Những ánh sao trên biển:

Bài 3: Điểm tựa nơi đầu sóng

Trương Quang Hiệp |

Không chỉ truyền quyết tâm vươn khơi và chung tay giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm tựa nơi đầu sóng. Họ là người tiên phong giúp ngư dân đẩy lùi những suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu và thêm tin yêu Đảng.

Nhân lên quyết tâm làm giàu từ nghề biển

Đến khu vực biên giới biển của tỉnh, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy vùng cát trắng khô cằn, đầy nắng và gió năm nào đã nhường chỗ cho những khu dân cư sầm uất. Những cây cầu vượt cửa biển, tuyến đường nối các miền quê được đầu tư, mở rộng, làm xuất hiện thêm nhiều bờ vui. Trong các thôn, xóm, khu phố vùng biển, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Nỗi lo sóng to, gió lớn vơi bớt từ ngày bà con ngư dân vươn khơi trên những chiếc tàu trị giá hàng tỉ đồng.

Từ chạy gạo từng bữa, nhiều ngư dân đã có của ăn, của để, trở thành những “nhà hảo tâm xứ biển”, chung tay làm ngàn việc tốt như: Tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội; truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay vốn không lấy lãi…

Ông Bùi Đình Thủy từng tham gia nhiều vụ cứu nạn tàu, thuyền trên biển - Ảnh: Q.H
Ông Bùi Đình Thủy từng tham gia nhiều vụ cứu nạn tàu, thuyền trên biển - Ảnh: Q.H
Đến giờ, các đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính trên địa bàn vẫn nhớ những ngày gian khó. Bấy giờ, khu vực biên giới biển, đặc biệt là 51 thôn, khu phố giáp biển của tỉnh gần như không có một ngôi nhà xây kiên cố. Phần lớn ngư dân bám biển trên những con thuyền cũ kỹ, thô mộc, không đủ sức chống chọi với phong ba. Vì nghĩ không thể khá lên bằng nghề biển, thanh niên trai tráng ở những miền quê chân sóng phải bươn bả vào Nam để làm cao su, giày da, may mặc… Sau này, khi những vất vả dần vơi, tháng 4/2016, sự cố môi trường biển Formosa lại khiến cuộc sống của hơn 15.000 hộ dân ở 14 xã và 2 thị trấn vùng biển Quảng Trị bị xáo trộn. Cũng từ đây, niềm tin làm giàu từ biển xói lở trong lòng một bộ phận ngư dân.

Thấm nhuần tư tưởng của Đảng, các cán bộ, ngư dân từng khoác màu áo lính đã nỗ lực để thay đổi suy nghĩ của người dân, trước tiên là các thành viên trên tàu. Trong những chuyến bám biển dài ngày, họ luôn chọn thời điểm phù hợp để tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân của Đảng, Nhà nước. Thấy những đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính nói hay, nói đúng, các thuyền viên đều tâm phục, khẩu phục. Từ đây, mỗi buổi sinh hoạt chung trên tàu gần như trở thành một cuộc họp chi bộ trên biển. Trở về từ chuyến vươn khơi, trong cuộc họp giữa thành viên các tổ tự quản, tiếng nói của các đảng viên, ngư dân từng khoác chiếc áo lính lại một lần nữa được khẳng định.

Để tìm lời giải cho bài toán làm giàu từ biển, chính họ đã vận động thành viên các tổ tự quản vay vốn để đóng mới, cải hoán tàu thuyền; chia sẻ thông tin về ngư trường, thị trường; kiến nghị các cấp, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngư dân… Sự vào cuộc của các đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính đã góp phần giúp bà con trên địa bàn vươn khơi cùng niềm tin và trở về với nặng đầy “lộc biển”.

Ở tuổi 72, cựu chiến binh Bùi Đình Sành, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền an toàn Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt thường lấy thành viên tổ tự quản khu phố mình ra để minh chứng cho sự đổi đời của ngư dân nhờ nghề biển. Ngày mới thành lập, phần lớn thành viên trong tổ đều thuộc diện hộ nghèo. Nỗ lực nối nỗ lực, giờ đây, 100% thành viên trong tổ đã có cuộc sống ấm no. Một số gia đình sẵn sàng đầu tư 15 - 20 tỉ đồng để có những chiếc tàu lớn, vững chãi khi chinh phục khơi xa. Ông Sành cho biết: “Tổ tự quản của chúng tôi là một trong những tổ thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Tổ hiện có 15 chiếc tàu trị giá 15 - 20 tỉ đồng. Những chuyến biển thu được 700 - 800 triệu đồng không còn là chuyện xa lạ. Nhờ cuộc sống ấm no hơn nên các thành viên trong tổ có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần; tạo điều kiện cho con em ăn học; mở rộng ngành nghề lao động, sản xuất…”.

Vượt qua “lời nguyền”

Ngoài luôn cho rằng không thể khá lên bằng nghề biển, trước đây, một số ngư dân truyền tai nhau không nên cứu người trên biển. Hành động ấy sẽ khiến “thủy thần” tức giận và tìm cách… trả đũa. Để gieo rắc suy nghĩ này, một số kẻ còn thêu dệt nên những câu chuyện về những ngư dân tốt bụng đã phải thế mạng hoặc tan gia, bại sản vì cứu người.

Để quan niệm “cứu người, đền mạng” không còn in hằn trong suy nghĩ của ngư dân trên địa bàn, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính đã nêu gương bằng cách đi ngược lại “lời nguyền”. Trong số đó, câu chuyện về cha con ông Bùi Đình Thủy vẫn còn được truyền tai nhau ở những vùng quê miền chân sóng. Ông Thủy từng 5 năm gắn bó với quân ngũ, còn con trai có 2 năm. Từ lâu, chuyện cứu người trên biển đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim hai cha con. Ông Thủy chia sẻ: “Tôi nghĩ, không ai có thể tránh được xui rủi khi đi biển. Thế nên, mỗi ngư dân cần đặt mình vào vị trí người gặp nạn. Nếu ai cũng thờ ơ, không dang tay cứu giúp thì mạng sống con người quá rẻ mạt. Hơn 50 năm gắn bó với nghề, giúp được gì cho các ngư dân khác, đặc biệt là người gặp nạn trên biển, tôi cũng cố làm. Trung bình mỗi năm cha con tôi giúp được khoảng 4 tàu gặp nạn”.

Ngư dân Quảng Trị đánh bắt được cá “khủng” trong một chuyến vươn khơi - Ảnh: Q.H
Ngư dân Quảng Trị đánh bắt được cá “khủng” trong một chuyến vươn khơi - Ảnh: Q.H
Sự đi trước nêu gương của các đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính như cha con ông Bùi Đình Thủy đã khiến nhiều ngư dân thay đổi nhận thức, tự tin hơn khi làm việc tốt. Ai cũng vui khi gia đình ông Thủy và những ngư dân dũng cảm cứu người khác không bị “thủy thần” báo oán, ngược lại càng dẻo dai, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt hơn.

Từ đây, những hành động nghĩa hiệp trên biển ngày càng nhân lên, không chỉ hiện diện trong Tổ tự quản tàu thuyền an toàn Thôn 4, xã Gio Hải do ông Thủy làm tổ trưởng mà đã trở thành nét đẹp của ngư dân Quảng Trị. Ý nghĩa hơn, những người con của biển trên địa bàn cứu người không cốt để trả ơn. Họ xem cái bắt tay thật chặt, lời cám ơn từ phía người bị nạn và thân nhân là món quà lớn nhất.

Đến giờ, các đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính và thành viên các tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên địa bàn không thể nhớ hết số lần cứu người trên biển và ở tại quê nhà. Mới đây nhất, trong mùa mưa bão năm trước, các tổ tự quản tàu thuyền ở huyện Gio Linh, Triệu Phong nhận thông tin từ bộ đội biên phòng về việc tàu Vietship 01 bị mất neo, trôi dạt, rồi mắc cạn gần đê kè chắn sóng, cách Cảng Cửa Việt khoảng 400 m. Khu vực này có sóng lớn, dòng nước chảy xoáy, mạnh nên các tàu cứu nạn không thể tiếp cận để cứu nạn, nguy cơ tàu bị lật hoặc vỡ rồi chìm rất cao. Ngay sau đó, 12 thành viên các tổ tự quản tàu thuyền an toàn ở huyện Gio Linh và Triệu Phong đã tham gia tổ cứu nạn. 4 ngư dân giàu kinh nghiệm tình nguyện có mặt để chuẩn bị cơ sở vật chất, lên phương án, hướng dẫn thành viên tổ cứu nạn tham gia nhiệm vụ. Sau 4 ngày, 3 đêm, các thành viên trong tổ đã góp sức cứu nạn thành công 7 thuyền viên của tàu Vietship 01. Ít ai biết, để cứu người, các thành viên trong tổ cứu nạn có lúc đã quên đi chính sự an toàn của mình.

Khát vọng về chi bộ trên biển

Nơi đầu sóng, ngọn gió, các đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính trên địa bàn đã tiên phong làm nên nhiều sự đổi thay trong suy nghĩ, hành động của mọi người. Dẫu vậy, hành trình cống hiến của họ vẫn không ngừng nghỉ và không hề mỏi mệt. Từ thực tiễn, nhiều người đã và đang nuôi khát vọng về những chi bộ trên biển.

Luôn hướng về Đảng nên nhiều năm nay, các đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính luôn trăn trở trước thực trạng “già hóa” đảng viên ở vùng biển. Qua tìm hiểu, họ nhận thấy, thực ra, không phải thanh niên vùng biển không mặn mà với Đảng. Ngược lại, hầu hết họ đều mong muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng để có cơ hội trưởng thành, cống hiến nhiều hơn. Thế nhưng, gắn bó với công việc lênh đênh trên biển nhiều hơn ở nhà, họ khó tham gia và trở thành những nhân tố nổi trội trong hoạt động, phong trào ở địa phương. Ngay cả những đảng viên đi biển cũng phải rất vất vả khi thu xếp thời gian để tham gia các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ.

Trước tình hình ấy, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính đã mạnh dạn đề nghị các cấp ủy đảng ở địa phương linh hoạt trong công tác chọn lựa, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng. Cùng đứng ở đầu sóng, ngọn gió nên họ biết tuy trẻ tuổi nhưng nhiều thanh niên trên địa bàn rất can trường vươn khơi, nỗ lực góp sức bảo vệ chủ quyền; tham gia nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn; miệt mài lao động trên biển… Nếu được lựa chọn, bồi dưỡng, chính những thanh niên gắn bó với biển này sẽ giúp cơ sở đảng ở quê nhà mình thêm vững mạnh, xóa bỏ tình trạng “già hóa” đảng viên. Nhìn xa hơn, khi số lượng đảng viên trên các tàu tăng và vai trò của các “hạt giống đỏ” được phát huy cao độ, sự ra đời, hình thành của chi bộ đảng trên biển chỉ là vấn đề thời gian.

Từng đặt nền móng cho sự ra đời của các tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển và tuyên truyền, vận động ngư dân làm nên nhiều điều ý nghĩa, các đảng viên, ngư dân từng khoác màu áo lính tin rằng, nhiều điều tốt đẹp hơn nữa sẽ ra đời khi các chi bộ đảng trên biển hình thành. Từ đây, những ánh sao trên biển sẽ nhiều thêm và tỏa sáng hơn. Và, để hiện thực hóa khát vọng ấy, các đảng viên, ngư dân khoác màu áo lính tự nhắc nhủ bản thân sẽ tiếp tục vào cuộc bằng cả trái tim mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

"Biển người" đổ về hồ Gươm trong đêm Trung thu

PV |

Đêm 21/9, hàng vạn người dân Hà Nội đổ về khu vực hồ Gươm đi chơi Trung thu, khiến mọi ngả đường hướng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Lê Thái Tổ ùn tắc kéo dài.

Ngư dân thả đồi mồi quý hiếm về biển

Tây Long |

Ngày 21/9/2021, theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ, ngư dân trên địa bàn vừa thả một con đồi mồi quý hiếm về biển.

Bảo vệ môi trường biển: Tình trạng ô nhiễm ở mức đáng báo động

Hoàng Nam |

Chất thải hữu cơ, là rác thải từ hoạt động công nghiệp, đã tác động đáng kể đến môi trường biển nước ta, làm nước biển bị nhiễm độc, suy giảm chất lượng thủy sản và một số loài sinh vật biển khác.

Lời nhắn trong chai thủy tinh lênh đênh trên biển gần 4 thập kỷ

Trần Quyên |

Chai thủy tinh do các học sinh trường trung học Choshi của Nhật Bản thả xuống biển cách đây gần 40 năm, đã được một bé gái phát hiện khi nó trôi dạt vào bờ biển Hawaii.