Đồng chí Lê Đức Thọ tức Phan Đình Khải sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (sau này là xã Nam Vân, huyện Nam Trực), tỉnh Nam Định (xã Nam Vân nay thuộc thành phố Nam Định), trong một gia đình nhà nho khá giả thời bấy giờ.
Cha ông là cụ Phan Đình Quế, một nhà nho mất sớm, mẹ ông là cụ Đinh Thị Hoàng, cơ sở cách mạng tin cậy của đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Bùi Lâm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau này cụ được Nhà nước trao tặng Bằng có công với nước. Đồng chí Lê Đức Thọ có hai người em trai cũng rất nổi tiếng đó là đồng chí Thượng tướng Đinh Đức Thiện (tức Phan Đình Dinh), Đại tướng Mai Chí Thọ (tức Phan Đình Đống).
Đầu năm 1924 khi mới 14 tuổi, Phan Đình Khải được gia đình cho lên thành phố Nam Định học tại Trường tiểu học Juile Ferry tức Trường tiểu học Cửa Bắc. Nam Định là thành phố công nghiệp dệt may lớn nhất nước thời bấy giờ, là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, có tinh thần yêu nước và cách mạng rất sôi nổi. Năm 1925 khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời tại Quảng Châu - Trung Quốc thì ngay sau đó, cấp tỉnh hội đã có mặt ở Nam Định.
Năm 1926, Phan Đình Khải đã tham gia những hoạt động yêu nước và cách mạng đầu tiên, rồi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hoạt động trong Học sinh hội ở Trường Cửa Bắc và Trường tiểu học Avernin.
Tháng 10-1929, được sự dìu dắt, giúp đỡ, giới thiệu của người thầy dạy Nguyễn Văn Tiến, đồng chí Lê Đức Thọ được chính thầy mình kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, và trở thành Bí thư chi bộ học sinh Trường tiểu học tư thục Avernin. Năm 1930, đồng chí về quê Địch Lễ tuyên truyền, vận động thanh niên và những người ruột thịt như Đinh Đức Thiện (Phan Văn Dinh), Phan Đình Tạc, Phan Đình Thiều và Ngô Văn Ngoạn để kết nạp Đảng và thành lập chi bộ Đảng ở đây.
Nhân kỷ niệm 13 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (1917-1930), đêm ngày 6 rạng sáng ngày 7-11-1930, để khuếch trương thanh thế của Đảng mới ra đời từ đầu năm, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Nam Định tổ chức cho các chi bộ nhà máy, trường học, đường phố rải truyền đơn, treo cờ Đảng, gây ra nhiều vụ nổ lớn ở thành phố Nam Định. Lập tức chính quyền thực dân mở chiến dịch đàn áp khốc liệt, bắt 54 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ - một đảng viên trẻ, mới 19 tuổi đời và một năm tuổi Đảng.
Ngày 27-1-1931, chính quyền thực dân đưa những người bị bắt ra xét xử ở Tòa án tỉnh Nam Định và kết án đồng chí tù khổ sai chung thân. Đồng chí làm đơn kháng án cho nên kẻ địch giải đồng chí lên Hà Nội xét xử tại Tòa thượng thẩm và bị kết án 10 năm tù khổ sai đày đi Côn Đảo vào giữa năm 1931. Tại địa ngục trần gian này, đồng chí gặp các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh… cùng chiến đấu với chế độ lao tù hà khắc. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ và Thường vụ chi ủy nhà tù, tổ chức các cuộc đấu tranh của tù nhân, tổ chức học tập về chủ nghĩa cộng sản do Giáo sư đỏ Trần Văn Giàu giảng dạy. Trong hơn 5 năm bị giam cầm ở đây, đồng chí cùng Chi ủy nhà tù quyết định tổ chức vượt ngục để đưa các đồng chí đảng viên cộng sản về đất liền hoạt động thành công. Riêng chuyến vượt ngục của đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và một số đồng chí khác vào cuối năm 1934 bị mất tích trên biển.
Tháng 6-1936, Chính phủ cánh tả của Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, tuyên bố ân xá tù chính trị ở thuộc địa. Trong vòng 4 tháng cuối năm 1936, hơn 500 tù chính trị ở Côn Đảo, một nửa là những nhà cộng sản, được thả tự do, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ.
Trở lại Nam Định vào cuối năm 1936, mặc dù bị chính quyền quản thúc, đồng chí Lê Đức Thọ đã bắt liên lạc được với tổ chức Đảng để lao ngay vào hoạt động và được phân công phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng ở Nam Định và xây dựng các cơ sở bí mật cũng như công khai của Đảng bộ tỉnh.
Trong thời gian này, đồng chí viết cuốn Nhật ký tuyệt thực chín ngày rưỡi được xuất bản công khai cùng với cuốn sách Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình là hai tài liệu được phát hành rộng rãi ở thành phố Nam Định. Đồng chí là người phụ trách đại lý phát hành sách báo công khai của Đảng mang chính tên mình là đại lý Phan Khải, sau đổi thành Tin Tức đặt ở số 2 phố Nhà Thờ, thành phố Nam Định.
Ngày 9-9-1939, cũng chính tại địa chỉ này đồng chí bị mật thám bắt lần thứ hai, kết án 5 năm tù, giam ở Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, đến đầu năm 1940, bị đày lên Sơn La, được bầu làm Chi ủy viên Chi bộ nhà tù, cùng đồng chí Tô Hiệu lãnh đạo cuộc đấu tranh trong lao tù.
Đầu năm 1943, đồng chí bị địch đưa từ Nhà tù Sơn La về giam ở Nhà tù Hòa Bình. Tháng 9-1944, ra tù, đồng chí được ông Mười Hương đón về gặp Thường vụ Trung ương là Tổng Bí thư Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt tại An toàn khu Trung ương ở ngoại thành Hà Nội. Từ giai đoạn này, do yêu cầu của công tác bí mật, đồng chí đổi tên Phan Đình Khải thành Lê Đức Thọ, được Thường vụ Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách công tác tổ chức, huấn luyện cán bộ, cùng các đồng chí Trần Độ, Trần Cư, Trần Quốc Hương trong Đội công tác với những nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có công tác đảm bảo bí mật, an toàn cho ATK Trung ương.
Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương bầu số lượng Ủy viên Trung ương rất ít, thì ngay sau đó các đồng chí Phùng Chí Kiên rồi Hoàng Văn Thụ bị địch bắt và sát hại. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tháng 10-1944, đồng chí Lê Đức Thọ được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Trung ương phụ trách công tác tổ chức - đảng vụ, huấn luyện cán bộ và bảo vệ Trung ương, xây dựng các An toàn khu của Trung ương, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.
Trong hai ngày 14 và 15-8-1945, tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương, còn đồng chí Lê Đức Thọ được chỉ định vào Ban Thường vụ Trung ương. Như vậy đến lúc này Thường vụ Trung ương gồm Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Lê Đức Thọ.
Ngay sau khi Hà Nội Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công (19-8), thì ngày 21-8-1945 đồng chí Lê Đức Thọ cùng Thường vụ Trung ương đã có mặt ở nội thành Hà Nội để chuẩn bị đón Bác Hồ và chuẩn bị cho cuộc mít tinh lớn ra mắt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương phân công phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đào tạo, huấn luyện cán bộ. Trong suốt năm 1946, trên cương vị phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ cùng với Thường vụ Trung ương Đảng thành lập Trung ương Quân ủy và xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng trong quân đội đến cấp tiểu đoàn do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Tổng quân ủy. Đồng chí cũng mở một số lớp huấn luyện cán bộ của Trung ương và trực tiếp giảng dạy về công tác tổ chức - xây dựng Đảng. Trong điều kiện rất khẩn trương khi chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đối mặt với thù trong giặc ngoài hiểm độc, Ban Chấp hành Trung ương không họp được. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương họp hai lần, gửi thư cho Xứ ủy Nam Bộ và ra một loạt chỉ thị để điều hành toàn Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc như Chỉ thị Tình hình và chủ trương (3-3), Chỉ thị hòa để tiến (9-3), Chỉ thị tổ chức kỷ niệm ngày 1-5 (4-4)…
Đặc biệt trong ngày 18 và 19-12-1946, đồng chí Lê Đức Thọ tham dự cuộc họp của Thường vụ Trung ương ở Vạn Phúc, Hà Đông do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì để phát động Toàn quốc kháng chiến. Sau hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, còn Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến.
Thực hiện Nghị quyết hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng ngày 16 và 17-6-1947: “Chuẩn bị một phái đoàn gồm có đại biểu quân sự, hành chính, đoàn thể vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ”, giữa tháng 9-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã cử một phái đoàn lớn gồm 30 cán bộ của Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội vào kiểm tra và chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Đoàn do đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Thường vụ Trung ương dẫn đầu. Trong đoàn có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Thủ tướng - Trưởng phái đoàn Chính phủ; đồng chí Dương Quốc Chính (Thiếu tướng Lê Hiến Mai), Trưởng phái đoàn của Bộ Tổng chỉ huy.
Đoàn mang theo rất nhiều tài liệu của Trung ương, tiền Đông Dương và vàng Trung ương chi viện cho Nam Bộ. Dọc đường từ Việt Bắc vào Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Trung ương làm việc với Khu ủy 3, Khu ủy 4, Khu ủy 5 và một số Tỉnh ủy. Tại Thanh Hóa, đồng chí Lê Đức Thọ tổ chức lễ thụ phong quân hàm Thiếu tướng cho Tư lệnh Quân khu 4 và trao danh thiếp của Bác Hồ như một thông điệp gửi Thiếu tướng Nguyễn Sơn.
Sau 4 tháng hành quân vô cùng gian khổ, đầu năm 1949 phái đoàn vào đến Đồng Tháp Mười - căn cứ kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ và tới tháng 4-1949, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ tổ chức lễ mít tinh lớn chính thức đón phái đoàn của Trung ương. Tại cuộc mít tinh trọng thể này, đồng chí Lê Đức Thọ công bố sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình - Tư lệnh Bộ đội Nam Bộ.
Khi phái đoàn vào Nam Bộ, đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương xin để đồng chí Lê Đức Thọ và toàn bộ phái đoàn của Trung ương ở lại Nam Bộ công tác và được Bác và Trung ương đồng ý. Vì vậy, cuối năm 1949, đồng chí Lê Đức Thọ được bổ sung làm Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp làm Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra - Dân vận Xứ ủy, sát cánh cùng đồng chí Lê Duẩn lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến khi kết thúc cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Lê Duẩn với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ được Đại hội bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Từ ngày 13 đến ngày 16-3-1951, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất, quyết định Thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ để chỉ đạo công tác Nam Bộ và bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Cao Miên. Hội nghị Trung ương cũng chỉ định các đồng chí Ủy viên Trung ương ở Nam Bộ gồm Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp là thành viên của Trung ương Cục.
Tháng 6-1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập, nhưng đồng chí Lê Duẩn chưa ra Bắc, vẫn tiếp tục làm Bí thư, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó bí thư. Tháng 5-1952, khi đồng chí Lê Duẩn rời Nam Bộ ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ thì đồng chí Lê Đức Thọ mới chính thức làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp phụ trách công tác Đảng vụ.
Sau 9 năm chiến đấu lâu dài, gian khổ, sức mạnh của dân tộc hội tụ về Điện Biên để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hoà bình được ký kết. Đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, sông Bến Hải là giới tuyến quân sự tạm thời. Đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam được điều động ra Hà Nội. Đồng chí Lê Duẩn - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phân công ở lại trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Sau khi cùng đồng chí Lê Duẩn sắp xếp tổ chức, phân công người đi tập kết, người ở lại hoạt động bí mật, những ngày đầu năm 1955, đồng chí Lê Đức Thọ lên đường trở lại miền Bắc và được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương.
Ngày 14-6-1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập Ban Quan hệ Bắc - Nam để thực hiện Hiệp định Giơnevơ, về mặt nội bộ Đảng thì gọi là Ban miền Nam, do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban và cuối năm 1955 đồng chí được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Từ giữa năm 1956, Đảng phát hiện ra sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, cử đồng chí Lê Đức Thọ phụ trách công tác sửa sai. Cuối năm 1956, đồng chí Trường Chinh thôi nhiệm Tổng Bí thư, đồng chí Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị. Bộ Chính trị phân công đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay đồng chí Lê Văn Lương vừa từ nhiệm. Và cũng từ tháng 11-1956, đồng chí kiêm chức Hiệu trưởng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương cho đến năm 1961. Cũng trong giai đoạn lịch sử này, đồng chí đã đề xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị điều động đồng chí Lê Duẩn ra Bắc để chuẩn bị làm Tổng Bí thư.
Đầu tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tiếp tục được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Và năm 1966 lại một lần nữa đồng chí kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa dự kiến diễn ra từ mùa Xuân 1968, năm 1967, Bộ Chính trị thành lập một tổ công tác gồm 5 Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về đường lối cách mạng Việt Nam. Vì vậy, cũng thời gian này, đồng chí được chỉ định tham gia Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1967, đồng chí là Trưởng ban Chuyên án đặc biệt “Phá tổ chức chống Đảng, làm tình báo cho nước ngoài”, bắt nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội ở Hà Nội.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam để cùng đồng chí Phạm Hùng và Trung ương Cục cũng như Quân ủy và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam lãnh đạo các cuộc tổng tiến công tiếp theo trong năm 1968.
Choáng váng trước đòn tiến công của quân và dân miền Nam, qua nhiều kênh ngoại giao, nước Mỹ ngỏ ý với Chính phủ ta để đàm phán hoà bình, tìm lối thoát danh dự để rút ra khỏi chiến tranh.
Ngày 22-4-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị sau nhiều tháng chữa bệnh tại Trung Quốc vừa về nước. Người đề nghị Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Lê Đức Thọ đang ở chiến trường miền Nam về Hà Nội để lãnh đạo hai đoàn đàm phán của ta ở Pari.
Ngày 30-5-1968, đồng chí rời Hà Nội đi Pari qua Matxcơva, trực tiếp đàm phán với Henry Kissinger, đại diện Chính phủ Mỹ để giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam. Qua gần 5 năm đàm phán cả bí mật và công khai, ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết tạo ra một bước ngoặt “Mỹ cút, ngụy nhào” vào ngày 30-4-1975 lịch sử. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá: “Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao khổng lồ”. Cũng trong năm 1973, đồng chí đã từ chối nhận giải thưởng Nobel Hoà bình.
Sau khi Hội nghị Pari kết thúc, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban miền Nam của Đảng, đã nỗ lực cao độ để cùng Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Ngày 10-3-1975, ta mở màn Chiến dịch Tây Nguyên bằng đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột giải phóng thị xã then chốt này, làm cho toàn bộ Quân đoàn 2 và Quân khu 2 của địch sụp đổ. Tiếp đó, ngày 21-3 ta mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng xoá sổ Quân đoàn 1 và Quân khu 1 của địch, cùng với Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng hoàn toàn các tỉnh duyên hải miền Trung trong tháng 3-1975. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp quyết định “Giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”.
Sau cuộc họp quan trọng này, được sự đồng ý của đồng chí Lê Duẩn, ngày 28-3-1975, đồng chí Lê Đức Thọ lên đường vào chiến trường. Trong cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm (1945-1975), đây là lần thứ ba, đồng chí Lê Đức Thọ vào Nam Bộ để cùng với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam sớm nhất có thể. Chiều ngày 7-4-1975, đồng chí đã có mặt ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Bắc Tây Ninh. Sáng ngày 8-4-1975, trong cuộc họp của Đoàn Bộ Tổng tư lệnh (Đoàn A75) với Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị trong cuộc họp ngày 25-3 và quyết định của Bộ Chính trị thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính uỷ.
Ngày 30-4-1975, với ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hoà bình, năm cánh quân như năm mũi tên đồng loạt đánh vào nội đô để rồi cùng hội tụ ở điểm hẹn Sài Gòn vào 11 giờ 30 phút, kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm không ngừng nghỉ để giải phóng và thống nhất đất nước.
Ngay trong ngày Sài Gòn được giải phóng, đồng chí Lê Đức Thọ và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường đã có mặt tại Sài Gòn vừa im tiếng súng. Nửa tháng sau, vào giữa tháng 5-1975, tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã họp tổng kết chiến dịch. Ngoài báo cáo tổng kết do Đại tướng Văn Tiến Dũng trình bày thì đồng chí Lê Đức Thọ là diễn giả chính của hội nghị tổng kết chiến dịch.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí được phân công làm Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Miền.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí thay mặt Bộ Chính trị đọc Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công trở lại làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Từ giữa năm 1977 đến tháng 1-1979, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt theo dõi tình hình biên giới phía Tây Nam và giúp cách mạng Campuchia. Đầu tháng 11-1978, thay mặt Bộ Chính trị, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí tiếp các đại biểu của những người Campuchia nổi dậy chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt và cuối tháng này Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia ra đời. Ngày 7-1-1979 khi chế độ Khmer đỏ sụp đổ thì đồng chí đã có mặt ở Phnôm Pênh để chỉ đạo công tác giúp bạn. Ngày 24-8-1979, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban phụ trách công tác K gồm bốn người (Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Nguyễn Côn, Hoàng Thế Thiện) do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban.
Tháng 1-1980, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư phụ trách công tác tổ chức, tuyên huấn và nội chính. Tháng 10-1980 được cử làm hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt, đào tạo cán bộ cho bạn. Tháng 12-1980, đồng chí thôi chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương để tập trung làm Thường trực Ban Bí thư.
Cuối tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí trình bày báo cáo Xây dựng Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Ngày 24-4-1982, Bộ Chính trị họp phân công công tác các đồng chí trong Bộ Chính trị, theo đó đồng chí Lê Đức Thọ thôi làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trưởng đoàn chuyên gia giúp Campuchia, giúp đồng chí Lê Duẩn chủ trì công tác của Ban Bí thư, phụ trách công tác tư tưởng và công tác đối ngoại. Năm 1983, đồng chí được chỉ định làm Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Đảng.
Năm 1986, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Tiểu ban nhân sự Đại hội VI. Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Lê Đức Thọ và các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương để chuyển giao nhiệm vụ cho thế hệ sau, được Đại hội long trọng tuyên dương công trạng và cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 13-10-1990, do bị bệnh hiểm nghèo đồng chí đã qua đời, hưởng thọ 79 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Với 79 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, 64 năm hoạt động cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Đức Thọ là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng chí là người lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, có công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà ngoại giao kiên định, xuất chúng, có những đóng góp lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng. Xuyên suốt cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí chủ yếu làm công tác tổ chức - xây dựng Đảng, có công rất lớn trong việc xây dựng Đảng ta.
Trong Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại tang lễ đồng chí ngày 17-10-1990 đánh giá: “Tấm gương về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm liêm chính và tình thương với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng và toàn dân ta thương yêu kính trọng”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)