp |

Không chỉ truyền quyết tâm vươn khơi và chung tay giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm tựa nơi đầu sóng. Họ là người tiên phong giúp ngư dân đẩy lùi những suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu và thêm tin yêu Đảng.

Lê Đức Thọ - Một nhân vật lịch sử với những trọng trách lớn

TS Lưu Trần Luân |

Đồng chí Lê Đức Thọ tức Phan Đình Khải sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (sau này là xã Nam Vân, huyện Nam Trực), tỉnh Nam Định (xã Nam Vân nay thuộc thành phố Nam Định), trong một gia đình nhà nho khá giả thời bấy giờ.

Bài 2: Những “cột mốc sống” giữa trùng khơi

Trương Quang Hiệp |

Vừa bám biển đánh bắt hải sản phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác áo lính được ví như những “cột mốc sống” giữa trùng khơi. Họ chính là “tai”, “mắt” của lực lượng chức năng để góp sức giữ yên vùng biển của Tổ quốc.